ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương- Quảng Bình: Cần đơn giản thủ tục hành chính trong trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

26/10/2016

Chiều 24/10, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương- Quảng Bình đề nghị, cần giảm gọn một số thủ tục hành chính về việc đăng ký trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại hội trường                            Ảnh: Đình Nam

Bày tỏ quan điểm đồng tình với việc nâng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo thành Luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, những năm gần đây tôn giáo lại phát triển nhộn nhịp hơn, có xu hướng thương mại hóa, xuất hiện tình trạng lợi dụng yếu tố tâm linh để hành nghề mê tín, bói toán, lợi dụng tôn giáo để xúi giục một số tín đồ gây rối làm mất ổn định chính trị, tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền… Do vậy, việc xây dựng một đạo Luật có đủ khả năng điều chỉnh những vấn đề trên là cần thiết.

Góp ý về dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, Ban soạn thảo cần phải xem xét lại để giảm gọn một số điểm và hạn chế cảm giác khắt khe trong thủ tục hành chính. Đại biểu cho biết, trong dự thảo Luật có tới 15 Điều (Điều 17, 18, 19, 22, 26, 34, 38, 41, 45, 46, 47, 48, 53…)  quy định liên quan đến hồ sơ đăng ký, hồ sơ đề nghị, văn bản đăng ký. Để giảm nhẹ thủ thục hành chính trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cũng như độ dài của luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, nên thu gọn tất cả những quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong đăng ký trong dự thảo Luật vào một điều chung.

Theo đại biểu, có nhiều nội dung chỉ cần thông báo chứ không cần phải xin phép. Vì dụ như Điều 27 quy định về việc chia cắt, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét ở phạm vi nào thì quy định xin phép, phạm vi nào thì quy định thông báo. Đại biểu cho rằng, nếu cái gì cũng xin phép thì sẽ tạo cảm giác rất nặng nề, khắt khe.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh, rút ngắn lại điều kiện về thời gian giải quyết các kiến nghị của các tổ chức tôn giáo theo tinh thần đơn giản thủ tục hành chính. Ví dụ, quy định về việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung tại Điều 17 quy định phải có có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ; tại Điều 19 quy định cấp tỉnh chứng nhận hoạt động tôn giáo trong thời gian 75 ngày...  Theo đại biểu, các vấn đề liên quan đến thủ tục nếu cứ kéo dài như thế sẽ làm cho các tổ chức tôn giáo có tâm lý e ngại, thà rằng vi phạm để chịu phạt chứ không đăng ký.

Ngoài ra, đại biểu cũng chỉ ra, hạn chế cơ bản và cũng là nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn giữa chính quyền với tổ chức tôn giáo chính là năng lực quản lý nhà nước về tôn giáo ở một số địa phương còn hạn chế. Có địa phương quá chặt chẽ, có địa phương lại buông lỏng, có trường hợp người phụ trách quản lý tôn giáo lại không hiểu gì về tôn giáo, thậm chí không hiểu về pháp lệnh tôn giáo. Đại biểu cho biết, hệ thống đào tạo hiện nay của nước ta mặc dù có thạc sĩ tôn giáo nhưng lại không có hệ thống trung cấp, cao đẳng, đại học về tôn giáo. Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo nên quan tâm đến quy định về chuyên môn, và đào tạo chuyên môn đối với cán bộ làm nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực bày.

Thu Phương lược ghi

Các bài viết khác