28. Mặt trận tổ quốc Việt Nam

19/10/2016 09:07

28. MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

 

Tại công văn số 2224/MTTW-BTT ngày 15/6/2016 của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

1. Cử tri tỉnh Cà Mau kiến nghị: Theo Điều 13, Điều 14, Điều 15 Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 29/04/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Điều 6, Điều 8 của Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17/4/2008 quy định và hướng dẫn việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố: "Người trúng cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là người đạt trên 50% số phiếu bầu hợp lệ so với tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn thôn, tổ dân phố" là rất khó khăn đối với địa phương.

Trường hợp số phiếu bầu cho 2 người ứng cử mà không tập trung, chỉ chênh lệch nhau một hoặc vài phiếu và có vài phiếu không hợp lệ thì kết quả vẫn không đạt trên 50% tổng số phiếu hợp lệ so với tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn thôn, tổ dân phố. Đối với địa bàn xã rộng lớn, nhân dân đi lao động xa nên cử tri đi bầu khó có thể đạt 100%.

Từ thực tiễn trên cử tri kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng xem xét có thể điều chỉnh theo hướng:

- Quy định tỷ lệ cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình đi bầu cho hợp lý.

- Kết quả công nhận là trên 50% số phiếu bầu hợp lệ so với tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tham gia bỏ phiếu (không so với tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn thôn, tổ dân phố).

Trả lời:

Về việc này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đnag thực hiện nghiên cứu, rà soát và tham khảo ý kiến ở địa phương, cơ sở thực hiện nhiệm vụ trên để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung nội dung trên cho phù hợp.

2. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Thực hiện Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Thông tri số 28/TTr-MTTW-BTT ngày 17/4/2014 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế giám sát và phản biện xã hội được ban hành theo Quyết định 217-QĐ/TW, đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức thực hiện đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hoạt động giám sát và phản biện xã hội là một chế định mới, yêu cầu cán bộ tham mưu, tổng hợp phải có trình độ, năng lực tương xứng và yêu cầu, quy trình tổ chức phải chặt chẽ, đúng quy định và đảm bảo tính hiệu quả, do vậy cử tri đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường tổ chức tập huấn chuyên đề, nâng cao kiến thức, kỹ năng về hoạt động giám sát và phản biện xã hội cho cán bộ cơ quan MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng hiệu quả.

Trả lời:

Luật MTTQ Việt nam có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 đã quy định rõ về vai trò, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt nam trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Việc tăng cường tổ chức tập huấn chuyên đề, nâng cao kiến thức, kỹ năng về hoạt động giám sát và phản biện cho cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội là một trong những nội dung ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hết sức quan tâm và đnag triển khai thực hiện.

Năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đnag triển khai xây dựng các tài liệu tập huấn có liên quan để tổ chức tập huấn sâu rộng về kiến thức, kỹ năng giám sát và phản biện xã hội cho cán bộ thuộc hệ thống Mặt trận trong thời gian tới.

3. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Đề nghị Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; tăng cường công tác tiếp xúc cử tri nhiều hơn nữa, thường xuyên tiếp xúc ở cơ sở, tiếp xúc theo giới, ngành để mở rộng thành phần cử tri, qua đó đại biểu Quốc hội mới có thể lắng nghe được nhiều hơn các tâm tư, nguyện vọng và những đóng góp của cử tri cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đát nước.

Trả lời:

Theo Điều 16, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 09/6/2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 có quy định: “Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ phối hợp với Đoàn Chủ tịch ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết về tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”.

Hiện nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt nam đnag phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Dự án NQLT trên theo hướng tăng cường đẩy mạnh việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo lĩnh vực, đối tượng, ở cơ sở của đại biểu Quốc hội. Theo đó, đại biểu Quốc hội có điều kiện thường xuyên lắng nghe tâm tự, nguyện vọng và những đóng góp của cử tri để tổng hợp báo cáo Quốc hội, phản ánh với Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

4. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Việc tiếp xúc cử tri với ĐBQH và HĐND 3 cấp thường tổ chức riêng, đề nghị Quốc hội nghiên cứu tổ chức chung một cuộc, nhằm tạo điều kiện cho nhân dân thuận lợi hơn và tiết kiệm được thời gian của đại biểu và nhân dân.

Trả lời:

Về việc này, Ban Thường trực Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam đang thực hiện khảo sát tình hình thực tế ở địa phương, xin ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp tục bổ sung vào Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết về tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân cho hợp lý.

(Ban Dân nguyện)