HÌNH ẢNH KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 37 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

09/09/2019

Sáng ngày 09/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 37. Theo dự kiến chương trình, phiên họp này sẽ kéo dài từ ngày 09/9 đến ngày 20/9 với nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, tiến hành giám sát chuyên đề và quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhấn mạnh khối lượng công việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết tại phiên họp 37 rất nhiều nội dung quan trọng nhất là các nội dung sẽ trình tại Kỳ họp thứ 8 nên thời gian làm việc tương đối dài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung tham dự phiên họp, điều hành linh động khoa học.

Trong phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật được chuẩn bị tương đối công phu, đã thể chế chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước; Hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt ra vấn đề sương mù và gió mạnh trên biển liệu có phải thiên tại không mà cơ quan soạn thảo quy định bổ sung hai hiện tượng này là thiên tai, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc lại hai loại hình thiên tai này khi quy định bổ sung vào trong luật.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng về vấn đề kêu gọi, vận động, quyên góp, tiếp nhận nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ đối với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần phải được nghiên cứu, cân nhắc, nếu quy định trong Dự luật thì phải hợp lý, đảm bảo đươc tính khả thi khi áp dụng

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật; đánh giá hồ sơ Dự án đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị cần xem xét, nghiên cứu thêm về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo sự chính xác; cơ chế chịu trách nhiệm nếu như thông tin dự báo sai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, trong các công trình phòng, chống thiên tai, đề nghị bổ sung thêm hệ thống kè, nhất là những hệ thống kè chống sạt lở ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, nhất là vùng miền núi, vùng cao; trong các công trình thì bổ sung thêm hệ thống kè chống sạt lở

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Bùi Đặng Dũng cung cấp thêm một số thông tin về Quỹ Phòng, chống thiên tai với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, thẩm tra chính thức; đảm bảo đủ các điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Trọng Quỳnh