100% Ý KIẾN NHẤT TRÍ TRÌNH QUỐC HỘI ĐƯA DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024

12/05/2023

Sáng 12/5, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Tại phiên họp, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp đã thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến việc đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 12/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. 

Trình bày tờ trình xây dựng Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho biết: Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới đã được điều chỉnh cơ bản thành Luật Chuyển đổi giới tính. Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Anh trí đã chỉnh lý lại toàn bộ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, trong đó kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế chuyển đến đại biểu.

Dự thảo Luật quy định 4 nhóm chính sách trọng tâm, bao gồm: Điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực; thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí báo cáo tại phiên họp.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên cho biết: Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất với sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm xác lập cơ chế thực hiện quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 là “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của một nhóm đối tượng trong xã hội về thực hiện chuyển đổi giới tính.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với 4 nhóm chính sách lớn trong đề nghị xây dựng Luật. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 nhưng điều chỉnh thời gian trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, cụ thể trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám, thông qua tại kỳ họp thứ chín.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, tích cực, khẩn trương của đại biểu Quốc hội; cũng như công tác phối hợp chặt chẽ của các Ủy ban của Quốc hội với đại biểu Quốc hội để trong thời gian ngắn hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc đại biểu Quốc hội phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong sáng kiến lập pháp là điều đáng trân trọng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh và đánh giá cao dự án luật của đại biểu Nguyễn Anh Trí, thể hiện tinh thần rất cao đối với Quốc hội, đại biểu cũng rất nghiêm túc, tâm huyết, cầu thị, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp trước, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị làm rõ thêm về cơ sở thực tế để xây dựng luật, nội hàm chuyển đổi giới và có đánh giá tác động về văn hóa, xã hội, tâm lý, tôn giáo ảnh hưởng như thế nào đối với việc chuyển đổi giới tính và chú trọng công tác tuyên truyền.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề nghị đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất, có tính thuyết phục cao khi trình Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, Văn phòng Quốc hội cùng các cơ quan hữu quan sẽ hỗ trợ tối đa để đại biểu Quốc hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự án luật, nếu đại biểu có yêu cầu.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Tại phiên họp, đại diện Bộ Y tế và Bộ Tư pháp khẳng định, Chính phủ nhất trí về sự cần thiết của việc xây dựng luật Chuyển đổi giới tính. Đồng thời ủng hộ đại biểu Nguyễn Anh Trí trình đề nghị xây dựng Luật; cho rằng dự án Luật này sẽ góp phần thể chế hóa quy định của Hiến pháp, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của công dân.

Về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Anh cho rằng hồ sơ về cơ bản đã đảm bảo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đã tiếp thu ý kiến góp ý của các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cũng như các tổ chức có liên quan, đủ điều kiện để được xem xét và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng cũng nhất trí với Ủy ban Pháp luật, để đại biểu Quốc hội có thêm thời gian nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ, đề xuất trình Quốc hội dự án luật vào kỳ 8 và thông qua vào kỳ 9 của Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao đại biểu Quốc hội đã rất khẩn trương, tích cực, nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 22. Chính phủ cũng đã thống nhất với đại biểu Quốc hội, đề nghị Thường vụ Quốc hội giao cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ này và thực hiện quyền của đại biểu Quốc hội trong sáng kiến lập pháp và Chính phủ cam kết chỉ đạo các Bộ phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến băn khoăn, nhất là về vấn đề phạm vi thế nào là chuyển đổi giới tính và thời điểm trình Quốc hội.

Tại phiên họp, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp đã thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến việc đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Pháp luật báo cáo đầy đủ ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu rõ các ý kiến còn băn khoăn về nội dung dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV tới đây./. 

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác