ĐBQH NGUYỄN QUỐC HẬN: KÉO DÀI THỜI GIAN PHẢN HỒI CÓ CHẤP NHẬN TÁI THẨM, GIÁM ĐỐC THẨM HAY KHÔNG?

30/03/2020

Sau Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, có văn bản chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị giải thích lý do kéo dài thời gian phản hồi có chấp nhận tái thẩm, giám đốc thẩm hay không?

Theo đó, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận đề nghị giải thích lý do kéo dài thời gian phản hồi có chấp nhận tái thẩm, giám đốc thẩm hay không? Khi đường sự hoặc các ngành, đơn vị chuyển đơn đến. Vì với sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi hành án ở các địa phương; cụ thể là ở tỉnh Cà Mau có bản án dân sự có hiệu lực pháp luật từ năm 1996 (đã xử phúc thẩm) đến nay đã 20 năm trôi qua vẫn chưa thi hành án được vì chờ Toà án tối cao trả lời có chấp nhận tái thẩm hay không?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau​

Trả lời chất vấn ĐBQH Nguyễn Quốc Hận, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong những năm qua, đặc biệt trong hai năm gần đây để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống, như: Sửa đổi, bổ sung quy trình xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cho phù hợp với những thay đổi về cơ cấu tổ chức và thẩm quyền của các Toà án theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định cũng như đảm bảo về tiến độ giải quyết; ban hành Chỉ thị về việc tập trung giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền của các tòa án nhân dân cấp cao, tăng cương đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm cho các đơn vị có chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Đồng thời, trong công tác chỉ đạo, quan điểm của lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao là tập trung nâng cao chất lượng, nhưng không để các vụ việc quá hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Vì vậy, trong những năm qua, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của các Toà án nói chung và Toà án nhân dân tối cao nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết được nâng lên. Mặc dù số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm gửi đến tòa án nhân dân là rất lớn, nhưng các tòa án tập trung nghiên cứu giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Đối với các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của đương sự gửi đến đồng thời có kiến nghị của Đoàn ĐBQH, tòa án nhân dân đều chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu hồ sơ đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Đoàn ĐBQH.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn trường hợp đương sự có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được xem xét, giải quyết là do: (1) Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là rất lớn, có xu hướng gia tăng về số lượng, tính chất ngày càng phức tạp; (2) trong một số vụ án cụ thể đã được xét xử từ rât lâu nên việc đánh giá nội dung về áp dụng pháp luật và chứng cứ mất rất nhiều thời gian; nhất là đối với các vụ án được xem xét theo trình tự tái thẩm cần phải được xác minh, thảm định các tình tiết mới trong thời gian dài; (3) Một số vụ án đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhiều lần nhưng các đương sự vẫn gửi đơn "cầu may" đến các cơ quan tổ chức dẫn đến tình trạng kéo dài, trốn tránh thi hành án,...

Về vụ án cụ thể mà đại biểu phản ánh là vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất" giữa nguyên đơn là ông Trần Châu Minh Thuỷ với bị đơn là ông Lý Hưng Sơn, bà Lý Thục Anh. Ngay sau khi bản án dân sự phúc thẩm số 17/DSPT ngày 17/01/1996 của tòa án nhân dân tỉnh Minh Hải (cũ) có hiệu lực thi hành, vợ chồng bà Lý Thục Anh có nhiều đơn đề nghị Toà án nhân dân tối cao xem xét lại Bản án dân sự phúc thẩm và có nhiều văn bản của ĐBQH và các cơ quan chuyển đơn của bà Lý Thục Anh đến Toà án nhân dân tối cao đề nghị xem xét lại vụ án nêu trên theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng xem xét; tổ chức họp liên ngành với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và đã báo trực tiếp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc giải quyết vụ án.

Trên cơ sở xem xét một cách toàn diện các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cũng như các tài liệu chứng cứ do bà Lý Thục Anh bổ sung, Toà án nhân dân tối cao đã 11 lần và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 05 lần có văn bản trả lời bà Lý Thục Anh cũng như trả lời các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH và cơ quan thi hành án tỉnh Cà Mau, xác định Bản án dân sự phúc thẩm số 17/DSPT ngày 17/01/1996 của TAND tỉnh Minh Hải (cũ) là có căn cứ, đúng pháp luật, không có căn cứ kháng nghị. Như vậy, trong vụ án cụ thể trên, khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án ở địa phương tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp đương sự đã có đơn yêu cầu thi hành án mà không được cơ quan thi hành án tại địa phương tổ chức thi hành thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cấp trên giải quyết. Trong trường hợp đương sự đã có đơn yêu cầu thi hành án mà không được cơ quan thi hành án tại địa phương tổ chức thi hành thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cấp trên giải quyết. Trong trường hợp này, việc có đương sự trong vụ án đang có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ án mà đã được tòa án xem xét, trả lời nhiều lần không phải là căn cứ để hoãn thi hành án./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác