ĐBQH THẠCH PHƯỚC BÌNH: NGHỊ QUYẾT VỀ GIẢM THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP 2020 CẦN CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH NGAY ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN

23/06/2020

Tại phiên thảo luận toàn thể hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác trong đợt 2 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đã góp ý về một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội thông qua.

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nêu rõ, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội kéo theo hàng loạt những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt như thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, thị trường cung cầu trong nước bị thu hẹp, hoạt động sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu bị đình trệ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dịch bệnh đã tác động đến 85,7% số doanh nghiệp và gần 20% số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và dự báo nếu dịch bệnh kéo dài đến hết quý III thì sẽ có trên 160 nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và sẽ tăng lên 205 nghìn doanh nghiệp nếu như dịch bệnh kéo dài đến hết quý IV.

Nhấn mạnh trước sự khó khăn đó, đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ nhất trí cao việc Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác theo tên gọi của dự thảo nghị quyết.

Về đối tượng áp dụng, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất xem xét đối với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa, không chỉ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ như trong dự thảo. Đại biểu đề nghị thêm doanh nghiệp vừa và đề nghị xem xét tính từ thời điểm 11/3, khi công bố dịch toàn cầu. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị mở rộng phạm vi nhóm ngành và đối tượng được hưởng ưu đãi.

Đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần cụ thể một số nội dung để Chính phủ thực hiện. Đại biểu cho rằng, dự thảo nghị quyết nên bổ sung các nội dung: nâng cao tính khả thi các giải pháp hỗ trợ; nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp tới gói hỗ trợ; cắt giảm thủ tục giấy tờ chứng minh, xét duyệt; ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể, minh bạch; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phổ biến kịp thời các văn bản hướng dẫn cụ thể về đối tượng áp dụng, mức độ áp dụng và quy trình thực hiện tới doanh nghiệp. Đề xuất Chính phủ xem xét tạm ngừng hoặc giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vào thời gian này để doanh nghiệp tập trung vào phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi vì hiện tại theo phản ánh của các doanh nghiệp, doanh nghiệp vẫn được nhận các yêu cầu về thanh tra, kiểm toán doanh nghiệp trong tháng này và trong những tháng cuối năm.

Cho biết hiện này việc triển khai hệ thống Cổng thông tin Quốc gia đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực để doanh nghiệp có thể tiến hành đăng ký và nộp hồ sơ xét duyệt qua mạng, hạn chế đi lại, có thể nhận và gửi công văn đến cơ quan Hải quan nhanh chóng và thuận tiện. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm có quy định chung về tiêu chí xác định biên độ, giảm lãi, quy trình thực hiện thẩm định, xét duyệt hồ sơ cho vay.

Bên cạnh đó, về thời gian thực hiện nghị quyết, với các yêu cầu, tính cấp thiết của nghị quyết này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đại biểu đề nghị Quốc hội là nghị quyết sẽ có hiệu lực ngay sau khi ký ban hành. Bởi vì, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, ở đây là Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành. Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở địa phương có hiệu lực không sớm hơn 10 ngày đối với cấp tỉnh, không sớm hơn 7 ngày đối với cấp huyện, cấp xã kể từ ngày ký ban hành. Đối với văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.

Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn bao gồm trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ. Trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội, trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời gian nhất định. Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Theo quy định nêu trên và đối chiếu với sự cấp thiết, đặc biệt là mong mỏi của phần lớn các doanh nghiệp, bởi vì dịch bệnh hiện nay đang ảnh hưởng đến gần 90% số doanh nghiệp trong cả nước. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét nghị quyết này có hiệu lực ngay khi thông qua và ký ban hành./.

Bảo Yến