23. Ủy ban Dân tộc Miền núi

20/10/2016 08:56

ỦY BAN DÂN TỘC

 

       1. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Căn cứ theo Quyết định 2156/QĐ-TTg ngày 25/11/2010 thì “các xã thuộc vùng CT229 được thụ hưởng chương trình đầu tư và các chính sách của nhà nước như đối với các xã, vùng đặc biệt khó khăn”. Tại Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu vào diện đầu tư của chương trình 135 năm 2016 có 5 xã vùng CT229 của huyện Chợ Đồn (gồm xã Yên Thượng, Yên Thịnh, Bằng Lãng, Lương Bằng, Nghĩa Tá). Tuy nhiên tại văn bản số 1458/UBDT-VP135 ngày 31/12/2015 của Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để thực hiện chế độ theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP thì không có tên các xã CT229 huyện Chợ Đồn nên các xã này không thuộc diện được hưởng chế độ theo Nghị định 116 nêu trên. Do đó, cử tri đề nghị xem xét bổ sung các xã thuộc khu vực CT229 huyện Chợ Đồn vào danh sách các xã được hưởng chế độ theo Nghị định số 116 nêu trên.

Trả lời: (Tại Công văn số 583/UBDT-CSDT ngày 20/6/2016)

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại văn bản số 8070/VPCP-KGVX ngày 06/10/2015, Ủy ban Dân tộc đã có văn bản số 1458/UBDT-VP135 ngày 31/12/2015 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó nêu rõ phạm vi các xã, thôn áp dụng Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ. Danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 không phải là căn cứ để thực hiện chính sách theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP và các chính sách khác.

Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở quyết định này Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc sẽ phê duyệt danh sách các thôn, xã làm cơ sở thực hiện các chính sách trong đó bao gồm cả địa bàn thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ.

2. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Cử tri đề nghị quan tâm ban hành chính sách đặc thù, đầu tư toàn diện, nhất là cơ sở hạ tầng đối với các xã thuộc vùng CT 229; vùng điểm của an toàn khu (ATK) như: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chế độ tiền lương, phụ cấp đối với công chức, viên chức và cán bộ không chuyên trách, chế độ chính sách đối với học sinh các cấp… Vì hiện nay cơ sở vật chất, đời sống của các xã thuộc các vùng trên rất khó khăn.

Trả lời: (Tại Công văn số 583/UBDT-CSDT ngày 20/6/2016)

Ủy ban Dân tộc tiếp thu kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn về đề nghị quan tâm ban hành chính sách đặc thù, đầu tư toàn diện, nhất là cơ sở hạ tầng đối với các xã thuộc vùng CT 229, vùng điểm của an toàn khu (ATK) và sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét ban hành các chính sách đầu tư hỗ trợ trong thời gian tới. Tại Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015, Quốc hội tiếp tục phê duyệt Chương trình 135 với 03 hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở (bao gồm cả đầu tư cho các xã an toàn khu). Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện có hiệu quả và đúng mục tiêu Chương trình 135.

3. Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Đề nghị nâng mức hỗ trợ cho các thôn đặc biệt khó khăn theo chương trình 135 từ 250 triệu đồng/thôn/năm lên 500 triệu đồng/thôn/năm nhằm đảm bảo đầu tư có hiệu quả, không dàn trải.

Trả lời: (Tại Công văn số 584/UBDT-CSDT ngày 20/6/2016)

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt Chương trình 135 với định mức hỗ trợ phát triển sản xuất 50 triệu đồng/thôn/năm, xây dựng cơ sở hạ tầng 200 triệu đồng/thôn/năm, đào tạo cán bộ xã, cộng đồng 15 triệu đồng/thôn/năm. Ủy ban Dân tộc sẽ kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội xem xét cân đối ngân sách bổ sung nâng định mức nhằm tăng cường hiệu quả triển khai Chương trình 135.

4. Cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị: Đề nghị Ủy ban dân tộc xem xét tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ cho đối tượng sống ở vùng kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn theo các Quyết định của Chính phủ và Chủ nhiêmk Ủy ban dân tộc (Quyết định số 1049/QĐ-TTg, Quyết định số 2405/QĐ-TTg, Quyết định số 539/QĐ-TTg của Chính phủ, Quyết định 2405/QĐ-UBDT) được hưởng quyền lợi Bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020.

Trả lời: (Tại Công văn số 585/UBDT-CSDT ngày 20/6/2016)

Theo quy định tại Điểm h, Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế quy định về nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế “... người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... theo Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc”. Như vậy, địa bàn áp dụng chính sách này đối với vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn thực hiện theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đã được kéo dài thời gian thực hiện theo Quyết định số 12/2016/QĐ-TTg); vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là thôn đặc biệt khó khăn và xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) thực hiện theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các quyết định sửa đổi, bổ sung.

5. Cử tri tỉnh Đắc Nông kiến nghị: Đề nghị quan tấm đến  người dân tộc thiểu số và hộ nghèo; tuy nhiên, việc thực hiện chính sách cấp đất sản xuất cho hộ nghèo theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ chưa sát với thực tế. Theo quy định mỗi hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn, thiếu đất sản xuất sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng nhưng với điều kiện phải mua được đất sản xuất thì mới được hỗ trợ tiền; đồng thời nếu chỉ hỗ trợ 15 triệu đồng thì rất khó có thể mua được đất sản xuất, vì vậy cần quan tâm xem lại quy định và định mức hỗ trợ nêu trên.

Trả lời: (Tại Công văn số 586/UBDT-CSDT ngày 20/6/2016)

Tại Khoản 3, Điều 4 Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT ngày 18/11/2013 của Liên Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định 755/QĐ-TTg đã quy định như sau: “Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương và vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội cho mỗi hộ thiếu đất sản xuất tối đa là 30 triệu đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ và được vay tín dụng tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ...”. Hiện nay, Quyết định 755/QĐ-TTg đã hết hiệu lực; Ủy ban Dân tộc đang trình Thủ tướng Chính phủ chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020. Trong đó, dự kiến mức hỗ trợ đất sản xuất từ ngân sách là 20 triệu đồng/hộ và mức vay áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ (mức vay tối đa là 50 triệu đồng/hộ).

6. Cử tri tỉnh Hà Giang kiến nghị: Ngày 26/6/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1049/QĐ-TTg; ban hành danh mục các đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2014-2015, làm căn cứ thực hiện chế độ, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, giảm sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng trong cả nước, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đến nay quyết định trên vẫn chưa được thực hiện. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm triển khai thực hiện Quyết định số 1049/QĐTTg để tạo điều kiện giúp đỡ vùng khó khăn đã được phê duyệt.

Trả lời: (Tại Công văn số 588/UBDT-CSDT ngày 20/6/2016)

Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục các đơn vị hành chính (xã, phường, thị trấn) thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2014-2015 là căn cứ để áp dụng, thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giảm sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng trong cả nước, bảo đảm quốc phòng an ninh. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Đến năm 2016, Quyết định 1049/QĐ-TTg được tiếp tục thực hiện (theo Quyết định số 12/2016/QĐ-TTg ngày 11/3/2016) cho đến khi có quy định mới của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề này có hiệu lực. Thời gian qua đã có nhiều chính sách được thực hiện trên cơ sở lấy Quyết định 1049/QĐ-TTg làm căn cứ triển khai áp dụng tại địa bàn vùng khó khăn.

7. Cử tri tỉnh Hà Giang kiến nghị: Đề nghị sửa đổi Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015, theo hướng nâng mức cho vay từ 8 triệu đồng/hộ lên 15 triệu đồng/hộ, vì với mức vay hiện nay không đủ để đầu tư sản xuất.

Trả lời: (Tại Công văn số 588/UBDT-CSDT ngày 20/6/2016)

Quyết định 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015 đến nay đã hết hiệu lực. Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở tích hợp các chính sách đã hết hiệu lực để trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, mức hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo dự kiến không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ, với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo, thời hạn vay tối đa là 10 năm (hiện nay mức vay tối đa là 50 triệu đồng) theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.

   8  . Cử tri các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Tây Ninh kiến nghị: Cử tri phản ánh, hiện nay, Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn đã có nhiều tác động tích cực đến đời sống đồng bào các dân tộc thiếu số. Tuy nhiên, hiện nay do mặt bằng giá cả cao hơn trước rất nhiều, do vậy với mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/người/năm hiện không còn phù hợp. Cử tri đề nghị nghiên cứu nâng mức hỗ trợ trên lên 300 nghìn đồng/người/năm.

Trả lời: (Tại Công văn số 589/UBDT-CSDT ngày 20/6/2016)

Đến nay, Quyết định 102/2009/QĐ-TTg đã được triển khai thực hiện hơn 5 năm, qua tổng kết, đánh giá cho thấy chính sách này đã có kết quả nhất định, góp phần hỗ trợ cho đồng bào nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, chính sách cũng thể hiện một số bất cập, nhất là mức hỗ trợ không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, Ngày 10/9/2015, tại văn bản số 7146/VPCP-V.III của Văn phòng Chính phủ về việc kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 và đề xuất chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan liên quan đưa chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg tích hợp vào chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số vùng khó khăn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014. Tuy nhiên, hiện nay chính sách này chưa được ban hành, trong khi đó năm 2016 kinh phí thực hiện Quyết định 102/2009/QĐ-TTg đã được phân bổ cho các địa phương. Do đó, tại văn bản số 4147/VPCP-KTTH ngày 31/05/2016 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có ý kiến chỉ đạo năm 2016 tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg; Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7146/VPCP-V.III ngày 10/9/2015 để thống nhất thực hiện từ năm 2017. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn các tỉnh thực hiện Quyết định 102/2009/QĐ-TTg năm 2016 theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

   9. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Cử tri phản ánh, tình trạng sa mạc hóa, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm  ngày một gia tăng khiến một số người dân các huyện, xã vùng biên giới thường sang Trung Quốc làm thuê khá phổ biến. Cử tri đề nghị xem xét tiếp tục có cơ chế, chính sách đầu tư (chương trìn 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn bản, xã đặc biệt khó khăn và chường trình 30a về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo…), thu hút tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các huyện vùng cao, để tạo việc làm cho người dân góp phần ổn định an ninh trật tự khu vực biên giới và đảm bảo an sinh xã hội.

Trả lời: (Tại Công văn số 589/UBDT-CSDT ngày 20/6/2016)

Chương trình 135 và Chương trình 30a nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có tác động tích cực đến đời sống của đồng bào các dân tộc ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản xã đặc biệt khó khăn. Việc tiếp tục thực hiện 02 Chương trình này đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị Quyết 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Ngày 19/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn.  Theo đó, một loạt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiêp đầu tư tại các vùng khó khăn đã được quy định trong Nghị định số 210/2013/NĐ-CP. Ủy ban Dân tộc xin thông báo để cử tri nắm rõ và hiểu hơn về các chính sách ưu đãi hiện hành đang được thực hiện tại vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

10. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri cho rằng, chính sách dân tộc hiện đang thể hiện rải rác nhiều văn bản, vừa trùng lắp vừa chưa đủ về chủ trương cho dân tộc, đề nghị nghiên cứu ban hành “Luật Dân tộc” để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng hơn cho việc thực hiện chính sách này.

Trả lời: (Tại Công văn số 587/UBDT-CSDT ngày 20/6/2016)

Thực hiện Quyết định 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; trong năm 2015 Ủy ban Dân tộc đã nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề xuất đưa Luật Dân tộc vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV. Đến nay, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương, các cấp địa phương, chuyên gia và cộng đồng để hoàn thiện bộ hồ sơ. Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ chuẩn bị tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, làm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng Luật Dân tộc. Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý trình Quốc hội đưa Luật Dân tộc vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV, dự kiến trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2017).

11. Cử tri tỉnh Tuyên Quang kiến nghị: Tiếp tục đầu tư thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn và Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020 đối với các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, kết hợp thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trả lời: (Tại Công văn số 592/UBDT-CSDT ngày 20/6/2016)

- Về tiếp tục đầu tư thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg: Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành năm 2004 và được thực hiện đến năm 2008. Sau khi Quyết định 134 hết hiệu lực, Ủy ban Dân tộc đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1592/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2010 thay thế Quyết định 134/2004/QĐ-TTg. Đến năm 2013 Quyết định 1592 hết hiệu lực, Ủy ban Dân tộc tiếp tục trình Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thay thế Quyết định 1592/QĐ-TTg. Đến nay Quyết định 755/QĐ-TTg đã hết hiệu lực, Ủy ban Dân tộc đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ ghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

- Về tiếp tục thực hiện Chương trình 135:  Hiện nay, Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 vẫn tiếp tục được Chính phủ quan tâm đầu tư (thực hiện theo Nghị quyết 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015). Mặc dù Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chưa được chính thức phê duyệt, nhưng năm 2016 Chương trình 135 vẫn được triển khai theo Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 năm 2016; Quyết định số 75/QĐ-UBDT ngày 29/02/2016 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn diện đầu tư Chương trình 135 năm 2016.

 

(Ban Dân nguyện)