• Quốc hội khóa XV
  • Quốc hội khóa XIV
  • Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X
  • 2099 KIẾN NGHỊ CỬ TRI ĐƯỢC BAN DÂN NGUYỆN CHUYỂN ĐẾN CƠ QUAN TỔ CHỨC CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT

    15/05/2018

    Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 24, sáng 15/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4

    Trình bày báo cáo của Ban Dân nguyện, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri, các kiến nghị đã được Ban Dân nguyện chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

    Tiếp tục kiến nghị Quốc hội tập trung giám sát những vấn đề bức xúc trong xã hội

    Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong số các kiến nghị của cử tri có 72/2.099 kiến nghị về hoạt động của Quốc hội (chiếm 3,43% tổng số kiến nghị cử tri), giảm 67 kiến nghị so với kỳ họp trước. Cử tri tiếp tục kiến nghị cần nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh; nâng cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị dự thảo luật trình Quốc hội; ngoài ra, cử tri TP. Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh,... còn đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành một số luật như Dân số, Nhà giáo, Cấp nước,…, xem xét, sửa đổi Luật Đất đai, các luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng; cử tri Tây Ninh kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân.

    Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo

    Bên cạnh việc góp ý về các dự án luật cụ thể gắn với chương trình hoạt động lập pháp của Quốc hội thì cử tri TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Định, Sóc Trăng,... tiếp tục kiến nghị Quốc hội tập trung giám sát những vấn đề bức xúc trong xã hội, như: công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tình hình nợ công, bội chi ngân sách nhà nước; tiến độ thực hiện và chất lượng các công trình, dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư; an toàn thực phẩm; quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản; hoạt động điều tra, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng;... Đặc biệt, cử tri An Giang kiến nghị cần quan tâm, giám sát chặt chẽ hơn việc ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng luật, việc triển khai thực hiện dự án sân bay quốc tế Long Thành; cử tri Lâm Đồng đề nghị trong các Nghị quyết giám sát cần xác định rõ thời hạn giải quyết, trả lời các kiến nghị sau giám sát, có chế tài cụ thể đối với các cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị giám sát.

    95% kiến nghị cử tri liên quan đến hoạt động của Chính phủ

    Có 1.993 kiến nghị của cử tri có nội dung về công tác điều hành của Chính phủ, chiếm 95% tổng số kiến nghị cử tri, giảm 291 kiến nghị so với kỳ trước.

    Các đại biểu, khách mời tham dự phiên họp

    Báo cáo của Ban Dân nguyện cho thấy, cử tri nhiều địa phương tiếp tục bày to lo lắng về tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, một số chính sách, giải pháp chưa phù hợp thực tế, chậm đi vào cuộc sống. Qua đó tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông dân; tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, có chính sách bảo hiểm nông nghiệp; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ ngăn chặn tình trạng tạm nhập, tái xuất sản phẩm nông nghiệp, khắc phục triệt để tình trạng nông sản, thực phẩm mất giá khiến xã hội phải “giải cứu” như thời gian qua đối với thịt heo, su hào, dưa hấu, củ cải,...

    Về giải quyết việc làm, an sinh xã hội, cử tri tiếp tục kiến nghị về chính sách đối với người có công, điều chỉnh lương hưu; tăng cường quản lý doanh nghiệp đưa người đi lao động nước ngoài; kiểm tra, xử lý trình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội,... Khẩn trương thanh tra, kiểm tra, có giải pháp để xử lý các doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trên tuổi 35, nhất là lao động nữ; xem xét, giải quyết chênh lệch mức lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau 01/01/2018 theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội,...

    Về tài nguyên và môi trường, cử tri kiến nghị cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực môi trường; đặc biệt, đầu tư các dự án về xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, làng nghề; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản… Đặc biệt, cử tri Hà Nam bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra trên các tuyến sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu Giang chưa được xử lý kịp thời, hiệu quả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân.

    Đặc biệt, cử tri tiếp tục phản ánh công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều nơi còn chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, hiện tượng người đứng đầu UBND các cấp không tiếp công dân định kỳ nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý kịp thời, dẫn tới việc coi nhẹ nhiệm vụ tiếp công dân, không kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư nguyện vọng của người dân nên tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài diễn biến theo chiều hướng gia tăng; việc xử lý các cán bộ sai phạm (được phát hiện qua khiếu nại, tố cáo của công dân) vẫn còn có dấu hiệu ngại va chạm, nể nang, né tránh, ít cán bộ bị xử lý kỷ luật (chủ yếu là rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ còn chiếm tỷ lệ lớn như tại Đăk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hải Phòng, Thái Nguyên.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận 

    Ngoài ra các kiến nghị của cử tri trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân hàng, sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường, giao thông vận tải, xây dựng, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố, cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng được Ban Dân nguyện tổng hợp, phản ánh đầy đủ.

    Bên cạnh các kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ cũng có 23/2.099 kiến nghị đối với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao: (chiếm 1,1% tổng số KNCT) liên quan đến việc cần kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành đối với Bộ luật: Hình sự, Dân sự, Tố tụng Hình sự, Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng Hành chính; giải quyết những vụ án liên quan đến nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội; xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; xem xét đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án kinh tế, khắc phục tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần; nâng cao chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức Tòa án./.

    Bảo Yến - Đức Phương