KẾT LUẬN PHIÊN HỌP THỨ 35 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

30/07/2019

Từ ngày 15 đến 17/7 vừa qua, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 35 để xem xét các nội dung và thông qua 03 Nghị quyết. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.

Theo đó, văn bản của Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung gồm dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; về tổng kết kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV; về chủ trương đầu tư xây dựng Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019-2026;  việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 03 Nghị quyết về: Việc thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; Việc thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum; Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tiếp tục hoàn thiện các phương án đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau để báo cáo, xin ý kiến

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung tiếp thu, giải trình dự thảo Luật. Các nội dung của dự thảo Luật đã được giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội một cách nghiêm túc, đầy đủ.

Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án, lưu ý tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn nữa các nguyên tắc và tiêu chí của việc phân cấp, ủy quyền trong Luật để làm cơ sở cho các luật chuyên ngành quy định cụ thể; việc tăng thêm một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã loại II phải bảo đảm không làm tăng tổng số biên chế cán bộ, công chức của xã, phường, thị trấn loại II theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ. Tán thành giao Chính phủ quy định khung số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa trong các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, đối với số lượng cấp phó cụ thể của từng đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ thì do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định theo yêu cầu công việc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện hai phương án để báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền và Quốc hội đối với nội dung giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; việc giảm Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương.

Đối với nội dung giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Phương án 1: Quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Phương án 2: Quy định trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Về việc giảm Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Phương án 1: Quy định Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 02 đại biểu hoạt động chuyên trách, nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 01 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Phương án 2: Quy định Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có không quá 02 Phó Trưởng ban, trong đó có 01 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương: Tiếp tục nghiên cứu việc hợp nhất 03 Văn phòng theo hướng: Phương án 1: Hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thành một Văn phòng; giữ nguyên Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Phương án 2: Hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành một Văn phòng. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 khẩn trương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ chậm nhất là ngày 30/9/2019, làm cơ sở cho việc sửa đổi quy định về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Giữ hình thức kỷ luật “giáng chức” trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức để thể chế hóa kịp thời các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và khắc phục một số tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thời gian qua.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, đồng thời lưu ý một số nội dung cụ thể. Trong đó, về đối tượng là công chức, cần giải trình, làm rõ tiêu chí xác định đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước để xác định đối tượng lãnh đạo, quản lý được áp dụng chế độ công chức trong các đơn vị này, tạo sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc khái niệm người có tài năng trong hoạt động công vụ bảo đảm tính khả thi; làm rõ hơn trong Luật về nguyên tắc, chế độ chính sách trong việc thu hút, trọng dụng và ưu đãi người có tài năng làm việc trong bộ máy nhà nước; trên cơ sở đó giao Chính phủ quy định cụ thể.

Về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc nguyên tắc, hình thức, thủ tục, nội dung, thẩm quyền, thời điểm kiểm định bảo đảm được mục đích nâng cao chất lượng đầu vào công chức, tránh chồng chéo với nội dung thi tuyển công chức.

Về hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức, tiếp tục giữ hình thức kỷ luật “giáng chức” để có thêm nhiều lựa chọn trong xem xét hình thức xử lý kỷ luật, phù hợp với đối tượng, tính chất, mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật cho phù hợp căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.

Về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, nghiên cứu quy định trong Luật nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu làm cơ sở để Chính phủ quy định cụ thể bảo đảm khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện làm rõ ưu điểm, hạn chế, giải pháp khắc phục hạn chế đối với cả hai phương án trong dự thảo Luật về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới để báo cáo, xin ý kiến Quốc hội.

Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh dự án Luật; tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019). 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện kết luận, nghị quyết của phiên họp./.

Bảo Yến

Các bài viết khác