GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: NÂNG CHUẨN GIÁO VIÊN MẦM NON PHẢI KHÁCH QUAN, THỰC CHẤT ĐỂ TRÁNH CHẠY ĐUA BẰNG CẤP

27/12/2019

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, nêu ý kiến: Để khắc phục tình trạng chạy đua bằng cấp khi nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non cần thực hiện nghiêm túc các khâu đào tạo, tuyển dụng, đánh giá và xếp loại giáo viên.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi). Trong đó có quy định, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non phải đạt từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm.

Tuy nhiên, để các địa phương, trường học thực hiện theo quy định này không phải là dễ dàng vì một số địa phương, khu vực có số lượng giáo viên với thâm niên công tác, kinh nghiệm giảng dạy nhưng chỉ có bằng Trung cấp sư phạm còn nhiều. Việc để giáo viên tự đi học nâng chuẩn trình độ không phải dễ dàng vì thời gian học diễn ra ngoài giờ đi làm.


Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non phải đạt từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm (ảnh minh họa)

Quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non phải đạt từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm là yêu cầu thiết yếu để các địa phương, trường  học có được đội ngũ giáo viên đạt trình độ, kỹ năng cao trong giảng dạy trẻ. Tuy nhiên, để quy định này không gây sức ép đối với giáo viên, trường học và tránh xảy ra tình trạng “chạy đua bằng cấp” lại là vấn đề cần bàn luận.

Nâng chuẩn đào tạo, giáo viên trường mầm non công lập vất vả xoay sở đủ thứ

Là quản lý ở trường tư thục, cô Chu Thị Hương, trường Mầm non Hoa Lan, quận Ba Đình, Hà Nội không quá quan trọng vào bằng cấp tuyển dụng với giáo viên. Hầu hết các giáo viên đang làm việc tại trường đều có độ tuổi từ 22 đến 35 tuổi.

Cô Chu Thị Hương cho biết, yếu tố quan trọng đối với trường là chọn lựa được những giáo viên có tâm huyết, tình yêu thương trẻ, kỹ năng làm việc, có khả năng nuôi dạy trẻ tốt và đã từng đào tạo cấp học mầm non chứ không phải dựa trên trình độ ghi trên bằng cấp.

Để nhận biết giáo viên nào có thể đáp ứng được yêu cầu trên hay không, cô Hương đều cho họ được thử việc 1 tháng. Ai đáp ứng được yêu cầu thì nhà trường sẽ tuyển dụng vào làm việc theo thời gian thỏa thuận.

Đối với quản lý ở một số trường mầm non tư thục, việc tuyển dụng giáo viên không quá khắt khe về bằng cấp nhưng ở các trường công lập thì lại khác. Vì ngoài giáo viên trẻ, có trình độ đạt chuẩn theo yêu cầu đề ra thì vẫn còn có người với thâm niên công tác và kinh nghiệm giảng dạy nhưng chỉ có bằng Trung cấp sư phạm. Việc tạo để cho họ đi học nâng chuẩn không phải dễ dàng vì gặp một số khó khăn nhất định.  

Đối với quản lý ở một số trường mầm non tư thục, việc tuyển dụng giáo viên không quá khắt khe về bằng cấp nhưng ở các trường công lập thì lại khác. Vì ngoài giáo viên trẻ, có trình độ đạt chuẩn theo yêu cầu đề ra thì vẫn còn có người với thâm niên công tác và kinh nghiệm giảng dạy nhưng chỉ có bằng Trung cấp sư phạm. Việc tạo để cho họ đi học nâng chuẩn không phải dễ dàng vì gặp một số khó khăn nhất định. 

Cho đến nay, cô Tô Thị Lan Anh thuộc trường Mầm non quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã giảng dạy được 24 năm. Với tấm bằng tốt nghiệp Trung cấp sư phạm, cô thường xuyên bổ sung kiến thức bằng cách tự học nhưng đến năm 33 tuổi, cô mới quyết định tự đi học nâng chuẩn từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm và đến năm 42 tuổi mới học lên đại học.

Vì cả tuần phải đi làm nên việc học tập chỉ diễn ra 2 ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật. Do đó, cô Lan Anh gặp khó khăn khi vừa phải đi làm, đi học và chăm sóc gia đình, lo cho con học hành.

Cô Lan Anh cho biết, việc thi tuyển từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm không quá khó đối với một giáo viên có kiến thức và đã kinh qua công việc giảng dạy. Tuy nhiên, vì đã có tuổi và quỹ thời gian dành cho việc học tập không có nhiều nên những giáo viên nhiều tuổi tiếp cận với việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy sẽ khó khăn hơn các bạn trẻ.


Cô giáo Tô Thị Lan Anh (ngoài cùng bên trái) trong giờ giảng dạy cho các cháu mầm non.

Theo cô Tô Thị Lan Anh, việc quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non đạt từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm là hợp lý với điều kiện xã hội hiện nay. Tuy nhiên, với giáo viên lớn tuổi có thâm niên công tác, kinh nghiệm làm việc thì nên duy trì tổ chức cho họ được đi tập huấn, bổ sung kiến thức, kỹ năng hàng năm.

Đồng ý với quan điểm trên, bà Phạm Thị Bích Đào, Phó Hiệu trưởng ở trường Mầm non quận Hai Bà Trưng nêu quan điểm: Thực tế là các trường mầm non trong nội thành Hà Nội, các giáo viên đều đã đạt chuẩn từ Cao đẳng sư phạm trở lên. Nếu trường nào có giáo viên chưa có bằng cấp như quy định mới đề ra cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, đều rơi vào các cô giáo đã có tuổi và kinh nghiệm giảng dạy. Để phát huy kinh nghiệm và năng lực giảng dạy của giáo viên, hầu hết các trường đều tạo điều kiện để các cô được đi học, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, với những trường ở khu vực ven đô Hà Nội hay những địa phương khác có nhiều giáo viên chỉ có bằng Trung cấp sư phạm thì cần có lộ trình sắp xếp giáo viên đi học nâng chuẩn một cách hợp lý. Nếu để tất cả giáo viên cùng đi học một thời điểm sẽ ảnh hưởng tới việc vừa phải đi làm, vừa đi học và chăm sóc gia đình.

Nâng chuẩn đào tạo giáo viên phải gắn với thay đổi chế độ lương, phụ cấp

Việc Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 có quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non phải đạt từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm. Để thực hiện quy định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cần có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương triển khai.

Bà Lê Anh Lan, chuyên gia giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), nêu ý kiến như vậy và cho rằng, hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, chuẩn đầu vào đối với giáo viên mầm non đòi hỏi không quá cao mà có những tiêu chí khác nhưng mức lương của họ lại cao hơn giáo viên các cấp học khác. Còn ở Việt Nam đang yêu cầu nâng chuẩn đào tạo, tuyển dụng giáo viên mầm non nhưng chưa tính toán thấu đáo liên quan tới chính sách, lương bổng, phụ cấp cho họ.  

Vì vậy, khi triển khai thực hiện chuẩn đào tạo, tuyển dụng của giáo viên mầm non thì Bộ GD-ĐT cũng cần có đề xuất đồng bộ lên Chính phủ và các cơ quan liên quan thay đổi chế độ lương, phụ cấp cho họ. Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non cũng nhận được kỳ vọng của xã hội là sẽ nâng cao chất lượng giáo dục của cấp học này.


Bà Lê Anh Lan, chuyên gia giáo dục của UNICEF.

Đề cập vấn đề trên, theo bà Lê Anh Lan, chất lượng giáo dục của cấp học mầm non không thể chỉ phụ thuộc vào chuẩn trình độ đào tạo, tuyển dụng mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: sự tâm huyết, lòng yêu trẻ của giáo viên; lương và phụ cấp đối với giáo viên để họ yên tâm công tác, gắn bó và sáng tạo trong giảng dạy, chăm sóc trẻ tốt  hơn...

Khi yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non phải đạt từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm, nhiều địa phương và dư luận xã hội cũng lo ngại có thể diễn ra cuộc chạy đua bằng cấp. Bởi giáo viên có thâm niên công tác chỉ có bằng Trung cấp sư phạm nhưng muốn được tiếp tục làm việc cở các trường mầm non công lập phải có trình độ Cao đẳng sư phạm thì họ sẽ đi học thêm bổ sung kiến thức, thậm chí tìm mọi cách để có được tấm bằng như ý.

Theo bà Lê Lan Anh, hiện nay, rất nhiều giáo viên có kinh nghiệm và kỹ năng giảng dạy, chăm sóc trẻ nhưng không có bằng Cao đẳng sư phạm. Nếu yêu cầu họ phải có ngay bằng cấp theo tiêu chí mới thì chắc chắn sẽ xảy ra cuộc chạy đua bằng cấp, thúc ép nhiều người sẵn sàng bằng mọi cách để có được tấm bằng. Để không xảy ra tình trạng này, Bộ GD-ĐT cần đưa ra lộ trình và hướng dẫn cụ thể để các địa phương, trường học cho giáo viên có thời gian được học tập, tập huấn nâng cao trình độ bắt kịp với yêu cầu mới.

Đánh giá công khai để ngăn chặn chạy đua bằng cấp

Đóng góp vào việc thực hiện quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, PGS.TS.Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng của con người, cho rằng, việc đánh giá giáo viên phải dựa trên lòng yêu thương trẻ, kiến thức và kỹ năng đã được đào tạo, trải nghiệm trong giảng dạy, chăm sóc trẻ.

Tuy nhiên, để giúp giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy nhưng hiện chỉ có bằng Trung cấp sư phạm vẫn được làm việc cập nhật kiến thức, công nghệ mới vào giảng dạy các địa phương, trường học có thể thường xuyên mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao cho họ, chứ không nhất thiết phải chuyển đổi bằng cấp. Còn yêu cầu giáo viên phải có bằng Cao đẳng sư phạm chỉ nên áp dụng với việc tuyển dụng đầu vào các trường mầm non.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng của con người.

Để hạn chế việc chạy đua bằng cấp để được giảng dạy, đơn vị quản lý giáo dục cần có sự đánh giá lại năng lực của giáo viên, xem xét người nào cần được bồi dưỡng, nâng cao trình độ thì cho họ đi học thêm ở các lớp học ngắn hạn trong khoảng thời gian nào đó. Việc đánh giá này không cần phải thông qua kỳ thi mà thông qua bình xét công khai, khách quan những kiến thức, kỹ năng họ đã trong giảng dạy. Qua đó, các trường mầm non sẽ đề xuất cử giáo viên đi học bổ sung kiến thức thực sự, chứ không phải là đi học để có bằng cấp hay bằng mọi cách để có được tấm bằng theo quy định.

Cần sự nghiêm túc trong đào tạo, tuyển dụng, đánh giá và xếp loại giáo viên

Quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non phải đạt từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm đã nhận được nhiều ý kiến từ dư luận xã hội. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp:

Phóng viên: Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019. Trong đó có quy định, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non phải đạt từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm. Đến nay, các địa phương đang bắt đầu triển khai thực hiện quy định này nên vẫn còn lúng túng trong khâu tuyển chọn, sàng lọc và tập huấn, nâng cao trình độ cho giáo viên để có thể đáp ứng yêu cầu về bằng cấp đề ra. Đại biểu có ý kiến ra sao về sự lúng túng này và có tư vấn gì cho các địa phương?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là một chính sách mới trong Luật Giáo dục 2019. Trong những năm đầu triển khai, chính sách này sẽ gây khó khăn cho các địa phương còn đang thiếu giáo viên một cách cục bộ, nhất là việc cùng một lúc phải giải nhiều bài toán: Bổ sung đủ số lượng giáo viên nhưng hạn chế xáo trộn đội ngũ, tuyển mới giáo viên đủ chuẩn nhưng phải tính đến chính sách cho số giáo viên không đủ chuẩn… Nói chung, đã động đến yếu tố con người là không đơn giản và sự lúng túng của các địa phương là điều khó tránh.

Tuy nhiên, những khó khăn này đã được xác định trong quá trình đánh giá tác động chính sách trước khi đưa vào Luật Giáo dục 2019. Do vậy, theo Khoản 2 Điều 72 của Luật này thì đã giao “Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở…”. Đây là căn cứ để ngành Giáo dục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo chuẩn trình độ đào tạo mới một cách hợp lý, không làm xáo trộn và ảnh hưởng đến công tác tổ chức cũng như hoạt động của các cơ sở giáo dục. Do vậy, các địa phương cần căn cứ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, tránh tình trạng mỗi nơi làm một cách; đồng thời có sự rà soát, đánh giá đội ngũ để có kế hoạch tuyển chọn, sàng lọc và tập huấn, nâng cao trình độ cho giáo viên; đảm bảo hài hoà giữa tỷ lệ giáo viên tuyển mới, giáo viên cần đào tạo lại để nâng chuẩn, giáo viên không đủ tuổi đào tạo lại thì cần được bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn đầu của lộ trình.

Phóng viên:Trong các trường mầm non công lập, có những giáo viên với thâm niên công tác lâu năm nhưng chỉ có bằng Trung cấp sư phạm. Khi biết thông tin cần phải có chuẩn quy định bằng cấp mới là Cao đẳng sư phạm, nhiều người đã lo sợ không có bằng cấp theo quy định mới thì có thể sẽ khó tiếp tục giảng dạy nên đã cố gắng đi học thêm, tham gia vào các lớp tập huấn... Đại biểu nhìn nhận như thế nào về sự lo lắng của các giáo viên và có lời khuyên gửi tới các thầy cô giáo?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tôi rất chia sẻ với tâm trạng lo lắng của các giáo viên trước yêu cầu nâng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục mới. Việc các thầy, các cô có ý thức cố gắng, sẵn sàng đi học thêm, tham gia vào các lớp tập huấn là rất đáng trân trọng, vì đó là biểu hiện của sự chủ động và cả lòng tự trọng đối với nghề nữa.


Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp).

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách nâng chuẩn nhà giáo là một chính sách lớn, tác động tới nhiều người, nhiều cơ sở giáo dục trên phạm vi toàn quốc và Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo Khoản 2 Điều 72 Luật Giáo dục 2019. Đồng thời, Luật cũng đã quy định, “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có trách nhiệm quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng chuẩn quy định”.

Được biết, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các địa phương sẽ có kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên theo lộ trình thích hợp. Còn đối với những giáo viên chưa đạt trình độ đại học còn thời gian công tác từ 1 đến dưới 5 năm, các địa phương sẽ phối hợp với các trường sư phạm tổ chức các khóa bồi dưỡng thường xuyên theo các chuyên đề phù hợp để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Như vậy, để thực hiện chính sách nâng chuẩn nhà giáo, sẽ cần có sự phối hợp của cả cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục và cá nhân các giáo viên và các giáo viên không nên quá lo lắng, nôn nóng trong việc tự túc đăng ký đi học chuẩn hóa.

Phóng viên: Theo đại biểu, khi chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non phải đạt từ  Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm thì liệu rằng, chất lượng giáo dục ở cấp học này có tiến triển hơn so với hiện tại không và hay cần thêm những yếu tố nào khác?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Trước hết, phải khẳng định rằng, đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản hơn, ở trình độ cao hơn thì chắc chắn sẽ đáp ứng tốt hơn trước những yêu cầu đổi mới giáo dục cũng như sẽ tác động tích cực tới chất lượng giáo dục trong những năm tới. Đây là lý do ban hành chính sách nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học trong Luật Giáo dục 2019.

Nhưng theo tôi, không có nghĩa cứ nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên là đương nhiên thực hiện được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục mầm non; vì giữa chuẩn trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt, đối với giáo dục mầm non là một lĩnh vực mà công việc luôn tạo áp lực, thì yêu cầu giáo viên đủ chuẩn về trình độ đào tạo chỉ là yếu tố đầu tiên, còn để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thì việc cần hơn là những kỹ năng sư phạm phù hợp với đối tượng trẻ mầm non, là tâm huyết và sự gắn bó của giáo viên đối với trẻ và đối với nghề.

Như vậy, rất cần có thêm các yếu tố khác như cần có tiêu chí chuẩn trong đánh giá chất lượng giáo viên; cần có chính sách và môi trường làm việc tốt để nhà giáo có động lực, có tình yêu và sự gắn bó lâu dài với nghề.

Phóng viên: Dư luận cũng có những hoài nghi, bày tỏ lo ngại khi đưa ra chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non phải đạt từ  Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm thì rất có thể xảy ra tình trạng “chạy đua bằng cấp”, thậm chí là “mua bán bằng cấp”. Theo đại biểu, Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan, các địa phương cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này xảy ra?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Hoài nghi trên có thể có cơ sở, vì thời gian qua, trong thực tế đã xảy ra tình trạng chạy bằng cấp, mua bán bằng cấp, hợp thức hóa bằng cấp. Cũng cần phải thấy rằng phía sau những tấm bằng, những tờ chứng chỉ đó là sự vất vả, tốn kém cho giáo viên, trong khi, chưa hẳn đã giải quyết được vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục.

Dường như cái lợi thì thuộc về các cơ sở đào tạo và thiệt thòi, vất vả thuộc về những người thầy đang trực tiếp giảng dạy. Dư luận có quyền băn khoăn về việc nâng chuẩn trình độ giáo viên dựa trên yếu tố bằng cấp chưa hẳn đã đảm bảo công bằng cũng như lo ngại tình trạng “chạy đua bằng cấp”.

Theo tôi, để khắc phục tình trạng trên và thưc hiện chính sách nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên một cách nghiêm túc, hiệu quả thì cần phải bảo đảm chuẩn ở tất cả các khâu: đào tạo, tuyển dụng, đánh giá và xếp loại giáo viên. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, từ Bộ GD-ĐT đến các cơ sở đào tạo sư phạm và các địa phương. Tất cả cần được quy định thành các tiêu chí công khai, minh bạch; cần có sự thanh tra, kiểm tra để bảo đảm không có sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách.

Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là cần có thái độ kiên quyết và cách làm phù hợp để ngăn chặn tiêu cực. Như vậy thì chính sách mới này sẽ được ủng hộ và thành công.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non phải đạt từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm là việc làm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp học này. Tuy nhiên, để việc làm này thực chất và tránh xảy ra tình trạng chạy đua bằng cấp thì cần sự công tâm, khách quan của ngành Giáo dục, các địa phương, trường học từ khâu đào tạo, tuyển dụng, đánh giá và xếp loại giáo viên./.

Bích Lan