Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại phiên họp.
Cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tham gia thêm 2 ý kiến cụ thể như sau:
Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Đại biểu ủng hộ thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, vì thực tiễn cho thấy việc thực hiện tổ chức chính quyền chung hiện nay đã bộc lộ một số những hạn chế nhất định. Việc thiết kế cùng một cơ cấu tổ chức và cơ chế chính sách chung cho chính quyền địa phương mà chưa phân định rõ sự khác biệt giữa địa bàn nông thôn và địa bàn đô thị đã khiến cho việc chế định một khung pháp lý không có nhiều sự khác biệt giữa chính quyền 2 khu vực này, từ đó dẫn đến sự bất cập trong công tác quản lý, điều hành. Thực tiễn đó cho thấy cần có những nghiên cứu, những thử nghiệm, mô hình chính quyền và hệ thống cơ chế, chính sách mới để giúp cho các đô thị rộng đường phát triển. Mấy năm qua, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù riêng để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết về thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội cũng cho thấy đây thực sự là một đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng các mô hình thí điểm đối với các địa phương này cần được nghiên cứu một cách chủ động, bài bản và đặt trong một kế hoạch tổng thể gắn với một giai đoạn nhất định để có thực tiễn xây dựng mô hình chính quyền đô thị và những cơ chế, chính sách đặc thù chung cho các thành phố. Theo đại biểu, việc tôn trọng tính đặc thù để tạo sự linh hoạt trong cơ chế quản lý, điều hành là điều rất cần làm, nhưng cũng cần tránh tình trạng một số địa phương sẽ tiếp tục đề xuất Quốc hội ban hành các nghị quyết đặc thù. Điều này có thể sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành trong hệ thống bộ máy chính quyền.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ rõ, cần đặt nghị quyết này trong mối quan hệ với các nghị quyết dành cho Thành phố Chí Minh và thành phố Hà Nội vừa qua để từ đó có thể đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật vì các thể chế, cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm như quy định tại điểm e khoản 2 Điều 14 dự thảo nghị quyết này. Sau tổng kết có thể nhân rộng ra các thành phố khác.
Thứ hai, về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân thành phố. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thành phố thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ngoài ra, trong dự thảo nghị quyết đã bổ sung thêm 4 nhiệm vụ như đã thể hiện ở Điều 4. Như vậy, so với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thành phố được quy định trong dự thảo nghị quyết này đã có sự bổ sung và tăng thêm khá nhiều như trong báo cáo thẩm tra đã phân tích.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân thành phố quy định chưa được rõ, so với những quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương vẫn chưa thấy được những điểm thay đổi mới. Theo đại biểu, đây là vấn đề Ban soạn thảo cần quan tâm, vì khi không tổ chức được Hội đồng nhân dân ở quận, phường thì Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng không thể hoàn toàn giống như mô hình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân như đang triển khai thực hiện ở các địa bàn khác.
Đại biểu nêu thắc mắc, tại sao tăng nhiệm vụ, quyền hạn bộ máy bên trong lại không quy định rõ số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng. Theo đại biểu, nếu tiến hành thí điểm như thế này sẽ không rõ được có tăng số lượng đại biểu không, tăng thì tăng như thế nào, căn cứ vào đâu để tăng. Vấn đề bộ máy các Ban của Hội đồng nhân dân có quy định gì khác về chức năng, nhiệm vụ, số lượng đại biểu chuyên trách có khác với các Ban của Hội đồng nhân dân hiện hành hay không?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ rõ, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, trong đánh giá tác động dự kiến nếu triển khai thực hiện theo nghị quyết này sẽ giảm 215 đại biểu Hội đồng nhân dân quận, 1.275 đại biểu Hội đồng nhân dân phường và tinh giản được 69 biên chế là đại biểu chuyên trách quận và phường, nhưng chưa tính đến có tăng hay không tăng số đại biểu chuyên trách Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Về vấn đề kiểm soát quyền lực của chính quyền đô thị theo mô hình thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận và cấp phường. Theo cơ chế làm việc, Ủy ban nhân dân quận, phường sẽ làm việc theo chế độ thủ trưởng. Như vậy, vấn đề kiểm soát quyền lực rất cần đặt ra. Theo quy định của nghị quyết, Hội đồng nhân dân thành phố được giao thêm nhiệm vụ giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, phường và Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân quận. Theo đại biểu, đây là một nhiệm vụ rất quan trọng. Trong bảng tổng hợp giải trình ý kiến thẩm tra, Ban soạn thảo đã đưa ra giải pháp là đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Từ đó khẳng định không đề xuất quy định tại dự thảo nghị quyết nội dung về cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân thành phố. Theo đại biểu, như vậy là không thuyết phục, về lý thuyết, việc kiểm soát quyền lực nhà nước hiện nay đang được thực hiện thông qua hai cơ chế.
Thứ nhất, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy nhà nước, bao gồm giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Thứ hai, cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài bộ máy nhà nước, bao gồm giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Hậu quả pháp lý trong cơ chế kiểm soát bên trong thường mang tính cưỡng chế nhưng kết quả của cơ chế kiểm soát từ bên ngoài vào chủ yếu được thực hiện dưới dạng kiến nghị. Như vậy sức mạnh của nó không thể đủ để có thể thay thế cho việc kiểm soát bên trong. Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy đề án cũng như dự thảo nghị quyết đã không thể hiện được cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở địa bàn thực hiện thí điểm có gì thay đổi so với các địa bàn khác.
Trên cơ sở phân tích trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, có những quy định rõ hơn về cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân thành phố về số lượng và chất lượng đại biểu, đặc biệt là đại biểu chuyên trách đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như đã được nêu trong nghị quyết. Đồng thời, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở địa bàn thực hiện thí điểm để có thể đáp ứng nhiệm vụ theo đúng mục tiêu đặt ra là xây dựng mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cũng như là phục vụ tốt hơn cho người dân. Đại biểu cho rằng nếu làm được điều này, người dân sẽ đồng tình ủng hộ và việc thí điểm sẽ thành công.