PHẢI COI TRỌNG HOẠT ĐỘNG ĐỐI THOẠI VỚI NHÂN DÂN

07/08/2018

Tại Hội nghị đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân nguyện của quốc hội gắn với việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW do Ban Dân nguyện tổ chức vừa qua, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm để thực hiện tốt công tác dân vận gắn với tiếp xúc cử tri, trong đó nhấn mạnh đến hoạt động đối thoại với dân.

Toàn cảnh hội nghị

Tiếp xúc cử tri là một kênh quan trọng trong công tác dân vận

Quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 Hội nghị Trung ương 7 Khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, những năm qua, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã thể hiện trách nhiệm, làm tốt công tác dân vận trong các hoạt động của đại biểu dân cử, trong đó hoạt động tiếp xúc cử tri là hoạt động cơ bản, quan trọng, mang lại hiệu quả cao.

Các đại biểu nhận định, tiếp xúc cử tri là nghĩa vụ pháp lý của đại biểu Quốc hội, là trách nhiệm của đại biểu với cử tri, là diễn đàn dân chủ của cử tri – nhân dân. Mục đích của hoạt động tiếp xúc cử tri là tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội gần gũi, gắn bó với cử tri, qua đó hiểu được sâu sắc tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của người dân, đồng thời là diễn đàn để đại biểu Quốc hội thông tin chủ trương, chính sách, pháp luật, giúp đại biểu Quốc hội làm tròn trách nhiệm của người đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của cử tri ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Với ý nghĩa, tầm quan trọng như vậy, tiếp xúc cử tri trở thành một kênh quan trọng làm công tác dân vận.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chủ trì hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Quốc hội- Tp.Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, với mong muốn nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, góp phần làm tốt công tác dân vận, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội đã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức Hội nghị “ Bàn giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội”. Ngoài ra, để làm tốt công tác dân vận trong tiếp xúc cử tri, trước mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đều có văn bản gửi Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện, thị xã đề nghị phối hợp, trong đó nêu rõ: Phải tạo được sự gần gũi, gắn bó, thân thiện giữa đại biểu Quốc hội với cử tri; cần tổ chức tại cơ sở xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, khu dân cư; thông báo, mời đại diện đầy đủ các tầng lớp nhân dân, chú trọng người sản xuất trực tiếp, người ít có điều kiện tham dự tiếp xúc cử tri, khắc phục tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”. Những nội dung chỉ đạo này đã tạo chuyển biến đáng kể trong thời gian vừa qua. Tiếng nói, ý kiến phát biểu của cử tri tại các buổi tiếp xúc cử tri đã phong phú, mang hơi thở cuộc sống và sát với các vấn đề trong dân hơn, khắc phục dần tính hình thức, hướng đến gần dân, sát cơ sở, dân chủ được đề cao.

Nắm chắc các vấn đề cử tri quan tâm trước buổi tiếp xúc

Các đại biểu cho rằng, để hoàn thành nhiệm vụ buổi tiếp xúc cử tri, đồng thời góp phần làm tốt công tác dân vận trong buổi tiếp xúc cử tri thì việc nắm chắc các vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc là vấn đề hết sức quan trọng.

Đại diện Ban Dân vận trung ương phát biểu

Chia sẻ về kinh nghiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội về hoạt động này, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu cho biết, trước các kỳ tiếp xúc cử tri, lãnh đạo Đoàn đều có văn bản đề nghị các đại biểu trong Đoàn nghiên cứu kỹ các tài liệu phục vụ cho buổi tiếp xúc cử tri, nhất là các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các vụ việc phức tạp trên địa bàn đại biểu dự kiến về tiếp xúc. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố giúp việc thu thập, tổng hợp tài liệu của từng địa phương và cung cấp cho các đại biểu. Một số đại biểu trong Đoàn còn chủ động về địa phương nghiên cứu, tìm hiểu, làm việc với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nơi mình về tiếp xúc cử tri để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, phục vụ cho buổi tiếp xúc cử tri.

Nhờ có thông tin đầy đủ, nắm chắc tình hình địa phương mà hiệu quả tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội trong Đoàn ngày một nâng cao; cử tri, nhân dân tin tưởng, đánh giá cao về trí tuệ, tình cảm, tinh thần, trách nhiệm của đại biểu trước các vấn đề mà người dân quan tâm, bức xúc, từ đó niềm tin của nhân dân đối với đại biểu Quốc hội, với Đảng, Nhà nước được tăng cường, công tác dân vận vì vậy mà đạt mục tiêu đề ra.

Đổi mới cách nghe dân nói và cách nói với dân

Từ nhận thức tiếp xúc cử tri là diễn đàn dân chủ của cử tri – của nhân dân, các đại biểu cho rằng, Đoàn đại biểu Quốc hội cần quan tâm đổi mới cách thức thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật để buổi tiếp xúc cử tri thực sự là diễn đàn dân chủ của nhân dân, là nơi đại biểu Quốc hội nghe dân nói và cũng là nơi đại biểu Quốc hội nói cho dân nghe, để dân tin, dân làm theo.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện, thị xã nên điều hành theo hướng mở, dân chủ, công khai, bình đẳng, phát huy vai trò, trách nhiệm của cử tri, của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Các vấn đề cử tri nêu cần được trân trọng, ghi chép, ghi nhận, tiếp thu đầy đủ. Đối với những nội dung phát biểu ngoài phạm vi, thẩm quyền buổi tiếp xúc cử tri và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, cũng nên được đại biểu Quốc hội giải thích, phân tích tại buổi tiếp xúc cử tri để cử tri hiểu.

Các đại biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, những thông tin dự kiến cung cấp cho cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri cần được chuẩn bị, chọn lọc kỹ càng, gắn với đặc thù, vấn đề quan tâm của cử tri từng địa phương, đơn vị; chú trọng cung cấp, phân tích sâu các thông tin mà cử tri đặc biệt quan tâm hoặc còn có cách hiểu, cách nhận thức khác nhau trong xã hội; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các luật và nghị quyết mà Quốc hội vừa thông qua.

Trong đợt tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5 (Quốc hội Khóa XIV) vừa qua, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu cho biết, phần lớn các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội đã dành từ 30 – 45 phút thông tin kỹ với cử tri về nội dung và quá trình xây dựng, thông qua Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng; phân tích, đánh giá về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng tình hình, kích động, xúi giục nhân dân tập trung đông người biểu tình, gây rối; đồng thời kêu gọi, động viên nhân dân yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, không mắc mưu kẻ địch, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật. Sau các buổi tiếp xúc cử tri, đông đảo cử tri đều bày tỏ sự hài lòng về các thông tin được cung cấp, củng cố thêm niềm tin và hứa với đại biểu Quốc hội sẽ lan tỏa trong cộng đồng dân cư và xã hội.

Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề về nội dung cử tri quan tâm

Ngoài hoạt động tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau các kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, các Đoàn Đại biểu và các đại biểu Quốc hội trong Đoàn cũng nên đặc biệt quan tâm tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng. Nhất là những vấn đề mà cử tri, nhân dân hoặc một nhóm đối tượng cử tri đang đặc biệt quan tâm, bức xúc. Các đại biểu cho rằng, vấn đề này, nhóm cử tri này là đối tượng cần được làm công tác dân vận nhất.

Thời gian qua, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã lựa chọn nhiều chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng để tiếp xúc cử tri gồm: “Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp”; “Sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn”; “Thực hiện chính sách, pháp luật trong thi hành án dân sự và hình sự trên địa bàn thành phố Hà Nội” (21/3/2018); “Hoàn thiện pháp luật về giáo dục đào tạo trước yêu cầu đổi mới giáo dục – đào tạo”…

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội nghị

Các hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng đã thu hút rất đông cử tri tham dự. Tại đây, các cử tri phát biểu thẳng thắn, sâu sắc, cụ thể vào chủ đề đưa ra; tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của số đông người dân được chuyển tải tập trung, sinh động tới đại biểu Quốc hội. Tại buổi tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội cũng thông tin, chia sẻ thêm với cử tri về chủ trương, chính sách, pháp luật; giải thích, tuyên truyền, vận động cử tri bình tĩnh, giảm bớt căng thẳng, bức xúc, tôn trọng và chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật.

Trong công tác tiếp xúc cử tri, các đại biểu cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền với mục đích để đông đảo cử tri biết, theo dõi, giám sát, đồng thời tạo sự đồng thuận trong nhận thức và chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật.

Coi trọng hoạt động đối thoại với nhân dân

Từ thực tiễn hoạt động cá nhân trong nhiều năm gắn với công tác dân vận, trong đó có 2 năm làm công tác dân vận với tư cách là đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện công tác dân vận gắn với tiếp xúc cử tri.

Thứ nhất, Đảng, chính quyền, đoàn thể và các hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần phải đặc biệt coi trọng hoạt động đối thoại với nhân dân. đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu cho rằng, đối thoại là một phương thức làm công tác dân vận. Đối thoại chủ động (khi chưa có vụ việc phức tạp xảy ra) sẽ giúp chúng ta xử lý sớm, kịp thời, chủ động vấn đề, không để tình hình phức tạp xảy ra. Đối thoại thụ động (khi có vụ việc phức tạp xảy ra) góp phần hóa giải mâu thuẫn, bức xúc. Đối thoại trong mọi trường hợp đều thể hiện sự coi trọng, tôn trọng nhân dân; gần gũi, lắng nghe nhân dân, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, thắt chặt quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, chú trọng tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, coi trọng việc gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri, nhất là những nơi cử tri đang bức xúc, khủng hoảng. Cần làm tốt hơn nữa công tác biên tập, chuẩn bị nội dung Thông báo kết quả kỳ họp theo hướng ngắn gọn, sâu sắc. Quan tâm tập huấn cho đại biểu Quốc hội gồm tập huấn cơ bản đầu nhiệm kỳ và tập huấn nâng cao sau 2 năm hoạt động.

Thứ ba, đề nghị Quốc hội làm tốt hơn nữa công tác đốn đốc, giám sát các bộ, ngành, Chính phủ trong việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với những nội dung đã hứa với dân, thì phải tập trung làm bằng được, tránh việc trả lời qua loa.

Cuối cùng, cần có biện pháp mạnh với sự vào cuộc của cấp ủy, nếu cần thiết Đảng đoàn Quốc hội đề nghị Ban Bí thư ban hành một chỉ thị về nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri, khắc phục bằng được bệnh hình thức “cử tri chuyên nghiệp”, lãng phí, thiếu hiệu quả trong tiếp xúc cử tri. Vì đây là một kênh làm công tác dân vận, nếu làm không tốt, sẽ có tác dụng ngược./.

Thu Phương