Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, những tháng đầu năm 2020, thế giới có nhiều xung đột và khó khăn làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, tiếp tục thực hiện mục tiêu xác định của Chính phủ: bứt phá, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cuối nhiệm kỳ 2016-2020, kết quả nổi bật là chủ trương của Đảng đúng đắn, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và toàn dân hết sức đồng lòng.
Một số lĩnh vực tạo được niềm tin và dấu ấn trong lòng dân, đó là Chính phủ chi nguồn ngân sách 62 nghìn tỷ đồng. Hệ thống ngân hàng khi có thông tin về dịch COVID đã có những chủ động chỉ đạo các đơn vị tham mưu khẩn trương nắm bắt, dự báo tình hình, đề xuất giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng. Rà soát, đánh giá mức độ gây hại của dịch, xây dựng các kịch bản hành động và chương trình cụ thể. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo thanh khoản trong nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng chính sách cũng đã đi vào sát lòng dân, cho vay xóa đói, giảm nghèo...
Tuy nhiên, để có sự đồng nhất, tạo đà bứt phá, đưa nền kinh tế phát triển bền vững, cùng với thực hiện "không để ai bị bỏ lại phía sau", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị có chủ trương "không để tỉnh nào ở lại phía sau". Đại biểu có những kiến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất, tập trung giải pháp phòng, chống, ngăn chặn nạn phá rừng hiện nay. Tình trạng phá rừng đang diễn ra ở mọi lúc, nhiều nơi rất nghiêm trọng và có dấu hiệu một số sai phạm được che chắn, bảo kê. Phần lớn vi phạm có báo chí ở xa nhưng phát hiện lên tiếng cảnh báo, còn cơ quan quản lý ở gần nhưng không nhận thấy và không phát hiện, xử lý.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Thứ hai, trong tình trạng dịch COVID-19 có nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao, kéo theo nhiều lao động mất việc làm, thất nghiệp, nguồn thu của quốc gia giảm sút nghiêm trọng, hậu quả để lại cho hệ thống ngân hàng tăng nợ xấu. Đại biểu phản ánh, dẫu rằng nghị quyết chiến lược trong thực hiện chủ trương chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng đã gặp mặt, đối thoại, chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và đề cập tình trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, phiền hà, bắt nạt, nhưng sau Thủ tướng vẫn còn một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Không ít doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, khai thác khoáng sản xuất khẩu nhưng đề xuất kiến nghị xin cấp phép xuất khẩu chưa được quan tâm để giải quyết. Trong lúc đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn, vay vốn ngân hàng hàng nghìn tỷ để đầu tư mua sắm phương tiện, đưa dây truyền thiết bị để phục vụ cho sản xuất. Nhưng hàng hóa xuất khẩu không được xuất khẩu, tồn đọng trong kho quá lớn, vốn liếng doanh nghiệp tồn đọng, nguy cơ phá sản, nhà nước không có cơ hội để thu ngân sách. Không ít doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời và một số dự án khác vay vốn xây dựng kế hoạch đầu tư, có doanh nghiệp cơ bản đã hoàn thành từ năm 2019 nhưng do vướng mắc của Luật Quy hoạch, nay Luật Quy hoạch đã có nghị quyết hướng dẫn của Quốc hội nhưng đến nay vẫn dừng, chờ, làm chậm tiến độ không được giải quyết. Trong lúc đó, nguồn điện quốc gia thiếu, doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc, nguy cơ nợ nần, phá sản, các địa phương lại không hoàn thành mục tiêu, kế hoạch trong nhiệm kỳ, nguồn thu ngân sách của quốc gia và của địa phương cũng thu hụt.
Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội đã có kiến nghị nhưng tiến độ vẫn chậm, do vậy đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo xử lý, mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo nguồn thu ngân sách cho quốc gia và cho tỉnh. Đại biểu nhận thấy hoạt động phòng, chống tham nhũng làm tốt nhưng phòng, chống lãng phí chưa thực sự tốt, đặc biệt là các doanh nghiệp thua lỗ, nợ nần, phá sản, từ đó đại biểu đề nghị phải kiểm tra nguyên nhân này, có nguyên nhân cá nhân và tổ chức nào gây khó khăn, cản trở để doanh nghiệp phá sản hay không, đề nghị phải tập trung xử lý.
Thứ ba, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cùng làm việc với thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” thì cùng đồng hành thực hiện mục tiêu “không để tỉnh nào ở lại phía sau”. Thực tế, các thành phố đã có cơ hội phát triển kinh tế, còn có nghị quyết, chế độ thực hiện mục tiêu riêng, có cơ hội thu hút vốn doanh nghiệp đầu tư, còn tỉnh nào đã khó khăn lại khó khăn hơn trong thu hút, đặc biệt là vốn FDI. Khó khăn riêng là nhiều tỉnh xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, tốc độ phát triển không cao, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, thiếu đồng bộ, vị trí địa lý nằm xa các trung tâm kinh tế lớn, xa các vùng kinh tế trọng điểm, điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thậm chí còn có nguy cơ rủi ro không có sức cạnh tranh, nguồn nhân lực có trình độ tay nghề hạn chế và hiệu quả đầu tư thấp.
Để “không có tỉnh nào ở lại phía sau”, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự quan tâm, điều chỉnh các định hướng thu hút đầu tư đến các tỉnh còn khó khăn, tạo điều kiện, cơ hội cho các tỉnh phát triển về kinh tế - xã hội. Quán triệt thực hiện tốt nghị quyết của Bộ Chính trị định hướng hoàn thành thể chế chính trị, thực hiện tốt nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến 2030, xác định ngành, lĩnh vực được ưu tiên nhằm mục tiêu định hướng, thu hút một cách chủ động đến các khu vực và các tỉnh khó khăn; tăng cường nguồn đầu tư vốn hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; tạo cơ hội quảng bá hình ảnh về tiềm năng, cơ hội đầu tư, xây dựng quy chế phối hợp với các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế.