Vùng dân tộc thiểu số tồn tại 5 nhất so với cả nước
Tỉnh Hậu Giang có gần 34.000 đồng bào dân tộc Khmer, Hoa, Chăm... Giai đoạn 2014 – 2019, tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, an sinh xã hội; chương trình, dự án, đề án đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 105 tỷ đồng. Qua đó, đời sống đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 31,38% (năm 2016) xuống còn 18,83% (năm 2018). Tính đến hết tháng 8/2018, cả nước có 1.052 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29%. 100% các tỉnh đều đã có đường đến trung tâm các huyện lỵ; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở.
Vùng dân tộc thiểu số đã và đang là “lõi nghèo của cả nước”
Bên cạnh những kết quả tích cực, vùng dân tộc thiểu số đã và đang là “lõi nghèo của cả nước”. Vẫn còn trên 20.000 thôn đặc biệt khó khăn, tồn tại 5 nhất so với cả nước, đó là: Vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; tỷ lệ người nghèo cao nhất. Mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung cả nước chưa được thu hẹp, chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung cả nước. Dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 52% tổng số hộ nghèo của cả nước. Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi thấp: 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt. Vẫn còn hơn 54.000 hộ thiếu đất sản xuất, hơn 58.000 hộ thiếu đất ở, hơn 223.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Xuất phát điểm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực thấp; rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư; cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu việc làm, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật được nhận định là những nguyên nhân khách quan của những khó khăn, thách thức đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân chủ quan là hệ thống chính sách phát triển kinh tế, xã hội dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa thực sự đồng bộ, chưa bảo đảm gắn kết thống nhất; hầu hết các chính sách đều mang tính chất hỗ trợ. Mặt khác, vẫn còn hơn 10 đầu mối xây dựng, quản lý chính sách dân tộc, trách nhiệm chưa thật rõ ràng, nguồn lực bị phân tán, dàn trải, nằm rải rác ở các lĩnh vực, các bộ, ngành, các chương trình, đề án nên khó lồng ghép, hiệu quả không cao, khó xác định rõ trách nhiệm.
Trong số những chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số không thật sự hiệu quả, dễ nhận thấy nhất là chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách. Do hỗ trợ bằng tiền mặt nên hầu hết người thụ hưởng sử dụng không đúng mục đích. Mặt khác, việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền đã làm một bộ phận người dân ngày càng trông chờ, ỷ lại. Đối với chính sách hỗ trợ cây, con giống cũng chưa thực sự hiệu quả do nhiều địa phương cùng đồng thời triển khai nhiều chính sách như chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 30a; Chương trình 135; Chương trình xây dựng nông thôn mới… nên nhiều hộ không sử dụng hết cây giống do được cấp cùng lúc quá nhiều.
Quốc hội thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng đã có 118 văn bản đề cập chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, nhưng hiệu quả mang lại chưa đạt được như mong muốn, còn chồng chéo, dàn trải. Việc Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trình Quốc hội phê duyệt để triển khai là hoàn toàn hợp lý và đúng đắn.
Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Qua thảo luận tại Tổ và Hội trường đã có 77 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu ở Tổ; 27 ý kiến phát biểu tại Hội trường và 06 ý kiến gửi bằng văn bản. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng và các nội dung chủ yếu của Đề án.
Vào chiều 18/11, với 89,44% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đề án xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó đáng chú ý là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020. Định hướng mục tiêu đến năm 2030 là thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước, giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.
Nên ưu tiên, tập trung vào các chương trình an sinh xã hội
Hiện tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số chiếm tới 52% tổng số hộ nghèo của cả nước, vẫn còn 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 chúng ta có thể hi vọng việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; Nâng cao mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này:
Đại biểu Đinh Duy Vượt: 118 chính sách nhỏ lẻ, dàn trải, chồng chéo sẽ được tích hợp thành Chương trình mục tiêu quốc gia
Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
- Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Việc thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa đặc biệt quan trong, thể hiện Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện tốt nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển giữa 54 dân tộc anh em. Tôi kỳ vọng rằng Đề án sẽ giải quyết những khó khăn, thách thức hiện nay, tạo điều kiện để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vơi bớt khó khăn, phát triển đi lên cùng đất nước. Đặc biệt, thông qua Đề án với 118 chính sách nhỏ lẻ, dàn trải, chồng chéo trong thời gian qua sẽ được tích hợp thành Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách lớn, có nguồn lực tập trung để có chính sách trọng tâm, trọng điểm hơn.
- Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu:
Là người con của đồng bào dân tộc thiểu số, bản thân tôi rất phấn khởi khi Quốc Hội thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong Đề án này, lần đầu tiên Quốc Hội xem xét tổng thể, bao gồm trên mọi khía cạnh, lĩnh vực đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từ giáo dục, văn hóa, chăm sóc y tế cho đến phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là tập trung phát triển thế mạnh cũng như lợi thế so sánh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn đề tôi quan tâm là khi thực hiện Đề án này, trong quá trình triển khai thực hiện chúng ta cũng cần phải quan tâm, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian vừa qua khi triển khai nhiều chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số nhưng hiệu quả thực sự vẫn chưa cao. Chúng ta nên khắc phục điều này.
- Đại biểu Lưu Văn Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Hiện nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn, như phát triển kinh tế xã hội còn rất chậm so với các vùng khác; thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất thấp, chỉ bằng khoảng 30% so với thu nhập chung của toàn quốc...Do vậy, việc ban hành Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng to lớn, đặc biệt quan trọng đối với vùng này. Đây cũng sẽ là giải pháp tổng thể để đầu tư phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong tương lai. Qua đó, thúc đẩy phát triển toàn diện, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển trong cả nước.
Phóng viên: Theo đại biểu, chúng ta nên tập trung, ưu tiên vào lĩnh vực nào khi thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030?
- Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Lần đầu tiên Quốc hội thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đề án rất rõ ràng, cụ thể, thể hiện Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nếu như cả hệ thống chính trị thực sự vào cuộc, vào cuộc một cách quyết liệt, đồng lòng, đồng sức thực hiện thì Đề án sẽ đi vào cuộc sống, đời sống kinh tế xã hội của vùng đồng bào dân tộc sẽ khá lên, đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước. Cũng thông qua Đề án này, chúng ta cũng xem xét lại 118 chính sách của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ trước cho tới nay, theo đó chính sách nào không còn phù hợp thì có thể bỏ, tích hợp lại để tránh chồng chéo, dàn trải, khó tổ chức thực hiện. Bên cạnh ưu tiên đầu tư nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, an sinh xã hội, thì giao thông đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là vấn đề Chính phủ nên đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry: Tập trung ưu tiên đồng bào nghèo, đồng bào thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt
- Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Tôi thiết nghĩ, khi chúng ta xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia thì cũng cố gắng quan tâm, khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, đó là sự phối hợp chưa nhịp nhàng, chưa chặt chẽ và sự phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, rất khó quy trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Cũng do nguồn lực có hạn, nên việc xác định đối tượng và địa bàn đầu tư là hết sức quan trọng. Theo tôi nên tập trung giải quyết cho đối tượng khó khăn nhất ví dụ như đồng bào nghèo, đồng bào thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt và tình trạng di dân…Còn đối với địa bàn, Chính phủ cần sớm xây dựng tiêu chí để phân định vùng, tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho những vùng khó khăn, có những bước đi vững chắc, thích hợp, dần dần thu hẹp khoảng cách của đồng bào dân tộc thiểu số cùng với sự phát triển chung của cả nước.
Đại biểu Lưu Văn Đức: Thúc đẩy các chương trình, hành động phục vụ an sinh xã hội
- Đại biểu Lưu Văn Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số có rất nhiều vấn đề cần phải đầu tư, đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, theo tôi Chính phủ xem xét kỹ tổng thể những dự án, lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư. Trước hết chúng ta nên có chương trình, hành động phục vụ cho an sinh xã hội như giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp đến mới quan tâm đến phát triển sản xuât, đầu tư nâng cao nguồn nhân lực, việc làm. Chúng ta nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thì vùng đồng bào dân tộc thiểu số mới sớm được khởi sắc.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các đại biểu!
Nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của người dân, kinh tế ở khắp vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được cải thiện rõ rệt, kinh tế xã hội có sự chuyển đổi mạnh mẽ, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên, an sinh xã hội từng bước được cải thiện, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống văn hóa, tinh thần cũng được nâng cao. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn và vùng “lõi nghèo” của cả nước. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tiếp tục thể hiện Đảng và Nhà nước luôn quan tâm phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển bền vững. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển./.