ĐBQH Hồ Thị Thủy và Trần Xuân Hùng: Cần xây dựng và phát triển án lệ

03/06/2014

Liên quan việc xây dựng và phát triển án lệ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao cho tòa án nhân dân tối cao xây dựng án lệ như trong dự thảo luật.

ĐBQH Hồ Thị Thủy - Vĩnh Phúc:

Về vấn đề án lệ, để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử của tòa án thì Luật tổ chức Tòa án nhân dân cần quy định cụ thể, nhiệm vụ ban hành và phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao. Vấn đề này đã được thảo luận trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, việc ban hành và phát triển án lệ sẽ đáp ứng yêu cầu từng bước thực hiện công khai hóa các bản án trừ những bản án hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc liên quan đến thuần phong mỹ tục. Một mặt đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử, mặt khác việc ban hành và áp dụng án lệ sẽ góp phần tích cực vào bảo vệ công bằng, công lý cũng như việc tăng cường sự giám sát đối với hoạt động xét xử của cơ quan tòa án.

Về giá trị pháp lý và phương thức lựa chọn án lệ, đề nghị quy định theo hướng án lệ là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về một vụ việc cụ thể có nội dung lập luận làm rõ những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, còn có cách hiểu khác nhau. Trên cơ sở đó chỉ ra việc áp dụng thống nhất và đường lối xử lý đối với vụ việc cụ thể. Theo đó án lệ không thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi của pháp luật.

Trần Xuân Hùng - Hà Nam:

Vấn đề án lệ, tôi nhất trí với quan điểm cần quy định vấn đề án lệ như trong dự thảo luật. Đây không phải là vấn đề mới mà đã được Tòa án nhân dân tối cao thực hiện trong nhiều năm nay bằng những nghị quyết của Quốc hội, của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử. Thực chất các nghị quyết này là một dạng của án lệ. Những vấn đề này chưa bao giờ được coi là chính thống, đây là lần đầu tiên án lệ được đưa trong quy định của luật là quan điểm chính thống được thừa nhận.

Tôi cho rằng quá trình phát triển kinh tế - xã hội tất yếu sẽ có những mặt hoặc một số luật trong một số lĩnh vực nhất định sẽ không theo kịp sự phát triển, vì luật ở thế tĩnh, không thể một sớm một chiều chúng ta sửa đổi ngay và cần phải có quy trình sửa đổi, trong khi đó các quan hệ xã hội mới phát sinh thay đổi cần được xử lý, giải quyết ngay thì án lệ chính là cái bù đắp cho những thiếu hụt của luật. Nếu chúng ta kết hợp nhuần nhuyễn giữa án lệ và luật thì có một hiệu ứng rất tốt và vừa đảm bảo được sự nghiêm minh của pháp luật, vừa đảm bảo được sự bình đẳng trước pháp luật của người dân. Không thể có một sự kiện pháp lý giống nhau xảy ra tại những thời điểm khác nhau mà cách giải quyết và áp dụng pháp luật lại cho kết quả khác nhau.

Tuy nhiên, để coi án lệ là quan điểm chính thống và được thừa nhận trong luật, tôi đề nghị 2 vấn đề cần phải được làm rõ. Theo quy định tại Điều 74, Khoản 2, Hiến pháp năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan duy nhất mới có quyền giải thích luật. Việc trao cho Tòa án nhân dân tối cao thẩm quyền hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật thực chất là một dạng giải thích luật liệu có mâu thuẫn? Vấn đề này cần được giải trình rõ.

Hai, để khẳng định sự tối thượng của luật trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, cần làm rõ trong trường hợp nào Tòa án nhân dân tối cao mới được ban hành án lệ. Nếu quy định chung chung như dự thảo tôi e rằng sẽ làm giảm tính tối cao, tính tối thượng của luật. Theo cách hiểu của tôi thì án lệ chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây: Khi không có luật quy định về vấn đề đó, luật có quy định nhưng còn chung chung, khó áp dụng, luật được hiểu theo nhiều cách khác nhau và do đó được áp dụng theo nhiều cách khác nhau. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để có quy định cho phù hợp.

 

ĐBQH Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) - ĐBQH Trần Xuân Hùng (Hà Nam)