NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC BAN HÀNH VĂN BẢN TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

10/09/2019

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề tại Phiên họp thứ 37, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, công tác ban hành văn bản để tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018 vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến báo cáo một số nội dung

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) là vùng chiến khu, căn cứ cách mạng trước đây, góp phần to lớn vào thắng lợi của đất nước qua các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN, qua đó đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của vùng; tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Bước đầu hình thành vùng sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa; cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường; công tác xóa đói, giảm nghèo vùng DTTS, MN đã đạt thành tựu quan trọng, diện mạo vùng DTTS, MN có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; tình hình an ninh, chính trị được bảo đảm, đồng bào dân tộc thiểu số đoàn kết, tích cực tham gia xây dựng, phát triển đất nước.

Tuy nhiên, vùng DTTS, MN hiện nay có “05 khó khăn nhất”, đó là: Có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Những khó khăn mang tính đặc thù về điều kiện tự nhiên, địa bàn cư trú các DTTS, kinh tế - xã hội nêu trên có ảnh hưởng rất lớn, tác động trực tiếp tới quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, MN giai đoạn 2012 – 2018.

Đối với công tác ban hành văn bản để tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, MN giai đoạn 2012 – 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành theo chức năng tham mưu nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Đến nay, hệ thống khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình đã hoàn thành qua hai giai đoạn và là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức, điều hành thực hiện Chương trình, kết quả cụ thể: Giai đoạn 2012-2015: Ban hành 18 văn bản (03 Nghị định của Chính phủ; 01 Quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương; 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

Giai đoạn 2016-2018: Ban hành 28 văn bản, gồm: 01 Nghị quyết, 02 Nghị định của Chính phủ; 01 Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 01 Chỉ thị, 22 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 01 Quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020. Trên cơ sở các văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã kịp thời ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Nhìn chung, hệ thống chính sách, pháp luật thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững qua hai giai đoạn được ban hành khá đồng bộ, tương đối kịp thời, cơ bản thống nhất, tạo thành hệ thống chính sách đa chiều để thực hiện việc hỗ trợ cho người nghèo DTTS và địa bàn khó khăn, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, MN.

Toàn cảnh Phiên họp

Ở cấp địa phương, qua giám sát và báo cáo của các tỉnh, tùy theo mục đích, yêu cầu nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo từng giai đoạn, dưới sự hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã xây dựng các văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, điều hành việc tổ chức thực hiện chương trình trên địa bàn theo thẩm quyền; đưa chỉ tiêu về giảm nghèo vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm và xây dựng giải pháp để tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương đã vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách, hướng dẫn của trung ương và chủ động ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, như: Chính sách khuyến khích, vận động người nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh nội trú đối với hộ nghèo; chính sách hỗ trợ tiền điện hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều; hỗ trợ giáo dục; chính sách tín dụng ưu đãi, vay vốn xuất khẩu lao động, làm nhà ở, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và dân tộc thiểu số ít người; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo và chính sách hỗ trợ cho các địa bàn khó khăn.

Thông qua các chính sách này, các địa phương đã tạo được cơ chế khuyến khích, động viên, hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để hướng tới phấn đấu hoàn thành mục tiêu Chương trình giảm nghèo bền vững đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện trong từng giai đoạn.

Tuy nhiên, qua giám sát, Đoàn giám sát nhận thấy trong quá trình ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành còn tồn tại, hạn chế: Kết quả rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo còn hạn chế (05 văn bản tích hợp liên quan đến giáo dục và trợ giúp pháp lý, 03 văn bản bãi bỏ liên quan đến giảm nghèo), chưa đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu theo Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội và Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 22/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành kế hoạch rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017 – 2018”.

Ngoài ra, kết quả giám sát cũng chỉ rõ, một số chính sách mang tính chất hỗ trợ ngắn hạn, thời vụ; trực tiếp, cho không, mang tính bình quân, cào bằng, thời gian đầu có tác dụng tốt, giải quyết được một số khó khăn trước mắt cho người dân, tuy nhiên đến nay không còn phù hợp, nhưng chậm sửa đổi, bổ sung; việc phân nhóm ưu tiên, xác định nguyên nhân hộ nghèo vùng đặc biệt  khó khăn, vùng DTTS, MN chưa được phân tích cụ thể, vì vậy chưa có giải pháp chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng hộ nghèo./.

Hồ Hương