ĐBQH PHẠM TẤT THẮNG GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

01/07/2020

Góp ý vào dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tán thành việc cần thiết sửa đổi căn bản luật.

 

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, sau 14 năm thi hành, nhất là trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, việc sửa đổi căn bản luật là vô cùng cần thiết. Đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc của Ban soạn thảo, cơ bản tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào một số nội dung cụ thể của dự thảo luật.

Về quan điểm sửa đổi luật, để đáp ứng nhu cầu quản lý cũng như bảo hộ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo lưu ý hơn tới việc sửa luật để mở rộng cơ hội đi lao động ở nước ngoài hơn nữa cho người lao động bằng con đường chính thức, thay vì họ phải lựa chọn con đường bất hợp pháp và phải gánh chịu rủi ro bằng cách quy định đơn giản về thủ tục, giảm chi phí, công bố rộng rãi thông tin, quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Đại biểu kiến nghị cần tăng cường quản lý, hỗ trợ, bảo trợ người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Về chính sách của nhà nước đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tại khoản 4 Điều 4 quy định hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng, cho vay ưu đãi đối với người thuộc đối tượng chính sách xã hội đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đại biểu cho rằng, việc hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng là việc cần phải làm đối với tất cả người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, để tăng cường chất lượng, uy tín của người lao động Việt Nam. Đồng thời cũng là tăng khả năng thích ứng của người lao động Việt Nam khi đi lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề cho vay ưu đãi thì chỉ cần quan tâm đối với người lao động thuộc đối tượng chính sách xã hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định này cần diễn đạt lại như sau: “Hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cho vay ưu đãi đối với người thuộc đối tượng chính sách xã hội đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Về quỹ hỗ trợ việc làm ở nước ngoài. Đại biểu tán thành và ủng hộ khi dự thảo luật hoàn thiện quy định về quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước nhằm góp phần tạo nguồn lực để phát triển ổn định, mở rộng thị trường lao động ngoài nước, tạo cơ hội để người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao chất lượng nguồn lao động và hỗ trợ phòng ngừa, giải quyết rủi ro. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng tại dự thảo luật các quy định về quỹ hỗ trợ mới chỉ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ khai thác và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà chưa quan tâm đến việc hỗ trợ người lao động tự tìm được nguồn và ký kết hợp đồng lao động với đối tác của nước tiếp nhận. Trong khi, đây là đối tượng dễ gặp rủi ro mặc dù đối tượng này đã được quy định tại khoản 3 Điều 5. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định hỗ trợ đối với trường hợp này.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc công khai, minh bạch thông tin về số lượng ngành nghề, lĩnh vực và nước tiếp nhận lao động Việt Nam để các doanh nghiệp, trung tâm xuất khẩu lao động có định hướng trong xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo. Đồng thời, bản thân người lao động cũng tiếp cận được thông tin để định hướng học tập, rèn luyện kỹ năng, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của các thị trường tuyển dụng./.

Trọng Quỳnh