ĐBQH ĐÔN TUẤN PHONG GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ

26/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, bàn về Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, đại biểu Đôn Tuấn Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, kiến nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung để đảm bảo chủ thể tham gia ký kết về phía Việt Nam bao quát hơn, đầy đủ hơn, đặc biệt, trong trường hợp phân cấp nhiều hơn nữa thì cần hết sức lưu ý đến năng lực của các cơ quan, nhất là ở cấp cơ sở.

 

Đại biểu Đôn Tuấn Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, phát biểu tại phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đôn Tuấn Phong tham gia đóng góp một số ý kiến và đưa ra các kiến nghị về Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế trước Quốc hội.

Theo đại biểu Đôn Tuấn Phong, vấn đề thứ nhất cần xem xét là về chủ thể ký kết Thỏa thuận quốc tế, dự thảo luật hiện nay đang đề xuất mở rộng chủ thể ký kết đến cấp huyện và cấp xã. Đại biểu cho biết trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh Ký kết thỏa thuận quốc tế thì cấp huyện và cấp xã ký tổng cộng 16 thỏa thuận, chiếm khoảng 0,8% tổng số thỏa thuận quốc tế đã ký trong giai đoạn đó. Nếu xét trên số xã là khoảng 11.000 xã với số huyện khoảng trên 600 huyện thì có lẽ tỷ lệ còn nhỏ hơn rất nhiều.

Cũng liên quan đến chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế khi quy định các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, v.v. chúng ta còn chưa nhắc đến một số loại hình tổ chức khác, như các tổ chức khoa học công nghệ, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, các hiệp hội, ngành, nghề v.v...

Ngoài ra, ở cấp tỉnh và cấp huyện cũng có những tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp mà chỉ có ở cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí chỉ có ở cấp xã. Đại biểu kiến nghị cần phải cân nhắc kỹ vấn đề đó để đảm bảo tính bao quát của quy định này.

Vấn đề thứ hai là nhiều thỏa thuận quốc tế hiện nay có liên quan đến viện trợ, bao gồm cả viện trợ ODA, viện trợ phi Chính phủ, cả viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài cũng như là tiếp nhận của Việt Nam từ nước ngoài và các nguồn viện trợ này bao gồm cả về kỹ thuật, tài chính, tài trợ trực tiếp. Như vậy, nếu thống kê theo báo cáo tổng kết thì chưa đầy đủ. Nguyên nhân chưa đầy đủ có thể do các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức không báo cáo đầy đủ dẫn đến thống kê còn thiếu. Từ thực trạng trên, đại biểu Đôn Tuấn Phong đưa ra một số nhận định như sau:

Thứ nhất, nếu dự thảo luật không điều chỉnh thỏa thuận về viện trợ thì có thể mâu thuẫn với thực tiễn mà chúng ta đã tổng kết 10 năm thực hiện.

Thứ hai, quy định mâu thuẫn trực tiếp với mục đích xây dựng luật. Mục đích xây dựng luật trong Tờ trình của Chính phủ có nêu: “Tranh thủ nguồn lực bên ngoài cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ cho công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước”. Với mục đích như vậy, đại biểu Đôn Tuấn Phong đặt câu hỏi: quy định không điều chỉnh liệu có mâu thuẫn với mục đích xây dựng luật hay không?

Từ các phân tích trên, đại biểu Đôn Tuấn Phong đưa ra một số đề nghị như sau:

Một là nếu quy định điều chỉnh thỏa thuận tới cấp huyện và cấp xã thì cần cân nhắc kỹ về mặt năng lực của chủ thể các cấp này, nhất là năng lực trong ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Hai là quy định về thủ tục sao cho đảm bảo vừa thông thoáng, nhưng đồng thời chặt chẽ trong quản lý hoạt động hợp tác quốc tế của các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã; cân nhắc và xem xét quy định điều chỉnh thỏa thuận có liên quan đến viện trợ, vì rất nhiều thỏa thuận chúng ta không thể thỏa thuận suông, mà trong đó phải có các nội dung hợp tác thực chất. Để hợp tác thực chất thì chắc chắn phải có các nội dung hợp tác về mặt kỹ thuật hay viện trợ về mặt kỹ thuật tài chính… nếu chúng ta tách ra thì vô hình trung rất nhiều thỏa thuận sẽ phải điều chỉnh.

Vấn đề thứ ba là cần rà soát, điều chỉnh, làm rõ và bổ sung các bên ký kết Việt Nam. Thực tế có rất nhiều loại hình các tổ chức khác, nếu chúng ta không quy định thì sẽ gặp khó khăn trong thực tiễn.

Vấn đề thứ tư, đề nghị rà soát và điều chỉnh các quy định liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan và đưa vào một chương chung để phù hợp với kỹ thuật lập pháp hơn. Ở đây quy định Chương VI là quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Vấn đề thứ năm là về các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, chính trị - xã hội nghề nghiệp mà trong dự thảo quy định là các tổ chức. Đại biểu Đôn Tuấn Phong cho rằng cách gọi tắt là các tổ chức rất khó hiểu, dễ gây hiểu lầm, nên lựa chọn một cách gọi khác như các tổ chức hội hay các tổ chức nhân dân sẽ phù hợp hơn.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong cho rằng mục 7 quy định một số điều còn khá mơ hồ, chưa đầy đủ, sơ sài. Ví dụ, quy định cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức chính trị xã hội hay tổ chức nhân dân ở cấp tỉnh mà lại có thẩm quyền quyết định cho ký kết thực hiện thỏa thuận quốc tế thì không phù hợp với thực tế, bởi các lý do sau:

Một là, không phải là cơ quan cấp tỉnh nào của các tổ chức xã hội này đều có bộ phận chức năng về đối ngoại và hợp tác quốc tế. Nếu có cũng là với chức năng tham mưu chứ không có chức năng quản lý, cũng không đủ thẩm quyền để ra quyết định về việc ký kết thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Hai là, ở cấp địa phương các hoạt động đối ngoại nói chung, trong đó có hoạt động ký kết thực hiện thỏa thuận hợp tác quốc tế do cấp ủy chính quyền địa phương quy định và quyết định chứ không theo ngành dọc, nghĩa là các tổ chức này không phải báo cáo và chờ quyết định của cấp trung ương do cấp ủy, chính quyền địa phương quy định và quyết định.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong bày tỏ mong muốn Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung để đảm bảo chủ thể tham gia ký kết về phía Việt Nam bao quát hơn, đầy đủ hơn. Trong trường hợp chúng ta phân cấp nhiều hơn nữa thì cần hết sức lưu ý đến năng lực của các cơ quan, nhất là ở cấp cơ sở.

Bùi Hùng

Các bài viết khác