BỘ CÔNG THƯƠNG
1. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Đề nghị có chính sách hỗ trợ giá điện cho các Trạm bơm điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Trả lời: Tại công văn số 6498/BCT-KH ngày 14/7/2016
Thực hiện chủ trương tách bạch chức năng kinh doanh và chức năng công ích của ngành điện, Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2014) quy định giá bán điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện được tính toán tương đương hoặc cao hơn giá thành sản xuất, kinh doanh điện và phù hợp với biểu đồ phụ tải điện của các hộ sử dụng điện cũng như cơ cấu sản lượng điện phát trong hệ thống điện; Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho những hộ nghèo, hộ chính sách xã hội. Vì vậy, giá bán điện cho mục đích bơm nước tưới tiêu được áp dụng như những ngành sản xuất khác để giảm mức bù giá cho nhóm đối tượng khách hàng này.
2. Cử tri tỉnh Bắc Ninh kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương giảm giá điện tiêu dùng cho nhân dân.
Trả lời: Tại công văn số 6500/BCT-KH ngày 14/7/2016
Nhằm phát triển năng lượng bền vững, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp và người dân, đảm bảo tạo môi trường cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành điện thì giá bán điện cần phản ánh được các chi phí sản xuất, kinh doanh điện cũng như đảm bảo các đơn vị điện lực có lợi nhuận hợp lý, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn, từ đó tái đầu tư phát triển và khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Thực hiện mục tiêu trên, trong các năm vừa qua cũng như trong thời gian tới, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện theo cơ chế thị trường trong phạm vi khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định và cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; giá thành sản xuất kinh doanh điện tiếp tục được kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước làm cơ sở điều chỉnh giá bán điện kịp thời theo cơ chế thị trường. Để ổn định giá bán điện, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, thời điểm điều chỉnh và lượng điều chỉnh sẽ được căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội của từng thời kỳ.
3. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Đề nghị xem xét lại cơ chế tính giá điện sao cho hợp lý trong điều kiện đời sống nhân dân hiện còn nhiều khó khăn. Chỉ nên tính 1 giá đồng nhất mà không phải tính giá phạt. Mặt khác, giá điện tăng cao cũng gây khó khăn cho nhân dân.
Trả lời: Tại công văn số 6499/BCT-KH ngày 14/7/2016
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương có nhận được một số ý kiến của báo chí và người dân liên quan đến quy định hiện nay về các bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện áp dụng cho khách hàng sinh hoạt. Tiếp thu các ý kiến góp ý của báo chí và người dân, Bộ Công Thương đã nghiên cứu và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam: i) Thu thập số liệu thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trên phạm vi cả nước trong thời gian qua, phân tích đánh giá những ưu điểm, và đặc biệt là đưa ra những điểm chưa phù hợp, cần cải tiến trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện nay; ii) Tổ chức hội thảo rộng rãi ở ba miền Bắc, Trung, Nam để lấy ý kiến của các tổ chức, hiệp hội ngành nghề, các đơn vị điện lực và người dân về các kết quả nghiên cứu, đề xuất này.
Trước mắt, tập trung nghiên cứu cải tiến biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt trên cơ sở thiết kế các bậc theo các định hướng sau: i) đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh (giá bán điện đảm bảo cao hơn giá thành sản xuất, kinh doanh điện); ii) đảm bảo thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp; iii) đảm bảo nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; iv) khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội; v) giảm bù chéo giữa các đối tượng khách hàng; vi) nghiên cứu xem xét lựa chọn hợp lý số bậc thang của khách hàng sinh hoạt, thu hẹp khoảng cách giá điện áp dụng tương ứng từng bậc thang.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, trong các ngày 22, 23 và 30 tháng 9 năm 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự thảo đã đề xuất 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, cụ thể như sau:
- Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc thang như hiện nay.
- Phương án 2: Quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) ở mức 1.747 đồng/kWh.
- Phương án 3: Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc hoặc 4 bậc theo 5 kịch bản.
Các phương án giá điện nêu trên đã được tính toán không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân được duyệt hiện hành là 1.622,01 đồng/kWh.
Căn cứ trên báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các ý kiến đề xuất tại Hội thảo, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, tổng hợp và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 378/VPCP-KTTH ngày 07 tháng 3 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ về Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ngày 28 tháng 3 năm 2016 Bộ Công Thương đã có Công văn số 129/BCT-ĐTĐL đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 378/VPCP-KTTH, theo đó trước mắt giữ nguyên cơ cấu biểu giá bán lẻ điện gồm 6 bậc tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp và tác động của cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành đến các nhóm đối tượng khách hàng sử dụng.
4. Cử tri tỉnh Điện Biên kiến nghị: Theo quy định thời gian thực hiện Di dân tái định cư thủy Điện Sơn La đên hết năm 2015 là kết thúc. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư vẫn còn một số tồn tại cần có thời gian để giải quyết, do đó đề nghị xem xét ban hành cơ chế giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong công tác tái định cư thủy điện Sơn La.
Trả lời: Tại công văn số 6501/BCT-KH ngày 14/7/2016
Dự án di dân, tái định cư định canh là một Dự án thành phần của Dự án thủy điện Sơn La do Ủy ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên làm Chủ đầu tư. Sau hơn mười hai năm triển khai và thực hiện Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trải qua nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực cố gắng cao độ của các Bộ, ngành Trung ương cùng với sự quyết tâm của Lãnh đạo và nhân dân các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Đến nay, Dự án thành phần di dân, tái định cư thủy điện Sơn La cơ bản đã hoàn thành. Việc tổng kết Dự án di dân, tái định cư trên địa bàn từng tỉnh đã được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể: Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã tổ chức tổng kết công tác di dân, tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn Tỉnh ngày 08 tháng 4 năm 2016; Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã tổ chức tổng kết ngày 11 tháng 4 năm 2016; Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã tổ chức tổng kết ngày 13 tháng 5 năm 2016. Tại Văn bản số 3062/VPCP-KTN ngày 05 tháng 5 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với ý kiến đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thời gian Hội nghị Tổng kết hoàn thành Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La dự kiến vào ngày 25 tháng 5 năm 2016. Tuy nhiên, vì lý do khách quan, thời gian tổng kết sẽ lùi lại trong thời gian tới.
Về một số nội dung tồn tại của công tác di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên tiếp tục thực hiện sau khi tổng kết:
- Hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 636 hộ/19.421 hộ (trong đó tại tỉnh Điện Biên là 480 hộ, Lai Châu là 156 hộ) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 37 hộ tái định cư nông nghiệp tại điểm tái định cư Nậm San, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
- Hoàn thành nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng 15 dự án thành phần đang thi công dở dang; hoàn thành giải ngân khối lượng còn lại của dự án (1.856 tỷ đồng); hoàn thành quyết toán khối lượng còn lại của dự án (3.808 tỷ đồng).
- Tiếp tục việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn các tỉnh, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
- Xây dựng, phê duyệt và thực hiện cơ chế quản lý, sử dụng duy tu bảo dưỡng các công trình công cộng tại các khu, điểm tái định cư.
- Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai “đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư dự án thủy điện Sơn La” trên địa bàn tỉnh ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tổ chức thực hiện 35 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hoàn thiện dự án kè suối Nậm La.
- Tổng hợp, báo cáo thực hiện xử lý những tồn tại trong công tác di dân, tái định cư trên địa bàn các tỉnh sau tổng kết dự án, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân các tỉnh đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế -xã hội vùng tái định cư giai đoạn 2 thủy điện Sơn La, tập trung chỉ đạo, thực hiện ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ dân vùng tái định cư, triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất; hỗ trợ chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo ổn định bền vững đời sống của các hộ dân tái định cư các công trình thủy điện trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.
5. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Cử tri, nhân dân kiến nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm 50% sản lượng phát điện của nhà máy thủy điện An Khê - KaNak để trả lại dòng nước sông Ba bình thường như trước khi có công trình thủy điện, nhằm bảo đảm nguồn nước sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân thị xã An Khê và các huyện phía Nam của tỉnh Gia Lai.
Trả lời: Tại công văn số 6502/BCT-KH ngày 14/7/2016
Dự án thủy điện An Khê - Ka Nak chuyển lượng nước khoảng 10% của lưu vực sông Ba (1.236 km2) sang sông Kôn tỉnh Bình Định để lợi dụng chênh cao địa hình khoảng 360 m giữa 2 lưu vực này để phát điện. Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện An Khê - Ka Nak đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt thì biện pháp giảm thiểu tác động dòng chảy hạ lưu đập An Khê là duy trì lưu lượng xả về hạ du trong 8 tháng mùa kiệt với lưu lượng trung bình từ 2,2 m3/s đến 3,56 m3/s. Ngoài ra, tại Quyết định số 2994/QĐ-BNN-KH ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng tổng hợp và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Ba cũng đã đưa ra yêu cầu xả nước sau đập An Khê để đảm bảo dòng chảy cho nhu cầu nước hạ du trong 8 tháng mùa cạn là từ 2,23 m3/s đến 3,56 m3/s. Như vậy, trước khi xây dựng đã có các nghiên cứu, tính toán một cách đầy đủ và có cơ sở khoa học để đưa ra các giải pháp công trình cũng như các số liệu cụ thể về việc đảm bảo tránh các rủi ro về điều kiện về môi trường - xã hội đối với hạ lưu đập An Khê trên sông Ba.
Để điều hòa nguồn nước trên lưu vực sông Ba, giảm thiểu đến nguồn nước sử dụng sau đập An Khê và phối hợp vận hành các hồ chứa trên lưu vực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tính toán, xây dựng Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1077/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2014, trong đó có nhiệm vụ đảm bảo nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du. Theo đó, đối với hồ An Khê trong mùa lũ, khi có yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phải xả nước về sông Ba với lưu lượng đến 4 m3/s. Trong mùa cạn, hồ An Khê phải vận hành xả duy trì liên tục với lưu lượng:
- Từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 15 tháng 6, trong thời gian từ 6 giờ đến 19 giờ: không nhỏ hơn 8 m3/s, nếu lưu lượng đến hồ Ka Nak trung bình ngày hôm trước lớn hơn 8 m3/s; không nhỏ hơn 6 m3/s, nếu lưu lượng đến hồ Ka Nak trung bình ngày hôm trước nhỏ hơn 8 m3/s.
- Ngoài thời gian trên, phải xả lưu lượng không nhỏ hơn 4 m3/s.
Ngoài ra, để đảm bảo lượng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp,... thì hồ chứa phải vận hành đảm bảo mực nước tối thiểu tại từng thời điểm trong mùa cạn theo quy định, nếu không Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nơi có công trình quyết định việc điều chỉnh lưu lượng, thời gian vận hành hồ để đảm bảo mực nước trong thời kỳ tiếp theo. Trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng hoặc có yêu cầu bất thường về sử dụng nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi có công trình chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan lập kế hoạch, phương án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất để chỉ đạo các hồ điều tiết xả nước cho hạ du. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước trên địa bàn thực hiện việc lấy nước phù hợp với thời gian, lịch vận hành của các hồ chứa.
Trong năm 2015, lưu lượng tự nhiên về hồ An Khê trung bình thấp hơn rất nhiều so với lưu lượng tự nhiên về hồ An Khê trung bình nhiều năm nhưng hồ An Khê vẫn cung cấp nước về hạ du sông Ba 76% tổng lượng nước về hồ.
Những tháng đầu năm 2016, lượng nước về tiếp tục giảm thấp, đặc biệt là khu vực miền Trung. Lưu lượng dòng chảy tự nhiên về các hồ chứa An Khê - Ka Nak thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, theo đó, lưu lượng trung bình về hồ Ka Nak ở mức 3,44m3/s và mức thấp nhất là 1,26 m3/s (ngày 16/4). Để đảm bảo nhiệm vụ chống hạn, cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du sông Ba, hồ thủy điện An Khê xả liên tục với lưu lượng lớn hơn 5m3/s để cung cấp nước cho hạ du sông Ba. Với lưu lượng này, 4 tháng đầu năm 2016, tổng lượng nước từ hồ thủy điện An Khê - Ka Nak cung cấp cho hạ du sông Ba khoảng 54 triệu m3 trong khi lượng nước về hồ Ka Nak là 54 triệu m3. Nếu không có hồ thủy điện cung cấp nước thì lưu lượng dòng chảy tự nhiên trên sông Ba về hồ Ka Nak chỉ là 1,29 m3/s thay vì đó, vùng hạ du sông Ba đang được cung cấp từ hồ thủy điện An Khê với lưu lượng trên 5,17 m3/s. Như vậy, trong thời gian vừa qua hồ chứa thủy điện An Khê - Ka Nak đóng góp vai trò không nhỏ trong việc điều tiết cung cấp nhu cầu nước cho hạ du sông Ba. Việc kiến nghị thủy điện An Khê - Ka Nak trả lại dòng nước sông Ba bình thường như trước khi có công trình thủy điện sẽ khó đủ nước cung cấp nước tối thiểu nhu cầu cho hạ du trong điều kiện hạn hán như hiện nay.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tuân thủ kế hoạch, phương án tích, xả nước các hồ chứa An Khê và Ka Nak được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phê duyệt, ưu tiên trước hết cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu đập An Khê
6. Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị: Nhiều ý kiến cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy nhiệt điện Kinh Môn, hiện vẫn đang bỏ hoang gây lãng phí và ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất kinh doanh của nhân dân trong vùng.
Trả lời: Tại công văn số 6503/BCT-KH ngày 14/7/2016
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Kinh Môn, chủ đầu tư Dự án đã đóng tài chính vào tháng 01 năm 2016 và đã khởi công xây dựng vào ngày 27 tháng 3 năm 2016. Đến nay, Công ty BOT đã góp 114 triệu USD vào Dự án, trong đó khoản rút vốn đầu tiên theo Hợp đồng vay là 14 triệu USD đã được chuyển vào Tài khoản vốn của Công ty BOT.
Hiện nay, tồn tại của Dự án liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng cho Bãi thải xỉ ban đầu có diện tích khoảng 73 ha (Địa điểm thứ 2), đây là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương. Để tránh việc chậm trễ do chậm bàn giao diện tích Bãi thải xỉ ban đầu làm ảnh hưởng đến tiến độ Dự án và tránh vi phạm các cam kết trong Hợp đồng thuê đất, ngày 24 tháng 5 năm 2016 Bộ Công Thương đã có Văn bản số 1346/TCNL-BOT đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm cung cấp cho Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương số tiền cần có theo quy định trong Hợp đồng Thuê đất, để có thể tiến hành công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho Bãi thải xỉ ban đầu (Ngày 07 tháng 6 năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã có Văn bản số 1326/UBND-VP giao Ủy ban nhân dân huyện Kinh Môn tổ chức triển khai các công việc cần thiết và sớm thông báo cho Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương).
Theo báo cáo của Chủ đầu tư Dự án, hiện nay Chủ đầu tư và Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đang tích cực phối hợp để hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho Bãi thải xỉ ban đầu và dự kiến sẽ hoàn thành sau 7 tháng kể từ khi Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương thông báo cho Công ty BOT số tiền cần để bồi thường giải phóng mặt bằng.
Để đảm bảo tiến độ cũng như thời gian hoàn thành xây dựng nhà máy, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương khẩn trương trong việc giải phóng mặt bằng Bãi thải xỉ ban đầu để bàn giao đúng hạn cho Chủ đầu tư.
Bộ Công Thương vẫn thường xuyên theo dõi sát sao tình hình thực hiện Dự án và phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để đôn đốc thực hiện Dự án theo kế hoạch (Theo cam kết với Chính phủ Việt Nam, Chủ đầu tư sẽ có 4,5 năm để thi công xây dựng Nhà máy và dự kiến Nhà máy sẽ được hoàn thành, nghiệm thu và vận hành vào năm 2020).
7. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri tiếp tục đề nghị xem xét lại việc phê duyệt các dự án thủy điện; cần đảm bảo diện tích rừng đầu nguồn, quan tâm đến việc canh tác, định canh, định cư của người dân tại các vùng thực hiện thủy điện. Đồng thời kiểm tra chặt chẽ công quản lý, vận hành các thủy điện để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đồng thời, cần quan tâm, có chính sách ứng phó đến việc xây dựng các đập thủy điện của các nước xây dựng trên thượng nguồn sông Mê Kông có thể ảnh hưởng lớn đến nước ta (ở vị trí hạ nguồn), đe dọa mất cân đối nguồn nước và nguồn thủy sản, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trả lời: Tại công văn số 6504/BCT-KH ngày 14/7/2016
Với mục tiêu đảm bảo việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện tuân thủ các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2012 về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện. Trong đó, Bộ Công Thương đã quy định, việc phê duyệt quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện phải đảm bảo các yêu cầu: Chỉ di dời tối đa 01 hộ dân và/hoặc chiếm dụng tối đa 10 ha đất các loại (gồm đất sông suối, đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp, đất ở...) cho 01 MW công suất lắp máy, trừ các dự án thủy điện đa mục tiêu; thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật liên quan như: đánh giá tác động môi trường; bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư,...
Căn cứ quy định tại Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06 tháng 5 năm 2013 và Thông tư số 26/2015/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 7 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, các dự án thủy điện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng kể từ khi Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có hiệu lực, phải trồng rừng thay thế với diện tích tối thiểu bằng diện tích đã chuyển đổi. Đối với công tác này, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan để chỉ đạo, đôn đốc Chủ đầu tư các dự án thủy điện thực hiện nghiêm túc.
Để tăng cường bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, các dự án thủy điện phải chi trả 20 đồng/kWh để chi trả cho các chủ rừng đầu nguồn của lưu vực dự án. Qua đó, đã góp phần tăng cường bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn và tăng thu nhập cho người dân tham gia bảo vệ, chăm sóc rừng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân 01 hộ dân được chi trả thêm 1,8 triệu đồng/năm; tại một số địa phương có nhiều dự án thủy điện như tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Lai Châu, tỉnh Kon Tum thì mức chi trả cao hơn mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (200.000 đ/ha/năm).
Công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư các dự án thủy điện thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành (Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ...). Tuy nhiên, đối với các dự án thủy điện quan trọng quốc gia và các dự án đặc biệt khác (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục theo đề nghị của Bộ Công Thương), công tác di dân và tái định cư còn phải thực hiện chính sách đặc thù ban hành theo Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 18 tháng 02 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ Công Thương đã thực hiện và đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh xem xét kỹ lưỡng và kiên quyết không phê duyệt quy hoạch, thông qua thiết kế các dự án thủy điện có ảnh hưởng lớn đất đai và môi trường, xã hội. Đến thời điểm hiện nay, là năm thứ 3 liên tiếp triển khai thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 62 một cách đồng bộ, quyết liệt và đã đạt được những kết quả được Quốc hội và Chính phủ ghi nhận.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội.
Về ứng phó đến việc xây dựng các đập thủy điện của các nước xây dựng trên thượng nguồn sông Mê Kông có thể ảnh hưởng lớn đến nước ta, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì, nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng đến nước ta khi xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp tham gia góp ý về nội dung đánh giá này.
8. Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Kiến nghị Bộ xem xét, thực hiện miễn hoặc giảm đối với giá điện thắp sáng công cộng, nhất là ở các vùng nông thôn, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích thụ hưởng của người dân nông thôn so với người dân thành thị. Vì tại các nơi này, đa số người dân tự đầu tư các hạ tầng truyền tải điện cần thiết phục vụ thắp sáng công cộng để đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn, trong khi nếu ở các đô thị thì Nhà nước tự đầu tư hạ tầng và chi trả các chi phí phát sinh do thắp sáng công cộng.
Trả lời: Tại công văn số 6575/BCT-KH ngày 15/7/2016
Theo quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2014 của Bộ Công Thương về thực hiện giá bán điện, giá bán điện phải áp dụng theo đúng đối tượng và mục đích sử dụng điện, theo đó giá bán điện cho chiếu sáng công cộng áp dụng giá bán điện cho khối hành chính sự nghiệp. Hiện nay, tiền điện cho chiếu sáng công cộng ở các địa phương được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước. Vì vậy, kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.
9. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Cử tri phản ánh những năm gần đây ngành điện lực tập trung xây dựng nhiều nhà máy, công trình sản xuất điện mới, nguồn điện cung cấp cho lưới điện quốc gia ngày càng nhiều nhưng giá bán điện trong nước không hạ xuống mà ngày càng tăng cao, gây khó khăn trong sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tuy nhiên, theo báo cáo hàng năm của ngành điện lực, năm nào kinh doanh cũng thua lỗ, vì vậy, Nhà nước phải hỗ trợ ngân sách để bù lỗ, trong khi các khoản tiền lương, tiền thưởng cho cán bộ, công chức ngành điện lực rất cao. Đây là một nghịch lý diễn ra nhiều năm nay, gây bức xúc trong nhân dân và dẫn đến tình trạng độc quyền của ngành điện lực. Cử tri đề nghị Bộ Công thương xem xét trả lời cho cử tri rõ vấn đề này, đồng thời công khai minh bạch chi phí đầu vào để sản xuất điện, có biện pháp.
Trả lời: Tại công văn số 6573/BCT-KH ngày 15/7/2016
1. Về thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường
Nhằm phát triển năng lượng bền vững, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp và người dân, đảm bảo tạo môi trường cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành điện thì giá bán điện cần phản ánh được các chi phí sản xuất, kinh doanh điện cũng như đảm bảo các đơn vị điện lực có lợi nhuận hợp lý, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn, từ đó tái đầu tư phát triển và khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Thực hiện mục tiêu trên, trong các năm vừa qua cũng như trong thời gian tới, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện theo cơ chế thị trường trong phạm vi khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định (khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015 thực hiện theo quy định tại Quyết định số 2165/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ) và cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; giá thành sản xuất kinh doanh điện tiếp tục được kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước làm cơ sở điều chỉnh giá bán điện kịp thời theo cơ chế thị trường. Để ổn định giá bán điện, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, thời điểm điều chỉnh và lượng điều chỉnh sẽ được căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội của từng thời kỳ.
2. Về công tác công khai, minh bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh điện
Trong các năm vừa qua, Bộ Công Thương đã thực hiện việc công khai, minh bạch đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh điện thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và triển khai thực hiện.
Thực hiện Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, hàng năm Tổ công tác liên ngành gồm đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã thực hiện việc kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện. Tổ công tác đã kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014. Căn cứ kết quả kiểm tra của Tổ công tác, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo, công bố công khai các nội dung về giá thành sản xuất kinh doanh điện cũng như tình hình hoạt động (lỗ/lãi) sản xuất, kinh doanh điện các năm 2010, 2011, 2012, 2013 và 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (những thông tin này cũng được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương http://minhbach.moit.gov.vn/).
Trong năm 2016, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2015 và thực hiện công bố công khai theo quy định.
Để tăng cường hơn nữa việc công khai, minh bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh điện, ngày 22 tháng 4 năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu. Chỉ thị số 11/CT-BCT quy định rất cụ thể, chi tiết về các nội dung, hình thức, phương thức, thời gian cần công khai, phân công cụ thể đơn vị thực hiện việc công khai, địa chỉ tra cứu, truy cập thông tin về các nội dung công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu để người dân có thể theo dõi, giám sát. Từ ngày 01 tháng 6 năm 2014, Bộ Công Thương đã triển khai công bố các thông tin theo quy định của Chỉ thị số 11/CT-BCT tại chuyên trang công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương theo địa chỉ: http://minhbach.moit.gov.vn/.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị triển khai tuyên truyền định kỳ các thông tin về giá điện và hoạt động sản xuất kinh doanh điện đến các Công ty Điện lực.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước nên việc thực hiện các quy định về lương, thưởng của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, ngoài Bộ Công Thương còn có sự kiểm tra, giám sát của các Bộ, ngành khác theo thẩm quyền. Với vai trò là Bộ quản lý nhà nước đối với hoạt động điện lực nói chung và quản lý Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ Tập đoàn Điện lực Việt Nam tuân thủ đúng các quy định hiện hành về chế độ lương, thưởng.
3. Về hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước:
Theo kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được công bố thì trong các năm vừa qua, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ để bù đắp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành điện. Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội và tách bạch dần chức năng kinh doanh và chức năng công ích của ngành điện, cụ thể:
Từ năm 2011, theo quy định tại Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 23 tháng 2 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về Biểu giá bán lẻ điện, các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện cho 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng.
Từ ngày 01 tháng 6 năm 2014, chính sách hỗ trợ cho hộ chính sách, hộ nghèo thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định (không thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện) và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Mức hỗ trợ tiền điện hiện hành cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội (từ ngày 16 tháng 3 năm 2015) theo Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 25/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung kinh phí năm 2015 cho các địa phương để hỗ trợ tiền điện hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ là 49.000 đồng/hộ/tháng. Đối với khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia, khách hàng sử dụng điện sẽ được áp dụng giá bán điện như các khu vực nối lưới. Kinh phí hỗ trợ tiền điện được trích từ nguồn Ngân sách Nhà nước.
4. Về kế hoạch cải cách, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Tại Văn bản số 29/TB-VPCP ngày 29/01/2015 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp của các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN rà soát và có các biện pháp cụ thể, quyết liệt để giảm mạnh chi phí sản xuất, kinh doanh điện, nhất là phải giảm tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất lao động và tạo thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian trong tiếp cận điện năng của doanh nghiệp và người dân; bảo đảm đạt kết quả cụ thể và được công khai rộng rãi ngay trong năm 2015.
Thực hiện chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2405/BCT-ĐTĐL ngày 12 tháng 3 năm 2015 yêu cầu EVN thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ về tổ chức, quản lý và đầu tư phát triển nguồn và lưới điện để giảm tổn thất điện năng năm 2015 xuống bằng 8%; thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ về quản trị doanh nghiệp, đầu tư hiện đại hóa công nghệ phát triển nguồn và lưới điện để tăng năng suất lao động bình quân đầu người năm 2015 tăng 9% so với năm 2014; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 33/2014/TT-BCT ngày 10 tháng 10 năm 2014 về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, trong đó thời gian EVN thực hiện các thủ tục thuộc trách nhiệm của EVN không quá 18 ngày.
Về dài hạn, Luật Điện lực năm 2004 và Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam (thay thế Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg).
Việc phát triển thị trường điện cạnh tranh với mục tiêu đưa cạnh tranh vào các khâu sẽ tạo động lực cho các đơn vị điện lực (trong đó có EVN) nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong hoạt động vận hành. Ngày 01 tháng 7 năm 2012, Thị trường phát điện cạnh tranh được vận hành chính thức. Sau gần 3 năm chính thức vận hành, Thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả tích cực: Tạo ra các tín hiệu tốt để thu hút đầu tư mới trong lĩnh vực phát triển nguồn điện; tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện thông qua bản chào giá của nhà máy; Giá điện được hình thành khách quan theo quy luật cung cầu; tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện trong thị trường, thúc đẩy các nhà máy chủ động nâng cao hiệu quả cạnh tranh và tiết kiệm chi phí phát điện của các nhà máy. Thực hiện quy định tại Lộ trình, từ năm 2016 thị trường điện Việt Nam sẽ chuyển từ thị trường phát điện cạnh tranh sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm.
10. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Chương trình xây dựng Nông thôn mới được nhân dân hoan nghênh và đông tỉnh ủng hộ. Hiện nay, ở địa phương nhân dân tích cực tham gia cùng nhà nước xây dựng kêt câu hạ tầng, phát triển sản xuất đã làm bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống người dân có phần tăng lên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, ở nông thôn người dân thực hiện phong trào thắp sáng đường quê, cùng nhau tự đóng góp kinh phí để kéo đường điện thắp sáng đường làng và phải trả chi phí tiền điện là không công bằng so với ở đô thị, nhà nước đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng, người dân đô thị hưởng lợi. Cử tri đề nghị Nhà nước quan tâm có cơ chế hỗ trợ kinh phí xây dựng đường điện chiếu sáng và miễn tiền điện chiếu sáng để người dân vùng nông thôn có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trả lời: Tại công văn số 6574/BCT-KH ngày 15/7/2016
Theo quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2014 của Bộ Công Thương về thực hiện giá bán điện, giá bán điện phải áp dụng theo đúng đối tượng và mục đích sử dụng điện, theo đó giá bán điện cho chiếu sáng công cộng áp dụng giá bán điện cho khối hành chính sự nghiệp. Hiện nay, tiền điện cho chiếu sáng công cộng ở các địa phương được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước. Vì vậy, kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.
11. Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư chương trình cấp điện nông thôn, miền núi của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013-2020 thay vì Ủy ban nhân dân tỉnh làm chủ đầu tư theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ sử dụng điện ở các vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có huyện Nam Trà My.
Trả lời: Tại công văn số 6545/BCT-KH ngày 15/7/2016
Chương trình Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8 tháng 12 năm 2013 với mục tiêu cung cấp điện lưới quốc gia và năng lượng tái tạo cho các xã, hộ chưa có điện, đến năm 2015 cơ bản các xã cả nước có điện đến trung tâm và năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn có điện trên khu vực 48 tỉnh. Theo chủ trương của Chính phủ, 24 tỉnh giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, 24 tỉnh giao Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh có khả năng bố trí được vốn đối ứng làm chủ đầu tư và việc điều chỉnh chủ đầu tư dự án giữa UBND các tỉnh và EVN chỉ áp dụng đối với trường hợp trước khi thực hiện dự án.
Dự án Cấp điện nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013-2020 được giao cho UBND tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Hiện tại, dự án này đang được UBND tỉnh triển khai thi công và đã hoàn thành một số hạng mục công trình.
Tuy nhiên, nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ sử dụng điện ở các vùng đặc biệt khó khăn, theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam, EVN đã có kế hoạch thực hiện đầu tư lưới điện nông thôn tại 52 thôn ở 29 xã thuộc các huyện Nam Trà My và Bắc Trà My để cấp điện cho các hộ dân chưa có điện với giá trị 280 tỷ đồng bằng nguồn vốn của EVN.
Đối với kiến nghị của cử tri đề nghị giao EVN làm chủ đầu tư dự án cấp điện huyện Nam Trà My, theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tại Văn bản số 447/TTr-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2016, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 3196/BCT-TCNL ngày 12 tháng 4 năm 2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho phép EVN làm chủ đầu tư Dự án.
12. Cử tri các tỉn, thành phố Hà Nội, An Giang, Bình Định, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Hải Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Thái Bình, Đồng Tháp, Quảng Nam, Hà Nam, Sóc Trăng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Tiền Giang, Bình Định, Tiền Giang, Phú Thọ, Bến Tre kiến nghị: Cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các loại nông sản, thực phẩm có nhiều hóa chất độc hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng và thị trường hàng hóa trong nước; việc kiểm soát, quản lý chất lượng và nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật ở nhiều nơi đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu còn buông lỏng, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm dẫn đến tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng gây nhiều thiệt hại cho người nông dân. Cử tri đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và thông báo công khai cho nhân dân biết về kết quả xử lý đối với các cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm.
Trả lời: Tại công văn số 6544/BCT-KH ngày 15/7/2016
Tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp, hàng hóa vi phạm với nhiều chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các nhãn hiệu có uy tín để đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhiều loại thực phẩm, thực phẩm chức năng giả, không có nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng được bày bán trên thị trường. Tình trạng hàng hóa hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng được các đối tượng sửa hạn sử dụng tiếp tục diễn ra, đáng chú ý là việc tẩy xóa, sửa lại hạn sử dụng trong kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng đã bị phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây. Việc sử dụng hoá chất để chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn, dùng kháng sinh cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản đã đến mức báo động, ảnh hưởng đến sức khoẻ và niềm tin của người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, ngay trong những tháng đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, riêng lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm đã ban hành trên 50 văn bản chỉ đạo, trong đó có 10 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, kinh doanh hàng kém chất lượng và vi phạm về an toàn thực phẩm.
Kết quả: Từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 5.034 vụ, thu nộp 12,4 tỷ đồng. Tịch thu 10.869 chai rượu, 28.758 lon bia, 7.322 kg bột ngọt, 418 gói gia vị, 4.381 tấn nông sản, 1.562 tấn trái cây, 150.110 kg đường kính, 22.801 chai nước giải khát, 185 chai nước mắm, 217.879 đơn vị bánh kẹo các loại, 4.297 lon sữa, 5.593 kg gia cầm, 208.511kg gia súc và phụ phẩm, 33.396 kg thủy sản, 109.720 đơn vị thực phẩm khác. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm quá hạn sử dụng, thực phẩm sử dụng chất cấm, phụ gia thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, thực phẩm vi phạm quy định về vệ sinh thú y, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng lao động không qua tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không khám sức khỏe theo quy định, vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, sử dụng vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc diện phải công bố hợp quy nhưng không có giấy xác nhận công bố hợp quy.
Tuy đã đạt được một số kết quả nêu trên nhưng do lực lượng mỏng, phương tiện kiểm tra, kiểm soát thiếu thốn, lạc hậu trong khi phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng làm ăn phi pháp luôn thay đổi và ngày càng tinh vi nên kết quả đạt được còn hạn chế, chưa đáp ứng được như mong muốn của nhân dân. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong thời gian tới lực lượng Quản lý thị trường tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Về chủ trương: Tiếp tục quán triệt đến công chức, người lao động các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, về kinh doanh, sử dụng hoá chất để chế biến thực phẩm, dùng kháng sinh cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của lực lượng. Tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước làm tốt công tác dự báo tình hình, theo dõi sát diễn biến của thị trường, xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm.
2. Về tổ chức kiểm tra, kiểm soát:
a) Đối với các Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố
- Tập trung kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các mặt hàng không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; tổ chức phối hợp và thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nội dung, hình thức phối hợp với các lực lượng chức năng để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh thực phẩm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, tập trung vào một số mặt hàng như: rượu, hương liệu, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến; ngăn chặn gia cầm, thịt gia súc gia cầm và phụ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và các thực phẩm có sử dụng chất cấm.
- Kiểm tra, ngăn chặn các hành vi kinh doanh, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y thuộc danh mục cấm nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã được phê duyệt. Tổ chức tổng kết, sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
b) Đối với các tỉnh biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu), chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch trên địa bàn. Bố trí lực lượng tại các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép, các sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm.
Các tỉnh biên giới như Quảng Trị, Tây Ninh, An Giang tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, sản xuất và buôn bán thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt lưu ý các mặt hàng rượu, hương liệu, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến.
3. Về tuyên truyền: Tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh không vì lợi ích cá nhân trước mắt mà gây hại cho người dân và cả nền kinh tế. Thông qua các phương tiện truyền thông kịp thời đưa tin tình hình kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của luật pháp cũng như phê phán nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tổ chức ký cam kết không sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
4. Về xây dựng cơ chế chính sách: Rà soát, tổng hợp các vướng mắc, đặc biệt lưu ý phát hiện các phương thức thủ đoạn mới, tìm ra quy luật hoạt động của các đối tượng làm ăn phi pháp để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý cho kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách; trong điều kiện lực lượng Quản lý thị trường còn mỏng như hiện nay, chú trọng các nguồn tin từ người dân và các phương tiện thông tin đại chúng để phân tích, đánh giá tình hình, phục vụ kiểm tra, kiểm soát.
13. Cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị: Đề nghị sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 11, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp với thực tế để đảm bảo răn đe, ngăn ngừa vi phạm (quy định hành vi kinh doanh phân bón giả chịu mức phạt thấp hơn so với kinh doanh phân bón kém chất lượng, trong khi đó thiệt hại do phân bón giả gây thiệt hại lớn hơn nhiều so với phân bón kém chất lượng, bởi vì xử phạt hành vi kinh doanh phân bón giả theo giá trị lô hàng hóa vi phạm, các cơ sở kinh doanh sẽ chia nhỏ lô hàng nên mức phạt thấp).
Trả lời: Tại công văn số 6543BCT-KH ngày 15/7/2016
Điều 11 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng, theo đó mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán phân bón giả được xác định theo giá trị tang vật vi phạm; đối với hành vi buôn bán phân bón giả có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt tiền cao nhất được áp dụng đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng và tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng.
Theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 20 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá, hành vi bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng bị phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm.
Về chính sách xử lý hình sự, kể từ thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 7 năm 2016), hành vi buôn bán phân bón giả trị giá từ 20 triệu đồng trở lên tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; phân bón giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá từ 30 triệu đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên v.v.. sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 195 Bộ luật này.
Như vậy, quy định xử phạt đối với hành vi buôn bán phân bón giả tại Điều 11 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP không thấp hơn so với quy định xử phạt đối với hành vi bán sản phẩm phân bón không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (không bảo đảm chất lượng). Quy định xử phạt của Điều 11 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP cũng tương thích với các quy định của Bộ luật hình sự mới và bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; có mức độ giáo dục, răn đe và bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt
14. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Cử tri cho rằng hiện tượng phân bón giả vẫn còn tồn tại trên thị trường, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng của người lao động. Hiện nay, việc quản lý phân bón hữu cơ, vi sinh thuộc về ngành nông nghiệp, phân bón vô cơ thuộc về ngành công thương, đề nghị các Bộ, ngành cần thống nhất cách thức phối hợp quản lý, phải quy định chặt chẽ nhãn mác, mã vạch, nguồn gốc xuất xứ trên bao bì đối với các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu; phải niêm yết giá tại các đại lý để người dân biết rõ về loại phân bón, thuốc trừ sâu mà mình muốn mua, tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Trả lời: Tại công văn số 6542/BCT-KH ngày 15/7/2016
1. Về niêm yết giá phân bón:
Căn cứ theo Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón quy định “Cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán phân bón vô cơ phải có biển hiệu, có bảng giá bán công khai từng loại phân bón, niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc. Phân bón bày bán phải được xếp đặt riêng, không để lẫn với các loại hàng hóa khác, phải được bảo quản ở nơi khô ráo, đảm bảo giữ được chất lượng phân bón và điều kiện vệ sinh môi trường”.
2. Về bao bì, nhãn mác phân bón:
Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về nhãn hàng hóa hiện nay gồm:
- Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các Thông tư hướng dẫn thi hành;
- Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
- Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các văn bản nêu trên đã quy định các mặt hàng (trong đó có các loại phân bón) phải thực hiện ghi nhãn theo quy định, quy định xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về nhãn hàng hóa và mã số mã vạch, trong đó phạt các hành vi vi phạm về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác kiểm soát thị trường phân bón, kiểm tra việc chấp hành pháp luật ghi nhãn hàng hóa mặt hàng phân bón vô cơ và kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón nói chung. Thời gian tới, công tác kiểm soát thị trường phân bón sẽ tiếp tục được tăng cường nhằm hạn chế việc vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, ghi nhãn phân bón.
15. Cử tri tỉnh Gia Lai và TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Thời gian qua, tình trạng phương tiện vận chuyển hàng giả, hàng lậu xảy ra nhiều nơi, diễn biến phức tạp nhưng chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đảm bảo yêu cầu giáo dục, răn đe nên vẫn còn nhiều trường hợp tái phạm. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cử tri đề nghị Chính phủ tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, cần quy định tịch thu phương tiện vận chuyển hàng lậu, hàng giả trong trường hợp người điều khiển phương tiện vận tải không khai báo và cơ quan chức năng không xác định được chủ sở hữu của số hàng lậu, hàng giả trên phương tiện vận tải đó.
Trả lời: Tại công văn số 6541/BCT-KH ngày 15/7/2016
Tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Việc quy định hình thức xử phạt, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:
a) Tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, thì phải quy định hình thức xử phạt cảnh cáo;
b) Mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
c) Mức độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt”.
Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”.
Do vậy, tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu và báo cáo Chính phủ quy định hình thức, mức xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vận chuyển hàng giả, hàng lậu phù hợp quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
16. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Cử tri kiến nghị nghiên cứu chế độ thâm niên nghề đối với công chức quản lý thị trường.
Cử tri đề nghị đầu tư trang bị, phương tiện phục vụ công tác phù hợp với đặc thù của ngành quản lý thị trường.
Trả lời: Tại công văn số 6540/BCT-KH ngày 15/7/2016
1. Về chế độ thâm niên nghề đối với công chức quản lý thị trường
Ngày 08 tháng 3 năm 2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường; theo đó quy định công chức Quản lý thị trường được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề. Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các đơn vị có liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh Quản lý thị trường, trong đó có quy định thời điểm công chức Quản lý thị trường được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
2. Về đầu tư trang bị, phương tiện phục vụ công tác phù hợp với đặc thù của ngành quản lý thị trường
Theo quy định quản lý nhà nước về công tác quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ xây dựng chế độ chính sách quy định điều kiện làm việc đối với lực lượng Quản lý thị trường về trang phục, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, ấn chỉ Quản lý thị trường, số hiệu, biển hiệu, phù hiệu, cấp hiệu và thẻ kiểm tra thị trường của lực lượng Quản lý thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ, đề nghị Bộ Tài chính bổ sung kinh phí trang bị các phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác của ngành Quản lý thị trường như ô tô chuyên dùng phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các phương tiện kiểm tra nhanh trong lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm...
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương, ngày 01 tháng 10 năm 2014, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 392/TB-VPCP về thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (nay là Thủ tướng Chính phủ) tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, bố trí kinh phí để mua sắm một số phương tiện, trang thiết bị thiết yếu cho lực lượng Quản lý thị trường một số địa phương, địa bàn trọng điểm. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, ngày 12 tháng 5 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 802/QĐ-TTg về việc bổ sung kinh phí năm 2016 cho Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương được bổ sung kinh phí từ nguồn chi quản lý hành chính của ngân sách trung ương để mua xe ô tô cho lực lượng Quản lý thị trường, trong đó có trang bị cho Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn một xe ô tô chuyên dùng. Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để trang bị xe ô tô chuyên dùng cho các Chi cục Quản lý thị trường.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh Quản lý thị trường, theo đó các cơ chế chính sách và điều kiện, phương tiện làm việc sẽ được quy định cụ thể phù hợp với đặc thù hoạt động của ngành Quản lý thị trường.
17. Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Bộ Công Thương tại Văn bản số 92/BDN ngày 28 tháng 4 năm 2016, cử tri có ý kiến như sau:
Cử tri phản ảnh: Tại khoản 1, Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định: “Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa;... buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt” nhưng Trung ương chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội. Đề nghị Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho địa phương tổ chức thực hiện.
Trả lời: Tại công văn số 6539/BCT-KH ngày 15/7/2016
Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính được quy định tại Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 8 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
Về vấn đề cử tri nêu: “Quy định cụ thể yếu tố gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội của các vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc trường hợp phải công bố công khai quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính” Bộ Công Thương xin ghi nhận và sẽ kiến nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính về nội dung này.
18. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri lo lắng khi Việt Nam tham gia TPP sẽ gây trở ngại cho hàng hóa Việt Nam trong việc cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Đề nghị ngành chức năng có kế hoạch ứng phó, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt.
Trả lời: Tại công văn số 6538/BCT-KH ngày 15/7/2016
Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) nói riêng luôn đi kèm với các rủi ro và thách thức. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế của nước ta trong những năm đổi mới, hội nhập vừa qua cho thấy mặt thuận lợi là cơ bản, chủ yếu, trong khi các thách thức, rủi ro có thể kiểm soát được nếu có sự thống nhất về nhận thức rủi ro và hành động để phòng chống rủi ro, vượt qua thách thức.
Việt Nam gia nhập ASEAN từ năm 1996, tham gia Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ năm 2001, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 và tiếp theo đó là rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước trong khu vực và trên thế thế giới. Gần đây nhất, trong năm 2015, chúng ta đã ký kết thêm 2 Hiệp định FTA với Hàn Quốc và Liên minh Á - Âu, kết thúc đàm phán FTA với Liên minh Châu Âu (EU) và ký kết Hiệp định TPP vào tháng 02 năm 2016. Như vậy, có thể nói, Việt Nam không còn quá xa lạ với hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình hội nhập, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước đã và đang hướng tới một nền hành chính công hiệu quả, minh bạch, dễ dự đoán, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của các hiệp định quốc tế và sẵn sàng cho các tiêu chuẩn cao của TPP. Trong quá trình đàm phán các FTA, Bộ Công Thương cùng với các Bộ, ngành hữu quan khác thường xuyên tiến hành tham vấn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội, doanh nghiệp để có cơ sở xây dựng Phương án đàm phán phù hợp, đáp ứng tối đa lợi ích của doanh nghiệp, do đó có thể nói rằng các doanh nghiệp đã được chuẩn bị dần dần trong quá trình HNKTQT, các doanh nghiệp Việt Nam không bị đặt vào thế bị động mà ngược lại, thường xuyên được tạo cơ hội để góp ý, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, tạo cơ hội xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài.
Tuy nhiên, tham gia TPP Việt Nam phải lưu ý một số vấn đề như sau:
- Về nông nghiệp, ta sẽ phải nỗ lực biến thách thức thành cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trang trại, đồn điền lớn để giảm chi phí sản xuất, dễ quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như dễ ứng dụng các công nghệ sinh học vào lĩnh vực trồng trọt, canh tác, chăn nuôi, phù hợp với việc xây dựng các chiến lược về nông nghiệp.
- Về công tác truyền thông, ta cần đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để mọi doanh nghiệp đều nhận thức rõ cơ hội và thách thức của TPP nói riêng cũng như của các FTA thế hệ mới nói chung. Chính những cơ hội và thách thức là động lực và cũng là những yếu tố tất yếu trên con đường hội nhập và phát triển của đất nước và của doanh nghiệp.
- Về thể chế, để thực thi cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường … Tuy nhiên, như kinh nghiệm gia nhập WTO đã chỉ ra, với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao độ, ta có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi ta được quyền thực hiện theo lộ trình
Trong thời gian qua và sắp tới, để tận dụng được cơ hội và khắc phục những bất lợi do các FTA nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung mang lại, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và lao động trong nước luôn là ưu tiên hàng đầu. Từ góc độ quản lý nhà nước, các cơ quan xây dựng chính sách trong đó có Bộ Công Thương đặt trọng tâm vào một số vấn đề sau :
- Tăng cường thể chế và thực thi thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cạnh tranh, hoàn thiện cơ chế phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính công, tăng cường công khai minh bạch.
- Tăng cường ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động và đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường đối mới sáng tạo. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động quốc gia và sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ.
- Tăng cường tiếp cận các nguồn lực và thị trường trong nước, thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong nước và năng lực hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển và tăng cường tiếp cận các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, đặc biệt là vốn, lao động, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng và tài nguyên. Thúc đẩy các động lực cạnh tranh lành mạnh và phát huy lợi thế so sánh của các địa phương.
- Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, tạo lập môi trường pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Xây dựng chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả thực hiện vai trò của Nhà nước trong định hướng phát triển hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Phát huy vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp.
- Trong công tác xây dựng kế hoạch và định hướng phát triển kinh tế, luôn ưu tiên coi trọng các giải pháp phát triển bền vững.
19. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Đề nghị có giải pháp xử lý tình trạng gian lận thương mại trên phạm vi cả nước.
Trả lời: Tại công văn số 6537/BCT-KH ngày 15/7/2016
Tình trạng gian lận thương mại trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp, hàng hóa vi phạm với nhiều chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các nhãn hiệu có uy tín để đưa ra thị trường tiêu thụ; Tình trạng hàng hóa hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng được các đối tượng sửa hạn sử dụng tiếp tục diễn ra, đáng chú ý là việc tẩy xóa, sửa lại hạn sử dụng trong kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng đã bị phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây... đã đến mức báo động, ảnh hưởng đến sức khoẻ và niềm tin của người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã rất quyết liệt, chỉ đạo, hướng dẫn các Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, công tác quản lý thị trường luôn được Bộ đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm vừa qua. Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong xử lý vi phạm, tình trạng gian lận thương mại đã giảm đáng kể, nhưng do lực lượng mỏng, phương tiện kiểm tra, kiểm soát thiếu thốn, lạc hậu trong khi phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng làm ăn phi pháp luôn thay đổi và ngày càng tinh vi nên kết quả đạt được còn hạn chế, chưa đáp ứng được như mong muốn của nhân dân. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong thời gian tới lực lượng Quản lý thị trường tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Tập trung bám sát, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 24 tháng 3 năm 2015 của Bộ Công Thương về tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu; Quyết định số 05/QĐ-BCĐ389 ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ; Công điện số 90/CĐ-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; Kế hoạch số 03/KH-BCĐ389 ngày 26 tháng 01 năm 2016 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016.
Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc lực lượng Quản lý thị trường triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch 1630/KH-BCT ngày 26 tháng 02 năm 2016 của Bộ Công Thương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016 (thực hiện Kế hoạch số 03/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia); Kế hoạch 1635/KH-BCĐ389 ngày 26 tháng 02 năm 2016 của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương về tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản và chất cấm dung trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm (thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).
b) Rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách
Tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trước mắt tập trung:
- Xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quản lý thị trường;
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định thay thế Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng; Thông tư số 07/2014/TT-BCT quy định về quản lý, sử dụng trang phục, phù hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và Thẻ kiểm tra thị trường của Quản lý thị trường...
- Trong quá trình thực thi công vụ, làm rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng làm ăn phi pháp, đúc rút các quy luật hoạt động để có biện pháp đối phó kịp thời, đặc biệt là kịp thời sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách.
c) Chú trọng công tác phòng ngừa thông qua việc tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật
- Tiếp tục triển khai Kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; tập trung vào các mặt hàng phân bón, mũ bảo hiểm, thuốc lá, xe máy điện, xe đạp điện và các nhóm hàng do Bộ Công thương quản lý. Chú trọng kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm;
- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng địa phương, để mọi đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận, ghi nhớ được những nội dung cần chuyển tải, góp phần đảm bảo cả chiều rộng và chiều sâu của công tác tuyên truyền. Ngoài hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, cần thực hiện hình thức tuyên truyền trực quan tại các địa bàn trọng điểm, các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, trụ sở các cơ quan đơn vị chức năng với nội dung phù hợp (pano, áp phích,…);
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền thường xuyên và chuyên đề về các hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường; Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình tuyên truyền hàng tháng về công tác quản lý thị trường.
d) Tổ chức tốt sự phối hợp trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan triệt phá các đầu nậu, tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả trong thị trường nội địa, đặc biệt là công tác trao đổi thông tin, tổ chức lực lượng phối hợp kiểm tra, xử lý các vụ việc lớn, nổi cộm, bảo đảm hiệu quả cao nhất.
đ) Xây dựng đội ngũ công chức Quản lý thị trường vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh nghề nghiệp, có giải pháp phòng chống tiêu cực tham nhũng
- Tổ chức quán triệt đến từng đơn vị, công chức Quản lý thị trường nhận thức đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Cấp ủy, chính quyền địa phương về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, từ đó xây dựng các giải pháp thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ.
- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, kiến thức pháp luật cho công chức thực thi; đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra nội bộ để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các các nhân, tổ chức có vi phạm; thường xuyên mở các đợt sinh hoạt chính trị nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, cơ quan đơn vị Quản lý thị trường trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
20. Cử tri tỉnh Đồng Nai kiến nghị: Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh, khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ (theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 và Nghị quyết số 87/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội).
Trả lời: Tại công văn số 6441/BCT-KH ngày 13/7/2016
Thời gian qua, phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nói riêng được sự hỗ trợ và quan tâm của Chính phủ, do vậy, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhiều dự án sản xuất lớn, của các Tập đoàn đa quốc gia như Samsung và LG... sản xuất các sản phẩm điện tử đã vào đầu tư vào Việt Nam, kèm theo đó nhu cầu linh phụ kiện cũng tăng cao mở ra thị trường và cơ hội lớn cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay, năng lực và công nghệ sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế như: công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp cũng như nguyên vật liệu đang phụ thuộc phần lớn vào nhà cung cấp nước ngoài.... Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, cụ thể:
Ngày 03 tháng 11 năm 2015, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ (Nghị định có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2016)
Tiếp đó, các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định nêu trên, cụ thể:
- Thông tư số 55/2015/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với các Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
- Thông tư số 01/2016/TT-NHNN ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về chính sách cho vay phát triểncông nghiệp hỗ trợ;
- Thông tư số 21/2016/TT-BTC ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn khai thuế giá trị gia tăng và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Những chính sách để khuyến khích phát triển CNHT bao gồm:
1. Các chính sách hỗ trợ phát triển CNHT:
- Chính sách hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển.
- Chính sách về hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
- Chính sách hỗ trợ để phát triển nguồn nhân lực.
- Chính sách hỗ trợ trong hợp tác quốc tế về CNHT.
- Chính sách hỗ trợ phát triển thị trường.
2. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Xây dựng hệ thống Trung tâm phát triển CNHT nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ về mặt công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Trung tâm này bao gồm tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, trung tâm thiết kế mẫu, trung tâm kiểm định chất lượng, sàn giao dịch nguyên vật liệu, chi tiết linh kiện....
Chương trình phát triển CNHT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị sản xuất, tạo dựng thị trường..., kết nối với các Tập đoàn đa quốc gia và các nhà cung ứng là doanh nghiệp FDI nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI để sản xuất các sản phẩm có yêu cầu từ trình độ thấp lên cao, từ đó có thể tiến tới xuất khẩu sang các thị trường khu vực và trên thế giới...
3. Các chính sách ưu đãi đối với CNHT
a) Ưu đãi chung:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế nhập khẩu; Tín dụng; Thuế giá trị gia tăng; Bảo vệ môi trường.
b) Ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:
- Tín dụng đầu tư.
- Tiền thuê đất, mặt nước.
Ngoài ra, theo Chương trình công tác của Chính phủ năm 2016, Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ, thời gian dự kiến trình Quốc hội là năm 2018.
21. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn toàn quốc; hỗ trợ các địa phương rút kinh nghiệm thực hiện mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ hiệu quả trong thực tiễn.
Trả lời: Tại công văn số 6438/BCT-KH ngày 13/7/2016
Để đánh giá những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện hai Nghị định nêu trên tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5 năm 2013. Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị là tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và trao đổi kinh nghiệm trong việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn toàn quốc.
Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ Công Thương đều phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức các Hội nghị theo vùng. Tại các Hội nghị, Bộ Công Thương đã có trả lời các đề xuất, kiến nghị của các Sở Công Thương, trong đó có rất nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến chuyển đổi mô hình quản lý chợ.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục tổng hợp thêm ý kiến của các Sở Công Thương và các đơn vị liên quan khác về việc thực hiện mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trong thực tiễn. Qua đó sẽ xem xét, nghiên cứu, cân nhắc để đề xuất với Chính phủ khi xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP nhằm tăng cường hiệu quả của công tác quản lý và phát triển chợ vào thời điểm thích hợp.
Do vậy, Bộ Công Thương xin ghi nhận đề nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh và sẽ xem xét, cân nhắc về việc tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn toàn quốc hoặc lồng ghép nội dung này vào các Hội nghị chung cho phù hợp với tình hình, qua đó sẽ có những đúc rút kinh nghiệm, hỗ trợ các địa phương thực hiện mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ hiệu quả trong thực tiễn.
22. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp; trong đó quy định tất cả các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp khi được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp ngoài địa chỉ trụ sở chính, mở rộng thị trường ra các địa phương khác phải đăng ký một địa điểm cố định và người đại diện pháp luật với cơ quan nhà nước liên quan để dễ kiểm tra, kiểm soát hoạt động, hạn chế các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính; đồng thời chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh trước khi cấp, sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp cần phối hợp với các địa phương đánh giá lại tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp tại các địa phương về tính hiệu quả, việc chấp hành quy định pháp luật và các vấn đề liên quan.
Trả lời: Tại công văn số 6438/BCT-KH ngày 13/7/2016
Bán hàng đa cấp (BHĐC) là một phương thức bán lẻ hàng hóa. Trong đó, thay vì bán tại các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng, siêu thị.., công ty BHĐC sẽ bán trực tiếp hàng hóa cho người tiêu dùng thông qua một mạng lưới những người bán hàng, phương thức bán lẻ này còn được gọi là "bán hàng đa cấp". Người bán hàng sẽ được công ty trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác dựa trên doanh số bán hàng của mình và của mạng lưới bán hàng do mình xây dựng. BHĐC tồn tại trên cơ sở hoạt động bán hàng, tiêu thụ hàng hóa.
BHĐC được pháp luật của nhiều nước thừa nhận và cho phép. Khi Việt Nam đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trước yêu cầu của các thành viên WTO, Việt Nam đã cam kết cho phép hoạt động BHĐC tại Việt Nam.
Từ năm 2005, hoạt động BHĐC tại Việt Nam chính thức được thừa nhận và được điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh và Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động BHĐC. Đến năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 thay thế cho Nghị định số 110/2005/NĐ-CP.
Đặc thù của mô hình BHĐC là việc tiếp thị hàng hóa được thực hiện trực tiếp qua phương thức truyền miệng, ít sử dụng quảng cáo trên truyền thông, do đó khó kiểm soát được quá trình thông tin từ người này sang người khác. Chính vì vậy, khi vào Việt Nam, hoạt động BHĐC đã bị một số đối tượng lợi dụng để biến thành công cụ lừa đảo. Từ đó, công tác quản lý đối với hoạt động này trong thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động BHĐC ở Việt Nam như đã nói ở trên là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, các hình thức biến tướng trong BHĐC liên tục phát sinh và ngày càng tinh vi, pháp luật không thể lường trước hết được các hình thức này để có cơ chế quản lý phù hợp.
Trước tình hình hoạt động BHĐC diễn ra ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng xấu tới xã hội trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thắt chặt hoạt động kinh doanh BHĐC, cụ thể:
a) Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động BHĐC
- Ngày 09 tháng 3 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC, trong đó yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động BHĐC trên địa bàn;
- Ngày 21 tháng 3 năm 2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1052/QĐ-BCT thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHĐC tại một số doanh nghiệp;
- Từ đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra và ban hành quyết định xử phạt đối với doanh nghiệp về các vi phạm trong hoạt động BHĐC và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC của 5 doanh nghiệp.
b) Đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin để cảnh báo cho người dân về các dấu hiệu BHĐC bất chính nói chung cũng như các trường hợp cụ thể nói riêng
- Thường xuyên phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp thông tin, cảnh báo cho người dân về các hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng, vi phạm pháp luật;
- Phối hợp với các Sở Công Thương tổ chức hoạt động tuyên truyền phổ biến tới các huyện, xã tại địa phương.
c) Hoàn thiện văn bản pháp luật quản lý hoạt động BHĐC trên cơ sở tổng kết vướng mắc trong quản lý cũng như phản ánh của người dân và các cơ quan báo chí, truyền thông
Vừa qua, trên cơ sở ý kiến của các địa phương, Bộ Công Thương đã trình và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC, trong đó dự kiến bổ sung quy định tất cả các doanh nghiệp hoạt động BHĐC khi được cấp giấy chứng nhận hoạt động BHĐC ngoài địa chỉ trụ sở chính, mở rộng thị trường ra các địa phương khác phải đăng ký một địa điểm cố định và có người đại diện chịu trách nhiệm tại địa bàn để dễ kiểm tra, kiểm soát, hạn chế các doanh nghiệp BHĐC bất chính.
d) Chỉ đạo thắt chặt việc cấp, sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC. Qua đó, từ tháng 02 năm 2016 đến nay chưa cấp thêm giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp nào.
23. Cử tri TP Hải Phòng kiến nghị: Cử tri đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong việc tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định song phương và đa phương trong lĩnh vực kinh tế như: Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu và Liên minh châu Âu, kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, trong thời gian tới cần rà soát ban hành bổ sung những chính sách phù hợp, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế trong nước, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, lao động trong nước để tạo thế chủ động khi chúng ta tham gia các Hiệp định quốc tế.
Trả lời: Tại công văn số 6439/BCT-KH ngày 13/7/2016
Với việc ký kết FTA giữa Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á – Âu, ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA), ký kết Hiệp định TPP, Việt Nam đang ngày càng hội nhập kinh tế sâu rộng. Đây sẽ là những động lực thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong nước, tạo nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, nhưng đặt ra không ít thách thức cho cơ quan chính phủ trong việc vừa tuân thủ cam kết, thu hút đầu tư nước ngoài vừa đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Liên quan đến chủ trương tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, ban hành những chính sách có lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016 - 2017, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trong đó, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ như triển khai và thực hiện nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các quy định hiện hành về chính sách cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp theo đúng các cam kết quốc tế; xây dựng Đề án tổ chức lại thị trường trong nước và thị trường biên mậu, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035, chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ, thúc đẩy sản xuất và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam.
Trong thời gian tới, để tận dụng được cơ hội và khắc phục những bất lợi do các FTA nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung mang lại, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và lao động trong nước luôn là ưu tiên hàng đầu. Từ góc độ quản lý nhà nước, các cơ quan xây dựng chính sách trong đó có Bộ Công Thương đặt trọng tâm vào một số vấn đề sau:
- Tăng cường thể chế và thực thi thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cạnh tranh, hoàn thiện cơ chế phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính công, tăng cường công khai minh bạch.
- Tăng cường ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động và đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường đối mới sáng tạo. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động quốc gia và sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ.
- Tăng cường tiếp cận các nguồn lực và thị trường trong nước, thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong nước và năng lực hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển và tăng cường tiếp cận các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, đặc biệt là vốn, lao động, khoa học-công nghệ, cơ sở hạ tầng và tài nguyên. Thúc đẩy các động lực cạnh tranh lành mạnh và phát huy lợi thế so sánh của các địa phương.
- Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, tạo lập môi trường pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Xây dựng chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả thực hiện vai trò của Nhà nước trong định hướng phát triển hoạt động đầu tư-kinh doanh của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Phát huy vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp.
- Trong công tác xây dựng kế hoạch và định hướng phát triển kinh tế, luôn ưu tiên coi trọng các giải pháp phát triển bền vững.
Để triển khai các nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và chính sách giải pháp quản lý, phát triển thị trường bán lẻ trong nước. Báo cáo đã đề xuất nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và mạng lưới phân phối trong nước trên cơ sở phù hợp với các cam kết mở cửa thị trường trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối thông qua việc tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020” về hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho thương mại trong nước.
Trên tinh thần đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan liên quan để tiến hành rà soát, tiếp tục triển khai và đề xuất những chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, mục tiêu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như lao động trong nước trước làn sóng đầu tư nước ngoài.
24. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị cần xác định rõ nhiệm vụ trong tâm của năm 2016 để đưa ra các giải pháp tập trung theo nhiệm vụ đã xác định. Cụ thể, năm 2016 là “Năm doanh nghiệp hội nhập”, từ đó trọng tâm của năm là chăm lo xây dựng và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân; xác định rõ cơ hội và thách thức cụ thể cho lộ trình hội nhập TPP, Asean thống nhất về kinh tế cho từng loại hình doanh nghiệp; Tăng cường giám sát, phản biện thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, cải cách hành chánh phù hợp với thông lệ quốc tế về kinh tế thị trường và các cam kết quốc tế khác tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động.
Trả lời: Tại công văn số 6440/BCT-KH ngày 13/7/2016
Thực hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả vững chắc. Việt Nam đã gia nhập ASEAN vào tháng 7 năm 1995, ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) vào năm 2000, gia nhập WTO vào năm 2007 và tham gia 9 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương. Cụ thể, ta đã cùng với các nước ASEAN ký các Hiệp định thương mại tự do giữa khối ASEAN với các đối tác như Trung Quốc vào năm 2004, với Hàn Quốc vào năm 2006, với Nhật Bản năm 2008, với Ôt-xtrây-lia và Niu Di-lân vào năm 2009, với Ấn Độ năm 2009. Ngoài ra, ta đã ký 3 FTA song phương là FTA Việt Nam-Nhật Bản năm 2008, FTA Việt Nam-Chi-lê năm 2011 và FTA Việt Nam – Hàn Quốc năm 2015. Trong năm 2015, Việt Nam còn kết thúc đàm phán 3 FTA quan trọng nữa là FTA với Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (TPP được ký tháng 02 năm 2016) và FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-ni-a, Ki-ri-gi-xtan).
Ta đã cùng các nước hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015. Theo số liệu của Ban thư ký ASEAN, Việt Nam thuộc nhóm 2 nước đứng đầu ASEAN trong việc triển khai các biện pháp ưu tiên nhằm chuẩn bị cho việc hình thành AEC. Với AEC và 4 Hiệp định FTA mới ký kết/kết thúc đàm phán (TPP, FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu), hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của ta sẽ được miễn thuế. Đặc biệt, với tư cách là nước đầu tiên trên thế giới có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu, nước thứ 2 trong ASEAN sau Xinh-ga-po có Hiệp định thương mại tự do với cả Hoa Kỳ và EU, Việt Nam đã chủ động đón đầu thành công xu hướng hội nhập mới. Các Hiệp định kết thúc đàm phán trong thời gian qua sẽ bảo đảm cho hàng hóa của Việt Nam có lợi thế so với hàng hóa của các đối thủ cạnh tranh trên các thị trường quan trọng nhất trong nhiều năm tới, cũng như thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với đối tác.
Việc kết thúc đàm phán mới là khai thông thị trường ở bước đầu. Công tác chuẩn bị để tận dụng cơ hội cũng như tăng năng lực cạnh tranh để nền kinh tế chúng ta hội nhập thành công thời gian tới sẽ có ý hết sức quan trọng.
Ngày 16 tháng 5 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Mục tiêu của Nghị quyết 35 nêu rõ, đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.Để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, cần bảo đảm các nguyên tắc: Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện. Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai và đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang xây dựng chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.Các quy định về điều kiện kinh doanh hiện nay cũng đã và đang được xây dựng và áp dụng theo hướng rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua một số giải pháp chủ yếu như sau:
- Triển khai và thực hiện nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các quy định hiện hành về chính sách cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp theo đúng các cam kết quốc tế; xây dựng Đề án Tổ chức lại thị trường trong nước và thị trường biên mậu, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong quý III năm 2016.
- Xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035, chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ, thúc đẩy sản xuất và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong quý I năm 2017.
- Tăng cường cung cấp, phổ biến thông tin và các hướng dẫn thực thi cam kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế (ASEAN, WTO, APEC, ASEM...) và các hiệp định kinh tế - thương mại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để nâng cao năng lực hội nhập cho doanh nghiệp, tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư, đặc biệt là về AEC, TPP, RCEP…
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp, tạo mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở vùng nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công.
- Thúc đẩy hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt các chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
- Bộ Công Thương cũng tích cực thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh doanh, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các đối tác từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU)… để giúp thu hút nguồn vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ hiện đại, sạch và tiết kiệm năng lượng, kinh nghiệm quản lý tiên tiến cho các doanh nghiệp Việt Nam.
- Ngoài việc tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của Việt Nam có thể kết nối với các doanh nghiệp trong các khu vực thương mại tự do được các FTA tạo ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
- Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự liên thông với các Bộ ngành có liên quan (như Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…) để tạo cơ chế một cửa nhằm cải cách công tác cấp các loại giấy phép liên quan cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp giấy phép, giảm chi phí xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Quá trình hội nhập kinh tế cần đi đôi với việc phát huy nội lực, tăng cường sức cạnh tranh trong nước. Giải pháp quan trọng nhất là xây dựng năng lực dài hạn của doanh nghiệp, người lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn diện. Điều này đòi hỏi trước hết sự chủ động của doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế, có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu hay uy tín và chất lượng để làm ăn quy mô và dài hạn trong tương lai. Các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao sức cạnh tranh để không chỉ giữ chỗ đứng tại thị trường nội địa mà còn tăng cường khả năng thâm nhập thị trường của các nước đối tác. Nếu muốn vượt qua được rào cản tại các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước cần có kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm của mình trong dài hạn để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường đối tác, đặc biệt là những nước áp dụng tiêu chuẩn cao với hàng nông - lâm - thủy sản như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... Đối với các rào cản khác, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp đều phải nâng cao nhận thức về thương mại quốc tế và có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong các vụ kiện thương mại quốc tế để giải quyết.
25. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị cần quan tâm giữ vững các thương hiệu doanh nghiệp đã có và phát triển thêm nhiều thương hiệu ngang tầm khu vực và thế giới. Trong thời gian gần đây, tình hình thực tế đáng lo ngại là nhiều các thương hiệu lớn của Việt Nam đã được bán cho các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp thực hiện tốt việc xây dựng, giữ vững và phát triển thương hiệu của mình.
Trả lời: Tại công văn số 6440/BCT-KH ngày 13/7/2016
Thực tế là trong thời gần đây nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam đã được bán cho các doanh nghiệp nước ngoài và vấn đề mua bán này chủ yếu thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), một hình thức đầu tư nước ngoài gián tiếp rất phổ biến tại các nền kinh tế hội nhập sâu như Việt Nam. Tại Việt Nam, hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp đang diễn ra sôi động với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước. Đứng trước cơ hội thương mại lớn từ những hiệp định kinh tế và thương mại như TPP, FTA… doanh nghiệp càng có thêm động lực để đẩy nhanh M&A nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh của mình về vốn, thị trường cũng như năng lực quản trị. Hoạt động mua bán-sáp nhập tại Việt Nam cũng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá cao về giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có giữ được thương hiệu trước làn sóng M&A hay không, trước tiên phụ thuộc vào chính nhận thức của doanh nghiệp về giá trị thương hiệu của doanh nghiệp mình cũng như trong việc phát triển và bảo vệ thương hiệu. Vì vậy, để tránh bị thiệt thòi trong các thương vụ mua bán-sáp nhập và ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí bị xóa sổ thương hiệu vì mục đích cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp nước ngoài, bản thân các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng những phương án đàm phán, trong đó tính đến các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước.
Trong bối cảnh nước ta hội nhập kinh tế toàn cầu sâu sắc với hàng loạt các Hiệp định tự do thương mại được ký kết gần đây, làn sóng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam được kỳ vọng gia tăng thì hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ ngày càng mạnh hơn thông qua việc mua lại các doanh nghiệp trong nước. Với nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG), với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp. Mục đích chính của Chương trình nhằm xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao; nâng cao sức cạnh tranh và giá trị cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập; tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam và xây dựng hình ảnh đất nước, doanh nghiệp Việt Nam gắn với các giá trị “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong” để tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo đó, Bộ Công Thương đã và đang tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như:
- Tư vấn xây dựng, bảo vệ thương hiệu, cũng như các hoạt động quảng bá cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia và hình ảnh quốc gia đang có vị thế cao tại thời điểm hiện nay.
- Tiếp tục lựa chọn thêm các thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp tham gia Chương trình THQG để khẳng định các giá trị mà quốc gia theo đuổi đang tạo ra hiệu ứng cộng hưởng tích cực đối với vị thế của nền kinh tế cũng như từng doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia nói riêng.
26. Cử tri TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Lâm Đồng, An Giang kiến nghị: Cử tri bức xúc trước tình trạng trước một số doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp hiện nay lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi bất hợp pháp. Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ, có biện pháp quyết liệt để giải quyết triệt để tình trạng này.
Trả lời: Tại công văn số 6440/BCT-KH ngày 13/7/2016
Bán hàng đa cấp (BHĐC) là một phương thức bán lẻ hàng hóa. Trong đó, thay vì bán tại các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng, siêu thị.., công ty BHĐC sẽ bán trực tiếp hàng hóa cho người tiêu dùng thông qua một mạng lưới những người bán hàng, phương thức bán lẻ này còn được gọi là "bán hàng đa cấp". Người bán hàng sẽ được công ty trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác dựa trên doanh số bán hàng của mình và của mạng lưới bán hàng do mình xây dựng. BHĐC tồn tại trên cơ sở hoạt động bán hàng, tiêu thụ hàng hóa.
BHĐC được pháp luật của nhiều nước thừa nhận và cho phép. Khi Việt Nam đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trước yêu cầu của các thành viên WTO, Việt Nam đã cam kết cho phép hoạt động BHĐC tại Việt Nam.
Từ năm 2005, hoạt động BHĐC tại Việt Nam chính thức được thừa nhận và được điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh và Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động BHĐC. Đến năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 thay thế cho Nghị định số 110/2005/NĐ-CP.
Đặc thù của mô hình BHĐC là việc tiếp thị hàng hóa được thực hiện trực tiếp qua phương thức truyền miệng, ít sử dụng quảng cáo trên truyền thông, do đó khó kiểm soát được quá trình thông tin từ người này sang người khác. Chính vì vậy, khi vào Việt Nam, hoạt động BHĐC đã bị một số đối tượng lợi dụng để biến thành công cụ lừa đảo. Từ đó, công tác quản lý đối với hoạt động này trong thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động BHĐC ở Việt Nam như đã nói ở trên là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, các hình thức biến tướng trong BHĐC liên tục phát sinh và ngày càng tinh vi, pháp luật không thể lường trước hết được các hình thức này để có cơ chế quản lý phù hợp.
Trước tình hình hoạt động BHĐC diễn ra ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng xấu tới xã hội trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thắt chặt hoạt động kinh doanh BHĐC, cụ thể:
a) Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động BHĐC
- Ngày 09 tháng 3 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC, trong đó yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động BHĐC trên địa bàn;
- Ngày 21 tháng 3 năm 2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1052/QĐ-BCT thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHĐC tại một số doanh nghiệp;
- Từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra và ban hành quyết định xử phạt đối với doanh nghiệp về các vi phạm trong hoạt động BHĐC và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC của 5 doanh nghiệp.
b) Đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin để cảnh báo cho người dân về các dấu hiệu BHĐC bất chính nói chung cũng như các trường hợp cụ thể nói riêng
- Thường xuyên phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp thông tin, cảnh báo cho người dân về các hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng, vi phạm pháp luật;
- Phối hợp với các Sở Công Thương tổ chức hoạt động tuyên truyền phổ biển tới các huyện, xã tại địa phương.
c) Hoàn thiện văn bản pháp luật quản lý hoạt động BHĐC trên cơ sở tổng kết vướng mắc trong quản lý cũng như phản ánh của người dân và các cơ quan báo chí, truyền thông
Vừa qua, trên cơ sở ý kiến của các địa phương, Bộ Công Thương đã trình và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC, trong đó dự kiến bổ sung quy định tất cả các doanh nghiệp hoạt động BHĐC khi được cấp giấy chứng nhận hoạt động BHĐC ngoài địa chỉ trụ sở chính, mở rộng thị trường ra các địa phương khác phải đăng ký một địa điểm cố định và có người đại diện chịu trách nhiệm tại địa bàn để dễ kiểm tra, kiểm soát, hạn chế các doanh nghiệp BHĐC bất chính.
d) Chỉ đạo thắt chặt việc cấp, sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC. Qua đó, từ tháng 02 năm 2016 đến nay chưa cấp thêm giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp nào.
27. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cần quan tâm mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường sử dụng vốn nhà nước đầu tư, có các chính sách làm tăng thị phần cho ngành cơ khí Việt Nam, tránh tình trạng hầu như ngân sách đầu tư là mua sắm thiết bị nước ngoài.
Trả lời: Tại công văn số 6440/BCT-KH ngày 13/7/2016
Trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương đã rất quan tâm đến phát triển ngành cơ khí và có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của ngành cơ khí, một trong những mục tiêu hỗ trợ nhằm nâng cao thị phần ngành cơ khí của Việt Nam ở thị trường trong nước, cụ thể như sau:
1. Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Cơ chế thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012 - 2025 với mục tiêu:
a) Mục tiêu chung:
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước.
b) Mục tiêu cụ thể:
Thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước các hệ thống thiết bị phụ (bao gồm toàn bộ các thiết bị đồng bộ với các thiết bị chính là lò hơi, turbin và máy phát điện) của 03 dự án nhà máy nhiệt điện: Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1, với mục tiêu:
- Bảo đảm tỷ lệ giá trị công tác tư vấn thiết kế chế tạo và dịch vụ kỹ thuật do các đơn vị tư vấn trong nước thực hiện đạt không dưới 40% cho dự án thứ nhất, không dưới 60% cho dự án thứ hai và không dưới 80% từ dự án thứ ba (dự án Quỳnh Lập 1) trở đi.
- Bảo đảm tỷ lệ giá trị thiết bị chế tạo do các doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện: Không dưới 50% cho dự án thứ nhất và thứ hai, không dưới 70% từ dự án thứ 3 trở đi.
2. Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 về cơ chế, chính sách, Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015, theo đó, phẩm cơ khí trọng điểm và dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm do các doanh nghiệp trong nước thực hiện thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg được hưởng các chính sách về: tín dụng đầu tư, kích cầu, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, về thuế, phí.
3. Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), theo đó, ngành cơ khí chế tạo là 1 trong 6 ngành ưu tiên phát triển. Các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất CNHT tại Việt Nam được hưởng các chính sách như:
Các chính sách hỗ trợ phát triển CNHT
- Chính sách hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển.
- Chính sách về hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
- Chính sách hỗ trợ để phát triển nguồn nhân lực.
- Chính sách hỗ trợ trong hợp tác quốc tế về công nghiệp hỗ trợ.
- Chính sách hỗ trợ phát triển thị trường.
Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp
- Xây dựng hệ thống Trung tâm phát triển CNHT nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ về mặt công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Trung tâm này bao gồm tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, trung tâm thiết kế mẫu, trung tâm kiểm định chất lượng, sàn giao dịch nguyên vật liệu, chi tiết linh kiện....
- Chương trình phát triển CNHT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị sản xuất, tạo dựng thị trường..., kết nối với các Tập đoàn đa quốc gia và các nhà cung ứng là doanh nghiệp FDI nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI để sản xuất các sản phẩm có yêu cầu từ trình độ thấp lên cao, từ đó có thể tiến tới xuất khẩu sang các thị trường khu vực và trên thế giới...
Các chính sách ưu đãi đối với CNHT
a. Ưu đãi chung:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Thuế nhập khẩu.
- Tín dụng.
- Thuế giá trị gia tăng.
- Bảo vệ môi trường.
b. Ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:
- Tín dụng đầu tư.
- Tiền thuê đất, mặt nước.
Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các ưu đãi đầu tư theo địa bàn.
Như vậy, về cơ bản các cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cao thị phần cho ngành cơ khí đã tương đối đầy đủ, các doanh nghiệp ngành cơ khí cần chủ động tận dụng các cơ chế, chính sách đã ban hành để tổ chức triển khai, phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh của mình, trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề vướng mắc đề nghị phản ánh với Bộ Công Thương, Bộ sẽ luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp cơ khí, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hỗ trợ nhằm nâng cao thị phần cho ngành cơ khí trong nước phát triển, qua đó giảm nhập khẩu máy móc, thiết bị từ nước ngoài.
28. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Đề nghị tăng cường thực hiện tốt Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010, Quyết định số 6139/QĐ-BCT ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Bộ Công Thương về phê duyệt Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; Quyết định 606/QĐ-BCT ngày 21 tháng 01 năm 2015 về việc ban hành lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015 - 2020.
Trả lời: Tại công văn số 6442/BCT-KH ngày 13/7/2016
Sau khi Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo được ban hành, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương để tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực thi Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hàng năm, Bộ Công Thương đều phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) và các địa phương tổ chức kiểm tra, khảo sát tình hình triển khai thực thi Nghị định và các cơ chế, chính sách liên quan; thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện. Qua đó, nắm bắt được tác động điều chỉnh tích cực của Nghị định cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra; phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, không đáp ứng các tiêu chí, điều kiện theo quy định. Đến nay, Bộ Công Thương đã xử lý thu hồi giấy chứng nhận của 45 thương nhân, trong đó, 31 thương nhân vi phạm không xuất khẩu gạo trong 12 tháng liên tục theo quy định của Nghị định. Đồng thời, cũng đã ghi nhận các phản ánh, kiến nghị có liên quan để xử lý.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xây dựng, ban hành Quyết định số 6139/QĐ-BCT ngày 28 tháng 8 năm 2014 phê duyệt Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; Quyết định số 606/QĐ-BCT ngày 21 tháng 01 năm 2015 ban hành Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020. Kết quả khảo sát tình hình triển khai thực hiện Lộ trình cho thấy, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế chung và yêu cầu nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu và để thực hiện tốt chủ trương này cần sự hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của các Bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ, nỗ lực tích cực tham gia của người dân và các doanh nghiệp.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành, địa phương liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam rà soát, đánh giá tình hình và kết quả thực thi Nghị định và các văn bản, quy định hiện hành liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
29. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Sau khi nước ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại với các nước, đặc biệt là hiệp định TPP, cử tri quan tâm và đề nghị nhà nước rà soát lại các văn bản pháp luật đã ban hành và sớm xây dựng các văn bản pháp luật mới để thực hiện các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia.
Trả lời: Tại công văn số 6443/BCT-KH ngày 13/7/2016
Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định TPP.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong những lĩnh vực Bộ phụ trách như quản lý xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ hàng hóa, cạnh tranh, phòng vệ thương mại… nhằm đưa ra những kiến nghị sửa đổi, bổ sung cần thiết để thực thi Hiệp định TPP trình Quốc hội thông qua. Dự kiến sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP, Bộ Công Thương sẽ bắt tay ngay vào công tác sửa đổi pháp luật, đồng thời phổ biến rộng rãi cho các cơ quan quản lý Nhà nước.
30. Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: Việc nước ta tham gia Hiệp định TPP vừa là thời cơ vừa là thách thức cho các nhà quản lý và các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận. Để các doanh nghiệp biết và hiểu rõ hơn về hiệp định TPP, đề nghị các Bộ ngành hữu quan quan tâm, có kế hoạch phổ biến mang tính chuyên sâu tại địa phương.
Trả lời: Tại công văn số 6444/BCT-KH ngày 13/7/2016
Ngày 04 tháng 02 năm 2016, ngay sau khi Bộ trưởng của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ký xác thực lời văn tại Aukland, Niu Di-lân, toàn bộ văn kiện của Hiệp định (bao gồm cả bản dịch không chính thức bằng tiếng Việt) đã được đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Công Thương tại địa chỉ: http://www.tpp.moit.gov.vn. Đây là một kênh thông tin hữu ích cho tất cả các đối tượng quan tâm đến Hiệp định, đặc biệt là các doanh nghiệp tại các tỉnh.
Đồng thời, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định TPP, tại nhiều địa bàn trên cả nước. Cụ thể, kể từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 6 năm 2016, Bộ Công Thương đã triển khai 17 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến về các FTA, TPP do Lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì tại các tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đà Nẵng, Cao Bằng, Điện Biên, Cần Thơ, Gia Lai, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thanh Hóa, Nam Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, An Giang, Lâm Đồng ...
Trong thời gian tới, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương tiếp tục:
- Triển khai thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, cam kết trong các hiệp định FTA và TPP mà Việt Nam đã ký kết cho doanh nghiệp ở các địa phương trên cả nước, từ đó đưa ra các khuyến nghị giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội do các FTA mang lại thông qua các hình thức như hội nghị, hội thảo, tọa đàm, biên soạn sách giới thiệu cam kết Hiệp định TPP…
- Tổ chức các khóa đào tạo với các chương trình đào tạo chung và chuyên sâu cho doanh nghiệp tại các địa phương trên cả nước về các quy định, cam kết trong các hiệp định FTA, TPP mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các lĩnh vực quan trọng như mở cửa thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan, SPS, TBT, dịch vụ, đầu tư, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước,… để các doanh nghiệp hiểu và chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nhằm hiện thực hóa cơ hội do các FTA và TPP mang lại.
31. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Cử tri phản ánh và kiến nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, khảo sát, giám sát để đánh giá cụ thể hiệu quả, sự cần thiết hay không việc tiếp tục thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên. Nếu tiếp tục thực hiện Dự án thì phải có giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong quá trình thực hiện để tránh lãng phí (công trình đã kéo dài 9 năm). Hiện tại Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp tục tổ chức thực hiện nhưng không tự tháo gỡ được.
Trả lời: Tại công văn số 6546/BCT-KH ngày 15/7/2016
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên công suất 500.000 tấn phôi thép/năm với tổng giá trị được duyệt năm 2005 là 160,888 triệu USD (Thời điểm tỷ giá 1 USD bằng 15.850 VNĐ) do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) làm chủ đầu tư, Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã trúng thầu và làm tổng thầu gói thầu EPC của Dự án. Dự án đã được khởi công ngày 29 tháng 9 năm 2007 (theo tiến độ đề ra là dự án đi vào sản xuất vào tháng 5/2011). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án gặp rất nhiều khó khăn như:
- Vốn đối với phần xây dựng tăng: tính trung bình các loại vật liệu trong xây dựng từ năm 2005 đến năm 2011 tăng khoảng 281%.
- Tỷ giá ngoại tệ: tăng (giá 1 USD tăng từ 15.850 VNĐ/1USD lên 21.000 VNĐ/1USD).
- Các chính sách về thuế, tiền lương, lãi suất vay của Nhà nước tăng,...
Vì vậy, trong thời gian thi công dự án từ năm 2007 đến năm 2012, Chủ đầu tư đã phải quyết định dừng dự án để tính toán lại tổng mức đầu tư. Đến tháng 10/2013, Chủ đầu tư đã phê duyệt lại tổng mức đầu tư, Dự án điều chỉnh tăng từ 3.843 tỷ lên 8.104 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể khởi động lại do Chủ đầu tư và Nhà thầu MCC phải tiến hành đàm phán lại các vấn đề tồn tại của hợp đồng. Cụ thể từ năm 2012 đến nay đã trải qua 10 lần đàm phán lại hợp đồng và vẫn còn một số điểm chưa đạt được sự đồng thuận để tiếp tục triển khai dự án.
Do dự án đã kéo dài quá lâu, nhiều vấn đề giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu chưa được giải quyết ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả kinh tế của Dự án. Ngày 11 tháng 5 năm 2016, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 84/TB-VPCP thông báo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thành lập tổ công tác, thuê tư vấn độc lập; tiếp thu, giải trình ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan; đánh giá toàn diện Dự án, trong đó có phương án bán Dự án và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư Dự án, làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các nội dung nêu trên để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
32. Cử tri các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái kiến nghị: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành chức năng xem xét, siết chặt việc cấp phép đối với doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp; tiến hành kiểm tra định kỳ đối với các doanh nghiệp đã được cấp phép trong lĩnh vực bán hàng đa cấp nhằm chấn chỉnh và giảm thiểu rủi ro cho người dân đối với hoạt động kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức bán hàng đa cấp trong thời gian vừa qua.
Trả lời: Tại công văn số 6548/BCT-KH ngày 15/7/2016
Từ năm 2005, hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam chính thức được thừa nhận và được điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh và Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Ngày 14 tháng 5 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 110/2005/NĐ-CP.
Đặc thù của mô hình bán hàng đa cấp là việc tiếp thị hàng hóa được thực hiện trực tiếp qua phương thức truyền miệng, ít sử dụng quảng cáo trên truyền thông, do đó khó kiểm soát được quá trình thông tin từ người này sang người khác. Chính vì vậy, khi vào Việt Nam, hoạt động bán hàng đa cấp đã bị một số đối tượng lợi dụng để biến thành công cụ lừa đảo. Từ đó, công tác quản lý đối với hoạt động này trong thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, các hình thức biến tướng trong bán hàng đa cấp liên tục phát sinh và ngày càng tinh vi.
Trước tình hình hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng xấu tới xã hội trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thắt chặt quản lý đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, cụ thể:
- Ngày 09 tháng 3 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn.
- Ngày 21 tháng 3 năm 2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1052/QĐ-BCT thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp tại một số doanh nghiệp.
- Từ đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra và ban hành quyết định xử phạt đối với một số doanh nghiệp về các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 5 doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin để cảnh báo cho người dân về các dấu hiệu bán hàng đa cấp bất chính nói chung cũng như các trường hợp cụ thể nói riêng.
- Hoàn thiện văn bản pháp luật quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên cơ sở tổng kết vướng mắc trong quản lý cũng như phản ánh của người dân và các cơ quan báo chí, truyền thông.
Vừa qua, trên cơ sở ý kiến của các địa phương, Bộ Công Thương đã trình và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó dự kiến bổ sung quy định tất cả các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp khi được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp ngoài địa chỉ trụ sở chính, mở rộng thị trường ra các địa phương khác phải đăng ký một địa điểm cố định và có người đại diện chịu trách nhiệm tại địa bàn để dễ kiểm tra, kiểm soát, hạn chế các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính.
- Chỉ đạo thắt chặt việc cấp, sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Từ tháng 02 năm 2016 đến nay chưa cấp thêm giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp nào.
33. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ phê duyệt đề án Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc trong đó có khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Bằng Tường (Trung Quốc).
Trả lời: Tại công văn số 6549/BCT-KH ngày 15/7/2016
Khu hợp tác qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc
Trên cơ sở Bản Ghi nhớ về xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 13 tháng 10 năm 2013 giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Bộ Công Thương đã làm việc với chính quyền các địa phương nơi có cặp cửa khẩu dự kiến được lựa chọn phía Trung Quốc và các địa phương liên quan của phía Việt Nam gồm các địa phương: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng. Đến nay, Bộ Công Thương đã xây dựng Khung hợp tác của phía Việt Nam và Trung Quốc đã trao cho Bộ Công Thương Đề án hợp tác của phía Trung Quốc.
Do nội dung Khung hợp tác của Việt Nam rộng và Đề án của Trung Quốc có nhiều vấn đề vướng mắc nên sau nhiều lần lấy ý kiến, góp ý của các Bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất. Vì vậy, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác (gồm các Bộ, ngành liên quan và 4 địa phương) xây dựng Khung hợp tác về xây dựng và phát triển Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thương.
Hiện nay, Tổ công tác đã được thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu các đề nghị của phía Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc để có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khả năng thành lập Đoàn đàm phán nhằm tiến hành trao đổi các nội dung cụ thể của Khu hợp tác. Trên cơ sở đó, lập Đề án hợp tác cấp Chính phủ về xây dựng và phát triển các khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Trung trình Chính phủ xem xét, quyết định.
34. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động đánh giá nhanh, đánh giá chi tiết về sản xuất sạch hơn; quy định về nội dung, tiêu chí và định mức hỗ trợ kỹ thuật đối với các cơ sở áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp kèm theo hồ sơ thanh quyết toán để các địa phương có căn cứ xây dựng dự toán và đề nghị hỗ trợ.
Trả lời: Tại công văn số 6550/BCT-KH ngày 15/7/2016
Hướng dẫn nội dung chi và mức chi đối với hoạt động sản xuất sạch hơn hiện đang được quy định tại 2 văn bản: Thông tư liên tịch số 221/TTLT-BTC-BCT ngày 25 tháng 12 năm 2012 giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 và Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương ngày 18 tháng 2 năm 2014 về hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương.
Theo các văn bản nêu trên, về cơ bản, các hoạt động thực hiện sản xuất sạch hơn được áp dụng định mức chi theo các văn bản hiện hành mà không quy định mới. Tại Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC-BCT mức chi cho các hoạt động đã dẫn chiếu tới các văn bản hướng dẫn có liên quan để thuận tiện cho việc áp dụng trong thực tế. Riêng một số hoạt động mang tính đặc thù (đánh giá sản xuất sạch hơn) đã được quy định bổ sung định mức tại Thông tư số 221/TTLT-BTC-BCT: “Mức chi hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp tối đa không quá 50% phí tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/1 cơ sở” (Khoản 2, Điều 3).
Để tạo thuận lợi hơn cho các địa phương trong việc triển khai các hoạt động này, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 12449/BCT-KHCN ngày 04 tháng 12 năm 2015 gửi Bộ tài chính về việc sửa đổi Thông tư 221/TTLT-BTC-BCT theo hướng làm rõ các vướng mắc của địa phương,cụ thể:
- Làm rõ và điều chỉnh phù hợp các định mức cho hoạt động tư vấn đánh giá sản xuất sạch hơn.
- Quy định về nội dung, tiêu chí và định mức hỗ trợ kỹ thuật đối với các cơ sở áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
- Hướng dẫn các định mức chi cho các hoạt động đặc thù liên quan tới nội dung về sản xuất sạch hơn.
Hiện tại, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính để sửa đổi các nội dung của Thông tư 221/TTLT-BTC-BCT để sớm có hướng dẫn tới các địa phương và các đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ thực hiện sản xuất sạch hơn.
35. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn quản lý các cụm công nghiệp thay thế Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp.
Trả lời: Tại công văn số 6550/BCT-KH ngày 15/7/2016
Thực hiện Chương trình công tác năm 2016 của Chính phủ tại Văn bản số 149/VPCP-TH ngày 25 tháng 01 năm 2016, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Dự thảo lần 3 Nghị định trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định, ý kiến của các Bộ, ngành, 63 địa phương, ý kiến tại 2 Hội thảo cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức tại Long An ngày 18 tháng 3 năm 2016 và Nam Định ngày 25 tháng 3 năm 2016. Hiện nay, hồ sơ dự thảo lần 3 Nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo lần 3 Nghị định, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 7.
36. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Hướng dẫn và bố trí nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/12/2014 của Liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Trả lời: Tại công văn số 6550/BCT-KH ngày 15/7/2016
Hiện nay, nội dung hỗ trợ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đã và đang được triển khai theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công và các văn bản hướng dẫn thực hiện (Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương; Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 2 năm 2014 của Liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương). Theo đó, quy định mức chi hoạt động khuyến công quốc gia như sau: Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp (bao gồm: san lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước tại cụm công nghiệp) tối đa không quá 3.000 triệu đồng/cụm công nghiệp; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 1.500 triệu đồng/cụm công nghiệp. Như vậy, quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trên đối với hoạt động khuyến công quốc gia hỗ trợ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp do Bộ Công Thương quản lý đã cụ thể, rõ ràng.
Trong những năm qua, tổng nguồn kinh phí được cấp cho các hoạt động khuyến công quốc gia trên phạm vi cả nước do Bộ Công Thương quản lý còn hạn chế (giai đoạn năm 2015-2016: 90 tỷ đồng/năm). Hoạt động hỗ trợ hạ tầng cụm công nghiệp chỉ là một trong nhiều nội dung/hoạt động của Chương trình khuyến công quốc gia. Mặc dù vậy, Bộ Công Thương đã quan tâm bố trí trên 10% của tổng kinh phí của Chương trình để hỗ trợ cho hoạt động đầu tư phát triển cụm công nghiệp tại các địa phương (hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, hỗ trợ nâng cấp/sửa chữa hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp).
Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Hà Tĩnh căn cứ các quy định của Chương trình khuyến công quốc gia và điều kiện thực tế để đề xuất hỗ trợ; đồng thời quan tâm, bố trí nguồn kinh phí của địa phương cho hoạt động đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn.
37. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 và xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013. Do Nghị định số 107/2009/NĐ-CP quy định về thẩm quyền của Sở Công Thương trong tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); nhưng nội dung Nghị định không có quy định cụ thể về cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm xác nhận, công nhận đại lý, tổng đại lý; ngoài ra, trên mẫu giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chỉ có 01 mẫu là "Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG cửa hàng bán chai LPG" mà lại áp dụng cho cả tổng đại lý, đại lý điều này ảnh hưởng đến việc xác định hành vi, mức phạt quy định tại Nghị định 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.
Trả lời: Tại công văn số 6550/BCT-KH ngày 15/7/2016
Ngày 22 tháng 3 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí thay thế Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng. Ngày 10 tháng 5 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2016/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 19/2016/NĐ-CP. Hai văn bản trên có hiệu lực từ ngày 15 tháng 5 năm 2016.
Theo đó, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP quy định các loại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí (tại Điều 42); Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện (tại Điều 43); đồng thời tại Điều 44 quy định Sở Công Thương có thẩm quyền cấp các loại Giấy chứng nhận đủ điều kiện, bao gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG; Giấy chứng nhận đủ điều kiện đại lý kinh doanh LPG; Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho cửa hàng bán LPG chai; Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai; Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG,LNG,CNG vào phương tiện vận tải; Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG,LNG,CNG.
38. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Cử tri huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng phản ánh, việc bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Bôxit Nhôm Lâm Đồng hiện nay theo hình thức cuốn chiếu (khai thác đến đâu bồi thường đến đó), cụ thể là với số tiền trả theo từng thời điểm như vậy, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua lại diện tích đất mới để tái canh. Đề nghị Bộ Công thương quan tâm, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ.
Trả lời: Tại công văn số 6547/BCT-KH ngày 15/7/2016
Dự án Tổ hợp Bauxit Nhôm Lâm Đồng đã được Ban quản lý Dự án - Công ty Nhôm Lâm Đồng triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng từ năm 2006 đến nay. Riêng khu vực khai thác mỏ tiến hành kiểm đếm đền bù từ tháng 9 năm 2008 theo Văn bản số 4792/UBND-ĐC ngày 09 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc “chấp thuận phạm vi ranh giới thu hồi đất để sử dụng khai thác mỏ và mở rộng Nhà máy alumin thuộc Dự án Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng”. Diện tích khai thác mỏ Tân Rai được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác là 1619,5 ha, trong đó có 614,9 ha thu hồi trong thời gian xây dựng cơ bản để phục vụ khai thác mỏ 5 năm đầu. Từ năm 2008 đến nay Công ty Nhôm Lâm Đồng đã thu hồi và chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng được khoảng 600 ha, còn trên 10 ha đang triển khai tiếp công tác đền bù. Trong số 600 ha đã đền bù giải phóng mặt bằng, còn nhiều diện tích hiện nay chưa khai thác tới (dự án hoàn thành công tác xây dựng cơ bản và đi vào sản xuất kinh doanh từ tháng 10/2013), như vậy thực tế không phải Công ty đền bù theo hình thức cuốn chiếu. Diện tích khai thác mỏ còn lại khoảng 1.000 ha từ năm 2018 trở đi sẽ khai thác theo thiết kế đã được duyệt.
Việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Tổ hợp Bauxit- Nhôm Lâm Đồng hiện nay Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đang giao nhiệm vụ cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bảo Lâm thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, 2 Trung tâm Phát triển quỹ đất trên đã thực hiện theo quy định: Các hộ gia đình đã hoàn thành hồ sơ, có xác nhận đầy đủ của chính quyền địa phương nơi có đất thu hồi thì tiến hành lập phương án “Bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản có trên đất khi nhà nước thu hồi đất” niêm yết công khai, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm tra và trình Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lâm ban hành quyết định phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất. Các hộ gia đình chưa đầy đủ hồ sơ, yêu cầu hoàn thiện và tiếp tục giải quyết vào đợt kế tiếp. Ban Quản lý dự án thực hiện chi trả tiền đền bù cho các hộ dân khi đã có quyết định phê duyệt giá trị chi phí đền bù của chính quyền địa phương.
39. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Cử tri huyện Lạc Dương tiếp tục phản ánh việc chậm triển khai khu tái định cư lòng hồ thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo và chưa thanh toán tiền bồi thường đã làm ảnh hưởng đến đời sống và tâm lý của nhân dân trong vùng dự án. Đề nghị Bộ có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư sớm triển khai dự án và thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ để nhân dân ổn định cuộc sống.
Trả lời: Tại công văn số 6547/BCT-KH ngày 15/7/2016
- Về công tác chi trả tiền giải phóng mặt bằng dự án công trình thủy điện Đạ Dâng:
+ Từ năm 2008, Chủ đầu tư - Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Long Hội - đã tiến hành chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng theo các quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương cho các hạng mục: Khu tái định cư, đường nội bộ của Dự án, khu vực lòng hồ, khu vực nhà máy, các tuyến kênh,... Tất cả các hạng mục trên Chủ đầu tư đã chi trả đạt 100% giá trị theo các quyết định đã được phê duyệt.
+ Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ thi công, Chủ đầu tư cũng đã tự thỏa thuận với các hộ dân để lấy mặt bằng thi công Dự án. Tuy nhiên, khi chi trả theo quyết định của Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương, còn một vài hộ dân thắc mắc và khiếu nại về mức đền bù, đến nay chưa thống nhất được giữa Ủy ban nhân dân huyện, Trung tâm quỹ đất, hộ dân và Chủ đầu tư. Do vậy, những hộ dân thắc mắc đó chưa được xử lý chi trả tiền.
- Về công tác xây dựng khu tái định cư
Năm 2014, Chủ đầu tư đã hoàn thiện mặt bằng khu tái định cư và đã được Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương kiểm tra. Tuy nhiên, tháng 12/2014, do sự cố sập hầm Đa Dâng, toàn bộ Dự án đã bị dừng thi công nên việc phê duyệt thiết kế quy hoạch phân lô bị chậm.
Hiện nay, Chủ đầu tư đang chờ địa phương có ý kiến về thiết kế quy hoạch cho phù hợp để triển khai các bước tiếp theo.
40. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Cử tri xã Liên Hà, huyện Lâm Hà tiếp tục kiến nghị xem xét lại đơn giá bồi thường đối với diện tích đất bị thu hồi và tài sản gắn liền trên đất thuộc công trình Thủy điện Đồng Nai 2, việc tính toán bồi thường cho nhân dân chưa thỏa đáng, thời gian chi trả kéo dài, nhiều hộ dân rơi vào tình cảnh khó khăn; việc chi trả hỗ trợ di dời và thiệt hại do việc đóng đập tích nước chưa được triển khai thực hiện. Đề nghị Bộ quan tâm chỉ đạo Công ty Trung Nam sớm triển khai làm đường đi cho nhân dân xóm bờ sông thôn Hà Lâm (do đường đi cũ bị ngập sau khi công ty đóng đập tích chặn dòng), khi lựa chọn phương án làm đường cần có sự đồng thuận của nhân dân. Đồng thời yêu cầu Công ty Trung Nam sớm có phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân thuộc Thôn 10 xã Tân Thanh do trong quá trình thi công đã làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở đất phía bờ sông, gây thiệt hại tài sản của người dân.
Trả lời: Tại công văn số 6547/BCT-KH ngày 15/7/2016
- Về kiến nghị xem xét lại đơn giá bồi thường đối với diện tích đất bị thu hồi và tài sản gắn liền trên đất thuộc công trình Thuỷ điện Đồng Nai 2:
Dự án thủy điện Đồng Nai 2 là dự án thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất và tổ chức bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp chỉ ứng trước khoản tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và được khấu trừ vào tiền thuê đất của Dự án. Khi thực hiện phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng thì cơ quan nhà nước là Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Lâm Hà là đơn vị chịu trách nhiệm về kiểm kê, lập phương án bồi thường, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị thẩm định để trình Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, sau khi có Quyết định phê duyệt thì Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam có trách nhiệm chuyển chi phí bồi thường cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Lâm Hà để chi trả cho người dân. Việc tính toán chi phí bồi thường dựa vào quy định của pháp luật liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cụ thể là:
+ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 08 năm 2009 Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
+ Quyết định số 36/2012/QĐ-UBND ngày 20 tháng 08 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
- Việc chi trả kéo dài do nguồn vốn vay để xây dựng dự án là nguồn vốn vay theo chính sách ưu đãi của Chính phủ, cần phải có đầy đủ thủ tục sau đó mới được giải ngân và chi trả cho người dân. Đến nay việc chi trả đã thực hiện đầy đủ.
- Việc chi trả hỗ trợ di dời và thiệt hại do việc đóng đập tích nước chưa được triển khai thực hiện:
Theo Biên bản cuộc họp ngày 18 tháng 8 năm 2015 dưới sự chủ trì của Ủy ban nhân dân huyện Lâm Hà về việc giải quyết một số nội dung liên quan đến công trình thủy điện Đồng Nai 2 và theo Báo cáo số 64/BC-TTPTQĐ Lâm Hà, Công ty Cổ phần Trung Nam đã thống nhất sẽ thỏa thuận hỗ trợ cho một số hộ dân (các hộ dân đến thời điểm tích nước chưa được nhận tiền bồi thường hỗ trợ) có 15 hộ thuộc đối tượng này. Qua đó, Công ty Cổ phần Trung Nam đã có giấy mời số 191/015/GM/TNP ngày 09 tháng 10 năm 2015 về việc giải quyết các khiếu nại của người dân liên quan đến việc thiệt hại tài sản theo Biên bản làm việc ngày 18 tháng 8 năm 2015. Sau khi làm việc, đã có 12/15 hộ đồng ý nhận tiền hỗ trợ di dời và cam kết không khiếu nại, khiếu kiện. Công ty Cổ phần Trung Nam chỉ hỗ trợ tiền di dời tài sản vì các thiệt hại mà các hộ kê khai một phần đã được kiểm kê và bồi thường, phần khác thì các kê khai này không có bất cứ một cơ sở nào để xem xét và giải quyết. Thực tế trong giai đoạn tích nước, Công ty Cổ phần Trung Nam cũng đã cử cán bộ nhân viên xuống trực tiếp tại hiện trường để hỗ trợ di dời tài sản cho người dân nhưng không nhận được bất cứ một phản ánh nào về việc thiệt hại tài sản này.
-Về đề nghị Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo Công ty Cổ phần Trung Nam sớm triển khai làm đường đi cho nhân dân xóm bờ sông thôn Hà Lâm (do đường đi cũ bị ngập sau khi công ty đóng đập tích chặn dòng), khi lựa chọn phương án làm đường cần có sự đồng thuận của nhân dân:
Thực hiện theo kết luận tại cuộc họp với Ủy ban nhân dân huyện Lâm Hà ngày 18 tháng 08 năm 2015 và theo Văn bản số 809/UBND ngày 21 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban nhân dân huyện Lâm Hà về việc chỉ đạo giải quyết một số nội dung liên quan đến công trình thủy điện Đồng Nai 2 thì Ủy ban nhân dân huyện Lâm Hà sẽ chịu trách nhiệm xác định hướng tuyến, lập hồ sơ thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Công ty cổ phần Trung Nam để tiến hành thi công. Đến nay, Ủy ban nhân dân huyện Lâm Hà đã có Văn bản số 423/UBND ngày 28 tháng 4 năm 2016 về việc xin chấp thuận phạm vi, ranh giới thu hồi đất để xây dựng các tuyến đường tránh ngập cũng như đang trong giai đoạn lập hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng. Sau khi nhận được mặt bằng Công ty Cổ phần Trung Nam sẽ triển khai thi công và hoàn thành, bàn giao trong vòng 3 tháng.
- Về yêu cầu Công ty Cổ phần Trung Nam sớm có phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân thuộc Thôn 10 xã Tân Thanh do trong quá trình thi công đã làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở đất phía bờ sông, gây thiệt hại tài sản của người dân:
Liên quan đến sự việc này, Công ty cổ phần Trung Nam đã có văn bản trả lời đơn thư khiếu nại của hộ dân, cụ thể Công văn số 134/014/CV/TNP ngày 04 tháng 8 năm 2014 về việc phản hồi đơn thư của Ông Võ Sơn gửi ngày 30 tháng 7 năm 2014, trong đó có nêu “Theo như trình bày vụ việc, trước đây đơn vị Tổng thầu thi công đã có văn bản trả lời cụ thể sự việc, trong đó nhận định việc sạt lở là do đợt mưa bão liên tiếp giai đoạn tháng 9, 10, 11 năm 2013 dẫn đến mưa to, lũ từ thượng nguồn đổ về làm mực nước dòng sông dâng cao, dòng chảy mạnh gây xói mòn các vị trí tại hạ lưu dòng sông và sự việc trên là nguyên nhân do thiên tai chứ không phải do sự tác động của thi công”. Từ đó đến nay Công ty Cổ phần Trung Nam không nhận được bất cứ khiếu nại nào khác liên quan đến vụ việc này.