ĐBQH LƯU BÌNH NHƯỠNG: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT VỀ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ HIỆU QUẢ XE TẢI TRÊN CẢ NƯỚC

30/03/2020

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre về giải pháp quản lý hiệu quả xe tải trên cả nước.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận được chất vấn của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cung cấp tư liệu thống kê các loại xe tải do doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiện đã đăng kiểm, sử dụng trong thời gian qua và hiện nay. Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp quản lý hiệu quả xe tải trên cả nước.

 Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng,  Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết:

1. Về số liệu ô tô tải do doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiện đã đăng kiểm, sử dụng trong thời gian qua và hiện nay

Theo thống kê trên dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì đến hết tháng 10/2017 tổng số xe ô tô tải trên cả nước là: 1.053.394 xe trong đó có 226.150 xe có kinh doanh vận tải, 827.244 xe không kinh doanh vận tải. Cụ thể theo bảng sau:

2. Các giải pháp quản lý ô tô tải trên cả nước đã và đang triển khai:

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa thì việc xây dựng quy định, quy chuẩn kỹ thuật và tổ chức thực hiện quản lý chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó có ô tô vận tải là trách nhiệm của Bộ GTVT. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định, Bộ GTVT đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ và các Thông tư quy định đối với việc kiểm soát chất lượng ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu và đây là chính là hàng rào kỹ thuật kiểm soát chất lượng phương tiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu cũng như quy định kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật (ATKT) và bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xe đang lưu hành. Hệ thống các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cụ thể như sau: ..

2.1. Các Nghị định của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ:

- Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng xe chở hàng và xe chở người.

- Nghị định số 63/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính Phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

- Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ chỉ thị xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định.

2.2. Hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia:

- QCVN 09:2015/BGTVT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô (thay thế QCVN 09:2011/BGTVT).

- QCVN 11:2015/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với rơ moóc và sơ mi rơ moóc (thay thế QCVN 11:2011/BGTVT).

- QCVN 86:2015/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 4 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

- Và các QCVN về phụ tùng xe ô tô.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội.

Hệ thống các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được Bộ Giao thông vận tải xây dựng trên cơ sở các quy định, Tiêu chuẩn của Châu  Âu (ECE, EEC), có tham khảo tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp ô tô tiên tiến như Nhật Bản, Hàn quốc và các nước ASEAN đảm bảo phù hợp với trình độ công nghệ chế tạo ô tô tại Việt Nam và phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện nay Bộ GTVT đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật làm căn cứ kiểm tra, chứng nhận chất lượng chung cho cả xe sản xuất, lắp ráp và xe nhập khẩu.

2.3. Hệ thống các Thông tư quy định về thủ tục kiểm tra phương tiện trên cơ sở các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng:

- Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới.

- Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.

- Thông tư số 54/2014/TT-BGTVT ngày 20/10/2014 Bộ trưởng Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới.

- Thông tư số 55/2014/TT-BGTVT ngày 20/10/2014 Bộ trưởng Bộ GTVT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu vào Việt Nam.

- Thông tư số 42/2014/TT-BGTVT ngày 15/09/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về thùng xe tự đổ, xe xi téc, xe tải tham gia giao thông đường bộ.

- Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 09/11/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để thực hiện kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng, khai thác.

2.4. Công tác tổ chức thực hiện:

- Tất cả các ô tô tải trên cả nước phải thực hiện kiểm định theo chu kỳ kiểm định và phải đảm bảo quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 09/11/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT mới được cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để tham gia giao thông đường bộ.

- Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam hằng năm tổ chức tập huấn và cập nhật các quy định mới cho các đăng kiểm viên trên cả nước để nâng cao chất lượng kiểm định. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đơn vị đăng kiểm, xử lý nghiêm các đăng kiểm viên thực hiện sai quy trình kiểm định, hạ thấp tiêu chuẩn trong quá trình kiểm định.

- Bộ GTVT đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho chủ xe, lái xe. Thông báo danh sách phương tiện hết niên hạn sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông của địa phương, chú trọng khu vực ngoại thành, nông thôn: kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với chủ xe, lái xe đi phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định.

2.5. Về hạn chế và giải pháp trong thời gian tới:

a) Về hạn chế:

- Theo quy định tại Điều 55 của Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì việc duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện theo tiêu chuẩn khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định được giao cho chủ xe, lái xe, chưa có chế tài trong việc quy định về bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện giữa hai kỳ kiểm định.

- Hiện nay, còn có tình trạng một số xe hết niên hạn, quá hạn kiểm định nhưng vẫn hoạt động trên địa bàn khu vực vùng sâu, vùng xa.

b) Giải pháp trong thời gian tới:

- Thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Bộ GTVT đang trong quá trình hoàn thiện nội dung sửa đổi các Thông tư, quy định về kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu theo hướng quản lý chặt chẽ hơn nữa về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng phương tiện, trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu ô tô và sử dụng tại Việt Nam.

- Bộ GTVT đang rà soát để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật giao thông đường bộ năm 2008 để đưa quy định về việc bảo dưỡng, sửa chữa để duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của phương tiện giữa hai kỳ kiểm định.

- Đồng thời cần có sự quan tâm và vào cuộc quyết liệt của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tiếp tục thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 05/10/2016, cụ thể:

“4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Tổng kiểm tra, rà soát, thống kê danh sách các phương tiện hết niên hạn sử dụng, quả hạn kiểm định; có phương án cụ thể xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, cơ chế chính sách để người dân, doanh nghiệp chủ động thông báo, giao nộp các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng.

b) Tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông của địa phương, chú trọng khu vực ngoại thành, nông thôn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với chủ xe, lái xe điều khiển phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định tham gia giao thông.

c) Công khai số lượng, biển kiểm soát xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tự nguyện giao nộp giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận kiểm định, biển kiểm soát phương tiện hết niên hạn sử dụng; thực hiện kiểm định phương tiện theo đúng quy định pháp luật; chủ động, phát hiện, thông báo tới cơ quan chức năng phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; khuyến cáo doanh nghiệp, người dân không mua, bán, trao đổi các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng để tham gia giao thông.

d) Gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc xử lý tình trạng xe hết niên hạn sử dụng trên địa bàn; xử lý trách nhiệm, của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định tham gia giao thông gây tai nạn”.

Nghĩa Đức

Các bài viết khác