26. Ngân hàng Chính sách Xã hội

19/10/2016 09:00

NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

 

Tại công văn số 989/NHCS-TDNN ngày 19/4/2016 của Ngân hàng chính sách xã hội.

1. Cử tri các tỉnh Phú Thọ, Nghệ An kiến nghị: Tại khoản 2, Điều 9 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên quy định: “Đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi học sinh, sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học”, tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy các em sau khi tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm, chưa có nguồn thu nhập để trả nợ là rất lớn, quy định như trên đã gây khó khăn cho các em. Do đó, đối với những đối tượng là học sinh, sinh viên khi ra trường chưa có việc làm, chưa có thu nhập, cử tri đề nghị xem xét kéo dài thời hạn trả nợ gốc và lãi trên 36 tháng để tạo điều kiện cho các em có thời gian tích lũy vốn để trả nợ.

Trả lời:

Theo quy định, thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên cho đến ngày trả hết nợ gốc và lãi được thỏa thuận trong Sổ vay vốn. Thời hạn cho vay bao gồm thời hạn phát tiền vay và thời hạn trả nợ.

Người vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khoá học. Thời hạn cho vay tối đa được xác định theo công thức sau:

Thời hạn cho vay tối đa = thời hạn phát tiền vay + 12 tháng + thời hạn trả nợ.

Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo đến một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Đối với các chương trình đào tạo trên một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay.

Ngoài ra, đến kỳ trả nợ cuối cùng, người vay gặp khó khăn chưa trả được nợ thì đề nghị NHCSXH xem xét cho gia hạn nợ. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, ngân hàng có thể gia hạn nợ một hoặc nhiều lần cho một khoản vay, nhưng thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ.

Vì vậy việc đề nghị kéo dài hơn nữa thời gian trả nợ của HSSV chưa có việc làm theo đề nghị của cử tri, vấn đề này NHCSXH xin tiếp thu, nghiên cứu và trình Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Nhiều cử tri phản ánh chi phí đầu tư cho con em học tập sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học là rất lớn, nhất là đối với gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, miền núi, đặc biệt các hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số; tuy nhiên, cơ chế chính sách vay vốn hỗ trợ học tập chưa hợp lý, cần phải rà soát lại đối tượng, mức vay, thủ tục vay vốn cho phù hợp đảm bảo chủ trương đúng đắn này được thực hiện có hiệu quả.

Trả lời:

Ý kiến của đại biểu đề đạt nguyện vọng của cử tri đề nghị cần phải rà soát lại đối tượng, mức vay, thủ tục vay vốn cho phù hợp với gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, miền núi, đặc biệt các hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội là nguyện vọng chính đáng. NHCSXH xin tiếp thu và cùng với các Bộ ngành nghiên cứu, kiến nghị với Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Cử tri các tỉnh Hà Nam, Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị Nhà nước có chính sách giảm lãi suất cho vay, mở rộng đối tượng cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách và kéo dài thời gian cho vay.

Trả lời:

- Về giảm lãi suất cho vay:

Lãi suất cho vay của các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ theo đề nghị của NHCSXH. Theo Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi về lãi suất cho vay của NHCSXH phù hợp với khả năng tài chính của Nhà nước và các đối tượng vay vốn trong từng thời kỳ. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần ban hành Quyết định giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng tại NHCSXH. Quyết định mới nhất là Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 01/6/2015, cụ thể: lãi suất cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài từ 0,6%/tháng (7,2%/năm) xuống còn 0,55%/tháng (6,6%/năm); hộ cận nghèo từ 0,72%/tháng (8,64%/năm) xuống còn 0,66%/tháng (7,92%/năm); hỗ trợ xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn từ 0,8 %/tháng (9,6%) xuống còn 0,75%/tháng (9%/năm).

- Về mở rộng đối tượng cho vay vốn của NHCSXH:

Trong thời gian qua, mặc dù nguồn vốn từ ngân sách còn nhiều hạn chế, nhưng Đảng và Chính phủ vẫn luôn quan tâm đến người nghèo và các đối tượng chính sách. Từ năm 2013 đến nay, đối tượng vay vốn của NHCSXH đã được  mở rộng; từ đó, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với nguồn vốn chính sách để có điều kiện phát triển sản xuất, tạo thêm thu nhập để dần vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 về tín dụng đối với hộ cận nghèo, năm 2015 hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng tại NHCSXH theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015. Cũng trong năm 2015, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định bổ sung đối tượng mới được vay vốn từ NHCSXH gồm: Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Như vậy, đối tượng cho vay vốn của NHCSXH đã được mở rộng hơn trước đây rất nhiều.

- Về thời hạn cho vay:

NHCSXH căn cứ vào mục đích sử dụng vốn và căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của hộ vay để cùng hộ vay thỏa thuận về thời hạn cho vay. Hiện nay, thời hạn cho vay các chương trình tín dụng được quy định với thời hạn cho vay tối đa là 60 tháng (5 năm), phù hợp với phương án, dự án sản xuất, kinh doanh và cây trồng, vật nuôi như: cho vay nuôi trâu, bò cày kéo, trồng mới cây ăn quả tối đa là 60 tháng, trồng cây lấy gỗ với thời hạn cho vay là trên 60 tháng; ngoài ra, hộ vay vốn còn được gia hạn nợ do nguyên nhân khách quan tác động đến quá trình sản xuất, kinh doanh và thời gian thu hồi sản phẩm tối đa 12 tháng đối với cho vay ngắn hạn, tối đa bằng ½ thời hạn cho vay đối với vay vốn trung hạn.

4. Cử tri tỉnh Hưng Yên kiến nghị: Hiện nay mức tính lãi suất vay vốn tại ngân hàng cho đối tượng nghèo, cận nghèo còn cao; đề nghị Nhà nước tính toán giảm mức lãi suất xuống để đối tượng nghèo, cận nghèo có điều kiện thoát nghèo để làm giàu.

Trả lời:

Lãi suất cho vay của các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ theo đề nghị của NHCSXH. Theo Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi về lãi suất cho vay của NHCSXH phù hợp với khả năng tài chính của Nhà nước và các đối tượng vay vốn trong từng thời kỳ. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần ban hành Quyết định giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng tại NHCSXH. Quyết định mới nhất là Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 01/6/2015, cụ thể: lãi suất cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài từ 0,6%/tháng (7,2%/năm) xuống còn 0,55%/tháng (6,6%/năm); hộ cận nghèo từ 0,72%/tháng (8,64%/năm) xuống còn 0,66%/tháng (7,92%/năm); hỗ trợ xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn từ 0,8 %/tháng (9,6%) xuống còn 0,75%/tháng (9%/năm).

5. Cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu có chủ trương cho hộ nghèo vay xóa nhà tạm từ 50 triệu đồng trở lên, mức vay hiện nay 25 triệu đồng không thể làm được nhà ở.

Trả lời:

Ngày 10/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015. Theo đó, từ ngày 16/02/2016, mức cho vay tối đa là 25 triệu đồng/hộ được sử dụng vào việc xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở (mua vật liệu xây dựng, chi phí nhân công,...). Kiến nghị của cử tri về nâng mức cho vay để làm nhà ở, NHCSXH xin tiếp thu và sẽ báo cáo các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ.

6. Cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị: Cử tri cho rằng, hiện nay một số chương trình cho vay tại NHCSXH như: chương trình cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay NS&VSMTNT lãi suất trên 8%/năm, cao hơn so với mặt bằng lãi suất của các Ngân hàng thương mại trên địa bàn. Đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các chương trình nêu trên.

Trả lời:

  1. Đối với cho vay chương trình phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thực hiện Hợp đồng cho vay lại Nguồn vốn vay của Chính phủ Cộng hoà Liên Bang Đức cho Dự án “Chương trình phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ” ký ngày 26/8/2005 và ngày 03/9/2007 giữa Bộ Tài chính và NHCSXH, Dự án đã được triển khai được tại 21 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố.

Hiện nay lãi suất cho vay của chương trình này là 0,75%/tháng (9%/năm). Mức lãi suất này được thực hiện từ ngày 03/8/2015 theo Quyết định số 71/QĐ-HĐQT ngày 03/8/2015 do Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) NHCSXH.

Để phù hợp với tình hình thực tế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn, NHCSXH thường xuyên tham mưu trình Chủ tịch HĐQT NHCSXH điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của chương trình, từ năm 2014 đến nay HĐQT đã ban hành 02 quyết định về việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay chương trình này, cụ thể: Ngày 04/7/2014 Chủ tịch HĐQT NHCSXH ký Quyết định số 47/QĐ-HĐQT về việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,9%/tháng (10,8%/năm) xuống 0,8%/tháng (9,6%/năm) và đến ngày 03/8/2015 Chủ tịch HĐQT NHCSXH ký Quyết định số 71/QĐ-HĐQT về việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,8%/tháng (9,6%/năm) xuống 0,75%/tháng (9%/năm).

 Ý kiến đề xuất của cử tri là hoàn toàn chính đáng. NHCSXH xin tiếp thu và căn cứ vào mức lãi suất vay lại của nhà tài trợ và mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường để kịp thời tham mưu, báo cáo Chủ tịch HĐQT NHCSXH xem xét, quyết định.

b) Đối với chương trình cho vay Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn

Từ khi thực hiện chương trình đến nay, NHCSXH luôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời điều chỉnh mức lãi suất cho vay phù hợp với tình hình biến động giá cả trên thị trường, cụ thể chương trình NS&VSMTNT đã 5 lần thay đổi mức lãi suất cho vay và chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn đã 2 lần thay đổi.

7. Cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị: Đề nghị Ngân hàng Chính sách giảm lãi suất cho vay, tăng số vốn vay để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm tạo thu nhập.

Trả lời:

- Về giảm lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay của các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ theo đề nghị của NHCSXH. Theo Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi về lãi suất cho vay của NHCSXH phù hợp với khả năng tài chính của Nhà nước và các đối tượng vay vốn trong từng thời kỳ. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần ban hành Quyết định giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng tại NHCSXH. Quyết định mới nhất là Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 01/6/2015, cụ thể: lãi suất cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài từ 0,6%/tháng (7,2%/năm) xuống còn 0,55%/tháng (6,6%/năm); hộ cận nghèo từ 0,72%/tháng (8,64%/năm) xuống còn 0,66%/tháng (7,92%/năm); hỗ trợ xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn từ 0,8 %/tháng (9,6%) xuống còn 0,75%/tháng (9%/năm).

- Về tăng số vốn vay: Hàng năm, NHCSXH luôn tích cực kiến nghị, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ cân đối nguồn vốn để cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp với nhu cầu và khả năng sử dụng vốn của hộ nghèo, cận nghèo. Kiến nghị của cử tri về tăng số vốn vay, NHCSXH xin tiếp thu và sẽ trình Chính phủ xem xét trong thời gian tới.

 


 

 

 

 

(Ban Dân nguyện)