LÀM RÕ CHUYỂN BIẾN NHẬN THỨC, HÀNH ĐỘNG, HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN VÀ TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

12/05/2023

Cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022 tại Phiên họp thứ 23 của UBTVQH, các Ủy viên UBTVQH cho rằng, tình trạng lãng phí còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong quản lý lĩnh vực ngân sách, đầu tư công, mua sắm, quản lý đất đai, lãng phí trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; nội dung trong báo cáo của Chính phủ còn dàn trải, chưa đánh giá rõ về chuyển biến nhận thức, hành động, chưa nêu rõ hạn chế, tồn tại cơ bản, nguyên nhân và trách nhiệm. Đề nghị bổ sung thêm các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh THTK, CLP.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 11/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2022

Toàn cảnh Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chưa có đánh giá, phân tích và sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện và kết quả THTK, CLP

Báo cáo thẩm tra sơ bộ kết quả THTK,CLP năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong THTK, CLP năm 2022. Nhận thức, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương được nâng lên. Số kinh phí đã tiết kiệm được là 53.896 tỷ đồng. Nhiều Bộ, ngành địa phương có số kinh phí tiết kiệm cao như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Dương…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, lãng phí. Theo đó, Báo cáo mới chỉ trình bày theo hướng liệt kê các kết quả đạt được mà chưa có đánh giá, phân tích và mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện và kết quả THTK, CLP với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Những tồn tại, hạn chế, bất cập trong báo cáo chưa tương xứng với nội dung về kết quả đạt được; thiếu số liệu chi tiết để đánh giá đầy đủ, chính xác về phạm vi, tính chất, mức độ và nguyên nhân những tồn tại, hạn chế. Đây cũng là tồn tại, hạn chế của các bộ, ngành địa phương và chưa khắc phục được những tồn tại, hạn chế đã được Quốc hội, đại biểu Quốc hội chỉ ra tại các kỳ báo cáo... 

Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành, đến Kỳ họp thứ 5 Chính phủ vẫn trình Quốc hội phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Còn 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh

Mặc dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội song kết quả còn hạn chế nhất là trong phân bổ vốn, dẫn đến lãng phí do nguồn lực không được sử dụng. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ còn bất cập, kết quả không đạt như dự kiến, đến 31/12/2022, tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ chỉ đạt hơn 78,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 26% tổng số vốn),

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh nêu rõ, lãng phí trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) được chỉ ra tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Ủy ban Tài chính, Ngân sách năm 2021 chưa được khắc phục, việc triển khai rất chậm, nhiều hạn chế, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình.

Ngoài ra, Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ kết quả thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội. Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 chậm, chưa quyết liệt. Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tuy đã xác định rõ các nhiệm vụ cần phải triển khai, nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn do số lượng dự án được nêu trong Nghị quyết là khá lớn. Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ tiếp tục giám sát, đôn đốc và có báo cáo tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Phân tích rõ các hạn chế, tồn tại cơ bản, nguyên nhân và trách nhiệm

Phát biểu tại Phiên họp về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Báo cáo cần đánh giá rõ những ưu điểm nổi bật, cần thiết phải có biểu dương những nơi làm tốt, những nơi có chuyển biến. “Chúng ta thấy rằng đánh giá của nghị quyết giám sát đã chuyển biến cả nhận thức, hành động trong quá trình triển khai chuyên đề giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bây giờ ta đưa vào đây đánh giá xem chuyển biến nhận thức gì, chuyển biến hành động gì của Chính phủ, của các bộ, ngành, của các địa phương và chính từ chuyển biến nhận thức, hành động đó thì kết quả thực hiện Nghị quyết 63/2022/QH và Nghị quyết 74/2022/QH15 như thế nào, kể cả về ưu điểm nổi bật, những nơi làm tốt”, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm. Báo cáo cần ngắn gọn những ưu điểm nổi bật trên 9 nội dung theo luật, trong đó tập trung 7 nội dung.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Đồng thời Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nêu và phân tích rõ các hạn chế, tồn tại cơ bản, nguyên nhân và trách nhiệm, trong đó những hạn chế, tồn tại cơ bản về việc thực hiện các kiến nghị của Nghị quyết 63/2022/QH15 và Nghị quyết 74/2022/QH15. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết 63/2022/QH15, Nghị quyết 74/2022/QH15 nêu rất rõ các kiến nghị và giao cho Chính phủ rất nhiều nội dung, quy định rõ thời hạn khắc phục và như Ủy ban Tài chính thẩm tra là có nhiều nội dung đề nghị phải làm ngay trong 6 tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý rà lại 2 Nghị quyết này, chỉ rõ cái gì làm được, cái gì chưa được thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của các bộ, ngành, của các địa phương như thế nào. Trong Nghị quyết 74/2022/QH15 nêu rõ, đề nghị Chính phủ phải xây dựng kế hoạch cuối năm 2022 và đầu năm 2023, đó là rà soát, tổng hợp, đánh giá lại việc tiết kiệm, chống lãng phí, triển khai một số công việc cụ thể như phát động cuộc vận động và phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều nội dung khác tổng hợp lại, tất cả những dự án thất thoát. Bên cạnh đó, cần phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành thế nào. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, hiện Chính phủ chưa có kế hoạch để khắc phục những nội dung như trong Nghị quyết 74/2022/QH15 đã chỉ ra.

Bổ sung thêm các giải pháp cụ thể đẩy mạnh THTK,CLP

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực như trong báo cáo; việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2022, Quốc hội có giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và ban hành 2 Nghị quyết (Nghị quyết 63/2022/QH15 và Nghị quyết 74/2022/QH15).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn 

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc lãng phí, tình trạng lãng phí còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong quản lý lĩnh vực ngân sách, đầu tư công, mua sắm, quản lý đất đai, tài sản công, nhất là gần đây thủ tục hành chính của các bộ, ngành, các địa phương.

Về báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần nghiên cứu thời điểm báo cáo với 2 nội dung Nghị quyết về giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã gợi ý, căn cứ vào các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cũng như phải đảm bảo thực hiện theo Kết luận của Bộ Chính trị về kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, Báo cáo của Chính phủ rất dài, nội dung còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đánh giá rõ về chuyển biến nhận thức, hành động, chưa nêu rõ hạn chế, tồn tại cơ bản, nguyên nhân và trách nhiệm, nhất là trong việc giải ngân vốn đầu tư công triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các quy định, hướng dẫn, cơ chế để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 như Chính phủ đã nêu và Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã đề nghị bổ sung thêm về các giải pháp. Trong đó, yêu cầu cụ thể hơn giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh ở các bộ, ngành và các địa phương, mua sắm, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hóa. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn thiếu, khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách. Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, biên chế của các cơ quan, nhà nước, tiết kiệm chi và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện báo cáo, Ủy ban Tài chính, Ngân sách chính thức thẩm tra trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác