BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
1. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị : Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho Hà Tĩnh thực hiện các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ sau: Xây dựng Trung tâm giống Hươu và nhà máy chế biến các sản phẩm từ Hươu Sao; Dự án nâng cấp mở rộng quy mô giống cam và bưởi Phúc Trạch; Dự án bảo quản, chế biến rau củ quả xuất khẩu; dự án nông nghiệp công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc gia tại ven biển Hà Tĩnh; Dự án chế biến tinh dầu lạc xuất khẩu; Dự án khai thác, chế biến các hoạt chất sinh vật biển; Dự án sản xuất chế biến cây nha đam xuất khẩu; Dự án bảo quản, chế biến thủy sản xuất khẩu; Dự án hỗ trợ chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm của Israel cho một số cây trồng cạn; công nghệ xử lý tro xỉ nhà máy nhiệt điện tại khu kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh; công tác đào tạo, tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho Khu kinh tế Vũng Áng.
Trả lời: (Tại Công văn số 2975/BKHCN-VP ngày 8/7/2016)
1. Về đề nghị xây dựng trung tâm giống Hươu và nhà máy chế biến các sản phẩm từ Hươu Sao
Hươu Sao là động vật hoang dã thuộc loại quý đã được nhiều địa phương trong nước nuôi tại gia đình với mục đích chính là khai thác "lộc nhung" dùng như một vị thuốc quý. Tuy nhiên, đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa công nhận Hươu thuộc loại động vật nuôi.
Xác định Hươu Sao thuộc loại quý, Bộ KH&CN đã phê duyệt hai nhiệm vụ:
- Đề tài "Nghiên cứu xây dựng đàn Hươu Sao hạt nhân Hà Tĩnh" do Công ty Cổ phần Hươu giống Hương Sơn, Hà Tĩnh chủ trì, thực hiện từ năm 2002-2004, với kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước là 1.000 triệu đồng.
- Dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện công nghệ enzym để chế biến các sản phẩm có giá trị bổ dưỡng cao từ nhung Hươu Sao" do Công ty Lâm nghiệp Hương Sơn, Hà Tĩnh làm chủ trì, thực hiện từ năm 2004-2005, kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước là 1.700 triệu đồng.
Như vậy, từ khâu giống đến khâu tạo sản phẩm từ nhung hươu đã được hỗ trợ kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ. Để xây dựng trung tâm giống Hươu và nhà máy chế biến các sản phẩm từ Hươu Sao, kính đề nghị cử tri căn cứ theo Khoản 1 Điều 26 Luật KH&CN 2013 và Thông tư số 07/2014/TT-BKHCN ngày 26/5/2014 của Bộ KH&CN để đề xuất nhiệm vụ KH&CN. Bộ KH&CN sẽ xem xét để hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ KH&CN có đủ điều kiện, phù hợp với tình hình thực tiễn và không trùng lắp về nội dung với hai nhiệm vụ đã được thực hiện nêu trên.
2. Đề xuất dự án nâng cấp mở rộng quy mô giống cam và bưởi Phúc Trạch
Hà Tĩnh nổi tiếng với giống cam Bù và giống bưởi Phúc Trạch, đây là các nguồn gen có giá trị của địa phương để phát triển kinh tế. Nhằm giúp tỉnh mở rộng sản xuất qui mô hàng hóa các cây ăn quả này, Bộ KH&CN đã phê duyệt 03 nhiệm vụ cấp nhà nước:
- Đề tài "Khai thác và phát triển nguồn gen cam Bù" thực hiện từ năm 2010-2014, kinh phí từ ngân sách nhà nước là 1.204 triệu đồng.
- Đề tài "Tìm hiểu nguyên nhân và nghiên cứu biện pháp kỹ thuật khắc phục hiện tượng mất mùa của bưởi Phúc Trạch tại Hương Khê, Hà Tĩnh" thực hiện từ năm 2009-2011, kinh phí từ ngân sách nhà nước là 1.900 triệu đồng.
- Đề tài "Nghiên cứu xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng suy giảm năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch tại Hương Khê - Hà Tĩnh" thực hiện từ năm 2009-2011, kinh phí 1.600 triệu đồng.
Dựa vào các kết quả nghiên cứu của 03 đề tài nêu trên, để phát triển mở rộng sản xuất giống cam, bưởi, tỉnh Hà Tĩnh có thể đề xuất với Bộ KH&CN triển khai thực hiện dự án thuộc "Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025".
3. Các đề xuất: Dự án bảo quản, chế biến rau củ quả xuất khẩu; Dự án chế biến tinh dầu lạc xuất khẩu; dự án bảo quản và chế biến thủy sản xuất khẩu; Dự án hỗ trợ chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel cho một số cây trồng cạn; Dự án sản xuất chế biến cây nha đam xuất khẩu; Dự án khai thác và chế biến các hoạt chất sinh vật biển... UBND tỉnh Hà Tĩnh có thể đề xuất với Bộ KH&CN triển khai thực hiện tại "Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025".
4. Đề xuất công nghệ xử lý tro xỉ nhà máy nhiệt điện tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh
Tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, Bộ KH&CN được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ cấp quốc gia về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ cấp quốc gia về công nghệ xử lý tro xỉ nhà máy nhiệt điện tại khu kinh tế Vũng Áng sẽ được thực hiện theo quy định cụ thể tại Thông tư số 07/2014/TT-BKHCN ngày 26/5/2014 của Bộ trưởng Bộ KH&CN khi có đầy đủ hồ sơ cụ thể của từng nhiệm vụ.
5. Đề xuất dự án nông nghiệp công nghệ cao đạt chuẩn quốc gia tại ven biển Hà Tĩnh
Ngày 04/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Tại Mục III - Nội dung chủ yếu của Quyết định đã nêu định hướng quy hoạch, xây dựng khu và vùng nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2030 có nêu "Nghiên cứu quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và các tỉnh còn lại".
Như vậy, tỉnh Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chuẩn bị đề án quy hoạch nêu trên và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Đề nghị Bộ KH&CN và các Bộ, ngành liên quan xem xét báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội:
a. Xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa theo hướng tăng cường vai trò của Sở KH&CN tỉnh trong việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, vì hiện nay việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được giao cho rất nhiều ngành, Sở KH&CN là đầu mối quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trong tỉnh, tuy nhiên chưa có vai trò đủ mạnh để đôn đốc kiểm tra các Sở, ngành khác”.
b. Xem xét sửa đổi Điều 8 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành bổ sung chức năng thanh tra cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Hiện nay Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng không có chức năng thanh tra, khi phát hiện vi phạm Chị cục phải kiến nghị các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm do đó việc xử lý không được kịp thời, hiệu quả không cao nhất là các vi phạm sử dụng các thiết bị công nghệ cao. Mặt khác số lượng thanh tra của Sở KH&CN các địa phương quá mỏng (từ 2 đến 4 người).
Trả lời: (Tại Công văn số 2979/BKHCN-VP ngày 8/7/2016)
1. Đối với kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng tăng cường vai trò của Sở KH&CN
Để tăng cường vai trò của Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tro ng việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Bộ KH&CN đã đưa vào Chương trình xây dựng văn bản của Bộ năm 2017 và sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan (trong đó có Sở KH&CN) để nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung 02 văn bản liên quan đến kiến nghị của cử tri nêu trên, cụ thể:
- Lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội XIV);
- Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Đối với kiến nghị giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương
Ngày 15/01/2016, Bộ KH&CN có Công văn số 152/BKHCN-TĐC gửi Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương.
Ngày 21/3/2016, Bộ KH&CN có Công văn số 957/BKHCN-TĐC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hoạt động đánh giá sự phù hợp. Tại công văn này, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở KH&CN các tỉnh, thành phố theo hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành nhằm tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa ở địa phương.
Ngày 19/4/2016, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2654/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, theo đó Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN chủ động phối hợp, lấy ý kiến Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2012/NĐ-CP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngày 10/5/2016, Thanh tra Chính phủ đã có Công văn số 1003/TTCP-TCCB về việc phúc đáp Công văn số 152/BKHCN-TĐC ngày 15/01/2016 của Bộ KH&CN. Nội dung Công văn số 1003/TTCP-TCCB của Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ KH&CN tiến hành tổng kết, đánh giá thực tiễn và làm rõ sự cần thiết để giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở KH&CN các tỉnh, thành phố và làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Nghị định số 213/2013/NĐ-CP ngày 20/12/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành KH&CN.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã gửi Công văn số 2887/BKHCN-TĐC ngày 30/6/2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết giao chức năng thanh tra chuyên ngành và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
3. Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: Theo quy định của Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì việc công nhận là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thuộc thẩm quyền của Sở Khoa học và công nghệ. Cử tri cho rằng quy định như trên là chưa phù hợp. Việc giao cho Sở Khoa học và công nghệ có thẩm quyền cấp giấy phép công nhận doanh nghiệp là doanh nghiệp khoa học và công nghệ sẽ không có căn cứ pháp lý cho các sở ngành ở địa phương thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai...đổi với các doanh nghiệp được công nhận. Cử tri kiến nghị nên sửa đổi nội dung quy định trên theo hướng Sở Khoa học và công nghệ chỉ là cơ quan thẩm tra thủ tục thành lập và các điều kiện liên quan, còn thẩm quyền cấp giấy phép công nhận là doanh nghiệp KH - CN phải là UBND cấp tỉnh.
Trả lời: (Tại Công văn số 2978/BKHCN-VP ngày 8/7/2016)
Việc giao Sở KH&CN các tỉnh là đơn vị có thẩm quyền cấp giấy phép công nhận doanh nghiệp KH&CN là một bước cải cách thủ tục, phân cấp mạnh cho địa phương, giao Sở KH&CN, cơ quan chuyên môn về KH&CN cấp tỉnh, được quyền cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Nếu giao thẩm quyền cấp giấy phép công nhận doanh nghiệp KH&CN cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh (như kiến nghị của cử tri) sẽ nảy sinh nhiều vấn đề: Hoặc là các tỉnh phải bổ sung bộ máy cấp phép giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, hoặc là bổ sung chức năng cấp phép cho một đơn vị có sẵn, cả hai trường hợp này đều cần thêm nhân lực trong khi hiện nay đang thực hiện tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, việc giao cho UBND cấp tỉnh cấp giấy phép sẽ thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đi ngược lại chủ trương đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Thẩm quyền cấp giấy phép công nhận doanh nghiệp KH&CN của Sở KH&CN đã được quy định tại Nghị định của Chính phủ. Do vậy, nếu có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành có liên quan với Sở KH&CN trong việc triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ thì sẽ không ảnh hưởng đến các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KH&CN.
4. Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: Ngày 08/09/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2015/QĐ-TTg quy định điều kiện thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2015. Theo Quyết định này, điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn... đã được quy định rõ, nhưng thực tế đến nay Quyết định này vẫn chưa được thực hiện trong thực tế. Cử tri kiến nghị các Bộ ngành chức năng quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, bất cập để quy định này được thực hiện trong thực tế.
Trả lời: (Tại Công văn số 2978/BKHCN-VP ngày 8/7/2016)
Tại Quyết định số 37/2015/QĐ-TTg ngày 08/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 25/10/2015) quy định điều kiện thành lập Quỹ phát triển KH&CN của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quy định các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật và về vốn, nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn.
Tại Điều 6 của Quyết định cũng nêu rõ trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã thành lập Quỹ nhưng chưa đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 3 (về nhân lực), Điều 4 (về cơ sở vật chất kỹ thuật) của Quyết định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm điều chỉnh theo các điều kiện trên trong 01 năm kể từ khi Quyết định này có hiệu lực. Đối với điều kiện quy định tại Điều 5 của Quyết định (về vốn, nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm điều chỉnh trong 03 năm kể từ khi Quyết định này có hiệu lực.
Đối với trường hợp của tỉnh Ninh Thuận, cử tri chưa nêu rõ các vướng mắc khi triển khai áp dụng Quyết định số 37/2015/QĐ-TTg ngày 08/9/2015 trong trường hợp cụ thể của địa phương là gì. Tuy nhiên, nếu các điều kiện quy định tại Quyết định chưa được đáp ứng đầy đủ thì địa phương chưa thành lập Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh. Trong trường hợp chưa thành lập Quỹ, việc sử dụng kinh phí hoạt động KH&CN được thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật KH&CN năm 2013 và Điểm b Khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN.
5. Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành quy định cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng cho nhà khoa học thực hiện các đề án, đề tài khoa học. Tuy nhiên hiện nay do chưa có quy định cụ thể để hướng dẫn về nội dung cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng nên các nhà khoa học vẫn thực hiện cơ chế tài chính như trước đây (vẫn phải nộp các hóa đơn, chứng từ tài chính...) làm mất công sức, thời gian nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học. Cử tri đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn nội dung quy định trên.
