Nghị quyết về trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn là cơ sở pháp lý cho việc theo dõi, giám sát có hệ thống của Thường trực HĐND, các ban, đại biểu HĐND tỉnh đối với việc thực hiện những lời hứa và trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND và Thủ trưởng các cơ quan đã cam kết trước đại biểu và cử tri. Thực tế nghị quyết của HĐND về việc này là cam kết của HĐND với cử tri.
Kỳ họp thứ 10 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2013 của HĐND tỉnh Kiên Giang Khóa VIII có nhiều đại biểu tham gia chất vấn với nhiều nội dung (12 đại biểu gửi 15 phiếu chất vấn với 21 nội dung chất vấn); nhiều Giám đốc sở, ngành tham gia trả lời (8 Giám đốc sở và Chủ tịch UBND tỉnh). Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, được cử tri quan tâm. Kết quả, HĐND tỉnh đã ban hành 36 nghị quyết, trong đó có 7 nghị quyết về tổ chức; 29 nghị quyết về các lĩnh vực KT - XH và một số chuyên đề khác. Kỳ họp được đánh giá thành công tốt đẹp, tuy nhiên, nếu có một nghị quyết cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri của các sở, ngành, UBND tỉnh, chất lượng kỳ họp sẽ cao hơn.
Tại sao đặt vấn đề ra nghị quyết HĐND về việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND? Thứ nhất, việc HĐND ra Nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn được thể hiện ở điểm c, khoản 3, Điều 61 của Luật: “… HĐND ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết”. Đây là điểm nghẽn của thực tế, vì như thế nào mới cần thiết thì chưa được làm rõ. Chính vì thế, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, rất ít địa phương ban hành nghị quyết về hoạt động này. Vì vậy nên xem xét, sửa đổi quy định này trong Luật để thống nhất việc ban hành nghị quyết của HĐND. Bởi những vấn đề bức xúc, nổi cộm qua giám sát của HĐND, qua ý kiến, kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu HĐND tại kỳ họp... rất cần được quan tâm, giải quyết thỏa đáng.
Thứ hai, việc này xuất phát từ nội dung trả lời của thủ trưởng các sở, ngành hữu quan, lãnh đạo UBND tỉnh. Một mặt nội dung trả lời mang tính chất làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền đối với vấn đề được đặt ra. Việc này đã phần nào đáp ứng được sự quan tâm theo dõi của cử tri thông qua truyền hình, phát thanh trực tiếp. Mặt khác, Chủ tịch UBND tỉnh đăng đàn trả lời chất vấn đối với những việc cần phải xử lý trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu chính đáng của đại biểu và cử tri, thường đưa ra những lời hứa sẽ có giải pháp thực hiện. Nhìn từ góc độ của đại biểu và cử tri, đây chính là những cam kết sẽ được thực hiện trong tương lai. Tuy nhiên, việc hứa rồi có làm được hay không, lời hứa có trở thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan. Những vấn đề đặt ra thuộc cơ chế, chính sách thì có thể kéo dài, nhưng cũng có việc sẽ trôi vào quên lãng. Chính vì vậy, việc ra nghị quyết của HĐND tỉnh về vấn đề này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc theo dõi, giám sát có hệ thống của Thường trực, các ban, đại biểu HĐND tỉnh đối với những lời hứa của thủ trưởng các cơ quan hữu quan trước đại biểu và cử tri.
Ra nghị quyết về trách nhiệm của người bị chất vấn là cần thiết để làm rõ hơn vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan, nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Qua chất vấn và trả lời chất vấn, HĐND một số nơi đã ban hành nghị quyết, do đó nhiều vấn đề đặt ra đã có chuyển biến tích cực trên thực tế. Để chuẩn bị dự thảo nghị quyết HĐND, Thường trực HĐND tỉnh nên giao các ban HĐND hoặc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo dõi, tổng hợp, chuẩn bị nội dung trình HĐND quyết định. Những vấn đề cụ thể cần quy định rõ trong nghị quyết trách nhiệm thực hiện của cá nhân.