Tập trung phát triển du lịch nội địa.
Quận Hoàn Kiếm, nơi tập trung nhiều di tích, danh lam thắng cảnh của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đã khiến doanh thu ngành du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Theo số liệu từ Sở Du lịch Hà Nội, trong khách du lịch đến Hà Nội ước tính sẽ đạt 4,93 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2020, giảm 65,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 18,9 nghìn tỷ đồng, giảm 61,5% so với cùng kỳ năm trước (tương đương giảm 30.250 tỷ đồng).
Tính trên phạm vi cả nước, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1 đạt gần 3,7 triệu lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019. Khách du lịch nội địa đạt 13 triệu lượt khách, trong đó có 6,8 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 143.600 tỉ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019.
PGS.TS Dương Văn Sáu, Trưởng Khoa Văn hóa du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phân tích, cùng với các ngành kinh tế khác, ngành du lịch chịu thiệt hại quá nặng nề, tuy nhiên, đây cũng có thể coi là dịp “lửa thử vàng”. Nhân cơ hội này ngành du lịch cần sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tái cơ cấu lại để tìm hướng phát triển phù hợp. Đồng thời, trong dịp này, du lịch cũng có cơ hội thay đổi chính mình, tạo ra sự thay đổi nếu bình thường khó có thể tách ra để nhìn lại mình.
Hiện tại, Việt Nam chưa đón khách du lịch quốc tế, do đó phát triển du lịch nội địa là mục tiêu trước mắt của ngành Du lịch. Do vậy, nhằm kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để người dân du lịch tới các vùng miền trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch COVID-19, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 1749 phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Thời gian thực hiện Chương trình là từ ngày 1/6 đến ngày 31/12/2020.
Tập trung phát triển du lịch nội địa giúp ngành Du lịch phục hồi và phát triển trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Tại phố đi bộ Hoàn Kiếm, sau những ngày thực hiện giãn cách toàn xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid 19, những ngày gần đây, nhiều chương trình, kế hoạch thu hút khách du lịch đã được thành phố Hà Nội triển khai nhằm vực dậy ngành kinh tế mũi nhọn đang gặp rất nhiều khó khăn sau dịch bệnh Covid-19 này. Theo đó thành phố ưu tiên phục hồi thị trường khách du lịch nội địa, sau đó mới là thị trường khách du lịch quốc tế.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội đã tổ chức các hoạt động du lịch tại phố đi bộ với mục tiêu tuyên truyền, quảng bá để thu hút người dân đến tham quan Thủ đô nhằm kích cầu du lịch phát triển. Qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần chung tay, đóng góp vào sự phát triển của du lịch Thủ đô ngày càng phát triển hơn.
Để thu hút khách du lịch nội địa, Hà Nội sẽ thực hiện kích cầu du lịch bằng việc kêu gọi các điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành cùng cam kết giảm giá, dành ưu đãi cho du khách; ra mắt những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn và rõ tính đặc trưng của Hà Nội. Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức những sự kiện như lễ hội văn hóa, ẩm thực để thu hút khách tham quan. Phấn đấu các tháng cuối năm 2020, Hà Nội đón lượng khách du lịch nội địa đạt mức cao nhất so với cùng kỳ 6 tháng cuối năm 2019 (ước khoảng 10-11 triệu lượt khách).
Cùng với Hà Nội, nhiều địa phương trong cả nước cũng đang có nhiều kế hoạch kích cầu du lịch nội địa. Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 với chủ đề “Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”. Theo đó, Thừa Thiên Huế sẽ có chính sách ưu đãi khuyến mãi tốt cho du khách và doanh nghiệp và lữ hành đưa khách đến địa phương; xây dựng và kết nối các sản phẩm có giá trị riêng và chung để tạo thành chuỗi dịch vụ; thống nhất nội dung truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng. Ngoài ra, nhiều chương trình hấp dẫn khác như: giảm vé tham quan di sản, khai thác các tour du lịch sinh thái cộng đồng, áp dụng thẻ điện tử du lịch...
Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu nói chung và ngành du lịch nói riêng chao đảo, trong đó có Việt Nam. Chính phủ các nước phải áp dụng các biện pháp chưa từng có để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh bao gồm đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động vận tải đường không quốc tế và nội địa. Chính vì vậy, lữ hành quốc tế trong giai đoạn này tiếp tục “đóng băng”, buộc các doanh nghiệp lữ hành chuyển sang thị trường nội địa.
Hưởng ứng chương trình trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phát động, những ngày qua, các công ty lữ hành đã tung ra hàng loạt gói kích cầu, giảm giá từ 30% đến 70% và tập trung vào du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng...
