LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN KHẢ THI TRONG XỬ LÝ TÀI SẢN, THU NHẬP TĂNG THÊM KHÔNG GIẢI TRÌNH ĐƯỢC HỢP LÝ VỀ NGUỒN GỐC

10/08/2018

Chiều ngày 10/8, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp cùng Cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện một bước dự thảo Luật. Còn nội dung về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57), do vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu để lựa chọn phương án tối ưu, có căn cứ, phù hợp với thực tiễn, báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội thông qua. Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan trình dự án báo cáo về 03 phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) như sau: Phương án 1: phương án thu thuế; Phương án 2: xử phạt hành chính; Phương án 3: xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua thủ tục tố tụng dân sự.

Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan soạn thảo trình 03 phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc

Về phương án 1, Chủ nhiểm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ưu điểm của phương án này là thể hiện thái độ rõ ràng của Nhà nước khi xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, nhược điểm của phương án này là chưa thể hiện được thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch; đồng thời, việc quy định thuế suất 45% như dự thảo Luật do Chính phủ trình cũng chưa có căn cứ hợp lý. Bên cạnh đó, Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan trình dự án cho rằng, việc quy định loại thu nhập chịu thuế, thuế suất cần được đánh giá tác động, nghiên cứu đầy đủ và quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Về phương án 2, theo Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga ưu điểm của phương án này là bổ sung thêm một loại chế tài để xử lý hành vi kê khai không trung thực bên cạnh chế tài xử lý kỷ luật như Luật hiện hành; thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong việc xử lý hành vi không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập; gián tiếp xử lý được tài sản, thu nhập qua mức phạt tiền tương xứng mà không gặp phải vướng mắc về căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến xử lý tài sản. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, nhược điểm của phương án này là mới chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà chưa xử lý trực tiếp được tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Đồng thời, hành vi vi phạm nghĩa vụ trung thực và minh bạch về tài sản, thu nhập là hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức phải bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Do đó, dự thảo Luật quy định một hành vi vi phạm trong thực hiện công vụ đã bị xử lý kỷ luật sau đó lại bị xử lý hành chính là chưa thật sự hợp lý. Mặt khác, quy định mức phạt 45% giá trị của tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai cũng chưa có căn cứ và không phù hợp với mức xử phạt hành chính của pháp luật hiện hành.

Toàn cảnh phiên họp

Về phương án 3, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga chỉ ra rằng, theo phương án này, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này phải thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án. Phương án 3 cũng thể hiện được nhiều ưu điểm rõ rêt; đồng thời, bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ ra rằng, ưu điểm nữa của phương án này là không phải sửa đổi pháp luật về dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự; không mâu thuẫn với quy định về trách nhiệm chứng minh trong tố tụng dân sự. Mặt khác, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai. Như vậy, trong quá trình tranh tụng, Tòa án phán quyết về tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì tài sản, thu nhập tăng thêm đó thuộc sở hữu của Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan trình dự án thấy rằng phương án 2 có nhiều yếu tố bất hợp lý nên đề nghị không lựa chọn. Đối với phương án 1 và phương án 3, đề nghị lựa chọn phương án 3 là xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục giải quyết tại Tòa án; bổ sung quy định để giải thích khái niệm “giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm”.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu

Cần quan tâm nhiều đến tính khả thi của dự thảo Luật khi áp dụng trong thực tiễn ở Việt Nam

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rẳng 03 phương án được đề xuất cũng chưa thật sự có căn cứ đầy đủ; đề nghị Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan trình dự án cần phải quan tâm nhiều đến tính khả thi của dự thảo Luật khi áp dụng trong thực tiễn ở Việt Nam.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chỉ rõ, trên thực tế, người cán bộ có thể có nhiều khoản thu nhập, dự thảo Luật chưa quy định khoản thu nhập như thế nào là hợp lý, ở mức nào là hợp lý; Luật quan tâm đến vấn đề kê khai tăng tài sản, nhưng kê khai giảm để nhằm mục đích tẩu tán tài sản thì dự thảo Luật có quy định không? Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cần làm rõ vấn đề này.

Quan tâm cho ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, dự thảo Luật phải xem xét, đánh giá hết các tác động; căn cứ vào các khả năng thực tiễn, căn cứ vào các quy định về quyền tài sản trong Hiến pháp và các quy định của pháp luật hiện hành về quyền tài sản; kết hợp với thực tiễn văn hóa đời sống của người Việt Nam để đảm bảo tính khả thi.

Đánh giá cao ý chí, quyết tâm của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, tuy nhiên chưa thật sự đồng tình với phương án nào trong 03 phương án cơ quan soạn thảo đưa ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, những quy định của dự thảo Luật phải thật chặt chẽ, đầy đủ căn cứ; không chỉ thực hiện mục tiêu chống tham nhũng mà còn thực hiện mục tiêu ổn định và phát triển đất nước. Theo Phó Chủ tịch, kinh nghiệm các nước trên thế giới đều dùng công cụ thuế để kiểm soát và phòng chống tham nhũng, từ kê khai tài sản đến kiểm soát thu nhập. Do đó, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị cần củng cố hệ thống thuế, đi sâu vào lĩnh vực thuế thu nhập, có cơ quan kiểm tra thuế; kiểm soát thông qua thanh toán không dùng tiền mặt mọi giao dịch, tài sản; còn nếu tài sản được chứng minh là có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng thì tịch thu 100%./.

Hồ Hương- Nhóm ảnh