Đại biểu Trần Hồng Nguyên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án luật Thỏa thuận quốc tế tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Hồng Nguyên tham gia đóng góp một số ý kiến đối với dự án Luật Thỏa thuận quốc tế như sau:
Thứ nhất, về khái niệm "thỏa thuận quốc tế". Dự thảo luật đưa khái niệm thỏa thuận quốc tế để phân biệt, vì khái niệm điều ước quốc tế được điều chỉnh bởi Luật Điều ước quốc tế. Theo đó "thỏa thuận quốc tế" là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài, không làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.
Tại Điều 9 của dự thảo luật xác định Chủ tịch nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh nhà nước. Chính phủ quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ. Đại biểu Trần Hồng Nguyên cho rằng giữa quy định này của dự thảo luật và quy định của Luật Điều ước quốc tế có một phần chồng lấn khi cả điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế đều có nội dung nhân danh Chính phủ và nhân danh Nhà nước. Tiêu chí để phân biệt giữa điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế trong trường hợp này chỉ là việc điều ước hoặc thỏa thuận đã ký kết có làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế hay không. Tuy nhiên, việc sử dụng tiêu chí này lại chưa rõ ràng và khó khả thi. Theo đại biểu, cần xác định rõ mục tiêu của việc sử dụng công cụ thỏa thuận quốc tế để xây dựng khung pháp luật cho phù hợp với việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, thiết kế cơ chế thực thi phù hợp, bảo đảm hiệu quả thực hiện các thỏa thuận quốc tế, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của quốc gia.
Thực tế ở nước ta cho thấy, do nhận thức của một số chủ thể, ký kết thỏa thuận quốc tế sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ. Do đó, không ít thỏa thuận quốc tế được ký mang tính ngoại giao, chưa thực chất, chưa gắn với cơ chế thực thi, chưa bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ nội dung đã cam kết. Trong khi đó, bên ký kết nước ngoài luôn nhận thức đã ký kết là phải thực thi, vì vậy rất quan tâm đến hiệu quả thực tế của việc thực thi các cam kết. Theo đại biểu, đây là rào cản lớn về mặt thống nhất nhận thức giữa các chủ thể, cần phải được tháo gỡ bằng công cụ pháp luật, có như vậy mới có thể nâng cao được hiệu quả niềm tin, chỉ số uy tín của quốc gia khi xây dựng, ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Hơn nữa, không thể nói một thỏa thuận quốc tế được ký giữa các lãnh đạo quốc gia lại không phát sinh quyền, nghĩa vụ quốc gia trong quan hệ quốc tế, vì các thỏa thuận quốc tế do chủ thể có thẩm quyền ký kết phù hợp với quy định của pháp luật quốc gia, được coi là hành vi quốc gia phản ánh chính sách quốc gia. Rất khó có thể xác định trong một văn bản do Chủ tịch nước hoặc Chính phủ ký đều nhân danh nhà nước hoặc Chính phủ, khi nào thì làm phát sinh trách nhiệm pháp lý của Nhà nước, của Chính phủ và khi nào chỉ là cam kết mang tính chính trị về hợp tác quốc tế, không mang tính ràng buộc pháp lý, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ pháp lý quốc tế đối với Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Vì vậy, đại biểu cho rằng dự thảo cần phải chỉnh lý lại khái niệm này cho minh bạch, rõ ràng, nhất là trong quan hệ hợp tác quốc tế.
Thứ hai, về bên ký kết Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều 2, đại biểu nhất trí với ý kiến của Ủy ban Đối ngoại nêu trong báo cáo thẩm tra về việc bổ sung các chủ thể là các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, đồng thời đại biểu đề nghị cân nhắc việc dự thảo luật bổ sung Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã cũng là chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế vì các lý do sau:
Một là, hoạt động hợp tác quốc tế có mối quan hệ trực tiếp đến vấn đề chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh nên chủ thể có thẩm quyền ký kết cần phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực đủ để tham mưu đúng và sát những vấn đề có liên quan trực tiếp đến địa phương, trên cơ sở nắm bắt tình hình trong nước, khu vực và quốc tế. Đồng thời, cần có các cơ quan chuyên môn tham mưu về công tác này. Trong khi đó, quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì cấp huyện, cấp xã không phải là cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành chính sách đối ngoại. Bản thân 2 cấp này cũng không được bố trí cán bộ đối ngoại để thực hiện các công việc có tính chất đối ngoại Nhà nước.
Hai là, trong thời gian từ ngày 1/1/2017 đến 31/12/2019 đã có 79 văn bản cấp huyện ký và có 4 cấp xã đã đăng ký, nhưng nội dung này chưa được tổng kết và đánh giá toàn diện. Hơn nữa, kết quả tổng kết các thỏa thuận quốc tế được ký thời gian qua ở Việt Nam mới chỉ dừng ở việc thống kê về mặt chủ thể, số lượng và lĩnh vực ký kết, chưa phân loại các quyền, nghĩa vụ theo các lĩnh vực và cấp ký thỏa thuận quốc tế, chưa có đánh giá một cách đầy đủ về tính khả thi, hiệu quả, những bất cập trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của từng loại chủ thể trong các thỏa thuận quốc tế đã ký. Do đó, theo đại biểu, chưa có đầy đủ các thông tin để luận chứng có nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế hay không, nếu mở rộng thì chúng ta sẽ mở rộng đến cấp nào.
Ba là, việc phân cấp quá nhiều rất dễ dẫn đến tình trạng khó kiểm soát và dễ tạo nên sự cát cứ, thiếu thống nhất giữa các địa phương, đặc biệt giữa các địa phương có chung đường biên giới và cùng một quốc gia thông qua việc ký kết các thỏa thuận quốc tế trong tương lai.
Với cơ chế thông báo như hiện nay ở Việt Nam thì cơ quan đầu mối tiếp nhận cũng sẽ gặp khó khăn, để có thể kiểm soát được đầy đủ, hiệu quả về mặt nội dung của các thỏa thuận quốc tế đã ký. Vì vậy, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị cần đánh giá kỹ và toàn diện hơn đối với việc bổ sung 2 chủ thể này.
Thứ ba, về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế. Tại khoản 4 Điều 14 quy định việc báo cáo xin ý kiến của Chủ tịch Quốc hội trong trường hợp cơ quan được lấy ý kiến không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế là chưa thực sự đầy đủ. Thực tế cho thấy, ngay cả trường hợp các cơ quan được lấy ý kiến đã thống nhất, khi còn ý kiến khác nhau thì các cơ quan chủ trì đề xuất cần báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định ký hay không ký thỏa thuận quốc tế.
Đại biểu Trần Hồng Nguyên cho rằng trong dự thảo luật này thì còn có một số điều quy định về thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế nhưng chưa quy định về trình tự, thủ tục. Cụ thể, khoản 1 Điều 13 quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội. Điều 14 quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, các cơ quan Quốc hội nhưng nội dung của điều này cũng chỉ đề cập đến các cơ quan của Quốc hội. Điều 26 cũng chưa có trình tự, thủ tục, đề nghị bổ sung vào để có cơ sở để thực hiện./.