Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho ý kiến về các báo cáo công tác của Tòa án, Viện kiểm sát, thi hành án, báo cáo về phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, trong bối cảnh đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển mới, đất nước tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập càng ngày sâu rộng, nền kinh tế nước ta tăng trưởng ở mức khá cao thì việc phòng, chống tham nhũng đặt ra rất nhiều vấn đề. Quốc hội cũng đang cho ý kiến để trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Thực hiện phòng chống tham nhũng hiệu quả thì điều quan trọng là phải có giải pháp phòng, trong điều kiện đất nước ta hiện nay thì có thể chỉ đạo từ lúc này để chuẩn bị hoàn thành đề án.
Bày tỏ mong muốn có một đề án thanh toán trong giai đoạn mới, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, để đề án này thực hiện được phải xây dựng kỹ lưỡng và chuẩn bị vài năm, phải có sự thống nhất trong nội bộ cao từ cấp lãnh đạo cao nhất cho tới cấp cơ sở thì mới triển khai được. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, nếu nâng từ nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt lên thành luật sẽ khả thi. Nghị định này quy định mọi giao dịch hàng hóa, dịch vụ đều phải thanh toán qua ngân hàng, đồng thời đưa ra một lộ trình giảm nhanh tập quán nền kinh tế tiền mặt. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng ,nếu như với điều kiện 5-7 năm về trước thì chưa chắc thực hiện được nhưng đến thời điểm hiện nay với mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng, cơ sở hạ tầng thì sẽ phục vụ được, như hệ thống viễn thông Viettel tới tận thôn xã, gần như chỗ nào cũng phủ sóng được hết, có mạng lưới đó thì mạng lưới thanh toán sẽ làm được. Cùng với đó là các điều kiện như sự am hiểu và hiểu biết của các chủ thể xã hội trong đó có người dân; quy mô bình quân thu nhập đầu người; sự tiến bộ trong hội nhập quốc tế đều có thể bảo đảm khả năng triển khai được.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phân tích, nếu thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt sẽ có một số tác động tích cực trực tiếp. Thứ nhất là giảm chi phí in ấn tiền, vận chuyển tiền mặt, nhất là trong điều kiện chúng ta in trên loại giấy polyme là loại giấy đắt tiền hàng đầu hiện nay. Thứ hai là giảm chi phí hoạt động của ngành ngân hàng, nhất là chi phí nhân viên kiểm đếm, đóng gói, quản lý, vận chuyển…Thứ ba là nguồn lực xã hội được huy động nhiều hơn, nhanh hơn để phục vụ nền kinh tế. Thứ tư, góp phần hạ lãi suất cho vay, góp phần tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ năm, nắm chắc và dự báo chính xác vốn khả dụng để điều hành chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, chính sách này có tác động gián tiếp, như an toàn tài sản xã hội của người dân và đặc biệt là minh bạch doanh thu của doanh nghiệp làm cho việc áp dụng các sắc thuế chính xác, công bằng và tăng thu ngân sách nhà nước, tăng tính minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp, đảm bảo sự công bằng, góp phần thực hiện hiệu quả về Luật Phòng, chống tham nhũng và các tiêu cực xã hội khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, đây là một đề án lớn, nhiều ngành tham gia với sự thống nhất cao không chỉ ngành ngân hàng và muốn triển khai không phải ngày một ngày hai mà phải xây dựng đề án, có lộ trình vài năm, đến năm 2021 bắt đầu tiến hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Trước đó cũng trong khuôn khổ phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng ngày 10/9, khi cho ý kiến về dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu ý kiến, muốn phòng chống tham nhũng phải trở lại cái gốc của vấn đề là kiểm soát dòng tiền và tài sản. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh trong phòng chống tham nhũng thì phòng là quan trọng nhất. Để thực hiện được điều đó phải cương quyết quy định thanh toán không dùng tiền mặt. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, muốn phòng ngừa tham nhũng, trước tiên phải quyết tâm thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các khoản chi tiêu từ 500 nghìn đồng trở lên, có như vậy nếu có tham nhũng, có tiền trong nhà cũng không tiêu nổi.
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cũng đề cập tới việc đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán, chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn, thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số… Đề án nêu rõ, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công. Cùng với đó là hoàn thiện, tăng cường kết nối xử lý giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan trong ngành tài chính như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan với hệ thống ngân hàng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử…
Thực tế tiền mặt hỗ trợ rất nhiều cho vấn nạn tham nhũng, rửa tiền. Tiền phạm pháp đều được lưu chuyển bằng tiền mặt vì tiền mặt không để lại dấu vết. Chính vì vậy, nếu nền kinh tế chuyển sang không dùng tiền mặt thì tất cả vấn đề mua bán như nhà cửa, chi tiêu tiêu dùng, chuyển khoản… đều phải thông qua hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng hiện nay với máy móc, trang thiết bị hiện đại đều có thể truy xuất nguồn gốc, hóa đơn cũng như thông tin giao dịch của người chuyển tiền và người nhận tiền, tạo thành dấu vết rất rõ ràng cho các cơ quan điều tra. Vì thế, nền kinh tế phi tiền mặt góp phần giảm thiểu tối đa các vấn đề tiêu cực liên quan đến tài chính, tiền tệ./.