ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình)
Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình), thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến chính sách của dân tộc thiểu số, tuy nhiên theo báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến vẫn còn nhiều khuyết điểm và hạn chế.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương đề nghị làm rõ hệ thống văn bản pháp luật hiện nay đã đầy đủ và hoàn thiện chưa, quá trình tổ chức và thực hiện như thế nào? Đồng thời đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc có giải pháp gì để thực hiện tốt hơn về chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của dân tộc và miền núi trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, về tổng thể, chính sách đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng cơ sở, sinh kế đủ cả, nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nguyên nhân chủ yếu là do: Thứ nhất là có chính sách ban hành mới chỉ là khung mang tính định hướng, chưa xác định rõ được nguồn lực để đảm bảo do vậy khó khăn trong thực hiện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn các ĐBQH tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thứ hai, có chính sách ban hành nhưng chưa cân đối được nguồn vốn hoặc tỷ lệ cân đối rất thấp, do vậy không đạt mục tiêu đề ra. Chính sách thường kéo dài 5 năm tương ứng với nhiệm kỳ của Chính phủ do vậy có khoảng giữa 2 nhiệm kỳ thì chính sách chưa được triển khai thực hiện.
Thứ ba, chính sách mới thì chưa ra, chính sách cũ thì hết hiệu lực nên chưa được liên tục. Như đã báo cáo ở trên, đồng bào dân tộc thiểu số của chúng ta sinh sống chủ yếu ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung, là những nơi rất khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, địa hình chia cắt, đất sản xuất không có, thậm chí đất ở cũng không có. Do vậy, trong một hoàn cảnh như vậy để giải quyết ngay những điều này là khó khăn.
Thứ tư, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ cũng là một trong những nguyên nhân để cho một số không nhiều nhưng đồng bào dựa dẫm và có tình trạng không muốn ra khỏi hộ nghèo. Không muốn ra khỏi hộ nghèo thể hiện rất rõ, các đại biểu đi tiếp xúc cử tri thấy rất rõ.
Về giải phảp khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc đã đề ra 3 giải pháp:
Giải pháp thứ nhất là đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương ủng hộ để nghiên cứu, xây dựng, tích hợp các chính sách thành một chương trình mục tiêu quốc gia trong khoảng thời hạn 10 năm với sự chỉ đạo quyết liệt, đầu tư thỏa đáng và có tiêu chí đánh giá rõ ràng, có hệ thống tiêu chí để so sánh.
Thứ hai, phải hướng tới một cơ chế làm sao tăng vay ưu đãi, giảm cho không.
Thứ ba là vẫn phải hỗ trợ nhưng hỗ trợ có điều kiện. Tức là cam kết hỗ trợ trong 3 năm anh phải thoát khỏi hộ nghèo, 5 năm phải thoát xã nghèo, trong 10 năm phải thoát khỏi huyện nghèo./.