• Phiên họp thứ 48
  • Phiên họp thứ 4
  • Quốc hội khóa XIII
  • Bế mạc Phiên họp thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV

    21/03/2017

    Chiều 21/3, tại Phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 8 sau 6 ngày làm việc.

    Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau 6 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, Phiên họp thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã hoàn thành các nội dung đề ra.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp

    Thứ nhất, ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án luật: Luật quy hoạch và Luật quản lý ngoại thương. Đối với Luật quản lý ngoại thương, đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3.

    Đối với Luật quy hoạch, do còn nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới và sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 4 để cho ý kiến một lần nữa, trước khi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và báo cáo ra Quốc hội.

    Thứ hai, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của 3 dự thảo luật: Luật du lịch (sửa đổi), Luật đường sắt (sửa đổi), Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Đề nghị các Ủy ban chủ trì thẩm tra các dự án luật nói trên cùng với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh một bước các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trước ngày khai mạc của Quốc hội theo quy định là 20 ngày.

    Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 4 dự án luật trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 3 gồm Luật thủy sản (sửa đổi), Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Luật quản lý nợ công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan để nghiên cứu đầy đủ, tiếp thu ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện đầy đủ hồ sơ các dự án luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ ba.

    Thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về hình thức giám sát và phản biện xã hội. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp thu ý kiến tại phiên họp và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 9 vào tháng 4 tới.

    Thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công an của Chính phủ để tiếp thu, nghiên cứu ý kiến tại phiên họp. Ủy ban sẽ chuẩn bị một văn bản để thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi Chính phủ để làm cơ sở cho Chính phủ ban hành nghị định này.

    Thứ sáu,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế. Việc này Ủy ban Pháp luật sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Chính phủ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện và ban hành theo đúng quy định.

    Thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề án tự chủ của Viện nghiên cứu lập pháp. Đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Viện nghiên cứu lập pháp tiếp thu ý kiến để hoàn thiện đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp sau.

    Thứ tám, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua hai nghị quyết, đó là Nghị quyết quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và Nghị quyết quy định bổ sung một số chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội. Đề nghị Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội, Ban Công tác đại biểu và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện các dự thảo nghị quyết trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

    Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay sau phiên họp này, các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội khẩn trương chỉ đạo những công việc của phạm vi lĩnh vực mình theo đúng kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội và đồng thời tích cực chuẩn bị những nội dung cho chương trình phiên họp thứ 9 sẽ diễn ra vào tháng 4. Đặc biệt các ủy ban có các dự thảo luật sẽ báo cáo trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách vào đầu tháng 4 phải vào cuộc ngay để rà soát lại tất cả những văn bản để báo cáo tại hội nghị đại biểu chuyên trách này để nâng cao chất lượng của các dự thảo luật còn nhiều ý kiến khác nhau sẽ trình ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3 tới.

     

    Đặng Mai