Bảo đảm tính khả thi của các quy định về bảo vệ người tố cáo

14/03/2017

Sáng 14/3, tại phiên họp thứ 8, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Đây là dự án Luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật được Ủy ban thường vụ Quốc hội quan tâm là về tố cáo nặc danh và bảo vệ người tố cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp

Không hoàn toàn bỏ qua thông tin từ các tố cáo nặc danh

Về nội dung tố cáo nặc danh, theo Tờ trình Chính phủ, hiện nay còn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng quy định của Đảng và Luật tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa người tố cáo. Trong những năm qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vì vậy, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo.

Loại ý kiến thứ hai cho thấy, thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình. Chính phủ cho rằng loại ý kiến thứ nhất là phù hợp nên trong dự thảo Luật chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh.

Phát biểu ý kiến tai phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, hiện nay cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đồng bộ, chưa quy định rõ trách nhiệm nhiệm của người đứng đầu, không có cơ chế minh bạch bảo đảm cho người tố cáo đối với người giải quyết tố cáo nên nếu giải quyết cả đơn thư nặc danh thì sẽ rất hỗn loạn. Việc xem xét xử lý đơn thư tố cáo nặc danh sẽ là kẽ hở để cán bộ xử lý tố cáo lợi dụng vi phạm. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cần xử lý nghiêm các trường hợp dựng chuyện tố cáo kéo dài, đồng thời giám sát chặt chẽ người tiếp nhận xử lý tố cáo, người bị tố cáo, người tố cáo để các đối tượng này tuân thủ các quy định của pháp luật, để luật thực sự đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình lại cho rằng trong điều kiện xã hội hiện nay không phải ai cũng mạnh dạn đứng ra tố cáo hành vi vi phạm, nhất là tố cáo hành vi vi phạm của cấp trên. Nếu hoàn toàn bỏ qua các đơn tố cáo nặc danh thì sẽ bỏ sót nhiều thông tin. Vì vậy, đối với các tố cáo nặc danh nhưng có đầy đủ chứng cứ, bằng chứng, hình ảnh thì cần xem xét tiếp nhận, xử lý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo một số nội dung của dự án Luật tố cáo (sửa đổi)

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại phiên họp về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, về nguyên tắc sẽ không xem xét giải quyết các tố cáo nặc danh. Tuy nhiên, đối với tố cáo nặc danh mà có nội dung thông tin, địa chỉ cụ thể, rõ ràng thì cần phải chú ý trong công tác thanh tra, kiểm tra để tăng cường quản lý lãnh đạo, nâng cao trách nhiệm quản lý của người đứng đầu tại các cơ quan có thẩm quyền.

Bảo đảm tính khả thi của các quy định về bảo vệ người tố cáo 

Dự thảo Luật lần này đã bổ sung một chương về bảo vệ người tố cáo quy định bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo trong quá trình tiếp nhận giải quyết tố cáo; trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo trong trường hợp họ là cán bộ, công chức, viên chức và trong trường hợp họ là người làm việc theo hợp đồng lao động mà không phải là viên chức.

Về vấn đề này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng Ban soạn thảo đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc nghiên cứu bổ sung các quy định về bảo vệ người tố cáo, đây là nội dung mới. Tuy nhiên, nội dung này trong dự thảo Luật còn chung chung; chưa xác định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ; chưa quy định về các biện pháp bảo vệ, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ; chưa đánh giá tác động của quy định này về ngân sách và nguồn nhân lực để thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định… Do đó, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể, đầy đủ các nội dung nêu trên bảo đảm tính khả thi, đáp ứng mục đích sửa đổi Luật tố cáo như tinh thần Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 15/12/2015 của Bộ Chính trị

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp

Khẳng định sự cần thiết quy định về việc bảo vệ người tố cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý dự thảo Luật cần quy đinh rõ trách nhiệm của từng chủ thể, cơ quan trong việc tiếp nhận, xử lý tố cáo, trách nhiệm phối hợp bảo đảm thông tin về người tố cáo không bị tiết lộ ra bên ngoài.

Cũng cho rằng quy định về bảo vệ trong dự thảo Luật còn chung chung, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu dự thảo chưa xác định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ; chưa quy định vê các biện pháp bảo vệ, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo....Tổng thư ký Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể, đầy đủ các nội dung này để đảm bảo tính khả thi.

Bảo Yến