ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT GIẢI QUYẾT TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỬ TRI GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 4

15/05/2018

Sáng 15/5, tại Nhà Quốc hội, theo chương trình phiên họp thứ 24, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri

Phần lớn kiến nghị được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri

Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV của Ban Dân nguyện, trong tổng số 1.993 kiến nghị mà cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ có: 1.474 kiến nghị (chiếm 73,96%) được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri; 162 kiến nghị (chiếm 8,13%) đã được tiếp thu, giải quyết xong; còn 357 kiến nghị (chiếm 17,91%) đang được nghiên cứu để giải quyết.

Báo cáo nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời cử tri về các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển thị trường, tiêu thụ nông sản; đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời cử tri về: chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, người cao tuổi; điều chỉnh lương hưu; xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn hồ sơ gốc; tỷ lệ giảm khả năng lao động; mức chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Các bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin- Truyền thông trả lời cử tri các quy định về: bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; quản lý kinh doanh trò chơi điện tử; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chính sách bảo hiểm y tế; về đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu; đấu thầu thuốc; thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ,...Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan đã trả lời cử tri về quy định doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị liên quan tham gia chương trình bình ổn thị trường; kiểm soát hoạt động nhập khẩu; phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại...

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, trong số các kiến nghị của Chính phủ, bộ ngành có 1.474 kiến nghị, chiếm 73,96%, gần 74% được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri là điều rất đáng quan tâm. Điều này nói lên việc cử tri, nhân dân rất thiếu thông tin. Công tác thông tin, tuyên truyền của cả hệ thống, các bộ, ngành, địa phương, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong việc tuyên truyền, đưa thông tin, đường lối, chủ trương, chính sách đến cử tri và người dân còn hạn chế.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Ban Dân nguyện, các bộ, ngành phân tích rõ thêm về thực trạng này. Nếu đúng thực trạng công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, đến cử tri còn rất hạn chế thì đề nghị trong nhận định, đánh giá Ban Dân nguyện nên bổ sung thêm thực trạng và trong kiến nghị giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, đại biểu dân cử để tình trạng cử tri thiếu thông tin chủ trương, chính sách, đường lối.

Có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt trong công tác giải quyết kiến nghị của cử tri

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng đánh giá, với sự nỗ lực cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành trong giải quyết các kiến nghị, phản ánh của của cử tri về công tác điều hành của Chính phủ, từ đó đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc mà người dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang gặp phải, tạo môi trường thông thoáng hơn trong sản xuất, đầu tư và kinh doanh; góp phần tích cực vào những kết quả chung trong tăng trưởng kinh tế - xã hội thời gian qua. 

Công tác giải quyết kiến nghị của Chính phủ, các Bộ, ngành đã được 59/59 Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao, tất cả các ý kiến nhận xét đều cho rằng đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết những vấn đề mà cử tri phản ánh cũng như nội dung, số lượng các văn bản trả lời bảo đảm kịp thời, đầy đủ.

Một điểm nhấn trong công tác giải quyết kiến nghị của các bộ, ngành đó là 83,5% (298/357) các kiến nghị chưa thể giải quyết được ngay đều đã được các bộ, ngành xây dựng lộ trình để giải quyết (tăng 4 lần so với kỳ trước). Điều này được các Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá là nỗ lực lớn, rất đáng ghi nhận, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho người dân trong đời sống, sản xuất, kinh doanh,... thể hiện đúng là một Chính phủ phục vụ, Chính phủ hành động. Một số kiến nghị chưa thể giải quyết theo yêu cầu của cử tri cũng đã được bộ, ngành giải trình cụ thể, chi tiết về những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chưa thể giải quyết được ngay, giúp cho cử tri và các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thông cảm chia sẻ hơn với những khó khăn của các bộ, ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh góp ý hoàn thiện báo cáo 

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ, mặc dù trả lời kiến nghị của cử tri đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn hiện tượng một số bộ, ngành chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm trong giải quyết các vấn đề cụ thể mà cử tri nêu, còn có hiện tượng một số bộ, ngành chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm trong giải quyết một số vấn đề, cụ thể mà cử tri nêu. Nhiều văn bản trả lời cho cử tri còn rất chung chung, diễn giải nhiều, lòng vòng, khó hiểu, nhưng lại không đủ thông tin để giải đáp cho cử tri. Một số kiến nghị đã được bộ, ngành trả lời nhưng chưa thỏa đáng, không rõ ràng, thậm chí không đúng với thực tế.

Cùng với đó là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, sửa đổi các văn bản pháp luật không phù hợp thực tiễn theo ý kiến phản ánh của cử tri còn chậm, thậm chí rất chậm. Việc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với một số vấn đề mà cử tri phản ánh còn chưa được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Cử tri phản ánh việc triển khai thực hiện một số chính sách pháp luật trên thực tế còn bất cập, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết thấu đáo.

Cần có đánh giá xu hướng chuyển dịch của các vấn đề mà cử tri kiến nghị

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng báo cáo cần phải khái quát về trong xu hướng dịch chuyển của các lĩnh vực, kiến nghị của cử tri và làm rõ vấn đề nào cũ, xuất hiện vấn đề nào mới cũng như nguyên nhân từ đâu, do chính sách pháp luật hay vẫn là thực thi pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị bổ sung đánh giá quy trình, chất lượng giải quyết kiến nghị, khiếu nại của cử tri

Bày tỏ tán thành với quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị, báo cáo cần tập trung vào các vấn đề ban hành các văn bản pháp luật, việc triển khai của các ban, ngành, ban hành các văn bản dưới luật; vấn đề quy trình giải quyết các kiến nghị và khiếu nại, chất lượng giải quyết; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vấn đề vi phạm theo phản ánh và cung cấp thông tin; và việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.

Đồng thời, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng cần bổ sung đánh giá về quy trình và cơ chế phối hợp trong các cơ quan để giải quyết khiếu nại hoặc kiến nghị của người dân, và trong các vấn đề kiến nghị cần đánh giá vấn đề gì lớn và dịch chuyển như thế nào, đặc biệt đối với hệ thống luật pháp Quốc hội cần lưu ý những vấn đề gì.

Đồng tình cách đặt vấn đề của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng báo cáo kết quả giám sát cần nói rõ nguyên nhân do pháp luật chưa hoàn thiện hay do tổ chức thực hiện pháp luật; làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành giải quyết nguyện vọng của dân, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong việc rà soát và tổ chức thực hiện luật pháp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với báo cáo của Ban Dân nguyện trình bày và đánh giá cao sự cố gắng của Ban Dân nguyện thời gian qua mặc dù biên chế ít, việc nặng nề nhưng đã làm tốt nhiệm vụ giám sát do Quốc hội giao, đặc biệt đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan chuẩn bị một báo cáo rất đầy đủ, thẳng thắn, chi tiết.

Ủy ban Thường vụ cơ bản thống nhất với đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan Quốc hội. 100% ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã được nghiên cứu tiếp thu và giải quyết. Trong tổng số 1.993 kiến nghị, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đã nghiên cứu giải quyết xong đối với 162 kiến nghị; giải trình, cung cấp thông tin đối với 1.474 kiến nghị; còn lại 357 kiến nghị hiện nay đang trong quá trình giải quyết.

Còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, nổi lên là việc giải quyết mang tính cung cấp thông tin vẫn còn nhiều, thậm chí phổ biến. Số lượng nghiên cứu, tiếp thu giải quyết xong còn ít, còn nhiều kiến nghị đang nghiên cứu trả lời cử tri sẽ giải quyết trong thời gian tới. Việc giải quyết thông qua công tác ban hành sửa đổi văn bản chiếm đa số. Nhiều vấn đề bất cập, các vụ việc cụ thể chưa được quan tâm đúng mức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết luận nội dung thảo luận 

Cần làm rõ hiệu quả của việc giải quyết trả lời ý kiến kiến nghị cử tri. Một số nội dung đã được xử lý nhưng vẫn có nhiều ý kiến nhiều lần. Phải làm rõ trách nhiệm, kể cả về công tác thông tin, tuyên truyền, vấn đề báo cáo giám sát cần phải hướng tới mục đích cuối cùng là kết quả đó, việc trả lời, giải quyết của cơ quan đã đáp ứng được yêu cầu của cử tri hay không. Cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc trả lời không đúng, không đầy đủ các ý kiến kiến nghị của cử tri.

Cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri, tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, khắc phục tình trạng tiếp xúc cử tri chuyên nghiệp, đại cử tri. Tăng cường công khai, minh bạch, tạo thuận thuận lợi cho công tác giám sát. Phải làm rõ thêm các tồn tại, hạn chế về vấn đề tổ chức, về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của các bộ, ngành trong việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban Dân nguyện phối hợp với các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để trở thành báo cáo chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Bảo Yến