CHỦ NHIỆM ỦY BAN QP&AN BÁO CÁO MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DỰ THẢO LUẬT CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

11/07/2018

Sáng 11/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung phiên họp

Trình bày Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Sau kỳ họp, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam(CSBVN). Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh xin báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến cụ thể về một số vấn đề.

Đề nghị không quy định CSBVN trực thuộc Chính phủ

Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, thảo luận về vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, đa số ý kiến đề nghị quy định CSBVN thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; một số ý kiến đề nghị quy định CSBVN là lực lượng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; có ý kiến đề nghị không quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân; có ý kiến đề nghị quy định CSBVN trực thuộc Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo

Cho ý kiến về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, hiện việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; tình hình an ninh, trật tự trên biển diễn biển khó lường; tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức và tội phạm ma túy diễn biến phức tạp; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống gia tăng; môi trường hoạt động trên biển khó khăn, khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ CSBVN thường xuyên phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có thể hy sinh. Nếu quy định CSBVN là lực lượng dân sự thì khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, nhất là việc tham gia giải quyết các “tình huống quốc phòng, an ninh” trên biển như trong thời gian vừa qua.

Về đề nghị quy định CSBVN trực thuộc Chính phủ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật dự kiến tiếp thu quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với tư cách thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với CSBVN. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định CSBVN trực thuộc Chính phủ.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra rằng, nếu quy định CSBVN là lực lượng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam thì không phù hợp với xu thế quốc tế trong việc sử dụng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, thực hiện các biện pháp pháp luật, nhân đạo, hòa bình để quản lý, bảo vệ biển; sẽ gây hiểu nhầm Việt Nam sử dụng lực lượng quân sự giải quyết các vấn đề trên biển. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định nội dung trên trong dự thảo Luật. Ngoài ra, theo Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, một số đại biểu Quốc hội đánh giá, Dự thảo Luật Chính phủ trình quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân” là không phù hợp với Hiến pháp 2013, không thống nhất với Luật Quốc phòng, dễ gây hiểu nhầm CSBVN tương đương Quân đội nhân dân, Công an nhân dân hoặc Dân quân tự vệ. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thay từ “là” bằng từ “thuộc” và viết lại thành “Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” như dự thảo Luật dự kiến tiếp thu.

Toàn cảnh phiên họp

CSBVN bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển

Theo Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho ý kiến về chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, một số đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Chỉnh phủ trình quy định “CSBVN có chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển” là trùng dẫm với chức năng của một số lực lượng khác, nên đề nghị sửa lại thành “CSBVN phối hợp với các lực lượng khác và góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển”, vì đây là nhiệm vụ chung của các lực lượng trên biển.

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển diễn biến phức tạp, khó lường luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang. Thực tiễn 20 năm thi hành Pháp lệnh đã chứng minh một trong những hoạt động chủ yếu của CSBVN là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; là lực lượng chuyên trách của Nhà nước làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ an ninh quốc gia và đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Việc Pháp lệnh chưa quy định chức năng này cho CSBVN chưa tương xứng với vị trí của CSBVN. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ nguyên quy định “bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển…” như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Bên cạnh đó, Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng chỉ ra rằng, trong phiên thảo luận lần đầu về Dự án Luật cảnh sát biển Việt Nam  tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định CSBVN có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật và chiến lược quốc phòng, an ninh. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung quy định “CSBVN tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật và chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên biển”./.

Hồ Hương- Nhóm ảnh