Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý ngoại thương

20/03/2017

Chiều 20/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý ngoại thương.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra Luật quản lý ngoại thương

Trình bày Báo cáo Một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý ngoại thương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật này. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 8 Chương và 117 điều, trong đó thêm hai điều, gộp hai điều thành một điều và bổ sung một số điểm, khoản và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, đa số ý kiến đề nghị quy định về thẩm quyền của Bộ Công thương theo hướng minh bạch, có cơ chế kiểm soát, giám sát; rà soát quy định trách nhiệm của Bộ Công thương để đảm bảo không trái với quy định về chức năng, nhiệm vụ của bộ. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý các nội dung này tại Điều 7 của dự thảo Luật theo hướng quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Công thương chủ trì, chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong thực hiện quản lý nhà nước về ngoại thương; quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền; quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương và làm rõ việc phân cấp cho chính quyền địa phương liên quan đến một số lĩnh vực như quy định về cơ chế điều hành hoạt động thương mại biên giới (Điều 55), về phát triển ngoại thương (Chương VI).

Về hành vi bị cấm trong quản lý ngoại thương, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung một điều mới quy định hành vi bị cấm trong quản lý ngoại thương theo ý kiến đề nghị bổ sung điều cấm trong hoạt động ngoại thương nhằm tạo cơ sở pháp lý để giải quyết vi phạm liên quan đến nhiều chủ thể.

Về chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, điều kiện áp dụng việc chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, nội dung này cần được tổng hợp trên cơ sở ý kiến của các bộ quản lý chuyên ngành. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung một điều mới quy định nguyên tắc áp dụng chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 25); quy định Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan quyết định, công bố hàng hóa và cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tương ứng. Việc chỉ định cửa khẩu phải đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

Về quản lý theo giấy phép, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu, một số ý kiến đề nghị quy định các tiêu chí cụ thể về cấp giấy phép, tiêu chí xác định mặt hàng quản lý theo giấy phép, tổ chức được cấp phép và số lượng hàng hóa được cấp phép theo hướng tạo thông thoáng, công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý nguyên tắc cấp giấy phép tại Điều 30 của dự thảo Luật, bảo đảm tuân thủ các cam kết quốc tế, công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan quản lý nhà nước và của thương nhân.

Về quản lý hoạt động ngoại thương đối với các nước có chung đường biên giới, có ý kiến đề nghị quy định hoạt động thương mại biên giới được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Trường hợp thương mại biên giới được thực hiện qua các cửa khẩu, địa điểm khác phải đảm bảo các điều kiện chịu sự giám sát, quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, quy định tại khoản 1 Điều 55 của dự thảo Luật về cơ chế điều hành hoạt động thương mại biên giới tại cửa khẩu đất liền.

Về biện pháp phòng vệ thương mại, có ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện áp dụng chống bán phá giá, chống trợ cấp là ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung tại Điều 81 và Điều 89 của dự thảo Luật.

Về các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển ngoại thương trong dự án Luật. Cần phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương để thúc đẩy xúc tiến thương mại. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung một khoản mới quy định các hoạt động phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại (khoản 2 Điều 108), trong đó quy định các hoạt động xúc tiến thương mại của chính quyền địa phương (điểm b khoản 2 Điều 108).

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp 

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí cao với Báo cáo Một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý ngoại thương của Ủy ban Kinh tế; đánh giá dự thảo lần này có sự tiếp thu khá đầy đủ và chi tiết, đáp ứng được hầu hết các kiến nghị, góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt và nhiều thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo Luật lần này tiếp thu chỉnh lý rất tốt, nếu luật này đi vào thực tiễn thì chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ vì các quy định đã khá rõ ràng, không rườm rà phức tạp. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần rà soát lại để cụ thể hơn một số quy định về phí đường bộ, phí bến bãi, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ quy định về phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại, đề nghị nói rõ hơn, bổ sung thêm quy định xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị rà soát lại các quy định trong luật và các Luật khác có liên quan đề tránh sự mâu thuẫn trong các quy định của dự thảo Luật.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Tuy nhiên, với tinh thần thận trọng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo thống nhất cao với các Luật hiện hành như Luật hải quan, Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu… để tránh mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lắp. Luật vẫn còn những xung đột ngôn từ chưa rõ, chưa sát cần phải rà soát lại như điều 76, điều 86, điều 113… trong dự thảo Luật.

Các quy định về chính sách biên mậu điều 54 và 55 dự thảo Luật khá mở tạo quyền cho chính quyền linh hoạt xử lý, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần có sự thống nhất trong thực hiện, tránh xử lý lúc lỏng quá, lúc chặt quá gây khó khăn cho doanh nghiệp, phải thực hiện nghiêm và đúng theo luật thuế và luật phí, lệ phí.

Đặng Mai