TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
1. Cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị: Cử tri tiếp tục đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc bồi thưòng oan sai cho ông Nguyễn Ngọc Phi (cử tri tại Thái Bình) người bị oan, đã được Tòa án thành phố Thái Bình tuyên Nhà nước bồi thường cho ông Phi 21 tỷ đồng tiền thiệt hại tài sản nhưng đến nay vẫn chưa được bồi thường.
Trả lời: (Tại Công văn số 69/TANDTC-TH 18 tháng 7 năm 2016)
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2015/DSST ngày 10/8/2015, Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình quyết định Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Lương Ngọc Phi 22.977.183.080đ theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình và ông Lương Ngọc Phi đều có đơn kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm nêu trên. Lần lượt các ngày 22/11/2015 và 26/11/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình và ông Lương Ngọc Phi có đơn xin rút kháng cáo.
Tại Quyết định số 01/2015/QĐ-PT ngày 27/11/2015 Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án và tuyên Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2015/DS-ST ngày 10/8/2015 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình có hiệu lực pháp luật.
Tại Quyết định số 281/QĐ-TA ngày 08/3/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã quyết định chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho ông Lương Ngọc Phi. Cùng ngày, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã chuyển tiền bồi thường theo quyết định nêu trên vào tài khoản của ông Lương Ngọc Phi tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Techcombank, chi nhánh Thái Bình (theo yêu cầu của ông Phi).
Như vậy, đến nay Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã hoàn thành việc giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi.
2. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Vụ án Hồ Duy Hải, các cơ quan Tư pháp Trung ương đã thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành để xem xét lại hồ sơ vụ án đến nay kết quả đến đâu. Đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao thông báo cho cử tri Long An được biết.
Trả lời: (Tại Công văn số 70/TANDTC-TH 18 tháng 7 năm 2016)
Sau khi Chủ tịch nước có Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 về việc bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải thì bà Nguyễn Thị Loan (là mẹ bị cáo) cùng bà Nguyễn Thị Rưởi (là dì ruột bị cáo) và chị Hồ Thị Thu Thủy (là em gái của bị cáo) làm đơn đề nghị hoãn thi hành án đối với Hồ Duy Hải.
Ngày 04/12/2012, Chủ tịch nước yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại vụ án, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không để báo cáo Chủ tịch nước. Cùng ngày, Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Long An đã có Quyết định số 02/QĐ-HĐTHATH về việc hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Thực hiện kết luận tại cuộc họp ngày 15/12/2014 của Lãnh đạo liên ngành Trung ương Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổ Chuyên viên liên ngành được thành lập theo quyết định số 632/QĐ-VKSNDTC-V3 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, có sự tham gia của Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Công an để triển khai việc kiểm tra, thẩm định lại những nội dung cần thiết liên quan đến vụ án, kịp thời báo cáo Ban Bí thư và Chủ tịch nước.
Quá trình kiểm tra, thẩm định lại những nội dung cần thiết liên quan đến vụ án, Tổ Chuyên viên liên ngành đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ vụ án (bao gồm cả hồ sơ của Cơ quan điều tra); đặc biệt chú ý vào những vấn đề do luật sư, người khiếu nại, người kiến nghị và báo chí đưa ra có liên quan đến vụ án.
Ngày 16/01/2015, Tổ Chuyên viên liên ngành đã có buổi làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An và quan sát trực tiếp hiện trường vụ án; sau đó, xuống trại giam để gặp bị án Hồ Duy Hải.
Ngày 19/01/2015, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội gửi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao một số tài liệu về kết quả làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với bị án Hồ Duy Hải. Văn phòng Chủ tịch nước chuyển đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bản kiến nghị ngày 20/01/2015 của bà Lê Thị Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải.
Ngày 11/02/2015 và ngày 18/03/2015, Lãnh đạo Liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Công An (có sự tham dự của Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) đã trực tiếp nghe Tổ Chuyên viên liên ngành báo cáo kết quả thẩm tra vụ án.
Tại các cuộc họp ngày 04/03/2015 và 20/03/2015, đồng chí Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát yêu cầu Lãnh đạo liên ngành Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, đánh giá một cách toàn diện việc giải quyết vụ án và báo cáo Đoàn giám sát.
Ngày 20/03/2015, Lãnh đạo Liên ngành Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Công văn số 38/BC-VKSNDTC báo cáo Chủ tịch nước và Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về vụ án, trong đó có nội dung:
Trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách thận trọng, khách quan và toàn diện các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, những vi phạm thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án. Lãnh đạo Liên ngành Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thấy rằng: Vụ án Hồ Duy Hải phạm tội “Giết người” và “Cướp tài sản” xảy ra năm 2008 ở tỉnh Long An là một vụ án đặc biệt nghiệm trọng và phức tạp được dư luận quan tâm. Quá trình điều tra ban đầu có một số vi phạm, thiếu sót; tuy nhiên, Cơ quan điều tra đã cố gắng khắc phục, thu thập các chứng cứ để chứng minh các tình tiết xác định sự thật vụ án. Vì vậy, những vi phạm thiếu sót không làm thay đổi bản chất vụ án. Căn cứ vào các lời khai nhận tội của bị cáo trong quá trình điều tra, xét xử, phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án như đặc điểm hiện trường vụ án; kết quả thực nghiệm điều tra; kết quả khám nghiệm; giám định pháp y tử thi; phù hợp với các vật chứng, đồ vật được thu giữ; các biên bản nhận dạng phù hợp với lời khai của các nhân chứng, người liên quan và các tài liệu, chứng cứ khác; phù hợp về thời gian, không gian xảy ra vụ án; có đủ cơ sở xác định: Hồ Duy Hải có hành vi giết chị Nguyễn Thị Ánh Hồng và chị Nguyễn Thị Thu Vân, sau đó lấy một số tài sản của họ và tài sản của Bưu điện Cầu Voi. Do đó, Tòa án các cấp kết án Hồ Duy Hải mức án tử hình về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản” là có căn cứ pháp luật.
3. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Đề nghị đẩy nhanh việc thi hành và xử lý các trường hợp án oan sai để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Trong thời gian qua, tình trạng án oan xảy ra ở nhiều địa phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng án oan thì nhiều, trong đó có nguyên nhân là do sự tắc trách của các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan. Đề nghị cho biết liên quan đến các vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén… trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân như thế nào? Xử lý ra sao?
Trả lời: (Tại Công văn số 71/TANDTC-TH 18 tháng 7 năm 2016)
Trong những năm qua, thực hiện các yêu cầu, chỉ tiêu về công tác xét xử do các Nghị quyết Quốc hội đề ra, mặc dù số lượng các loại vụ án các Tòa án nhân dân phải thụ lý để giải quyết gia tăng theo từng năm, nhưng với việc chủ động nắm bắt tình hình, đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu và tổ chức thực hiện quyết liệt tại Tòa án các cấp, nên công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án nói chung và giải quyết, xét xử các vụ án hình sự nói riêng tiếp tục có sự chuyển biến tích cực; chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án được đảm bảo và có những tiến bộ nhất định; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án trong thời gian qua luôn ở mức thấp và giảm so với các năm trước[1]. Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội[2]; việc giải quyết các vụ việc dân sự và vụ án hành chính đã bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Công tác giám đốc kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ của các Tòa án cũng như việc tự kiểm tra được duy trì thường xuyên nghiêm túc; công tác giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm luôn được các Tòa án quan tâm, chú trọng. Thông qua các công tác này, các sai sót về nghiệp vụ được rút kinh nghiệm kịp thời, những trường hợp có sai lầm nghiêm trọng đều bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong vụ án.
Thực hiện Nghị quyết số 69/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Tòa án nhân dân tối cao đã tham gia tổ công tác liên ngành, gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an xem xét một số vụ án có đơn kêu oan gửi các cơ quan Trung ương. Tính đến ngày 29/2/2016, đã giải quyết 47/63 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Thông qua kết quả giải quyết cho thấy về cơ bản, việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật; tuy nhiên, cũng đã kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm một số rất ít trường hợp để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét một số vụ án xét xử từ nhiều năm trước, mà bị cáo có đơn kêu oan, như: vụ án Lê Bá Mai bị xét xử về các tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em” tại Bình Phước; vụ án Hồ Duy Hải bị xét xử về các tội “giết người” và “cướp tài sản” tại Long An; vụ án Nguyễn Văn Chưởng tại Hải Phòng, bị xét xử về các tội “giết người” và “cướp tài sản”… để đánh giá khách quan, thận trọng, khắc phục oan sai nếu có.
Đối với các trường hợp bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thuộc trách nhiệm của Tòa án, đã được các Tòa án triển khai nghiêm túc, kịp thời bồi thường cho người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại[3].
2. Việc xác định trách nhiệm và xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra án oan, sai
Đối với những trường hợp để xảy ra oan, sai, quan điểm của Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao là phải xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân để xem xét, xử lý đúng quy định của pháp luật. Nếu những người tiến hành tố tụng gây ra án oan, sai mà xác định là do lỗi cố ý, có dấu hiệu của tội phạm (ví dụ: hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án dẫn đến việc kết án oan người không có tội, bỏ lọt tội phạm hoặc hành vi bức cung, dùng nhục hình …) thì kiên quyết xử lý bằng biện pháp hình sự. Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp dẫn đến việc kết án oan người không phạm tội, cần xem xét thận trọng, xử lý nghiêm minh đúng qui định của pháp luật.
Trong công tác xét xử của Tòa án, một trong những nguyên nhân để xảy ra oan, sai là do một số Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác; còn hạn chế về năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp; một số trường hợp nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa kỹ, đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, áp dụng pháp luật chưa chính xác…Những Thẩm phán có bản án, quyết định bị hủy hoặc sửa do sai lầm nghiêm trọng sẽ bị kiểm điểm, đánh giá về năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp. Đối với trường hợp Thẩm phán xét xử oan người không phạm tội hoặc bỏ lọt tội phạm mà sai sót do lỗi chủ quan, phải kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của Thẩm phán và Hội đồng xét xử; trường hợp do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc do năng lực yếu kém, phải bị miễn nhiệm, cách chức hoặc không được bổ nhiệm lại chức danh Thẩm phán.
[1] Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán trong các năm (2013-2015) lần lượt là: 1,7% ; 1,6% và 1,35 % . Trong đó, tỷ lệ các bản án, quyết định về hình sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán trong các năm (2013-2015) lần lượt là 0,7%; 0,69 % và 0,55%.
[2] Từ năm 2013 đến năm 2015, có 03 trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và tuyên bố bị cáo không phạm tội.
[3]Tính từ ngày 01/10/2013 đến 31/3/2016, các Tòa án thụ lý (1) 26 đơn yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án, đã giải quyết được 14 trường hợp thông qua thương lượng với tổng số tiền phải bồi thường là 10.795.681.373 đồng, đình chỉ giải quyết 08 trường hợp, còn lại 04 trường hợp đang trong quá trình thương lượng, giải quyết; (2) 12 vụ án dân sự do đương sự khởi kiện yêu cầu các Tòa án nhân dân bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; đến nay, đã xét xử, giải quyết 10 vụ, còn lại 02 vụ đang trong quá trình xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm lại.