UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016-2020

16/10/2018

Ngày 15/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá việc thưc hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo tại phiên họp

Báo cáo đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hệ thống khung pháp lý quản lý, điều hành và các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ cấp trung ương đến cấp tỉnh đến nay cơ bản được hoàn thành, là cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện từng chương trình. Trong đó quy định về xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn lực thực hiện từng chương trình theo giai đoạn 5 năm đã tạo được sự chủ động căn bản cho các địa phương trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Mặc dù điều kiện nguồn lực hạn chế, các địa phương đã dành sự ưu tiên, chú trọng thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình theo hướng tập trung khắc phục những tồn tại hạn chế của giai đoạn trước, đi vào chiều sâu nâng cao chất lượng gắn với điều kiện mới, hoàn cảnh mới để duy trì bền vững kết quả xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia cũng còn những hạn chế nhất định. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới: Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn. Trong khi một số địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn  để chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thì một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp. Việc thực hiện các tiêu chí ở từng địa phương không đồng đều. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững: Kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo bình quân 5,1%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm); tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo, do các nguyên nhân tách hộ, do hậu quả của thiên tai, lũ lụt, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên ; nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%; Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2017)...

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải thẩm tra báo cáo

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá Chính phủ đã nêu được tương đối toàn diện những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 100 của Quốc hội trong thời gian qua. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ rõ, báo cáo cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng bám sát Nghị quyết để đánh giá, đối chiếu với thực tiễn thực hiện để từ đó làm rõ mục tiêu nào đạt được, mục tiêu nào còn dở dang, những mục tiêu còn khó khăn, thách thức để hoàn thành; cần làm rõ nguồn vốn phân bổ cho từng mục tiêu; đánh giá tính hợp lý của các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; tiến độ hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ; tính ổn định, bền vững và thực chất của các chương trình; những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn lực thực hiện, có các số liệu thuyết minh cụ thể hơn.

Trên cơ sở đánh giá kết quả và hạn chế, Ủy ban Tài chính, ngân sách đề nghị Chính phủ bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết 100 của Quốc hội để tiếp tục cụ thể hóa các chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giảm nghèo bền vững; rà soát, chấm dứt việc ban hành văn bản chính sách mà không có nguồn lực đảm bảo; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới và mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020, đảm bảo kết quả đạt được là thực chất, tránh phô trương, hình thức.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được của việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; khẳng định tính đúng đắng của các chương trình mục tiêu quốc gia trong việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các cung, các nhóm dân cư. Tuy nhiên, có ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp liên ngành, nhất là ở các địa phương trong thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện dứt điểm chính sách nhà ở và hỗ trợ nâng cao đời sống đối với một số đối tượng người có công với cách mạng.

Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến về báo cáo cảu Chính phủ

Cho ý kiến về nội dung này tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, việc thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên những kết quả đạt được này vẫn còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền, vẫn còn nhiều những khó khăn ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Do đó đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần phải quan tâm, xem xét vấn đề này.

Kết luận nội dung thảo luận về kinh tế-xã hội, Phó Chủ tich Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế chủ trì với sự tham gia của Hội đồng dân tộc; Tổng Thư ký Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để xây dựng Dự thảo nghị quyết về đánh giá 03 năm phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện chính sách dân tộc; đánh giá tình hình kinh tế xã hội năm 2018 và phương hướng  năm 2019 để trình Quốc hội thảo luận và thông qua trong kỳ họp tới./.

Hồ Hương