BẾ MẠC PHIÊN HỌP THỨ 34 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

10/05/2019

Chiều ngày 10/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 34 sau ba ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, trách nhiệm, hoàn thành chương trình đề ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 34

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); cho ý kiến về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và cho ý kiến về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các báo cáo: Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Hà Tĩnh; việc chuyển nguồn vốn Dự án đóng mới 06 tàu kiểm ngư và Dự án sửa chữa nâng cấp 03 tàu đã qua sử dụng của Nhật Bản viện trợ (thành tàu kiểm ngư) theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội.  Xem xét việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bổ sung danh mục mới vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và quyết định theo thẩm quyền việc thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai: thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất; thị trấn Nhơn Trạch thuộc huyện Nhơn Trạch; 6 phường thuộc thành phố Biên Hoà; việc sử dụng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị  quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu bế mạc phiên họp

Phát biểu bế mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, sau 03 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 34 để cho ý kiến về các nội dung còn lại của kỳ họp thứ 7, xem xét quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận, về cơ bản các nội dung được chuẩn bị tương đối tốt, cho thấy tinh thần tích cực của các cơ quan trong việc chuẩn bị cho phiên họp  và kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho biết một số nội dung vẫn gửi tài liệu chậm gây khó khăn cho cơ quan thẩm tra. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý trong thời gian tới cần tiếp tục phối hợp, xử lý, lưu ý rút kinh nghiệm khắc phục tình trạng này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, ngay sau phiên họp, các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các nội dung theo đúng nhiệm vụ được phân công. Nhấn mạnh chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là đến Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, thời gian gấp rút, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình bảo đảm chất lượng để kịp gửi đến đại biểu Quốc hội theo đúng quy định.

Cho biết phần lớn tài liệu của Kỳ họp thứ 7 đã bị gửi chậm so với quy định, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhắc nhở các cơ quan hữu quan đẩy nhanh tiến độ; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đôn đốc trong công tác chuẩn bị tài liệu; Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ để bảo đảm công tác phục vụ kỳ họp một cách chu đáo./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác