Như vậy báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đã hội đủ những điều kiện cần thiết để trình ra Quốc hội xem xét. Mặt khác, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, chậm nhất 18 tháng kể từ khi năm ngân sách kết thúc Quốc hội phải phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, vì vậy tôi cũng đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 7 này.
Vấn đề thứ hai về số liệu quyết toán thu ngân sách nhà nước, theo dự toán số hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2012 là 70 ngàn tỷ, thực tiễn chúng ta đã hoàn thuế lên đến gần 90 ngàn tỷ. Trong bối cảnh khó khăn thì tại kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng một phần số tồn ngân của Kho bạc Nhà nước để thực hiện việc hoàn thuế theo quy định. Vì vậy lần này chỉ đưa vào quyết toán 70 ngàn tỷ, chứ không phải gần 90 ngàn tỷ như số thực tiễn. Tôi cho rằng số quyết toán phải là số thực thu, thực chi, chứ không phải là số dự toán, mặc dù trong điều kiện kinh tế khó khăn. Việc quyết toán 70 ngàn tỷ thay vì gần 90 ngàn tỷ cũng đã phản ánh sai lạc số thực thu ngân sách nhà nước. Nếu quyết toán thực là 90 ngàn tỷ thì thu ngân sách nhà nước năm 2012 không phải là vượt 1,9%, tương ứng với 14 ngàn tỷ đồng mà ngược lại, chỉ đạt có 99,2% dự toán, hụt 6 ngàn tỷ đồng. Đây là vấn đề cần xem xét rút kinh nghiệm.
Vấn đề thứ ba là số bội chi ngân sách nhà nước năm 2012, Quốc hội quyết định số bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 là 140.200 tỷ đồng, Chính phủ trình quyết toán là 154.126 tỷ đồng. Với số bội chi này tương ứng với 4,75% GDP thực tế. Tôi cho rằng có hai vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, điều hành ngân sách nhà nước căn cứ vào số bội chi nào? Căn cứ vào 140.200 tỷ đồng hay 4,8% GDP? Khi trình Quốc hội thì Quốc hội quyết định số tổng thu, tổng chi do vậy phải điều hành ngân sách theo số bội chi là số tuyệt đối 140.200 tỷ đồng, việc điều hành theo 4,8% GDP kia tôi cho không hợp lý.
Thứ hai, với bội chi 154.000 tỷ đồng bằng 4,75% GDP, tôi cho ở đây có sự so sánh không thống nhất. Vì bội chi ngân sách nhà nước 14200 tỷ đồng tính theo GDP kế hoạch, còn 156125 tỷ đồng thực hiện tính theo GDP thực tế. Nếu bội chi 154.125 tỷ đồng tính theo GDP kế hoạch để đồng nhất về cơ sở tính thì thực tế bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 là 5,2%, vượt quá mức Quốc hội cho phép chứ không phải 4,75% như báo cáo. Đây cũng là vấn đề cần tiếp tục xem xét rút kinh nghiệm.
Thứ ba, một số những vấn đề đặt ra trong khi xem xét quyết toán. Thưa Quốc hội, kỳ họp nào báo cáo kiểm toán, báo cáo của Ủy ban Tài chính, ngân sách cũng chỉ ra những vấn đề khiếm khuyết, những tồn tại hạn chế và tồn tại đó vẫn duy trì cho đến ngày hôm nay. Tình trạng thu ngân sách nhà nước chưa thật nghiêm, nợ đọng lớn, trốn lậu thuế nhiều và đặc biệt cơ cấu thu ngân sách nhà nước chưa thực sự vững chắc. Có 56% thu nội địa từ sản xuất kinh doanh, còn lại phụ thuộc vào việc bán tài nguyên, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Chi ngân sách chưa thật sự có hiệu quả, tình trạng vi phạm những quy định về quản lý tài chính ngân sách tương đối phổ biến. Để khắc phục tình trạng này tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật cũng như nghị quyết Quốc hội về tài chính, ngân sách, hạn chế tình trạng phát sinh. Trước mắt, sớm trình Quốc hội sửa đổi một cách căn bản Luật ngân sách nhà nước sửa đổi, tạo lập khuôn khổ pháp lý để quản lý điều hành ngân sách. Những vấn đề lớn về cơ cấu ngân sách nhà nước như đảm bảo cơ cấu thu bền vững hơn, chi bền vững và hiệu quả hơn, Chính phủ cần có một đề án xác định rõ thời hạn, mục tiêu để trình Quốc hội xem xét, trên cơ sở đó thực hiện giám sát đối với việc thực thi chính sách tài khóa.