ĐBQH TÔN THỊ NGỌC HẠNH CHẤT VẤN VỀ HOẠT ĐỘNG CHO VAY TIÊU DÙNG

30/03/2020

Đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đã có chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng nhà nước nêu tại phiếu chất vấn 1444/TTKQH-GS về quy định của pháp luật cho vay tiêu dùng và giải pháp quản lý, kiểm soát hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và công ty tài chính nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.

Đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước 

Quy định của pháp luật về lãi suất cho vay tiêu dùng

Về quy định của pháp luật về lãi suất cho vay tiêu dùng, trả lời chất vấn của đại biểu Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, Khoản 1, Điều 468, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Khoản 2, Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ quy định nêu trên, tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó có công ty tài chính có quyền thỏa thuận lãi suất cấp tín dụng theo quy định tại Luật các TCTD. Nói cách khác, quan hệ cho vay giữa TCTD nói chung và khách hàng (người dân) không chịu sự điều chỉnh về mức lãi suất nêu tại Khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự.

Căn cứ quy định của Luật các TCTD và các quy định có liên quan, Ngân hàng nhà ước (NHNN) đã ban hành quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016) và quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016), trong đó có các quy định:

TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp NHNN có quy định về lãi suất cho vay tối đa. (Khoản 1, Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN).

Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. (Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN)

Như vậy, lãi suất cho vay tiêu dùng do tổ chức tín dụng nói chung và công ty tài chính nói riêng (bên cho vay) và khách hàng (bên vay) thỏa thuận dựa trên các yếu tố: cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Giải thích lý do lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường cao hơn ngân hàng thương mại, Thống đốc NHNN cho biết, chi phí vốn của công ty tài chính cao hơn chi phí vốn của ngân hàng: ngân hàng được nhận tiền gửi, cung cấp dịch vụ thanh toán cho tổ chức, cá nhân, trong khi đó công ty tài chính không nhận tiền gửi của cá nhân, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là đi vay tổ chức tín dụng khác, phát hành trái phiếu,...

Hơn nữa, tín dụng tiêu dùng có rủi ro cao hơn do: các khoản cho vay chủ yếu là tín chấp hoặc có tài sản bảo đảm giá trị thấp; khách hàng vay thường có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định, hiểu biết về tài chính hạn chế; các khoản cho vay giá trị nhỏ, thời gian ngắn nên chi phí món vay cao.

Xuất phát từ các lý do trên nên công ty tài chính thường áp dụng lãi suất cho vay cao để bù đắp chi phí và rủi ro. Hiện nay, lãi suất tín dụng tiêu dùng bình quân của các công ty tài chính vào khoảng 18,39%/năm (cao hơn khoảng 6,69%/năm so với lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường).

Giải pháp quản lý, kiểm soát hoạt động cho vay tiêu dùng

Về giải pháp quản lý, kiểm soát hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và công ty tài chính nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, văn bản trả lời của Thống đốc NHNN nêu rõ, để hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, bao gồm cả hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay, lãi suất cho vay của TCTD đối với khách hàng, ngoài Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN như đã nêu ở trên, NHNN đã ban hành Thông tư số 14/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng, trong đó quy định cụ thể nguyên tắc tính lãi, phương pháp tính lãi, gồm lãi suất tính lãi, thời hạn cụ thể nguyên tắc tỉnh lãi, phương pháp tính tính lãi (số ngày tính lãi), cách quy đổi lãi suất, công thức tính lãi.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng

Các tổ chức tín dụng, công ty tài chính phải công khai, minh bạch hoạt động cho vay tiêu dùng

Để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, trả nợ, Thông tư 39 và Thông tư 43 đã quy định cụ thể trách nhiệm của TCTD. Cụ thể:

a) TCTD có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động cho vay, lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay; các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn theo lãi suất cho vay.

b) Thỏa thuận cho vay phải có nội dung thỏa thuận về mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ | %/năm (một năm là 365 ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.

c) TCTD thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn đối với nợ gốc. Nội dung thông báo tối thiểu gồm: số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển quá hạn, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn. Đồng thời, khi thực hiện quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận, TCTD phải thông báo cho khách hàng về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn với nội dung thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số nợ gốc này, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng.

d) Đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng, Thông tư 43 còn quy định cụ thể: Hợp đồng cho vay tiêu dùng của công ty tài chính và khách hàng phải có các nội dung cụ thể, rõ ràng để minh bạch hóa mức lãi suất, làm cơ sở để so sánh, như: (i) Mức lãi suất cho vay tiêu dùng theo thỏa thuận và mức lãi suất cho vay tiêu dùng quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó; (ii) Nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; (iii) Lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; (iv) Phương pháp tính lãi tiền vay; (v) Loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay.

Công ty tài chính phải: Cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký; Giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng: Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính; Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được công ty tài chính cung cấp đầy đủ thông tin.

Công ty tài chính ban hành quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để áp dụng thống nhất và gửi NHNN.

Trách nhiệm của các công ty tài chính trong việc thẩm định, quyết định cho vay, kiểm tra sử dụng tiền vay và phải công khai, minh bạch hoạt động cho vay để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, nhất là khách hàng có ít kiến thức về cho vay tiêu dùng.

Quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phải có nội dung: (i) Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng; (ii) Bộ phận chuyên trách và phương thức tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng.

Với các quy định nêu trên, các khoản lãi suất, khoản vay, điều kiện vay trên hợp đồng đều được thông tin một cách minh bạch nhằm bảo về quyền lợi của khách hàng vay.

Như vậy, Thông tư số 39 và Thông tư số 43 đã quy định rõ trách nhiệm của các TCTD, công ty tài chính trong việc công khai, minh bạch hoạt động cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng để bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay, nhất là khách hàng có ít kiến thức về cho vay tiêu dùng.

Giám sát chặt hoạt động của các công ty tài chính

Thời gian qua, thông qua hoạt động quản lý nhà nước, NHNN thường xuyên thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD và công ty tài chính, bảo đảm hoạt động cho vay tiêu dùng tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các TCTD, trong đó có các công ty tài chính cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay; khuyến nghị các TCTD rà soát, xem xét giảm lãi suất các khoản cho vay tiêu dùng phù hợp với điều kiện cụ thể, góp phần hỗ trợ khách hàng.

Trong Đề án “Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” đã đề ra nhóm giải pháp riêng với lộ trình cụ thể nhằm cơ cấu lại các công ty tài chính, trong đó có hoạt động tài chính tiêu dùng. Ngay sau khi Đề án được ban hành, NHNN đã yêu cầu các công ty tài chức thực hiện phương án cơ cấu lại đến năm 2020 với sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị chức năng của NHNN.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng nói chung và hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nói riêng để đảm động cho vay tiêu dùng được thực hiện minh bạch, công khai và đúng quy định của pháp luật./.

Bảo Yến

Các bài viết khác