ĐBQH NGUYỄN PHƯỚC LỘC CHẤT VẤN VỀ CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA BỘ TƯ PHÁP Ở LĨNH VỰC PHÁP CHẾ, THANH TRA

27/03/2020

Ngày 15/11/2017, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh liên quan tới đánh giá của Bộ trưởng về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ thuộc lĩnh vực pháp chế, thanh tra, trong đó có nhận định về thực trạng của đội ngũ làm nhiệm vụ này.

Theo đó, Bộ Tư pháp nhận được Văn bản số 1314/TTKQH-GS ngày 02/11/2017 về chuyển chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh. Nội dung chất vấn: "Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ ở các lĩnh vực: Công tác pháp chế của Bộ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ pháp chế tại Bộ và Công tác thanh tra của Bộ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra của Bộ? Hiện nay, Bộ đã bố trí đủ lực lượng làm công tác pháp chế và thanh tra của Bộ hay chưa?"

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh​

Trả lời chất vấn ĐBQH Nguyễn Phước Lộc, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: 

Về công tác pháp chế, theo quy định tại các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Bộ Tư pháp và gần đây nhất là Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính Phủ, thì Bộ Tư pháp không thành lập tổ chức làm nhiệm vụ riêng về pháp chế tại Bộ mà chỉ có 01 Phòng thuộc Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật của Bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác pháp chế. Với chức năng nêu trên, đại đa số cán bộ, công chức của Bộ Tư pháp có trình độ, chuyên môn sâu trong lĩnh vực pháp luật.

Riêng về công tác pháp chế, cũng theo Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ "hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra công tác pháp chế bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp." Ngoài ra, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế cũng giao Bộ Tư pháp "giúp chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác pháp chế trong phạm vi cả nước."

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác pháp chế, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Thông tư số 01/2015/TT-BTP ngày 15/01/2015 hướng dẫn về nghiệp vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế. Để năng cao năng lực đội ngũ làm công tác pháp chế, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Trường Đại học Luật Hà Nội ban hành chương trình khung đào tạo trình độ đại học ngành luật dành cho cán bộ pháp chế ở Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước; hằng năm BTP đều tổ chức cá lớp tập huấn, các Hội nghị giao ban công tác pháp chế và tổ chức kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc củng cố và kiện toàn tổ chức pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn ĐBQH

Về công tác thanh tra, theo quy định tại các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Bộ Tư pháp và gần đây nhất là Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ thì Bộ Tư pháp đã thành lập Thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ này.

Theo Nghị định số 54/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp có thêm 02 cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành là Cục Bổ trợ tư pháp và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

Hiện nay, theo Quyết định số 227/QĐ-BTO ngày 22/2/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc giao chỉ tiêu biên chế hành chính các đơn vị thuộc Bộ, Bộ Tư pháp đã cơ bản bố trí đủ biên chế cho Thanh tra Bộ, trong đó nhân sự hầu hết đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Luật và đã có chức danh.

Trong công tác thanh tra, Bộ Tư pháp đã tăng cường chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, từng bước đổi mới hoạt động thanh tra và việc xử lý sau thanh tra. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cũng được Bộ chỉ đạo thực hiện đúng quy trình, thủ tục. Về thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong công tác điều hành, quản lý qua việc truy cập vào Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, Bộ Tư pháp là 1 trong 2/22 Bộ công bố lịch tiếp công dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động về Thanh tra nhìn chung vẫn chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao về quản lý nhà nước của Bộ; số lượng biên chế phân bổ cho việc thự chiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành chưa đáp ứng theo yêu cầu của nhiệm vụ. Để khắc phục hạn chế này, thời gian tới, BTP đã ban hành và tập trung thực hiện hiệu quả Đề án "Đổi mới tổ chức, cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Thanh tra Bộ Tư pháp giai đoạn 2016 - 2018", nhất là các giải pháp nhằm kiện toàn đội ngũ cán bộ về hoạt động thanh tra và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Thanh tra Bộ./.

Trọng Quỳnh