ĐBQH NGUYỄN THANH XUÂN ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ

23/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, bàn về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ, cho rằng dự án Luật Thỏa thuận quốc tế nên cân nhắc quy định thêm về những lĩnh vực cho phép các chủ thể có thể chủ động quyết định việc ký thỏa thuận để đảm bảo thời gian, cơ hội thực hiện hợp tác.

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ phát biểu tại phiên họp

Tham gia phiên thảo luận về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân bày tỏ hoàn toàn tán thành với việc cần thiết ban hành luật. Khẳng định 4 lý do nếu trong Tờ trình của Chính phủ rất thuyết phục, đại biểu cho rằng trong bối cảnh chúng ta đã và đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sự ra đời của luật Thỏa thuận quốc tế sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho ký kết các thỏa thuận với các đối tác quốc tế. Đồng thời, luật Thỏa thuận quốc tế cũng giúp cho các chủ thể ký kết không gặp những sai sót, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, đại biểu nhất trí với tên gọi là Luật Thỏa thuận quốc tế. Theo đại biểu, về phạm vi điều chỉnh, dự luật cần tập trung vào thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết.... hay nói cách khác là tập trung chính vào chủ thể ký thỏa thuận, vì chủ thể ký thỏa thuận phải xin ý kiến của cấp cao hơn trước khi thực hiện thỏa thuận. Điều này cho thấy tính chặt chẽ trong quy định.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng luật cũng nên cân nhắc quy định thêm về những lĩnh vực cho phép các chủ thể có thể chủ động quyết định việc ký thỏa thuận để đảm bảo thời gian, cơ hội thực hiện hợp tác, vì nếu thủ tục nhiều dễ dẫn đến mất cơ hội hợp tác.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, các thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học... có thể mở rộng quyền trao cho các chủ thể có đủ năng lực.

Về giải thích từ ngữ tại Điều 2. Khoản 2 của điều này quy định theo hướng mở rộng chủ thể được ký thỏa thuận quốc tế. Quy định này phù hợp với xu hướng đa dạng về nội dung, quy mô, cấp độ quản lý trong ký kết hợp tác quốc tế, sẽ là cơ hội tốt trong việc mở rộng hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân băn khoăn về việc quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện và xã, nhất là Ủy ban nhân dân cấp xã cũng là chủ thể ký thỏa thuận. Đại biểu bày tỏ lo lắng về năng lực và sự am hiểu về thỏa thuận quốc tế ở cấp huyện, xã, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm, mặc dù Điều 23 của dự luật có quy định trình tự, thủ tục là trước khi ký phải xin ý kiến cơ quan đối ngoại cấp tỉnh. Việc ký thỏa thuận chỉ là một phần của thỏa thuận, vấn đề triển khai và quản lý thực thi thỏa thuận cũng rất quan trọng, phải có năng lực mới làm tốt được công tác triển khai này.

Vì thế, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề xuất ban soạn thảo cân nhắc thêm quy định chủ thể này sao cho phù hợp.

Bên cạnh việc mở rộng chủ thể thì dự luật lại quy định thiếu một số chủ thể rất quan trọng trong thỏa thuận quốc tế, đó là các đơn vị sự nghiệp công lập, ví dụ như các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu khoa học v.v… Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao thì trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, các đơn vị sự nghiệp công lập đã ký và thực hiện nhiều thỏa thuận quốc tế rất hiệu quả mà theo dự báo có thể sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn trong thời gian sắp tới.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị Ban soạn thảo xem xét và có quy định thêm các chủ thể này. Những chủ thể này thường có năng lực cao trong thực hiện các thỏa thuận quốc tế. Hơn thế, các chủ thể này cũng cần được quy định theo hướng mở về thẩm quyền và lĩnh vực thỏa thuận để có nhiều thuận lợi trong ký thỏa thuận, phù hợp với xu hướng thế giới, từ đó mang lại lợi ích cho quốc gia.

Về ký kết thỏa thuận quốc tế của Chương II, cách quy định của các điều 1, 2, 3, 4, 5 và 6 là có 2 điều. Một điều quy định về thẩm quyền ký thỏa thuận, một điều quy định về trình tự, thủ tục. Cách quy định này dễ hiểu, rõ ràng. Tuy nhiên, tại mục 7 Điều 26 quy định thẩm quyền ký kết thỏa thuận nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức nhưng không có quy định về trình tự, thủ tục. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị xem xét, bổ sung để tạo sự nhất quán trong cách quy định tại chương này.

Về quy định được hoặc không được ký thỏa thuận ở khoản 6 Điều 3 quy định 3 nội dung không được ký kết thỏa thuận và Điều 8 quy định 4 hành vi bị cấm thỏa thuận. Đại biểu cho rằng 2 nội dung này gần nhau nên gộp 2 nội dung này thành một điều quy định chung về những nội dung không được ký và cấm ký thỏa thuận, như thế sẽ tiện hơn.

Về sử dụng thuật ngữ, trong nhiều điều của dự luật có dùng các thuật ngữ như cơ quan, tổ chức liên quan ở khoản 1 Điều 10; cơ quan có liên quan đến hoạt động hợp tác thuộc thỏa thuận quốc tế ở khoản 1 Điều 14, khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 20; tổ chức có liên quan đến hoạt động hợp tác thuộc thỏa thuận quốc tế. Khoản 1 Điều 25; cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trực tiếp đến hoạt động hợp tác thỏa thuận quốc tế ở khoản 1 Điều 22, khoản 1 Điều 23. Các cụm từ này khi đọc khó hiểu, không rõ sự khác biệt về nội hàm giữa cơ quan, đơn vị, tổ chức, sẽ tham gia hoạt động hợp tác, chịu tác động của hoạt động hợp tác hay cơ quan quản lý hoạt động hợp tác quốc tế, v.v.. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân kiến nghị Ban soạn thảo kiểm tra và quy định sao cho nhất quán về thuật ngữ nội hàm dễ hiểu và hiểu đúng vai trò các chủ thể này./.

Bùi Hùng