Trả lời: (Tại Công văn số 2978/BKHCN-VP ngày 8/7/2016)
Căn cứ quy định Luật KH&CN năm 2013, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; Bộ KH&CN, Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó có hướng dẫn cụ thể về cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2016).
Cơ chế khoán chi quy định tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC giao quyền tự chủ tài chính cho tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ trong việc sử dụng kinh phí khoán, gắn với trách nhiệm về các kết quả của nhiệm vụ được giao đúng mục tiêu, yêu cầu; đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch; chủ động quyết định nội dung chi, định mức chi trong phạm vi kinh phí khoán, phù hợp với thực tế triển khai hoạt động nghiên cứu; các chứng từ chi phản ánh theo thực tế chi, rõ ràng, minh bạch (có thể cao hơn, thấp hơn mức chi làm căn cứ xây dựng dự toán).
Đồng thời, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức tập huấn cho các Bộ, ngành, địa phương để triển khai áp dụng các quy định của Thông tư.
6. Cử tri tỉnh Đồng Nai kiến nghị: Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét, sớm đưa dự án Liên hợp công - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đồng Nai vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Trả lời: (Tại Công văn số 2976/BKHCN-VP ngày 8/7/2016)
Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét đưa dự án Liên hợp công - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đồng Nai vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ KH&CN chưa nhận được tài liệu nào liên quan đến “dự án Liên hợp công - nông nghiệp ứng dụng CNC tại Đồng Nai” như ý kiến cử tri đề cập. Do đó, Bộ không có cơ sở để trả lời cụ thể kiến nghị của cử tri. Bộ KH&CN sẽ nghiêm túc thực hiện và có ý kiến trả lời cử tri sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến nội dung này.
Liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 08/6/2015. Đến nay, trên cơ sở dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập khu CNC công nghệ sinh học Đồng Nai đã được Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai và Văn phòng Chính phủ hoàn thiện, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 24/5/2016 về việc thành lập Khu CNC công nghệ sinh học Đồng Nai trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai.
Thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 24/5/2016, Bộ KH&CN đang tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai trong việc xây dựng Quy chế hoạt động Khu CNC công nghệ sinh học Đồng Nai để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định.
7. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trả lời: (Tại Công văn số 2977/BKHCN-VP ngày 8/7/2016)
Hiện nay, Bộ KH&CN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách, chương trình KH&CN hỗ trợ cho địa phương các tỉnh, thành phố trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn đời sống sản xuất như: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, từ 1998 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế -xã hội nông thôn và miền núi”. Đây là chương trình có tính chất liên ngành, liên vùng, được thực hiện thông qua các dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi. Các dự án thuộc Chương trình được thực hiện và đạt kết quả tốt sẽ là cơ sở để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, nông sản của các địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư ở nông thôn, miền núi - vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội khó khăn của đất nước. Đến nay, trải qua 15 năm, Chương trình đã thực hiện tổng số 845 dự án được triển khai thực hiện tại 62 tỉnh, thành phố. Chương trình đã lựa chọn được những công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương như nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế về ngành nghề truyền thống. Hầu hết các dự án thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên các địa bàn thực hiện dự án, góp phần giải quyết lao động nông thôn, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi.
Nhờ kết quả đạt được, ngày 13/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1747/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” giao cho Bộ KH&CN chủ trì, điều phối chương trình. Theo đó, sẽ tập trung ưu tiên cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; các dự án có sự tham gia của các doanh nghiệp với vai trò là hạt nhân trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân tộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
8. Cử tri tp Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị Nhà nước cần quan tâm có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển đất nước trong tương lai.
Trả lời: (Tại Công văn số 2980/BKHCN-VP ngày 8/7/2016)
Trong những năm gần đây, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ưu đãi trong sử dụng nhân lực, trọng dụng nhân tài KH&CN đã được khẳng định và thể hiện trong nhiều văn bản, cụ thể như sau:
- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị Ban chấp hành TW lần thứ 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định: “Đầu tư cho nhân lực KH&CN là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Đảng và Nhà nước có chính sách phát triển, phát huy và trọng dụng đội ngũ cán bộ KH&CN”. Một trong số những mục tiêu của Nghị quyết là: “Hình thành đồng bộ đội ngũ cán bộ KH&CN có trình độ cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy. Phát triển các tổ chức, tập thể KH&CN mạnh, các nhà khoa học đầu ngành. Số cán bộ KH&CN làm nghiên cứu và phát triển đạt mức 11-12 người trên một vạn dân; tăng nhanh số lượng các công trình được công bố quốc tế và số lượng các sáng chế được bảo hộ trong nước và nước ngoài”. Nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp về “Đổi mới quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN” gồm các nội dung cụ thể như: quy hoạch phát triển nhân lực KH&CN; xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN; đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ; chính sách hỗ trợ cán bộ KH&CN đi làm việc và thực tập có thời hạn tại các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp ở nước ngoài; đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm đội ngũ cán bộ KH&CN;… Nghị quyết đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với việc phát triển đội ngũ nhân lực KH&CN, trong đó có việc trọng dụng đội ngũ nhân lực trình độ cao.
- Nghị quyết số 46/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI, trong đó có nội dung: “Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực, sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN”.
- Thể chế hóa những nội dung đổi mới của Đảng đối với phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đạ i hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Luật KH&CN 2013 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2013. Luật KH&CN 2013 đã thể hiện quyết tâm đổi mới toàn diện và cơ bản hoạt động KH&CN, một trong số những điểm đột phá là chính sách sử dụng và đãi ngộ cán bộ KH&CN (quy định tại Chương III của Luật).
- Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN đã cụ thể hóa chính sách sử dụng và đãi ngộ cán bộ KH&CN quy định tại Luật, trong đó quy định cụ thể việc trọng dụng nhân lực KH&CN trình độ cao, bao gồm: Nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng.
- Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 của Chính phủ đã quy định những chính sách nhằm thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam.
- Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011- 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ) đề ra giải pháp chủ yếu là: “Xây dựng đồng bộ chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH&CN”, cụ thể là: chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ KH&CN; cơ chế giao nhiệm vụ cho cán bộ khoa học trẻ; chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN; bổ sung các chức danh khoa học (tổng công trình sư, kỹ sư trưởng); chính sách thu hút nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và nhà khoa học người nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam.
- Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BKHCN-BNV-BTC ngày 06/11/2015 của Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN.
- Ngoài ra, các chính sách đổi mới khác về đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN (Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ), chính sách về quỹ phát triển KH&CN quốc gia (Nghị định số 23/2014/NĐ-CP ngày 03/4/2014 của Chính phủ) có tác dụng gián tiếp thu hút chuyên gia, các nhà khoa học trình độ cao tham gia hoạt động KH&CN thông qua việc cải thiện môi trường, điều kiện làm việc.
Bên cạnh đó, một số chính sách khác liên quan đến phát triển đội ngũ nhân lực trình độ cao và nhà khoa học như: Kết luận số 86-KL/TW của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; một số địa phương (Đà Nẵng, Hà Nội, Bình Định,…) có chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” riêng cũng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhân lực KH&CN nói chung.
Các chính sách nêu trên về cơ bản đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhân lực KH&CN, thu hút nhân lực KH&CN trình độ cao. Một số giải pháp đẩy mạnh triển khai các chính sách về ưu đãi sử dụng, trọng dụng nhân lực KH&CN trong thời gian tới là:
- Đẩy mạnh triển khai Quy hoạch nhân lực ngành KH&CN giai đoạn 2011-2020, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, chuyên gia KH&CN để trực tiếp triển khai, giải quyết nhiệm vụ KH&CN quy mô lớn; có chính sách khuyến khích, động viên các nhà khoa học trẻ tài năng gắn bó với sự nghiệp khoa học.
- Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia KH&CN; đào tạo nhóm nghiên cứu mạnh ở trong nước và nước ngoài (theo Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước được phê duyệt tại Quyết định số 2395/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ).
- Triển khai thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành; nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng (theo quy định tại Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BKHCN-BNV-BTC ngày 06/11/2015).
- Đổi mới chính sách tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ KH&CN, dựa trên những kết quả, đóng góp thực tế trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, bổ nhiệm vào vị trí công tác, chức danh khoa học một cách xứng đáng nhằm thu hút và tạo được động lực tham gia tích cực hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học tài năng.
- Tiếp tục đổi mới chính sách về đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN; trao quyền tự chủ, tự quyết nhiều hơn cho các tổ chức KH&CN công lập và các nhà khoa học, chuyên gia KH&CN.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xây dựng và thực thi chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia KH&CN.
- Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển nhân lực KH&CN trình độ cao.