Điển hình như từ ngày 15/5 đến 31/12, Hãng hàng không Vietnam Airlines phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các công ty lữ hành uy tín như Hanoitourist, Saigontourist, Vietrans Tour, Vietravel, HanoiRedtours tung ra chùm tour ưu đãi giảm tối đa 40% khi đi theo nhóm tối thiểu 6 người. Các hãng hàng không như Bamboo Airways, Vietjet Air cũng tung ra các chương trình khuyến mãi mua vé 0 đồng, mua vé máy bay trả góp lãi suất 0%... Nhờ vậy, tại thời điểm này nhiều điểm du lịch đã kín chỗ.
Anh Trần Trung Kiên, đại diện truyền thông Công ty Du lịch Viettrantour, cho biết, hưởng ứng chiến dịch Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thì công ty chúng tôi cũng đưa ra các gói du lịch đi đến các điểm của vùng biển Việt Nam để giúp người dân có thêm lựa chọn cho kỳ nghỉ năm nay.
Cũng với mục tiêu tập trung vào thị trường du lịch nội địa, Công ty Du lịch Hanoi Redtours đã triển khai nhiều tour du lịch kích cầu, trong đó ưu tiên tiết kiệm chi phí. Có một số địa điểm, công ty còn tổ chức các tour không lợi nhuận để kích thích nhu cầu của khách hàng, ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Redtours cho biết.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, ngoài giảm giá kích cầu du lịch, các doanh nghiệp lữ hành cũng đã tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mới, nhất là các gói sản phẩm phù hợp với thị trường khách du lịch trong nước. Ông Thắng cho biết, thời điểm hiện nay khi dịch bệnh Covid 19 trên thế giới chưa được kiểm soát, thì chỉ có du lịch nội địa là cứu cánh cho ngành du lịch. Mặt khác, trong khi chờ tình hình dịch Covid-19 trên thế giới kết thúc, thời điểm này ngành du lịch Việt Nam cũng cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế với nhiều giải pháp như tăng cường tiến hành xúc tiến, quảng bá, triển khai nhiều gói kích cầu. Đặc biệt, xây dựng hình ảnh, điểm đến an toàn chính là yếu tố mấu chốt để du lịch Việt Nam bứt phá mạnh mẽ sau đại dịch.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam
PGS.TS Dương Văn Sáu, Trưởng Khoa Văn hóa du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phân tích: Muốn du lịch phát triển cũng cần giải pháp tổng thể của nhiều cấp, nhiều ngành, từ Chính phủ tới các địa phương và mỗi một doanh nghiệp du lịch. Các cơ chế ưu đãi về thuế, thuê mặt bằng, ưu tiên phát triển công nghệ thông tin, thanh toán trực tuyến cần được tiếp tục đẩy mạnh. Chúng ta cũng cần thay đổi thị trường khách và sản phẩm du lịch, cần sàng lọc sản phẩm du lịch không còn phù hợp, tạo ra thời cơ mới và phong cách mới trong lĩnh vực du lịch, như Thủ tướng Chính phủ đã nói “trong nguy có cơ”. "Hy vọng rằng, sau thời điểm này, ngành du lịch sẽ rủ bỏ những vướng mắc tạo ra sự bùng nổ, tạo sức đột phá trong sự phát triển chung của đất nước, vì đất nước có phát triển thì du lịch mới phát triển", PGS.TS Dương Văn Sáu nói.
Có thể nói, đại dịch Covid-19 chính thức làm tê liệt ngành du lịch thế giới nói chung, ngành du lịch Việt Nam nói riêng. Theo ước tính của Tổ chức Du lịch thế giới, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, ngành Du lịch ước tính thiệt hại tới 1.200 tỉ USD, 120 triệu lao động mất việc. Còn tại Việt Nam, tổng thu từ nguồn du lịch giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019. Điều đáng lo ngại là tác động của dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề lĩnh vực, làm giảm sút thu nhập, khiến người dân có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm hơn. Chính điều này càng khiến nỗ lực phục hồi ngành du lịch của Việt Nam khó khăn hơn và khó đạt được mục tiêu đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Vậy cụ thể những thiệt hại do dịch bệnh ảnh hưởng như thế nào đến ngành du lịch? Cần có những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá nào để kích cầu du lịch, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid 19 trên thế giới vẫn diễn biến khó lường? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:
Phóng viên: Thưa đại biểu, mặc dù dịch bệnh Covid 19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát, nhưng trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, vậy trong thời điểm này, ngành du lịch cần tập trung vào thị trường nào?
- Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Dịch covid ảnh hưởng đến toàn cầu, đặc biệt là ngành du lịch. Theo quan điểm của tôi, trong thời điểm hiện tại chỉ nên kích cầu du lịch nội địa. Còn đối với du lịch nước ngoài, chúng ta cũng cần thận trọng,bởi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát. Vì vậy, chúng ta cần bình tĩnh, không quá nóng vội. Tôi ủng hộ ngành du lịch đang tìm các phương án kích cầu, quảng bá du lịch, nhưng cũng không nên quá nóng vội mở cửa đón khách du lịch quốc tế.
- Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Tôi cho rằng, ngành du lịch là một trong những ngành chịu tổn thương nhiều nhất do dịch Covid 19. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, hơn 2 triệu khách Hàn Quốc và gần 1 triệu khách Nhật Bản. Tuy nhiên hiện nay, các nước này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Do vậy, khách du lịch từ các quốc gia này đến nước ta sẽ giảm, kéo theo các ngành hỗ trợ trực tiếp cho ngành du lịch như hàng không, giao thông vận tải, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn cũng giảm theo. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay chưa thể đón khách du lịch nước ngoài, thì các đơn vị lữ hành du lịch cần tập trung phát triển, thu hút khách du lịch nội địa để từng bước phục hồi ngành du lịch.
Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng
Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu, ngành du lịch cần thực hiện những giải pháp nào, để giảm bớt khó khăn, thực hiện mục tiêu du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước?
- Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Tôi cho rằng, trong thời điểm này chúng ta cần bồi dưỡng, củng cố cơ sở vật chất thế nào để sau khi kiểm soát được dịch bệnh thì dịch vụ ngành du lịch cũng tốt hơn, khi đó sẽ tăng lượng khách du lịch nước ngoài. Như vậy nguồn thu của ngành du lịch mới vượt trội và bền vững. Trong thời điểm này, khi chưa mở cửa, thì cũng cần bình tĩnh và chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất để đón đầu cho sự phát triển mới của ngành du lịch.
Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang
- Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Ngành du lịch cần triển khai các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch đã tiên phong trong phục vụ cách ly khách du lịch, ưu tiên các doanh nghiệp đăng ký chương trình kích cầu du lịch sau dịch.
Tôi cho rằng, có 2 vấn đề cần quan tâm là triển khai đầy đủ các tiêu chí về du lịch an toàn và làm thế nào để người dân có tiền đi du lịch. Hiện chúng ta chưa có đề xuất cho vay kích cầu, phát triển du lịch nội địa. Muốn cho vay kích cầu phát triển du lịch trong nước thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng như chính quyền các địa phương phải đưa ra những chính sách cho hỗ trợ doanh nghiệp du lịch để thực hiện những kế hoạch phục hồi du lịch.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
- Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Theo quan điểm của tôi, tập trung phát triển du lịch nội địa là phù hợp trong thời điểm này, tuy nhiên để đảm bảo an toàn du lịch nội địa, cần chuẩn bị các phương án như giao thông hàng không, đường sắt thuận lợi, an toàn, cơ sở hạ tầng đầy đủ cho người dân. Thời điểm này, các điểm du lịch ở vùng biển, vùng núi, các địa phương cũng cần có kế hoạch tiếp đón du lịch an toàn, chu đáo, sản phẩm du lịch cũng cần được đổi mới, với nhiều giả pháp đồng bộ thì tôi tin rằng, lượng khách nội địa sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các đại biểu!
Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát nhưng du lịch quốc tế vẫn đình trệ do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đưa ra dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, khách du lịch nội địa sẽ chiếm tới 95% tổng lượng khách trong năm 2020. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng “trong nguy có cơ”, các công ty du lịch Việt Nam đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, việc kích cầu du lịch chỉ là một trong những yếu tố của kích cầu nội địa, bao gồm cả kích cầu tiêu dùng, kích cầu mua sắm, kích cầu ẩm thực...
Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, thì vai trò của chính quyền các địa phươgn rất quan trọng, đặc biệt là tạo ra môi trường kích cầu tốt, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp lữ hành, cần thống nhấtm ức giảm giá, không thể để xảy ra tình trạng mạnh ai nấy giảm, mà rất cần một “nhạc trưởng” trong việc kích cầu giảm giá. Bên cạnh các giải pháp kích cầu du lịch trong nước, thì ngành du lịch nói chung cũng như các đơn vị lữ hành du lịch nói riêng cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết nhất là cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực để có thể sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế khi dịch Covid 19 được kiểm soát trên toàn thế giới./.