ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT CHỨNG KHOÁN (SỬA ĐỔI)

09/09/2019

Chiều ngày 09/9, theo chương trình Phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Trình bày báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật dự kiến có 2 phần. 

Phần I về những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, với 8 nhóm vấn đề lớn gồm: chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá; điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; mô hình của Sở giao dịch chứng khoán; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; tổ chức hoạt động và đăng ký giao dịch bảo đảm của Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. 

Phần II về một số nội dung lớn khác gồm: nguyên tắc áp dụng Luật; giải thích từ ngữ; về ngân hàng thanh toán; công bố thông tin.

Theo đó, về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng, Ủy ban Kinh tế đề nghị luật hóa quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ đối với doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP vào Luật Doanh nghiệp, bảo đảm tính thống nhất và phân định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của 02 Luật đối với 02 loại hình là công ty đại chúng và doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng. Như vậy, Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán (trong đó có trái phiếu riêng lẻ) của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tại phiên họp

Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về cơ bản, dự thảo Luật được tiếp thu theo hướng vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được giữ như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và giữ mối quan hệ giữa Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước như hiện hành. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc  tăng thêm thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Về mô hình của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 43 của dự thảo Luật như sau: "Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp”.  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lý giải, chỉnh lý quy định theo hướng này bởi vai trò chỉ đạo, chi phối của Nhà nước tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là rất cần thiết bởi những biến động về thị trường tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia; đồng thời thống nhất với khái niệm về doanh nghiệp nhà nước tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với hướng tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) song các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu, làm rõ thêm một số nội dung.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Bày tỏ băn khoăn về việc bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, quy định hiện hành giao quyền đại diện quyền sở hữu vốn nhà nước cho Bộ, cơ quan ngang bộ, SCIC và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước. Nay dự thảo Luật lại giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng đây là vấn đề lớn cần thảo luận kỹ, đề nghị các cơ quan hữu quan giải trình làm rõ, đồng thời lưu ý quan điểm tăng thêm thẩm quyền nhưng không nên trái với xu thế hiện hành.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị thận trọng việc bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tránh làm rối thêm tình hình, làm mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm của Chính phủ là không bổ sung quy định này và cho biết thêm nếu quy định chức năng đại diện quyền sở hữu vốn nhà nước tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cho Ủy ban Chứng khoán sẽ mâu thuẫn với Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vào doanh nghiệp.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng, việc luật hóa Nghị định 163. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát thêm các nội dung liên quan đến nguyên tắc áp dụng luật, đăng ký giao dịch bảo đảm, bảo đảm thống nhất trong mối quan hệ với Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng…

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, sau khi nghe báo cáo và qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất hướng tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật như cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất, bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung cần chỉnh sửa. Cụ thể, việc luật hóa Nghị định số 163/2018/NĐ-CP là việc cần nhưng qua thảo luận cho thấy chưa đủ điều kiện, do chưa đánh giá được tác động – đây là một trong những quy trình bắt buộc theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu đưa các nội dung của Nghị định có thể có sự xung đột giữa Luật Doanh nghiệp và luật mới này. Trong khi đó, nếu không đưa vào luật thì không ảnh hưởng đến hoạt động các doanh nghiệp. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng chưa đưa vấn đề này vào dự án Luật này mà cần dược cân nhắc thêm, nếu có xem xét thì xem xét ở Luật Doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận

Về tăng thầm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đây cũng là vấn đề được đặt ra theo kết luận tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng việc đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam vượt qua quy định hiện hành, do đó cần cân nhắc không nên đặt ra.

Về mô hình của Sở giao dịch chứng khoán, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tiếp tục khẳng định chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và việc đặt ở đâu do Chính phủ quy định đồng thời nêu rõ thêm bản chất trong luật Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề cần rà soát thêm đảm bảo tính thống nhất hệ thống pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giao Ủy ban Kinh tế tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo vào Dự thảo để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh