ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

14/08/2019

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, chiều ngày 14/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội - Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Sau kỳ họp, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Quốc phòng - An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên và thảo luận về các nội dung về tên gọi của dự thảo luật, về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật (Điều 12), huấn luyện quân nhân dự bị (Điều 21), các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên (Điều 25).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, về tên gọi dự thảo Luật, một số ý kiến nhất trí với tên Luật như dự thảo Luật Chính phủ trình. Một số ý kiến đề nghị sửa lại là “Luật Dự bị động viên” hoặc “Luật về lực lượng và phương tiện dự bị động viên”,“Luật Lực lượng dự bị động viên và phương tiện kỹ thuật” để bao quát con người và phương tiện kỹ thuật, phù hợp với nội dung của dự thảo Luật.

Về vấn đề này, Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhất trí với đề nghị sửa tên Luật là “Luật Dự bị động viên”. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh nêu rõ, Luật Dự bị động viên là văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và Luật Quốc phòng về lực lượng dự bị động viên và việc trưng dụng tài sản của công dân. Lực lượng dự bị động viên (gồm quân nhân dự bị) và phương tiện kỹ thuật dự bị động viên là hai đối tượng dự bị độc lập cùng được biên chế trong một đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bàn giao cho đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân.

Do vậy, việc quy định đối tượng điều chỉnh của Luật phải phù hợp với Hiến pháp, Luật Quốc phòng và Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản. Việc đổi tên dự thảo Luật thành “Luật Dự bị động viên” sẽ bảo đảm thể hiện một cách logic về ngôn ngữ pháp lý và để bao quát đầy đủ đối tượng điều chỉnh của Luật.

Về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật (Điều 12), đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý lại theo hướng: “Điều 12. Đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

 2. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu tài sản có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên.

3. Việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị động viên không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức thực hiện theo chế độ thống kê, báo cáo.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

Về huấn luyện quân nhân dự bị (Điều 21), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho hay, để nâng cao chất lượng huấn luyện, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội chính quy, đồng thời bảo đảm không làm tăng tổ chức, biên chế theo đúng quan điểm của Đảng và phát huy vai trò đơn vị dự bị động viên cấp tỉnh (chỉ gồm cán bộ khung thường trực) trong việc giúp địa phương quản lý đơn vị dự bị động viên); đồng thời từng bước bố trí địa điểm, kinh phí xây dựng cơ sở huấn luyện, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung khoản 6 vào Điều này quy định: “6. Đơn vị dự bị động viện thuộc Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh thực hiện việc huấn luyện quân nhân dự bị.  Chính phủ quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt trình bày báo cáo

Về các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên (Điều 25), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị cho chỉnh lý theo hướng quy định về 4 trường hợp huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên gồm: khi có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; khi thi hành lệnh thiết quân luật, lệnh giới nghiêm; khi có tình hình đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và để phòng chống, khắc phục thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm hoặc giải quyết hậu quả chiến tranh.

Cho ý kiến về các nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cơ bản thống nhất với các nội dung báo cáo của Ủy ban Quốc phòng – An ninh, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc về việc đổi tên gọi của Luật. Chủ tịch Quốc hội cho rằng không cần thiết phải đổi tên luật mà tên Luật Lực lượng dự bị động viên được kế thừa theo Pháp lệnh, không trái với Hiến pháp và thực tiễn tổ chức thực hiện không có vướng mắc.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng lực lượng dự bị động viên từ trước đến nay đều được hiểu gồm cả con người và cơ sở vật chất, thực tiễn thi hành không có có bất cập, vướng mắc. Nay nếu đổi tên thành Luật Dự bị động viên sẽ phải giải thích thêm, phức tạp thêm vấn đề.

Bên cạnh đó, một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi, tránh các quy định không rõ ràng gây lúng túng khi tổ chức thực hiện. Một số vấn đề cần quy định ngay trong luật, không nên giao Chính phủ quy định chi tiết.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua thảo luận, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ tên gọi là Luật Lực lượng dự bị động viên như Chính phủ trình. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ làm rõ, đây là tên gọi kế thừa từ Pháp lệnh và phù hợp với Hiến pháp và Luật Quốc phòng. Thực tế nếu đã nói lực lượng dự bị động viên đều hiểu gồm cả con người và phương tiện

Về đăng kí, quản lý phương tiện kỹ thuật, liên quan đến quyền công dân và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, dự thảo Luật tiếp thu theo hướng thay thẩm quyền của cấp xã thành cấp huyện. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm trên cơ sở đánh giá kỹ kinh nghiệm thực tiễn thời gian qua. Việc giao cho cấp hành chính xã, huyện hay tỉnh thực hiện đăng kí quản lý phương tiện kỹ thuật quan trọng nhất vẫn là tính khả thi của quy định và thống nhất với các luật khác. Do đó cần cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp. Việc giao Chính phủ quy định, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định có tính nguyên tắc vào luật để làm cơ sở cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận nội dung thảo luận

Về huấn luyện quân nhân dự bị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần làm rõ thêm về công tác huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị dự bị động viên theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, tránh huấn luyện hình thức. Trên địa bàn có nhiều đơn vị, đơn vị của tỉnh huyện bộ quốc phòng nên thao trường huấn luyện thường lãng phí, mạnh ai nấy làm, ko có khâu đầu mối. Do đó nên quy định ngay trong luật về trung tâm huấn luyện trên cơ sở bảo đảm không lãng phí, rà soát theo địa bàn từng tỉnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét báo cáo Chính phủ quyết định.

Về huy động lực lượng dự bị động viên, pháp lệnh hiện hành quy định 2 trường hợp, dự thảo Luật quy định 4 trường hợp. Nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng quy định khi nào lực lượng dự bị được sử dụng, Phó Chủ tịch Quốc hộ Đỗ Bá Tỵ lưu ý việc sử dụng lực lượng này về nguyên tắc phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với các quy định của Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ; đề nghị đánh giá thêm, rà soát kỹ đề quy định sao cho phù hợp, đúng nguyên tắc sử dụng lực lượng vũ trang, cần có cơ chế rõ ràng, cụ thể để sử dụng lực lượng này trong các trường hợp, tránh lạm dụng, sử dụng không đúng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị quan tâm rà soát tất cả các nội dung bảo đảm chặt chẽ thống nhất, làm rõ thêm các nguyên tắc quản lý, sắp xếp, bổ nhiệm phong thăng quân hàm, chế độ chính sách đối với lực lượng dự bị động viên, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong lĩnh vực này; đồng thời Đề nghị Ủy ban Quốc phòng - An ninh phối hợp với Ban soạn thảo và cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện báo cáo cũng như dự thảo Luật gửi xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội để hoàn thiện, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác