ĐBQH DƯƠNG TRUNG QUỐC CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

25/04/2020

Chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng, nhiệt điện.

 

Nội dung chất vấn của ĐBQH Dương Trung Quốc:Trong trình bày của Bộ trưởng Bộ Công Thương rất ít đề cập đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là đối với nguy cơ của biến đổi khí hậu, dường như chúng ta chỉ thấy điều đó ở Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhưng tôi cho rằng Bộ Công Thương hết sức quan trọng. Việc chúng ta lựa chọn những ngành nghề phát triển, chúng ta thấy tại sao nhiệt điện thì phát triển một cách khủng khiếp như thế, trong khi điện tái tạo sạch thì chúng ta lại gặp khó khăn như thế hay việc chúng ta tiếp tục cho những ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng trong khi chúng ta còn thiếu điện như thép chăng hạn. Chúng ta phải nhìn thấy một tương lai không xa là rất nhiều trung tâm kinh tế rất lớn của chúng ta liên quan đến hàng chục triệu con người sẽ bị ngập nước. Câu hỏi của tôi là Bộ trưởng quan niệm như thế nào về vấn đề bảo vệ môi trường?”

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai)​

Trả lời chất vấn ĐBQH Dương Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương được Chính phủ giao quản lý nhà nước trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa là những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bộ Công Thương nhận thức rõ yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng, nhiệt điện, hóa chất, giày da, chế biến chế tạo, khai khoáng, cơ khí... và đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường ngành công thương.

Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống pháp luật hiện hành, cơ sở pháp lý, công cụ và chế tài quản lý môi trường của Bộ Công Thương trong lĩnh vực công thương cũng còn có những hạn chế. Cụ thể: Khoản 3 Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường quy định trách nhiệm của các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ về việc chủ trì tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý. Tuy nhiên, trong các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường đều không quy định rõ việc “tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý”, ví dụ: Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2014/NĐCP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường không quy định về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc quản lý chất thải công nghiệp, quản lý phế liệu nhập khẩu...

Quy định về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Điều 23 Luật Bảo vệ môi trường quy định:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án sau: a) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; b) Dự án liên ngành, liên tỉnh thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 18 của Luật này, trừ dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh; c) Dự án do Chính phủ giao thẩm định.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình nhưng không thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.”

Với quy định phân cấp như hiện nay và sự ra đời của Ủy ban quản lý vốn nhà nước, thì hầu hết các dự án trong lĩnh vực thuộc ngành công thương đều do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, thành phố tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn các ĐBQH

Trong quá trình đầu tư, vận hành dự án, chủ dự án thực hiện các cam kết trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt, các chương trình quan trắc, giám sát môi trường, xin cấp các Giấy phép môi trường (Sổ đăng ký chủ nguồn thải, chất thải nguy hại; Giấy phép khai thác tài nguyên nước mặt, nước biển, nước dưới đất; Giấy phép xả thải nước thải vào nguồn nước...) và Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Tất cả các thủ tục này đều do Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND cấp tỉnh cấp phép. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn chủ dự án thực hiện quy định bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp thuộc các Tập đoàn/Tổng Công ty do Bộ quản lý. Do vậy, Bộ Công Thương thiếu các cơ sở pháp lý để triển khai công tác bảo vệ môi trường, nhất là chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Vừa qua, Cơ quan Kiểm toán về môi trường của Kiểm toán Nhà nước đã có Công văn số 15/KTNN-TH ngày 21 tháng 02 năm 2019 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì đề xuất cơ chế quản lý, giám sát môi trường tổng hợp nhằm giảm thiểu rủi ro xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường. Việc thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo chức năng nhiệm vụ của Bộ quản lý ngành được giao trong Luật Bảo vệ môi trường, nhưng các văn bản dưới Luật không quy định cụ thể nên gây khó khăn trong công tác quản lý môi trường nói chung trong ngành công thương nói riêng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn như đã nêu trên, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, thể hiện rõ quan điểm khẳng định phát triển kinh tế phải gắn liền, đi đôi với công tác bảo vệ môi trường. Điều này được thể hiện rõ trong các hoạt động mà ngành Công Thương đã thực hiện thời gian qua như: Xử lý nhanh và kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành các nhà máy nhiệt điện; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành, địa phương xử lý sự cố ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung; ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành công thương; tổ chức hàng loạt hoạt động kiểm tra đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm trên phạm vi cả nước; ký kết Chương trình phối hợp công tác về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại giai đoạn 2017 - 2020 với Bộ Tài nguyên và Môi trường...

Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, có xét đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2018, Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành công thương và đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành làm cơ sở thực hiện các nhóm nhiệm vụ chủ yếu về bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2019-2025.

Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường đang được sửa đổi. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thể chế hóa và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương trong công tác bảo vệ môi trường, thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong toàn ngành công thương./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác