ĐBQH ĐẶNG NGỌC NGHĨA CHẤT VẤN BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VỀ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ

30/06/2020

Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh đang ở mức báo động, gây nhiều hệ lụy về sức khỏe con người. Vậy bài toán là chấp nhận ô nhiễm môi trường vì lợi ích tăng trưởng kinh tế, hay tăng trưởng kinh tế đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường? Đây là nội dung đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên- Huế, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn vượt mức cho phép.

Cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng quá tải. Tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên, nhất là vào giờ cao điểm và các kỳ nghỉ lễ, Tết. Không khí ngột ngạt vì ô nhiễm. Đây là kết quả quả của sự phát triển nóng, làm thay đổi bộ mặt đô thị thành phố nhưng điều này cũng đặt ra yêu cầu về về giảm mật độ dân số, phương tiện nội đô, hạn chế ùn tắc giao thông, đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường đang ngày càng cấp bách…

Theo các chuyên gia môi trường, có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. Trong đó phải kể đến các yếu tố như:

  • Quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư không hợp lý.
  • Hoạt động xây dựng chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu.
  • Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, đốt chất thải sinh hoạt, sản phẩm phụ nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định.
  • Chưa di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong nội đô.

Điều đáng nói là cụm từ “ô nhiễm bụi mịn PM 2.5” liên tục xuất hiện trên các bản tin dự báo thời tiết và tin tức thời sự trong những ngày gần đây. Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Kết quả quan trắc cho thấy có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí do yếu tố thời tiết khí hậu cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm giảm khả năng hòa trộn và phát tán chất ô nhiễm trong không khí.

Ô nhiễm không khí đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân tại các thành phố lớn

Còn tại Hà Nội, có nhiều thời điểm chất lượng không khí vượt quá giới hạn so với tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, chủ yếu ở mức kém và đã đến ngưỡng xấu. Các nghiên cứu cho thấy chất lượng không khí khu vực miền Bắc trong đó có thành phố Hà Nội chịu tác động rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu, ô nhiễm không khí thường tăng cao vào các tháng mùa đông, thời gian giao mùa, thời tiết khô cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

Theo trang dự báo chất lượng không khí Air Visual, trong khoảng một vài tháng gần đây, có thời kỳ trời không mưa, thì trong một tuần có đến 4-5 ngày mức độ bụi mịn ở Hà Nội đã ở mức có hại cho sức khỏe, phải hạn chế các hoạt động ở ngoài trời. Đặc biệt, đã có những ngày Hà Nội được xếp vào trong nhóm những thành phố ô nhiễm không khí bậc nhất trên thế giới.

Bà Trần Lệ Thùy, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nêu thực tế tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang tăng rất nhanh và ngày càng cao, thường xuyên đứng ở top 4 trên thế giới, đôi khi top 2 hoặc top 1. Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam, đặc biệt tại  Hà Nội ở mức khá nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội 

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định, ô nhiễm không khí là tác nhân gây hại tới sức khỏe con người, trong đó phải kể đến bụi mịn PM2.5. Bụi mịn và bụi siêu mịn là loại bụi có đường kính dưới 2.5 micromet. Vì vậy, kích thước của nó rất nhỏ, nhỏ hơn cả tế bào máu, nhỏ hơn cả hồng cầu, bạch cầu, thậm chí nhỏ hơn cả tiểu cầu. Do đó, bụi mịn có thể đi qua được thành của phế nang, vào sâu trong phổi và đi vào máu. Nếu thành phần của bụi càng phức tạp, chứa nhiều thành phần độc hại, nhất là thành phần ấy có thể là tác nhân gây ra ung thư thì bụi mịn là một trong những tác nhân gây ra các bệnh ung thư, bên cạnh các bệnh lý về hô hấp.

Ô nhiễm không khí: Thách thức trong quá trình phát triển.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đều đặn trong hàng chục năm nay đã giúp xóa đói giảm nghèo nhanh chóng, đưa Việt Nam từ một nước thu nhập thấp lên mức thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, cùng với mức tăng trưởng kinh tế ngoạn mục đó, chỉ số đo bụi mịn PM 2.5 ô nhiễm không khí ở một số thành phố lớn ở Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Kết quả nghiên cứu mới nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra ô nhiễm không khí khiến hàng chục nghìn người Việt Nam tử vong mỗi năm, thiệt hại 240.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% GDP cả nước. Cụ thể, năm 2018, 71.000 người chịu tác động của ô nhiễm môi trường, trong đó 50.000 người tử vong vì ảnh hưởng bởi không khí độc hại. Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ở thời điểm này ước tính 10,82-16,63 tỷ USD, tương đương 240.000 tỷ đồng, chiếm 4,45-5,64% GDP cả nước.

Nhắc đến các nguyên nhân gây nên ô nhiễm không khí nhìn từ góc độ kinh tế thì phải kể đến đó là xuất phát từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 90% năng lượng quốc gia  và tỷ lệ này không thay đổi nhiều theo thời gian. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng chuyển dịch các hoạt động sản xuất, chế biến và chế tạo gây nên ô nhiễm từ quốc gia phát triển sang các quốc gia phát triển chậm hơn trong đó có Việt Nam. Trong khi tình trạng gia tăng ô nhiễm không khí ở mức báo động, thì việc thực thi các giải pháp giảm ô nhiễm lại được triển khai chậm trễ. Điển hình như tiến độ thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô vẫn chậm so với kế hoạch đề ra.

Cụ thể, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn 12 quận của thành phố có 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ cao phải di dời. Hiện, Hà Nội mới hoàn thành việc khảo sát, đánh giá, phân tích và phân loại được 117 cơ sở gây ô nhiễm môi trường; đồng thời xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời toàn bộ 117 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành. Tính đến tháng 6/2019, có 67 cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại, với tổng diện tích hơn 100 ha; 27 cơ sở đã được thành phố chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Như vậy, danh mục, lộ trình di dời cũng được xác, đến cuối năm 2020, thành phố Hà Nội vẫn tiếp tục phải di dời 23 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô.

Bà Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá: Hà Nội là một trong những thành phố có mức ô nhiễm không khí ở mức báo động. Thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp cũng mang tính căn cơ, như di chuyển toàn bộ các làng nghề trong nội đô ra khỏi khu dân cư; đưa các trường học, bệnh viện ra ngoại thành… nhưng giải pháp này chưa được giải quyết triệt để trên thực tế.

Hơn 20 năm trước, nhiều khu, cụm công nghiệp được quy hoạch cách nội thành Hà Nội khoảng 25 - 35 km có thể được coi là phù hợp. Nhưng với sự phát triển chóng mặt của đô thị, những khu công nghiệp này nhanh chóng bộc lộ khuyết điểm và hạn chế, trong đó có nhiều khu công nghiệp nằm ở vùng lõi trung tâm bắt đầu gây ô nhiễm nặng nề. Nhìn vào danh mục các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô có thể thấy, bốn bề Hà Nội đều phát triển công nghiệp và mùa nào người dân cũng phải gánh chịu hậu quả của không khí ô nhiễm. Chính những cơ sở, khu công nghiệp này là thủ phạm gây ra nhiều hệ lụy về môi trường sống, mà vụ cháy tại Công ty Rạng Đông (quận Thanh Xuân) là một thí dụ điển hình. Dư luận lại tiếp tục đặt câu hỏi: đến bao giờ những nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở nội đô mới được di dời để không khí ở nội đô bớt ô nhiễm?.

Kinh nghiệm phát triển của các nước cho thấy, một số nước đã chấp nhận ô nhiễm môi trường vì lợi ích tăng trưởng kinh tế, nhưng một số nước khác thành công trong tăng trưởng kinh tế đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường. Vậy nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam là gì? Những giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng đã được triển khai trên thực tế như thế nào? Đây là nội dung đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV.

Sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có Công văn số 6541 trả lời chất vấn. Trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Ngọc Nghĩa, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận tại một số thời điểm tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn vượt mức cho phép, nhất là nồng độ bụi mịn PM 2.5. Hiện tượng ô nhiễm đối với các chỉ số bụi như: PM2.5, PM10 chỉ xảy ra mang tính cục bộ tại một số khu vực, một số thời điểm nhất định, các thông số khác vẫn nằm trong ngưỡng quy chuẩn cho phép.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, vấn đề ô nhiễm không khí là vấn đề thách thức đối với mọi quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí. Cụ thể:

- Theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên trong Quyết định số 985a/QĐ-TTg; xây dựng, ban hành quy định và hướng dẫn kỹ thuật về Kế hoạch quản lý chất lượng không khí của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hướng dẫn về đánh giá, xác định, kiểm kê và kiểm soát nguồn thải bụi PM10 và PM2.5.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường

- Xây dựng, thiết lập được mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục đủ lớn, giúp các cơ quan quản lý có thể theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo được chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố kiểm soát chặt nguồn khí thải gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn do giao thông, đặc biệt là kiểm soát được khí thải của ô tô, xe máy.

- Phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

- Phối hợp với các Bộ Xây dựng Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh/thành phố kiểm soát khí thải, bụi và tiếng ồn do hoạt động xây dựng tại các thành phố lớn, đặc biệt là khu vực xây dựng các khu dân cư cao tầng; kiểm soát, quản lý chặt nguồn phát sinh bụi, tiếng ồn từ công trình xây dựng…

Như vậy, trong công văn trả lời đại biểu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận thực trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các thành phố lớn. Có rất nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, cả chủ quan và khách quan. Ô nhiễm không khí gây tác hại nhiều mặt, không khỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn tác động đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu ra một số giải pháp nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí. Vậy những giải pháp này đã phù hợp, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm không khí đã và đang diễn ra hiện nay? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế về nội dung này:

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế

Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã trả lời phỏng vấn. Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Xin đại biểu cho biết xuất phát từ đâu mà đại biểu đã chất vấn vấn đề này?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: Tại Kỳ họp thứ 8 tôi rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam, trong đó tình trạng ô nhiễm ở các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hai thành phố trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Cần có giải pháp nào đảm bảo chất lượng không khí.

Phóng viên: Sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời đại biểu, đại biểu có hài lòng với n ội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: Sau khi tôi chất vấn, đồng chí Bộ trưởng trả lời tương đối thuyết phục vừa đưa ra các giải pháp về chủ trương, chính sách nhưng cũng có đưa ra những giải pháp cụ thể để giải quyết thực tiễn hiện nay. Qua theo dõi, sau gần 1 năm kể từ khi tôi chất vấn thì thấy nhiều chuyển biến trên thực tế. Đối với vấn đề giải quyết ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường giữ vai trò chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết. Riêng về ô nhiễm môi trường, tôi thấy rằng Bộ đã thành lập hệ thống quan trắc để đo chỉ số ô nhiễm môi trường trong từng giờ và từng giai đoạn.

Phóng viên: Theo đại biểu đánh giá,đâu là những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn trong thời gian vừa qua?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: Thực tế hiện nay môi trường hiện nay có nhiều vấn đề, trong đó có chất lượng không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hàng năm có nhiều bệnh nan y xảy ra thì nguyên nhân do yếu tố môi trường và nguồn nước. Vì vậy, tôi thấy đây là nội dung quan tâm của toàn cầu, nhất là trong điều kiện hiện nay, việc phát triển nóng các ngành sản xuất công nghiệp, gây ô nhiễm lòng sông, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường…

Phóng viên: Tại văn bản trả lời, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu lên nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí. Đại biểu thấy những giải pháp này đã có chuyển biến thực tế như thế nào?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: Tôi thấy rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp rất tốt với các cơ quan truyền thông đại chúng để thông báo hàng ngày cho người dân được biết và có cảnh báo. Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành và tìm ra nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm, trong đó đã chỉ ra một số nguyên nhân. Tuy nhiên, đối với nguyên nhân chủ quan, tôi thấy rằng cần phải phối hợp đồng bộ hơn, đặc biệt, trong thời điểm diễn ra dịch Covid 19 thì hoạt động giao thông giảm, nên môi trường trong lành.

Phóng viên: Để giảm ô nhiễm môi trường, theo đại biểu cần có những giải pháp căn cơ nào?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: Tôi đề nghị Bộ trưởng cần tìm ra nguyên nhân chủ yếu để giải quyết. Ngoài ra, không khí bao trùm rộng khắp, nên cần nghiên cứu cả ở những vùng phụ cận các thành phố lớn. Trong quy hoạch, đối với nhà máy gây ô nhiễm môi trường, cần phải tính toán sự lan tỏa của làn khói như thế nào. Tôi thấy thời gian qua, thực hiện Đề án của Chính phủ di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm, thì Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện. Hậu quả của để nhà máy gây ô nhiễm ở trung tâm thành phố đó là vụ cháy tại Nhà máy Rạng Đông thời gian qua. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc của người dân, tôi thấy rằng rất quan trọng. Bởi thực tế có tình trạng người dân đốt vàng mã trong các dịp lễ, tình trạng đốt rơm rạ, xả thải ra môi trường….  Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng cũng cần có quy định chặt chẽ đối với hoạt động của các loại xe; các hoạt động xả rác xây dựng ra môi trường.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần tham mưu cho Chính phủ về các giải pháp giảm ô nhiễm không khí. Đặc biệt phối hợp tốt hơn nữa với các bộ ngành liên quan giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Qua ý kiến của đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa có thể thấy, ô nhiễm không khí là một hệ quả không mong muốn của việc tăng trưởng của đất nước. Nhưng ô nhiễm không khí có khả năng âm thầm gây ra những tác hại to lớn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội, nhất là sức khỏe người dân. Nếu không có những giải pháp triệt để và toàn diện thì tình trạng ô nhiễm không khí sẽ trở nên ngày càng trầm trọng. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu Chính phủ xây dựng các giải pháp tổng thể; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan quyết liệt ngăn chặn các nguồn gây nên ô nhiễm, góp phần quan trọng tạo sự phát triển bền vững của đất nước./.

Lan Hương