Cần xác định rõ thứ tự ưu tiên trong kế hoạch phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016- 2020

21/02/2017

Chiều 21/2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 7, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên họp                              Ảnh: Đình Nam

Trình bày Báo cáo về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016- 2020 là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 1.120 nghìn tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 880 nghìn tỷ đồng. Trong tổng số vốn nêu trên, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định 85.000 tỷ đồng đầu tư các dự án quan trọng quốc gia; 72.817 tỷ đồng cho 02 chương trình mục tiêu quốc gia; dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn gồm: dự phòng chung 10% theo từng nguồn vốn; các bộ, ngành trung ương và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn được phân bổ kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn.

Báo cáo cũng cho biết, về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016- 2020 phải bảo đảm phục vụ tốt nhất việc thực hiện phát triển kinh tế xã hội 5 năm, phải bố trí đủ vốn đề thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản vốn đối ứng trước để huy động được tối đa các nguồn lực và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư; việc phân bổ vốn bảo đảm công khai, minh bạch; tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết , danh mục Chính phủ trình cơ bản đã được tổng hợp trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, thể hiện khá chi tiết danh mục dự án cũng như phương án phân bổ vốn cho từng công trình ,dự án. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa gửi báo cáo, phân bổ vốn chưa đúng quy định, dẫn đến tình trạng danh mục được tổng hợp chưa thực sự đầy đủ, không cùng mặt bằng số liệu, chưa bảo đảm căn cứ đầy đủ để Chính phủ đưa ra nhận định, đánh giá về tỷ lệ vốn bố trí đúng quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Phiên họp

Về thanh toán nợ đọng và thu hồi vốn ứng trước, Ủy ban thẩm tra nhận thấy, nợ đọng xây dựng cơ bản về cơ bản đã được bố trí đủ nguồn để thanh toán theo quy định  và các bộ, ngành địa phương đã bố trí 50.516,413 tỷ đồng/79.499,613 tỷ đồng vốn ứng trước phải thu hồi. Tuy nhiên, Tờ trình, phụ lục chưa báo cáo rõ số vốn ứng trước tối thiểu phải thu hồi của các bộ, ngành dẫn đến chưa bảo đảm đầy đủ căn cứ, số liệu để so sánh, đánh giá mức độ tuân thủ của các bộ, ngành trong việc chấp hành thứ tự ưu tiên trong bố trí nguồn để thu hồi vốn ứng trước.

Về cam kết bố trí phần vốn còn thiếu, trong bối cảnh nguồn vốn hạn chế, việc bố trí vốn dàn trải như phương án Chính phủ trình sẽ dẫn đến kéo dài tình trạng dự án dở dang, giảm hiệu quả đầu tư, gây áp lực cho cân đối vốn giai đoạn sau, Ủy ban thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, bố trí vốn tập trung, kiên quyết không bố trí vốn cho dự án khởi công mới trong trường hợp chưa bố trí đủ vốn để trả nợ, hoàn ứng và chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn để hoàn thành dự án chuyển tiếp.

Về phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban thẩm tra thống nhất với đề xuất của Chính phủ, trình Uỷ ban thường vụ giao tổng mức vốn cho địa phương và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, một trong những nhiệm vụ của cải cách tư pháp là đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất làm việc cho các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp đến nay vẫn chưa được đầu tư một cách đầy đủ, đặc biệt là các tòa án cấp huyện. Không chỉ thiếu các tòa mà nơi làm việc của cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ xuống cấp trầm trọng nhưng cũng chưa được đầu tư. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga đề nghị trong danh mục dự án đầu tư vốn ngân sách, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở làm việc cho các cơ quan tư pháp để đảm bảo điều kiện làm việc một cách tốt nhất cho các cơ quan này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, cần có một ý tưởng lớn trong việc lập ra kế hoạch đầu tư cho 5 năm sắp tới. Ý tưởng đó phải trả lời được các câu hỏi: trọng tâm đầu tư của ta là gì? tỷ lệ phần trăm đầu tư trung hạn cho từng mảng cụ thể như an ninh- quốc phòng, khoa học- công nghệ, y tế- giáo dục là bao nhiêu? số vốn đầu tư cần được phân bổ như thế nào cho cụ thể và đạt kết quả cao nhất?

Cho ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, kế hoạch đầu tư giai đoạn này khác với những lần trước, trước đây chúng ta chỉ quyết định kế hoạch đầu tư hàng năm, bây giờ chúng ta có phương án phân bổ chi tiết cho kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm. Do đó, đây là vấn đề phức tạp. Việc phân bổ ngân sách vẫn phải bám sát vào Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội để xác định nguyên tắc, tiêu chí, thủ tục quyết định các dự án đầu tư cho 5 năm tới đây. Phó chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, trên thực tế vẫn chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư kém hiệu quả. Vậy kế hoạch phân bổ vốn ngân sách nhà nước đầu tư trung hạn 5 năm lần này có thể khắc phục được việc đầu tư dàn chải, chậm tiến độ đầu tư không? Từ đó, Phó Chủ tịch cũng đề nghị, trước tiên phải ưu tiên vốn cho các các công trình nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn đối ứng trước, ưu tiên bố trí vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA, các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, các dự án đã được phê duyệt và đang chuyển tiếp, còn lại bao nhiêu thì mới phân bổ cho các chương trình đầu tư mới theo Luật Đầu tư công.

Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, bên cạnh việc xác định thứ tự ưu tiên phân bổ vốn ngân sách, kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016- 2020 phải chú trọng công tác xây dựng kế hoạch cụ thể cho các công trình chuẩn bị đầu tư trên cơ sở nguyên tắc công khai, minh bạch.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý đối với với các dự án của các bộ, ngành, địa phương đã tuân thủ đúng quy định trong phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016- 2020; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công để tránh việc đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; giao Ủy ban Tài chính Ngân sách phối hợp giám sát việc thực hiện phân bổ chi tiết vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016- 2020.

Hồ Hương