Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Điều 10 dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lần này có 16 khoản quy định về phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực chính trị; quốc phòng, an ninh, cơ yếu; lập pháp, tư pháp; đối ngoại; kinh tế; tài nguyên, môi trường; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao; thông tin và truyền thông; y tế; lao động, xã hội; tổ chức, cán bộ; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; kiểm toán và quy định Chính phủ quy định lĩnh vực mới chưa được quy định tại Điều này sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là một luật rất quan trọng, không chỉ các cơ quan mà người dân rất quan tâm bởi liên quan đến quyền công dân theo Hiến pháp, được quy định tại Điều 14, trong đó có quyền lớn nhất là quyền được tiếp cận thông tin của công dân. Vì vậy, liên quan đến các điều về phạm vi phân loại danh mục bí mật nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần cân nhắc kỹ để đẩy lên tầm luật, quy định tốt hơn so với pháp lệnh hiện hành, minh bạch hơn, công khai hơn. Với quan điểm như vậy thì phạm vi, phân loại danh mục của bí mật nhà nước cần hết sức minh bạch và những điều cơ bản phải có danh mục kèm theo.
Về phân loại phạm vi bí mật nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc xác định tiêu chí phân loại là có vấn đề, từ tiêu chí này chuyển qua tiêu chí khác, trong khi các tiêu chí bình đẳng như nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích, phân loại phạm vi bí mật nhà nước thì phân ra lĩnh vực chính trị, trong lĩnh vực chính trị phân ra tiêu chí chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, thông tin liên quan đến thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thông tin về hoạt động các cơ quan của Đảng, thông tin về tình hình tư tưởng, v.v.. Từ chính trị lại phân ra quốc phòng, an ninh, chính trị kinh tế, sau đó lại phân ra tiếp cũng bình đẳng như nhau là lập pháp, tư pháp và các lĩnh vực như tài nguyên, môi trường, khoa học, công nghệ. Như vậy, chúng ta lấy cùng một tiêu chí hay từ tiêu chí này lại chuyển qua tiêu chí khác, lập pháp cũng không phải là chính trị. Chúng ta phân chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sau đấy lại phân ra các lĩnh vực tài nguyên, hoạt động khoa học, công nghệ mà những lĩnh vực này bình đẳng như nhau. Xác định tiêu chí như thế là có vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng tiêu chí xác định phạm vi bí mật nhà nước là chưa hợp lý
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình lại cho rằng phạm vi phân loại danh mục bí mật nhà nước quá rộng và không cụ thể sẽ rất khó khi triển khai.
Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nêu rõ ví dụ trong Điều 1 về lĩnh vực chính trị quy định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác xây dựng dân tộc và tôn giáo, dù vấn đề này có nhiều tế nhị song có nên đưa thẳng vào đây cứ động đến dân tộc, tôn giáo là bí mật hết hay không? Dự thảo quy định thông tin về tình hình tư tưởng, đời sống các tầng lớp nhân dân có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, xã hội, vậy thế nào là tiêu cực? Ai sẽ quy định độ tiêu cực này để chúng ta giới hạn độ mật và bí mật.
Trong lĩnh vực đối ngoại, thông tin thỏa thuận được trao đổi, ký kết giữa nước ta với nước ngoài hoặc với các tổ chức quốc tế. Điều này người dân có được quyền biết ký kết của nhà nước với nước ngoài hay không và khi nào thì bí mật, khi nào không bí mật, nếu chúng ta bí mật mà những điều khoản này ở nước ngoài công bố thì sao.
Trong lĩnh vực kinh tế, thông tin về công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi khi nào thì bí mật, khi nào thì không bí mật. Nếu cứ đụng đến cái này thì tất cả đều bí mật sao? Như thế chúng ta biết cái gì về kinh tế Việt Nam của chúng ta? Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị làm cụ thể hơn, quy định chi tiết hơn vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng phạm vi phân loại danh mục bí mật nhà nước quá rộng
Bày tỏ tán thành với các ý kiến phát biểu trước đó cho rằng phạm vi phân loại là rộng quá nên nhiều khi ranh giới giữa bí mật và việc được phép công bố rất khó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng có những thông tin nên viết lại như thông tin về thân thế, sự nghiệp của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần phải tuyên truyền để tránh bị xuyên tạc hoặc hiểu lầm.
Riêng về lĩnh vực kinh tế, tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho biết, một mặt chúng ta phải công khai ngân sách, chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực rất nhạy cảm. Hiện nay các tổ chức minh bạch quốc tế xếp hạng về công khai ngân sách thì chúng ta điểm rất thấp trong đó có điểm là nhân dân chưa được tham gia vào quá trình dự toán, quá trình thảo luận, công bố quyết toán. Luật Ngân sách quy định phải công bố dự toán và quyết toán ngân sách, riêng số liệu lĩnh vực an ninh quốc phòng không công bố còn lại các số liệu như chi y tế, chi giáo dục, chi cho các lĩnh vực khác như thế nào trong dự toán, quyết toán là phải công khai để người dân biết, cũng như các nhà kinh tế, các nhà phân tích chính sách vĩ mô có thể phân tích được. Hay như thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán, dự trữ ngoại hối, mua bao nhiêu ngoại tệ có cần công bố công khai hay không, công khai đến mức nào. Những nội dung này nên có giới hạn hẹp hơn và chặt chẽ hơn.
Trong khi đó, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng phạm vi bí mật nhà nước quy định rộng, nhiều lĩnh vực, lại không cụ thể dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng danh mục là do không quan tâm sự giám sát của người dân trong phạm vi xây dựng bảo vệ bí mật nhà nước nên đưa ra phạm vi quá rộng dẫn đến khó khả thi.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc ban hành luật này không ảnh hưởng tới quyền tiếp cận thông tin của công dân, vừa phải đảm bảo mục tiêu công khai, minh bạch trong hoạt động của nhà nước pháp quyền, tức là vừa phải đảm bảo thông tin mật và những quy định về thông tin mật, phạm vi, những danh mục thông tin thì không bị ảnh hưởng tới quyền tiếp cận thông tin của người dân. Người dân được tiếp cận thông tin gì mà không phải là mật ở các độ mật khác nhau. Các luật đều yêu cầu tính chất công khai, minh bạch trong hoạt động của nhà nước. Theo Chủ tịch Quốc hội, điểm khó nhất là xác định phạm vi và danh mục bí mật nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp
Chủ tịch Quốc hội phân tích, Đảng ta là đảng cầm quyền, đảng cầm quyền mà không phải thời kỳ hoạt động bí mật, công khai, bây giờ họp Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương là đưa tin cho dân biết Đảng hoạt động thế nào. Nhưng trong sự lãnh đạo của Đảng có những nội dung bí mật phải được bảo vệ thì phải nói rõ. Trong hoạt động của Quốc hội, nhiều thông tin được phát thanh, truyền hình trực tiếp ngày càng đưa Quốc hội gần đến dân, chỉ có nội dung nào mật thì Quốc hội mới làm việc nội bộ. Không phải tất cả những gì hoạt động của Đảng đều bí mật, của các cơ quan nhà nước là bí mật hết.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nghiên cứu và tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới.