ĐBQH NGUYỄN LÂN HIẾU CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT VỀ CÁC DỰ ÁN KHAI THÁC RỪNG THÀNH CƠ SỞ DU LỊCH NGHỈ DƯỠNG

25/04/2020

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐQBH tỉnh An Giang) đề nghị làm rõ những bất cập tại các dự án khai thác rừng thành các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng. Những giải pháp để vừa bảo vệ môi trường vừa đảm bảo phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên rừng nói riêng.

 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang. Nội dung chất vấn: “Xin Bộ trưởng cho ý kiến về các dự án khai thác rừng thành các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng trong thời gian qua có những bất cập gì? Những giải pháp trong thời gian tới để vừa bảo vệ môi trường vừa đảm bảo phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên rừng nói riêng?”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, về Quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trước ngày 01/01/2019: theo quy định Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các văn bản hướng dẫn luật, việc tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được quy định như sau: chủ rừng được phép sử dụng rừng đặc dụng kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng theo các phương thức: chủ rừng tự đầu tư, tổ chức kinh doanh; hoặc sử dụng tài nguyên, quyền sử dụng đất để liên kết kinh doanh; hoặc cho thuê môi trường rừng. Việc thực hiện các hoạt động này phải đảm bảo điều kiện: phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có dự án, đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Từ ngày 01/01/2019: theo quy định Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn luật, việc tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái được quy định như sau: Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuế môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và các chức năng khác của khu rừng; chủ rừng xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được duyệt; được phép cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn các ĐBQH

Về tình hình tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, những năm qua, việc tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thực hiện theo các quy định của pháp luật, nhìn chung hỗ trợ tốt cho công tác bảo vệ rừng đặc dụng, góp phần tạo việc làm cho người dân, giảm chi từ ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sự phối kết hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp trong việc quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, có nơi chưa phù hợp với quy hoạch; giám sát chưa chặt chẽ ảnh hưởng xấu đến bảo tồn thiên nhiên. Một số khu rừng đặc dụng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí chưa thu hút được sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp vàPhát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, để đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững, các ngành, các cấp, chủ rừng phải hực hiện nghiêm các quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp trong tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Hoàn thiện quy định pháp luật về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên đất lâm nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tổ chức hoạt động du lịch sinh thái đúng quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án và phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác