ĐBQH Võ Thị Dung - TP Hồ Chí Minh: Nguồn thu ngân sách nhà nước chưa ổn định

30/05/2014

Trước hết về việc chấp hành kỷ luật trong thu tài chính, tôi đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và ngân sách.

Ở đây cho thấy trong tình hình kinh tế khó khăn, tuy rằng đảm bảo được nguồn ngân sách cho hoạt động các lĩnh vực, tuy nhiên các nguồn thu đều thể hiện chưa bền vững, đặc biệt ở cơ cấu các nguồn thu này thu đối với lĩnh vực dầu thô, lĩnh vực đất đai là chủ yếu và kể cả có những nguồn thu ngoài dự kiến, cũng không mong đợi của chúng ta, đó là nguồn thu như phạt vi phạm hành chính lên đến gần 9000 tỷ đồng.

Tôi thấy rằng bên cạnh cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, còn nhiều yếu tố tiêu cực, chủ quan khác như tình trạng trốn thuế, thất thu thuế, nợ đọng thuế đã làm cho nguồn thu có nhiều hạn chế và chưa hiệu quả. Tình trạng này chưa được khắc phục, chưa được giải quyết căn cơ. Lần này trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và ngân sách tiếp tục đề nghị Chính phủ phải khắc phục. Tôi không biết đến bao giờ thì Chính phủ sẽ khắc phục được tình trạng này.

Về kỷ luật chi ngân sách năm 2012 cũng cho thấy còn nhiều vi phạm mà báo cáo thẩm tra đã nêu. Tôi thấy cần siết chặt kỷ luật vấn đề chi. Hiện nay có hai nội dung trong báo cáo tôi đề nghị Chính phủ cần xem xét và làm rõ. Cụ thể như vấn đề mua sắm xe công, năm 2012 ta còn nhiều khó khăn, Chính phủ cũng chỉ đạo thắt chặt chi tiêu công thế nhưng cũng đã mua trên 1.700 chiếc xe ô tô, trị giá mỗi xe hàng tỷ đồng. Báo cáo cần làm rõ việc sắm xe công như thế có vi phạm chi ngân sách hay không, nếu có thì ai chịu trách nhiệm và Quốc hội có xem xét quyết toán khoản như thế nếu vi phạm.

Vấn đề thứ hai trong thực hiện chính sách hiện nay có nhiều lãng phí rất lớn. Vừa qua tham gia với Hội đồng Dân tộc giám sát các dự án di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm, thường xảy ra thiên tai thì thấy rằng trong lúc tình hình ngân sách rất khó khăn nhưng các dự án đầu tư cho mỗi hộ dân di dời ra vùng hiểm họa như thế với mức 1-2 tỷ đồng. Tôi cho rằng mặc dù có nơi đã thực hiện, có nơi chưa thực hiện nhưng như thế là không hợp lý với tình hình ngân sách đất nước hiện nay. Những chính sách như thế Chính phủ cần rà soát và ngăn chặn lại để xem hiệu quả đầu tư như thế nào. Đối với đồng bào ở các vùng đó, tôi nghĩ rằng nếu có phương thức bố trí tốt, chỉ cần 100 triệu đồng cho một hộ là bà con có thể giải quyết được, trong khi ta đầu tư cả tỷ đồng mà cũng không giải quyết được nhu cầu của nhân dân. Tôi đề nghị Chính phủ cần xem xét lại các chính sách hiện nay, mặc dù mình mong muốn điều tốt đẹp cho nhân dân nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách đó không hiệu quả, tốn kém thì cần phải xem xét và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay. Tôi thiết nghĩ rằng về quyết toán ngân sách năm 2012 mặc dù có bàn nhưng chắc chắn phải thông qua, vì đã chi rồi. Tôi xin đề nghị hướng tới:

Thứ nhất, Quốc hội cần phải xem xét để có một chế tài cụ thể trong lĩnh vực nếu vi phạm thu chi ngân sách thì cần phải có xử lý nghiêm minh và mạnh mẽ hơn. Đặc biệt trong tình hình hiện nay đất nước chúng ta đang khó khăn và tình hình trên biển Đông đòi hỏi chúng ta cần phải thắt lưng buộc bụng, chắt chiu để phát triển, đồng thời để giữ vững chủ quyền của đất nước, giữ gìn biển đảo. Tôi xin đề nghị Chính phủ cần phải nhanh chóng xem xét lại và điều chỉnh các nguồn thu của năm 2014 cho hợp lý để đầu tư vào việc hỗ trợ cho ngư dân, đầu tư để làm cho các lĩnh vực cần phải phát triển trong chiến lược biển của đất nước, để từ đó chúng ta tăng thêm nguồn lực để bảo vệ chủ quyền đất nước. Xin đề nghị Quốc hội khi thông qua ngân sách năm 2012 cần xem xét kỹ những khoản chi nếu đã vi phạm thì cần phải xem xét kỹ.

Cuối cùng tôi xin đề nghị ngoài việc điều chỉnh các chính sách cho phù hợp thì Quốc hội cũng như Chính phủ cần phải có chủ trương để tăng cường thực hành tiết kiệm làm cho nguồn lực của chúng ta tránh bị lãng phí và làm cho sự đồng thuận của nhân dân cao hơn. Bởi vì hiện nay lãng phí đồng hành với tham nhũng là vấn đề bức xúc trong nhân dân.

ĐBQH Võ Thị Dung - TP Hồ Chí Minh