ĐBQH NGUYỄN CHÍ TÀI GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XÂY DỰNG

25/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Nguyễn Chí Tài đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về nội dung dự án Luật và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện dự án luật này.

Đại biểu Nguyễn Chí Tài - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Để góp phần hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Nguyễn Chí Tài đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 1 của dự thảo luật có quy định sửa đổi, bổ sung khoản 46 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014, tuy nhiên khi đối chiếu tại Điều 3 của Luật Xây dựng năm 2014 thì chỉ có khoản 45, không có khoản 46. Để đảm bảo tính lôgic, thống nhất về kỹ thuật lập pháp, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa lại nội dung này cho phù hợp.

Thứ hai, về thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng tại Điều 58 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung thẩm định về đảm bảo phòng, chống thiên tai vào điểm đ khoản 2 để thống nhất với quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Theo đó, đại biểu đề nghị viết lại điểm đ khoản 2 cụ thể như sau: "kiểm tra sự phù hợp của giải pháp thiết kế cơ sở về đảm bảo an toàn xây dựng, việc thực hiện các yêu cầu về phòng chống cháy nổ, đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường".

Lý giải cho đề nghị này, đại biểu nêu rõ, tại khoản 12 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 19 của Luật Phòng, chống thiên tai quy định: chủ đầu tư khi lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm, khu du lịch, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn, công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai. Bao gồm: hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và đảm bảo tính ổn định của công trình trước thiên tai. Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về xây dựng và về quy hoạch. Người có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư phải có trách nhiệm tổ chức thẩm định nội dung về đảm bảo yêu cầu về phòng, chống thiên tai trong hồ sơ dự án xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm, khu du lịch, khu công nghiệp, điểm dân cư, công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật trước khi dự án được phê duyệt.

Thứ ba, về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng ở Điều 62 của dự thảo luật tại khoản 1 quy định người quyết định đầu tư, quyết định thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án để quản lý dự án mà không quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện để áp dụng.

Theo đại biểu Nguyễn Chí Tài, điều này sẽ dẫn đến sự tùy nghi, thiếu tính chuyên nghiệp trong quá trình thành lập Ban quản lý dự án. Để các Ban quản lý dự án đầu tư hoạt động có hiệu quả, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định như quy định hiện hành của Luật Xây dựng năm 2014.

Thứ tư, tại điểm a khoản 1 Điều 85 của dự thảo luật quy định chủ đầu tư có quyền tự thực hiện thiết kế hoặc thẩm tra thiết kế xây dựng, khi có đủ điều kiện, năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề phù hợp với loại cấp công trình xây dựng để nâng cao công tác quản lý công trình và mang tính khách quan khi triển khai thực hiện các công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đại biểu đề nghị công tác thực hiện thiết kế hoặc thẩm tra thiết kế phải thuê đơn vị trung gian để thực hiện.

Thứ năm, về quy định về cấp giấy phép xây dựng ở Điều 89 của dự thảo luật. Theo quy định các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 15 năm 2016 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Xây dựng thì các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động không yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng, đó là công trình cột ăng ten thuộc hệ thống ăng ten nằm ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến. Công trình cột ăng ten không cồng kềnh tại khu vực đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động khác thuộc đối tượng được miễn phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và các quy định có liên quan. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động nêu trên cũng thuộc trường hợp không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 của điều này.

Tại điểm d khoản 2 quy định các công trình xây dựng nông thôn, nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, nhà ở riêng lẻ thuộc miền núi, hải đảo của khu vực không có quy hoạch đô thị. Quy hoạch xây dựng khu chức năng từ công trình xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa được miễn cấp Giấy phép xây dựng. Còn đối với nhà ở riêng lẻ không phải thông báo cho chính quyền địa phương nên khó khăn trong công tác quản lý cũng như xử lý các hành vi vi phạm. Để công tác quản lý xây dựng công trình ở nông thôn hiệu quả, hạn chế tình trạng xây dựng trái phép, đại biểu kiến nghị điều chỉnh một số nội dung cụ thể như sau:

Một là đối với công trình xây dựng dự án đầu tư xây dựng nông thôn chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt mà có quy hoạch nông thôn mới được cấp Giấy phép xây dựng, mới được triển khai thực hiện dự án.

Hai là đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, từ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa trước khi khởi công xây dựng công trình phải thông báo cho chính quyền địa phương biết để quản lý.

Nghĩa Đức - Bích Lan